BỐN HẠNG NGƯỜI (P.1)

Bốn hạng người này được Đức Phật tỷ dụ như bốn cách trời mưa, bốn cách trời mưa là như thế nào? Đó là:

  1. Chuyển gầm mà không mưa.
  2. Không chuyển gầm mà mưa.
  3. Chuyển gầm mà mưa.
  4. Không chuyển gầm mà cũng không mưa.

Thưa quý vị, Đức Phật dạy cũng có bốn hạng người cũng giống như bốn cách trời mưa, hằng xuất hiện ở đời. Thế nào là hạng người như vậy? Thưa quý vị:

  1. Có người như chuyển gầm mà không mưa.
  2. Có người như không chuyển gầm mà mưa.
  3. Có người như chuyển gầm và mưa.
  4. Có người như không chuyển gầm cũng không mưa.

Thế nào là người như chuyển gầm mà không mưa?

Thưa quý vị, người chuyển gầm mà không mưa nghĩa là người hay nói, nói rất nhiều. Trong giữa bạn bè hay hội chúng, người ấy rất hoạt bát, lanh lẹ, lợi khẩu, nói điều cao xa tưởng chừng như là người thông suốt tất cả, hiểu thông mọi việc vậy. Nhưng mà về cái phẩm thì họ không hành được chút gì đối với lời của họ, người ấy chỉ là ngưới năng thuyết bất năng hành, hay nói mà không hay làm, đó là người như chuyển gầm mà không mưa.

Thưa quý vị, xét về hạng người này, chúng ta thấy chẳng có lợi ích chi, cũng như con lân biết đi múa cho người ta xem mà mình thì bụng đói. Cũng vậy hạng người chỉ biết nói mà không hành thì không hưởng được quả báu của việc làm. Mình nói nhiều điều hay lẽ phải, có lợi ích khiến cho kẻ khác hành theo được tiến hóa an vui; riêng mình vì không hành theo lời ấy nên vẫn chất chứa phiền toái, khổ đau. Đó cũng là hạng người không biết thương mình thi hành thiện Pháp, không nên làm việc dữ.

Tôi còn nhớ trong kinh Pháp cú (Dhammapāda) Đức Phật có dạy rằng:

“Dù nói nhiều kinh điển

Phóng túng, không thực hành

Chẳng hưởng sa môn quả

Như mục đồng đếm bò.”

Gọi là Sa môn quả đây có nghĩa là chỉ cho những thành quả giải thoát, tức là bốn bậc Thánh: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán. Đối với người dù nếu nói nhiều kinh điển Giáo lý mà lại dễ duôi, không có thực hành theo; Thời Phật dạy cũng giống như kẻ mục đồng từ sáng đến chiều đếm số bò cho đủ của chủ để trả về chuồng, đến khi bò cái có sữa thì chủ bò hưởng, chớ họ không được hưởng. Cũng vậy người có nói mà không hành thì quả vị giải thoát đâu có cho họ hưởng.

Thưa quý vị, đến đây tôi xin nhắc ra chuyện tích của một vị Tỳ khưu nọ, vào thời Đức Phật:

Vị kia vốn là Pháp sư, thông suốt Giáo pháp nhưng còn là phàm tăng, còn vị Tỳ khưu nọ là thiền sư, tuy không thông suốt nhiều Giáo lý nhưng thực hành đúng đầy đủ và đắc quả A-la-hán. Vị pháp sư phàm tăng không thực hành những điều mình đã học và thuyết, nên vẫn còn phiền não chất chứa. Một hôm vị pháp sư ấy muốn gây rối cho vị Thánh tăng, trước mặt Đức Phật và Tăng chúng đã đặt ra nhiều câu hỏi gút mắc. Biết rõ ý định thấp hèn ấy, Đức Phật bèn nêu ra vài câu hỏi có liên quan đến sự Chứng ngộ chân lý Giáo pháp. Với kinh nghiệm bản thân, vị thiền sư A-la-hán trả lời được tất cả. Nhưng vị pháp sư vì chỉ học nhiều, nói nhiều mà không có hành, không đắc quả, nên không trả lời được. Nhân cơ hội đó Đức Phật mới thuyết lên câu kệ:

“Dù nói nhiều kinh điển

Phóng túng, không thực hành

Chẳng hưởng sa môn quả

Như mục đồng đếm bò.”

Thưa quý vị, nhắc tích này để Quý vị thấy người nói mà không hành thì không có lợi ích, cũng như vị Tỳ khưu pháp sư kia vậy. Thế nên, người Phật tử hãy hành những gì mình đã nói, dù chưa được thành tựu, nhưng cũng có cố gắng. Nơi đây bảo như vậy nghĩa là chúng tôi chỉ muốn nói: Chúng ta biết nói điều lành, thiện, thì hãy làm điều lành thiện.

Thế nào là người như không chuyển gầm mà mưa?

Thưa quý vị, người như không gầm mà mưa, nghĩa là không hay nói, ít nói giữa bạn bè hay trong hội chúng hoặc sống với mọi người, người ấy giữ im lặng, không bàn luận, không có lợi khẩu. Tuy vậy, nhưng họ hành động thực hành, cố gắng làm cho đủ những gì mình đã biết. Đó gọi là người như không gầm mà mưa!

Thưa quý vị, xét về hạng người này, chúng ta nên phân biệt có hạng xấu có hạng tốt: (1) Có người lầm lì thầm kín, không nói gì cả, mà họ làm những việc tày trời, thâm ác không thể ngờ ấy là hạng xấu; (2) Còn có người không nói gì hết, không tuyên bố gì cả, ấy thế mà họ lại thực hành, làm theo một cách hoàn mãn những gì bổ ích, lợi ích, tốt đẹp là thiện pháp, chúng ta cũng không ngờ được, ấy là hạng tốt. Ở đây, chúng ta chỉ bàn về hạng tốt mà thôi.

Thưa quý vị, hạng người dù không nói mà có làm, có thực hành; hạng người ấy không như con lân, mà cũng giống như con sư tử vậy. Con sư tử lặng lẽ ở rừng sâu, im lìm bên bờ suối, chỉ chuyên bắt mồi ăn, nên được no bụng. Cũng vậy người không nói mà làm, dù không được ai biết đến, nhưng chính bản thân hưởng được quả báu của việc làm một cách tròn đủ, luôn luôn tự tại an vui. Và chính hạng người này nhờ vậy mà cũng được thành đạt Thánh quả, hưởng an Niết-bàn là trạng thái rốt ráo an vui.

Thế nên trong Kinh Pháp cú (Dhammapāda) Đức Thiên Nhơn Sư có dạy rằng:

“Dù nói ít kinh điển

Nhưng sống thực hành pháp

Đoạn trừ tham sân si

Tỉnh giác, tâm giải thoát

Không chấp thủ mong cầu

Đời này hoặc đời sau

Ắt hưởng sa môn quả.”

Nói hành Pháp tùy Pháp đây tức là thực hành pháp theo đúng Giáo lý chánh truyền mà mình đã biết hiểu, người như vậy là người hành pháp tùy pháp. Đức Phật dạy: “Người hành theo pháp, từ bỏ tham lam, sân hận và si mê, có Tri kiến chân chánh, tâm siêu thoát mọi ràng buộc, không còn sự chấp thủ về đời sống này hay đời sống sau. Cho dù như vậy người ấy không biết nói nhiều về kinh pháp, nhưng tất hưởng được Thánh quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm hoặc A-la-hán.”

Thưa chư Đạo hữu, đến đây tôi sẽ điển hình một câu chuyện có liên quan đến vấn đề này. Câu chuyện ấy là chuyện vị Thiền sư và vị Pháp sư vào thời Đức Phật, mà tôi có nhắc tóm tắt ở chi pháp trước. Bây giờ xin kể rõ lại để Quý vị nhận thấy trạng thái thành công của người dù không nói mà hành.

Khi xưa lúc Đức Phật còn tại thế có hai người bạn tâm giao cùng đi xuất gia theo Đức Phật. Khi xuất gia xong, một vị thích pháp hành, nên vào đảnh lễ Đức Phật xin đề mục hành thiền thích hợp, rồi từ giã vị Sư bạn đi vào rừng Tu thiền. Kiên trì, tinh tấn, chẳng bao lâu vị Sư ấy trí Tuệ viên mãn, đoạn tận mọi phược triền và đắc quả A-la-hán.

Nói về vị kia thì trái lại, thích pháp học hơn, nên cố tìm tòi nghiên cứu Giáo lý, trở thành một vị Pháp sư danh tiếng, dạy dỗ chư Tăng rất đông, thuyết pháp thâu rất nhiều đệ tử.

Một thời gian sau, vị thiền sư A-la-hán mới trở về đảnh lễ Phật và sang thăm vị pháp sư bạn khi ấy vẫn còn là phàm tăng. Vị pháp sư này có ý khinh bạn mình có lẽ trí tuệ kém, ít hiểu pháp, nên định phỏng vấn về Giáo lý một ít. Đức Phật thấu hiểu tâm vị ấy, nên ngự đến giữa hai vị ấy và chư Tỳ khưu đệ tử, sau đó Thế Tôn nêu lên ba câu hỏi có liên quan đến sự chứng ngộ giải thoát.

Vị pháp sư lúc bấy giờ không có kinh nghiệm thực chứng nên chẳng biết trả lời ra làm sao, Đức Phật xoay qua hỏi lại vị thiền sư A-la-hán, vì vốn là bậc Thánh vô học, đã tự thân chứng ngộ chân lý rồi nên rút kinh nghiệm bản thân, vị Thiền sư trả lời một cách thông suốt.

Đức Phật “Sādhu” ba lần, sau đó Ngài dạy:

“Dù nói ít kinh điển

Nhưng sống thực hành pháp

Đoạn trừ tham sân si

Tỉnh giác, tâm giải thoát

Không chấp thủ mong cầu

Đời này hoặc đời sau

Ắt hưởng sa môn quả”

Trước đó Ngài đã đọc lên câu kệ liên quan đến thái độ của vị Pháp sư mà tôi đã trình bày trước.

Thưa quý vị, chúng ta có thể nói trong việc tu tập, thực hành là cốt quan trọng để đưa đến kết quả. Ta nói “Từ bi” mà thân vẫn sát sanh, nói độc ác, ý vẫn thù hiềm oán hận người khác,… thì đó là nói mà không làm. Vậy còn như mình không tuyên bố rằng: “Tôi ráng tu tâm, dưỡng tánh, …” mà tự nội thân biết trì giới, trau dồi kiến thức, đào thải ác pháp,… Đó là như người không chuyển gầm mà mưa, tức không nói mà làm; Quý vị thử nghĩ người nào trong hai hạng trên tốt hơn, lợi ích hơn?

Thế nào là người như chuyển gầm và mưa?

Thưa quý vị, người như chuyển gầm và mưa nghĩa là hạng người trên đời này hễ nói ra là làm, có nói và có làm; giữa bạn bè hay trong hội chúng. Người ấy tuyên bố, bạn nạn, lợi khẩu, nói rất hay rất nhiều. Song song theo ấy, họ làm nhiệt quyết, thực hành ngay những gì mình đã nói, việc nói và làm đối với người ấy đi đôi, hạng người như vậy gọi là người như chuyển gầm và mưa.

Thưa quý vị, ở đời thông thường cái gì có tốt, ắt có xấu, cái gì có lợi tất có hại. Cũng như đây, hạng người nói là làm, có thuyết là có hành; xét hạng người ấy ta thấy có người nếu nói điều ác, thủ đoạn, mánh khóe, gian hùng thì họ hành động cũng y như vậy, thủ đoạn, mánh khóe, gian hùng. Thế có lợi chăng? Có tốt chăng? Hay chỉ để lãnh lấy hậu quả bi đát thảm hại.

Chẳng hạn như vua Vidūdadha, vì nghe một lời nói có tính cách khinh khi của người nữ tỳ, dòng Sakya, thành Kapilavatthu đang lau rửa chỗ ngồi cho mình, và nói rằng: “Đây là cái ghế mà con của người nô lệ đã ngồi trên đó”. Chính lời nói ấy khiến vua Vidūdadha tức giận thốt lên lời thề: “Các hoàng tử dòng Sakya hôm nay rửa cái ghế ta ngồi bằng sửa đến lúc nào đó ta nguyện sẽ rửa cái ghế của ta bằng máu lấy từ cổ họng của họ phun ra.”

Quả thật như lời nói thề độc ấy, về sau vua Vidūdadha thực hiện ngay, kéo quân sang tàn sát toàn thể dòng Thích Ca (Sakya), chỉ đến đàn bà và trẻ con cũng không chừa, máu chảy thành dòng, thây chất thành đống, thế là đúng như lời thề vua Vidūdadha đã rửa cái ghế của ông ngồi bằng máu lấy từ cổ họng của các hoàng tử Sakya phun ra. Và rồi vua thu quân trở về nước.

Khi đại quân ấy đi đỗi xa, đến bờ sông Acisavati thì trời tối, vua truyền hạ trại nghỉ quân trên bờ sông, Quan quân chia nhau, người nằm trên bờ gần mé nước, kẻ lên nằm trên cao. Lúc đó, những người vô tội tàn sát nằm dưới bãi và những kẻ có tạo nghiệp ác nằm trên cao thì tự nhiên họ lại bị những con kiến bò lên cắn rứt người này người kia, chỗ này chỗ kia làm cho họ bực mình phải đổi chỗ ngủ. Người vô tội thì nằm trên cao, còn kẻ đã tạo nghiệp dữ thì nằm ở dưới bãi. Giữa đêm khuya, một trận lụt to dâng lên cuốn trôi đi nhà vua và đoàn tùy tùng ngủ gần mé nước ra tận biển cả, làm mồi cho tôm cá.

Thưa quý vị, đây là người chuyển gầm và mưa, nói là làm mà nói và làm như thế có lợi ích gì? Chỉ tổ hại mà thôi. Còn có hạng người tốt hễ nói là làm, mà lời nói và việc làm ấy cao cả, thánh thiện, vô tội, vậy mới mang lại sự hạnh phúc, lợi lạc chứ.Tôi xin điển hình hạng người đó.

Bồ tát Vessamtara trong thời quá khứ, tức là tiền thân của Đức Bổn Sư Thích Ca, Ngài là hoàng tử con vua Sañjaya. Lúc lên 8 tuổi, Ngài thường bố thí mỗi ngày là  100.000 kahapana (tiền vàng). Ngài phát nguyện rằng: “Nếu có ai đến xin thân thể, tứ chi nhỏ lớn hoặc vật chi khác,… thì ta có thể bố thí bất nghịch ý”.

Đức bồ tát có phát lời đại nguyện như thế. Về sau, lúc Ngài đang ngự đi bằng voi báu có nhóm Bà la môn đến xin với Đức bồ tát. Ngài hoan hỷ nhận lời và ban cho họ voi báu đang ngự cưỡi, luôn cả vật trang điểm quý báu, nhân đó quần thần bất bình khiến Đức phụ hoàng phán đuổi đi vào rừng ở. Khi ấy có cả vợ con cùng theo là nàng Madrī cùng hai con trẻ Jāli và Kaṇha.

Trên đường đi được nửa đường, Đức bồ tát bố thí luôn cả xe và bốn ngựa, ngài bế hoàng nam Jāli, vợ ngài bế công chúa Kaṇha đi bộ vào rừng.

Sau khi ở tại rừng một thời gian, có Bà la môn Jijaka đến xin ngài bố thí hai trẻ, Đức bồ tát thực hiện ngay lời đại nguyện dù thảm trạng lúc ấy đau cắt lòng. Khi đó Đức bồ tát phát nguyện thành Chánh giác độ chúng sanh; liền đó đại địa dày 240.000 do tuần phải chấn động, rung chuyển thật phi thường.

Về sau, muốn cho Đức bồ tát được bổ túc pháp bố thí, nên Đức Đế Thích biến làm vị Bà la môn đến xin nàng Madrī, vợ bồ tát. Bồ tát Vessamtara phát tâm trong sạch cầm tay nàng Madrī bố thí đến đạo sĩ Bà la môn. Lúc ấy quả địa cầu cũng chấn động vô cùng khủng khiếp. Bồ tát liền phát nguyện Chánh giác trong khi ấy.

Ngày sau, nhờ pháp đại thí ấy, Bồ tát đắc thành quả Chánh đẳng chánh giác, độ tận chúng sanh, tức là Đức Phật Thích Ca, Bậc đạo sư của chúng ta đây.

Thưa quý vị, nhắc tích này để chúng ta thấy rõ người như chuyển gầm và mưa là thế, người hễ nói là làm như Bồ tát đây. Thật là cao cả, hiếm có, bởi vậy mới thành Phật được. Còn như chúng ta đây đừng nói chi đến đại thí, chỉ tiểu thí thôi, mà chúng ta nói thì dễ làm lại khó, nếu ta chỉ nói được mà không làm được như Bồ tát thì chẳng biết chừng nào mình Giác ngộ giải thoát được. Bởi vậy người Phật tử chúng ta hãy cố gắng tinh tấn lên thêm mức nữa.

Thế nào là người như không chuyển gầm cũng không mưa ?

Thưa quý vị, người như không chuyển gầm cũng không mưa là người trong đời này không nói cũng không làm. Đó là hạng người im hơi lặng tiếng chẳng làm nên tích sự gì. Dù thế chúng ta cũng nên xét lại hạng người như thế cũng là tốt mà cũng là xấu.

Là tốt nghĩa là người không có nói ác cũng không làm ác, như vậy sống hiền hòa, không thích tham dự vào việc nào vô bổ, ấy là người không nói không làm mà tốt vì không tạo nghiệp xấu, do không tạo nghiệp xấu nên không gặp quả xấu, bởi không gặt quả xấu tức là an vui tránh khỏi tai họa.

Là xấu, tức là người không nói điều lành, cũng không làm điều lành, họ sống quanh quất lục đục, chỉ biết miệt mài trong thế lợi, đây là ám chỉ cho những kẻ vô ý thức, không biết nhận định con đường tốt, con đường xấu để tiến thân. Chỉ biết thụ động với thiện pháp, do đó cũng được gọi là người không biết thương mình, vì không làm nên thiện nghiệp gì, thì không có hành trang tốt trữ theo lúc lâm chung nên phải sanh làm loài hữu tình hạ liệt.

Thưa quý vị, còn có hạng người nữa ngoài ra hai người trên, mà cũng là như không chuyển và không mưa hay không nói cũng không làm. Đó là người vô tích sự, chỉ rong rểu, chơi bời không tham dự vào bất cứ việc gì. Nói làm ác thì họ cũng không ác lắm, mà hành thiện thì họ cũng chẳng có hành gì. Hạng người như vậy tương lai bị khuất lấp đi, nói về sanh thú của hạng người này: “Con đường trời khó đi được, địa ngục cũng ít sanh vào, mà thường thì sanh thú, làm người hạ liệt, không quyền chức, không tài sản, không trí tuệ sâu sắc, … Hoặc là họ bị rơi vào loại bàng sanh, thú hai chân, thú bốn chân,…”

Bồ tát có lúc dễ duôi cũng sanh làm thú nhưng là con thú có vị thế ưu thắng hơn con thú khác, nhứt là có trí tuệ.

Bởi thế, thưa quý vị, khi chúng ta đã am tường được tính cách của những hạng người không nói cũng không làm như vậy, là người Phật tử ta nên đắp tai, ngoảnh mặt làm ngơ với bất thiện pháp không nói cũng không làm. Nhưng hãy tích cực trong thiện pháp, đừng bỏ trôi sống buông lung, vì như thế sẽ có hại, chúng ta hãy nhớ lời Đức Phật dạy:

“Chớ chê khinh điều thiện

Cho rằng chưa đến mình,

Như nước nhỏ từng giọt,

Rồi bình cũng đầy tràn.

Người trí chứa đầy thiện,

Do chất chứa dần dần.”

Thưa quý vị, bài thuyết trình này tôi đã trình bày xong bốn hạng người. Người như bốn cách mưa hẳn có trong đời:

1.     Có người trong đời nói mà không làm; trời chuyển gầm mà không mưa như thế nào thì người ấy cũng như thế đó. Gọi là người như chuyển gầm mà không mưa.

2.     Có người ở đời này, không nói mà làm, trời không chuyển gầm mà mưa như thế nào thì người ấy cũng như thế. Gọi là người như không chuyển gầm mà mưa.

3.     Có người trong đời này, hễ nói là làm, trời chuyển gầm và mưa như thế nào thì người ấy cũng như thế đó. Gọi là người như chuyển gầm và mưa.

4.     Và có người trong đời này, không nói cũng không làm, trời không chuyển gầm cũng không mưa như thế nào thì người ấy cũng như thế đó. Gọi là người như không chuyển gầm và không mưa.

Thưa quý vị, xét theo bốn hạng người này đây hẳn có tốt và có xấu; theo thiện pháp là tốt, theo phi thiện pháp là xấu. Chúng ta hãy tự xét lại mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *