TAM TƯỚNG THẾ GIAN

Hôm nay, tôi xin thuyết trình về pháp “Tam tướng thế gian”.

Tam tướng thế gian tức là 3 hiện tướng bất khả ly của đời vũ trụ, 3 tướng này được xem như là định luật cố hữu của vạn pháp trong đời, không có lúc nào và bất cứ nơi đâu trên thế gian thoát khỏi quyền chi phối của 3 pháp ấy, thế mới gọi là Tam tướng bất khả ly. Nghĩa là chẳng dễ tách rời được, duy chỉ có trạng thái Siêu thế, vượt ngoài thời gian và không gian. Tức Niết-bàn mới chẳng bị ba định tướng này.

Ba tướng của thế gian ấy là gì?

Thưa quý vị, ba tướng của vũ trụ ấy là:

  1. Vô thường (Anicca).
  2. Khổ não (Dukkha).
  3. Vô ngã (Anatta).

Người đời chúng ta sống trên cuộc thế vì hằng bị vô minh che lấp rồi say mê trong tài, sắc, lợi, danh mà quên đi thực tế phũ phàng, đã dày xéo và nhận chìm chúng ta trong bể khổ.

Và cũng chính vì sự u tối ấy nên chúng sanh, sanh tâm mê chấp cho rằng vạn vật ở đời là thật ngã, trường tồn tuyệt đối an vui, bởi vậy mới có tâm phóng túng, duyên theo ngoại cảnh, sắc trần, ít khi nào hướng đến viễn ly.

Nếu con người như thế mãi chắc chắn bị đọa lạc trầm luân.

Chúng ta là con người phải thật sự là những con người, nghĩa là phải có tâm trí tiến hóa, thấu triệt bản chất thật của thế gian. Như vậy, cần nên quán niệm thường thường về Tam tướng của vũ trụ.

Chúng tôi xin trình bày hiện tướng thứ nhất của thế gian là Vô thường

Thế nào là Vô thường?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Anicca nghĩa là không thường còn, không tồn tại, không bền vững.

Các pháp trong thế gian không có chi là bền bỉ thường trụ cả, luôn luôn biến hoại đổi thay, vì rằng các pháp nào được gọi là hữu vi, tức pháp có nhân tạo tác, thì hễ có nhân sanh thì tất có diệt, nên Đức Phật dạy rằng:

“Sabbe saṃkhāra aniccati.”

“Tất cả pháp hữu vi là vô thường.”

Thưa quý vị, vạn pháp ở đời dù là danh hay sắc, lớn hay nhỏ, thô hay tế cũng đều có bản chất sanh diệt của chúng. Đặc tính của pháp vô thường là:

  1. Sự tiếp tục sanh ra rồi diệt.
  2. Có tánh cách thay đổi.
  3. Các pháp chỉ là tạm thời.
  4. Bản chất tương phản với thường tồn.

Đó là bốn đặc tánh của hiện tướng vô thường.

Con người ở đời, ai nhận chân được bản chất vô thường của vạn hữu, quả thật vậy người ấy sẽ không dính mắc trong tài, sắc, lợi, danh, là người chẳng quyến luyến theo dục trần, Đức Phật hằng tán dương con người ấy. Ngài có dạy rằng: “Hỡi chư Tỳ khưu, vị tỳ khưu sống nhiều với tâm xét tưởng vô thường, thì tâm tư được thối thoát, nhàm chán các lợi đắc, cung kính và danh vọng, vị ấy sẽ sống với tâm xả ly không phóng đãng”.

Vì sao vậy? Thưa quý vị bởi Đời với vị ấy pháp đời là hư hao, giả tạm, chẳng khác gì bóng phù du sớm còn tối mất.

Thưa quý vị, đối với bậc Thánh Nhân xưa nay cũng nhờ ngộ được cái bản chất vô thường của vạn hữu mà các Ngài thực chứng quả vị vô sanh, đoạn trừ mọi kiết sử tham ái ở đời, chẳng còn khổ sanh tử triền miên.

Thuở Phật còn tại thế, có người góa phụ tên là Patācārā cả chồng lẫn con cùng cha mẹ đều chết liên tục trong một gian ngắn, quá chán nản bà phát điên, may đến gặp Đức Phật, Ngài thuyết pháp giải tỏa cho; bà tỉnh ngộ xin xuất gia Tỳ khưu ni trong Phật giáo.

Có lần nọ, bà xuống lấy nước rửa chân tay nhìn thấy những giọt nước từ trên rơi xuống, gieo điểm trên dòng nước chảy rồi tan đi, điểm thì tan gần, điểm tan xa, có điểm trôi đi xa hơn nữa mới tan. Cảnh tượng ấy gợi ý cho bà suy niệm về lý vô thường của đời sống, mà chính bản thân bà đã kinh nghiệm. Phải rồi? Cái gì có sanh ắt có diệt, có hợp ắt có tan, sau đó Tuệ quán phát sanh bà đắc quả A-la-hán.

Nhân cơ hội này, Đức Phật đến và dạy rằng:

“Ai sống một trăm năm,

Không thấy pháp sanh diệt,

Tốt hơn sống một ngày,

Thấy được pháp diệt sanh.”

Thưa quý vị, quả thật vậy, nếu phải sống đến trăm năm mà không thấy pháp vô thường, vẫn hớn hở chạy đuổi theo thế gian, trong khi thực tế phũ phàng xô ngã, thì thật là nông nổi đáng thương, và nếu chỉ sống một ngày thôi mà người Ngộ nhận được pháp sanh vô thường, tự chủ được mình, nhận chân bộ mặt của thế gian, thế thì quả là điều tốt, có ích hơn.

Người Phật tử quán niệm hiện tướng vô thường chẳng phải tìm đâu xa, niệm tưởng ngay bản thân mình từng tế bào vật thể đổi thay, từng hành động oai nghi, biến chuyển, từng cảm giác thay đổi, từng hơi thở sanh diệt luôn luôn; cho đến danh pháp cũng thay đổi từng chập, có lúc tư tưởng thiện, có lúc tư tưởng bất thiện, khi thì không thiện, không bất thiện, … niệm nhớ như vậy là ta đã suy tưởng Vô thường rồi.

Đó là hiện tướng thứ nhất, kế tiếp tôi trình bày hiện tướng thứ hai của thế gian.

Thế nào là Khổ não?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Dukkha gồm tiếp đầu ngữ Du là khó và Kha là chịu đựng. Như vậy khổ nghĩa là trạng thái khó chịu, cảm giác bất kham với sự chi phối.

Đức Phật dạy: “Phàm pháp chi vô thường là Khổ, vì sao? Bởi không chịu nổi cách sanh diệt ấy.”

Đề cập đến hiện tượng khổ của thế gian người đời có thể cho rằng Phật giáo mang tính chất tiêu cực bi quan.

Nhưng thưa quý vị, đó chính là điểm thực tế chỉ có Bậc siêu phàm Trí tuệ mới nhận ra được mà thôi.

Hạng người chỉ thấy lớp ngoài, nhưng Bậc Thánh nhân thấy được thực tướng của sự vật. Đối với các Ngài, tất cả đời sống đều là khổ não và các Ngài nhận thấy rằng không thể có hạnh phúc thật sự, hoàn toàn bền vững. trong một thế gian huyền ảo tạm bợ và vô thường, không thể có hạnh phúc trường tồn vĩnh cửu trong một thế gian luôn luôn biến đổi, hạnh phúc vật chất. Thưa quý vị, chỉ là sự thỏa mãn của một vài ước vọng, nhưng khi ta vẫn đạt đến được thì nó đã vội lìa bỏ ta, dục vọng không khi nào được thỏa mãn trọn vẹn, vì không bao giờ ta cho là đủ, đấy chính là trạng thái khổ vậy.

Đặc tính của hiện tướng khổ có 4 là:

  1. Cách làm cho nóng nảy.
  2. Là trạng thái khó chịu đựng.
  3. Là tính cách khổ sở.
  4. Là sự trái nghịch với an vui.

Thưa quý vị, chúng sanh bao giờ cũng bị chi phối bởi hiện tướng khổ ấy là điều chắc như thế, chúng ta sống trên đời phải chịu bốn nỗi khổ trầm trọng và hầu như là luật định.

Đó là khổ sanh (Jātidukkha) tức là sầu muộn phát sanh do hiện khởi, có thân ngũ uẩn này, một khối tích tựu phiền não đau thương như người bị nổi sanh u nhọt vậy.

Kế đó là khổ già (Jaradukkha) tức là sự thống thiết phát sanh do cách cũ hư tiêu mòn của thân ngũ uẩn, khí huyết suy hao, tinh thần càng bạc nhược ví như xe đến thời hư mòn trục cốt.

Kế theo là khổ bệnh (Vyādridukkha) tức là sầu muộn phát sanh do sự đau nhức của thân ngũ uẩn; một khi thân tứ đại bất hòa thì có sanh ra nhiều chứng bệnh dày vò thống thiết, khiến cho khó chịu vô cùng.

Thêm nữa là khổ chết (Maraṇadukkha) sự sầu muộn phát sanh do cách tiêu hoại diệt vong của thân ngũ uẩn cũ, để bắt sanh thân ngũ uẩn mới, chớ có được yên đâu. Hơn nữa lúc sắp chết khiến cho thân tâm khó chịu kinh cảm hãi hùng khổ sở lắm.

Thưa quý vị, đối với chúng sanh ngoài ra bốn tư cách khổ trọng ấy, chúng ta còn phải chịu nhiều nỗi khổ khác kinh nghiệm trong đời sống hằng ngày, những khổ ấy là:

–      Thân ái biệt ly khổ, tức sầu muộn do thương yêu mà phải xa cách.

–      Oán hờn hội ngộ khổ, nghĩa là sầu khổ do không thân ái mà phải hội ngộ gặp gỡ.

–      Uất ức khổ, nghĩa là khó chịu do tức tối, ngẹn nghào khi gặp cảnh nghịch lòng.

–      Bất kham khổ, hay khổ khổ, là sầu muộn do chịu nhiều sự khổ thống thiết khó chịu nổi, làm cho phiền toái thân tâm như thương tích đau nhức.

–      Dục bất đạt khổ, nghĩa là phiền muộn do mong muốn mà không đạt được, tức là bất toại nguyện.

–      Ưu bi khổ, tức là khổ do nỗi buồn ray rứt, xào héo tâm can.

Tóm lại, thủ ngũ uẩn khổ nghĩa là có thân sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn do nghiệp thủ sanh ra, thì tất phải bị chi phối bởi định luật vô thường, bị lôi cuốn bởi lục dục, bị dày xéo do phiền não, cùng phải chịu tất cả nỗi thống khổ.

Thưa quý vị, hiện tướng khổ của thế gian mà tôi đã trình bày theo mười một cách khổ mà Đức Phật đã dạy như vậy, thử hỏi trên đời này có ai dám nhận rằng chính tôi không có chịu khổ ấy chăng!?

Ngay đến chính Đức Phật và Chư vị Thánh A-la-hán là bậc đã siêu thoát khỏi phiền não, thế mà khi còn hiện hữu ngũ uẩn các Ngài cũng phải chịu các nỗi khổ thân như bệnh, già, chết, …

Với tinh thần sáng suốt thực tiễn, người Phật tử nhìn nhận thế gian là đau khổ, đó là hiện tướng Chân lý nhưng đây không phải là tinh thần tiêu cực, bi quan của Phật giáo, vì người Phật tử có tìm thấy lối thoát, cởi mở, an vui tuyệt nhiên. Vấn đề này ngoài phạm vi đề cập sâu rộng.

Thưa quý vị, trong đời sống tu tập, người Phật tử cần nên thường xuyên quán niệm về sự khổ trong vô thường, bởi nhờ quán niệm như vậy nên đối với cuộc sống, người Phật tử phát tâm kinh cảm sợ hãi trong sự dễ duôi, biếng nhác phóng túng buông lung, nỗi kinh cảm ấy tự như kẻ giết người giơ đao lên có tâm hồi hộp vậy, điều này Đức Phật đã dạy trong kinh Aṇguttara như thế.

Bởi nhờ vậy, nên người Phật từ chẳng dám khinh suất dễ duôi đối với Thiện pháp hay Ác pháp, vì tâm thấy lo sợ nỗi khổ sanh tử luân hồi.

Đến đây tôi xin nhắc lại một câu chuyện điển hình:

Lúc Đức Phật còn tại thế, có một nông dân vào xuất gia, sống đời Phạm hạnh thiêng liêng. Nhưng sau đó vì phiền não chi phối nên hoàn tục trở về đời sống cư sĩ; thế rồi lại xin trở vào tu nữa, cứ vậy đến sáu lần ra vào.

Một lần kia, khi nhìn thấy một thiếu phụ sắp lâm bồn, đau đớn vô cùng, phải chịu nhiều sự thống khổ. Anh nông phu ấy chứng kiến như vậy, xét đến nỗi thống khổ của chúng sanh phải chịu dày vò trong đời thì phát tâm kinh sợ và thật sự nhàm chán thế tục. Liền đó anh tận dụng hành Thiền đắc được quả Tu-đà-hoàn.

Anh trở về chùa, xin xuất gia lại, với những Tăng sĩ, không mấy hoan hỷ chấp nhận cho vào giáo hội một người đã nhiều lần ra đi và trở lại, sau cùng anh được thọ cự túc giới và cố gắng chuyên cần sớm thành đạt đạo quả A-la-hán.

Thưa quý vị, câu chuyện này đã ghi nhận cho ta thấy kết quả của sự quán niệm hiện tướng khổ là như vậy.Nnếu người tu nào còn yêu đời, còn quan niệm thế gian là đẹp là hạnh phúc thì chắc hẳn đối với người ấy mục tiêu cứu cánh còn rất xa, và khi nói như thế không có nghĩa là người tu luôn luôn phủ nhận cái hạnh phúc của thế gian?

Người tu vẫn chấp nhận nhưng xem đó là cái hạnh phúc tạm bợ, ảo cảnh, cái hạnh phúc ấy chỉ nằm trong tình huống khổ đau, sự thật là như vậy.

Và sau cùng tôi xin trình bày hiện tướng thứ ba là Vô ngã.

Vô ngã là gì?

Thưa quý vị, thuyết vô ngã (Anatta) là phủ nhận một cái tuyệt đối lưu tồn hiện hữu trong đời.

Phàm các pháp Thế gian luôn cả pháp Siêu thế đều có mang bốn đặc tính này:

  1. Không thuộc dưới quyền lực nào.
  2. Có thể trạng tương phản với bản ngã.
  3. Có trạng thái rỗng không.
  4. Có tánh cách không chủ quyền.

Thưa quý vị, cái mà người ta thường gọi là linh hồn, bản ngã, hay cái tôi tức để nói đến một thực thể tuyệt đối, trường cửu ở trong con người, cái bản thể bất biến ở sau hiện tướng giới hằng biến theo một vài tôn giáo. Mỗi người có một linh hồn riêng biệt do thượng đế sanh ra, và sau khi chết, linh hồn ấy vẫn còn mãi mãi, vĩnh viễn sống nơi Địa ngục hay nơi Thiên đàng tùy sự định đoạt của thượng đế.

Họ cho rằng, cái linh hồn ấy trải qua nhiều kiếp sống cho đến khi lọc luyện hoàn toàn tinh khiết và cuối cùng trở thành đồng nhất với Thượng đế hoặc Brahnaṃ, tức là đại hồn của vũ trụ mà từ đó đã phát nguồn.

Người ta nói cái linh hồn hay cái tự ngã trong con người là cái gì suy nghĩ, cảm giác và nhận lấy thưởng phạt về tất cả mọi hành vi thiện, ác; một quan niệm như thế gọi là ý tưởng về cái Ta – Ngã chấp.

Thưa quý vị, Phật giáo là tôn giáo độc nhất trong lịch sử tôn giáo của nhân loại đã phủ nhận sự hiện hữu của một linh hồn, một cái tự ngã hay cái đại hồn như thế.

Theo Phật giáo sự thiên chấp với cái ta là một niềm tin tưởng sai lạc, không có trong thực tại và nó sanh ra nguy hại, mọi sự hỗn loạn tranh chấp, xung đột thù hiềm; nói chung là tất cả mối tác hại trên thế gian này đều phát sinh do cái quan niệm về “Tôi”, “của Tôi”.

Vì tự vệ con người đã tạo ra thượng đế để nương cậy, để che chở cho chính mình để được an toàn cho bản thân, như đứa trẻ nương tựa vào cha mẹ. Vì muốn tự tồn, con người đã nghĩ ra một linh hồn bất tử, tồn tại mãi mãi.

Do vô minh, bất lực, sợ hãi con người cần có hai yếu tố như vậy để tự an ủi lấy, vì thế mà họ bám chặt vào đó một cách cuồng nhiệt.

Thưa quý vị, giáo lý của Đức Phật không bồi dưỡng sự vô minh ấy, cũng không dung nạp những bẩm tính yếu đuối, nhược hèn như vậy, mà cốt hướng cho con người trở nên sáng suốt để trừ khử mà tiêu diệt chúng.

Theo Phật giáo, quan niệm về thượng đế và linh hồn là sai lạc, hư ảo, mặc dù quan niệm ấy đã được khuếch trương sâu rộng bằng lý thuyết. Tất cả đó chỉ là một chiếu ảnh tinh thần xảo diệu, rỗng tuếch của lối triết học.

Thưa quý vị, học thuyết về Anatta hay Vô ngã là kết quả hiển nhiên của sự phân tích ngũ uẩn và Giáo lý về duyên sinh hay duyên khởi.

Chúng ta nên biết rằng, theo Phật giáo cái gọi là một chúng sanh, một cá nhân là vật được phối hợp bởi 5 uẩn (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn) khi phân tích 5 uẩn ấy và suy xét kỹ, thì chúng ta sẽ chẳng thấy có một cái gì ở phía sau 5 uẩn ấy để có thể gọi là “cái Tôi”, “cái Ta” hay bất cứ một bản thể bất biến nào.

Đấy là phương pháp phân tích 5 uẩn.

Học thuyết về Thập nhị duyên khởi cũng đem lại kết quả cho thấy lý vô ngã ấy là lối tổng hợp pháp, chứng minh rằng trong đời này chẳng có chi gọi là tuyệt đối, mọi sự vật đều giả hợp, tương đối và tùy thuộc lẫn nhau:

“Vì cái này có nên cái kia có,

Vì cái này không nên cái kia không,

Vì cái này sinh nên cái kia sinh,

Vì cái này diệt nên cái kia diệt.”

Sự sinh tồn của đời sống liên tục, cùng sự chấm dứt của đời sống đều được giải thích trong một công thức gọi là Duyên khởi, có 12 yếu tố:

–        Vô minh duyên cho Hành.

–        Hành duyên cho Thức.

–        Thức duyên cho Danh sắc.

–        Danh sắc duyên cho Lục nhập.

–        Lục nhập duyên cho Xúc.

–        Xúc duyên cho Thọ.

–        Thọ duyên cho Ái.

–        Ái duyên cho Thủ.

–        Thủ duyên cho Hữu.

–        Hữu duyên cho Sanh.

–        Sanh duyên cho Lão, tử, sầu bi, khổ ưu, não.

Đó là quá trình theo đó mà sự sống đã phát sanh, tồn tại và tiếp diễn, nếu chúng ta đảo ngược công thức lại, ta sẽ đi đến sự chấm dứt của quá trình:

–        Vô minh diệt thì Hành diệt.

–        Hành diệt thì Thức diệt.

–        Thức diệt thì Danh sắc diệt.

–        Danh sắc diệt thì Lục nhập diệt.

–        Lục nhập diệt thì Xúc diệt.

–        Xúc diệt thì Thọ diệt.

–        Thọ diệt thì Ái diệt.

–        Ái diệt thì Thủ diệt.

–        Thủ diệt thì Hữu diệt.

–        Hữu diệt thì Sanh diệt.

–        Sanh diệt thì Lão, tử, sầu bi, khổ ưu, não diệt.

Và chúng ta tìm hiểu toát yếu về vòng tròn nhân quả ấy.

Thưa quý vị, Vô minh là sự mê mờ, cuồng si của tâm thức hay là sự không biết cái đáng biết (vô thường, khổ, vô ngã); chính đó là gốc sanh ra những động lực, ý chí hành động tạo tác của thân, khẩu và ý (duyên hành). Rồi Hành ấy (hành động nghiệp gồm nghiệp thiện, bất thiện, vô ký) tạo ra quả tục sinh nối liền đời sống (duyên thức). Chính quả Thức ấy làm nhân sanh ra thân tâm mới do 5 uẩn tạo thành trong đời vị lai (duyên danh sắc). Danh sắc thì sinh ra Lục nhập là sự tương tác giữa 6 căn (6 nội xứ: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) và đối tượng của chúng là 6 trần (6 ngoại xứ: sắc, thanh, hương, vị, xúc chạm và pháp – ý tưởng) (duyên lục nhập). Có lục nhập thì có sự gặp gỡ, tiếp xúc, giao thoa giữa các căn và trần hay nói rõ hơn Xúc chính là sự tiếp xúc giữa con người và thế giới thông qua 6 cơ quan tri giác (duyên xúc). Khi đã có xúc liền sanh ra cảm Thọ của tâm (thọ khổ, thọ lạc và thọ xả) với thế giới (duyên thọ). Do cảm thọ nên Ái dục hay sự tham muốn, yêu thích (dục ái, sắc ái và vô sắc ái) mới sinh ra (duyên ái). Có ái rồi thì lại sanh ra chấp Thủ là sự bám víu, muốn chiếm hữu của tâm thức vào một đối tượng (duyên thủ). Do chấp thủ tạo ra Hữu chính là năng lực để hình thành toàn bộ những gì được gọi là tồn tại, sự sống, thế giới (duyên hữu). Vì có hữu mới có điều kiện tái Sanh, hiện khởi (duyên sanh). Bởi có sanh nên mới có Lão tử, cứ thế rồi phát khởi sự sầu, bi, khổ, ưu, não và rồi cứ luân chuyển như vậy mãi mãi.

Nhìn về quá trình sinh tử của kiếp sinh tồn ta thấy gồm cả vòng tròn nhân quả, toàn bộ 5 uẩn này là do nhân tập khởi, tùy thuộc phát sanh. Chúng ta sẽ không tìm thấy một thực thể nào lưu tồn bất biến trong quá trình sinh khởi ấy để được xem là “cái Tôi”, “cái Ta” hay “bản Ngã” hoặc “Linh hồn”.

Nghiệm lại, chúng ta cần nhớ rõ một điều rằng mỗi yếu tố trong duyên sinh đây đều vừa là quả, vừa là nhân; nó vừa làm sở bị định đoạt bởi … (Paticcasamuppāda) và vừa làm năng là điều kiện cho … (Paticcasamuppāda) bởi thế chúng đều là tương đối, phụ thuộc lẫn nhau và liên quan với nhau, không có cái gì là tuyệt đối hay biệt lập.

Thưa quý vị, theo thuyết duyên khởi cũng như theo sự phân tích con người thành 5 uẩn, ý tưởng về một bản thể trường cửu bất diệt trong hay ở ngoài con người dù gọi là tôi, linh hồn, ngã hay cái ta, chỉ được coi như một niềm tin sai lầm (tà tín), một bóng dáng của tâm thức. Đây là thuyết vô ngã trong Phật Giáo.

Và để tránh một sự nhầm lẫn ở đây, ta nên nhắc lại là có 2 loại chân lý, một sự thật Ước định (Samutisacca) và một sự thật Siêu lý (Paramatthasacca) hay thường gọi là Tục đế và Chân đế. Khi ta dùng thông thường những từ ngữ như: tôi, anh, linh hồn, cá nhân, … không phải chúng ta nói dối, bởi vì không có ngã hay linh hồn như thế nhưng chúng ta nói một sự thật thuận theo qui ước của Thế gian, nhưng sự thật Siêu lý ấy là trong thực tế: không có “Tôi” hay “linh hồn”, …

Trong kinh Đại thừa, kinh Lăng già cũng có nói một con người nên được xem là chỉ có trong sự chế định (Paññatti) chứ không phải trong Thực tại (hay trong bản thể).

Thưa quý vị, như thế thì chúng ta không nên chấp nhận một cái bản Ngã thật có trong vạn pháp, vì thế sẽ sai lầm đi với chân lý, Đức Phật có dạy:

“Sabbe saṃkhārā aniccà,

Tất cả pháp hữu vi là Vô thường,

Sabbe saṃkhārā dukkhā,

Tất cả pháp hữu vi là Khổ,

Sabbe dhammā anattā,

Tất cả pháp là Vô ngã.”

Và như vậy, cho dù là pháp hành hay ngũ uẩn luôn cả pháp vô vi Niết-bàn cũng chẳng nên cho rằng đó là một bản ngã lưu tồn, bởi thế trong 2 câu đầu Đức Phật dùng danh từ Saṃkhāra (Pháp hữu vi) cho đến câu thứ 3 Ngài lại dùng danh từ Dhammā (mọi pháp) nếu bảo Dhammā đồng nghĩa với Saṃkhāra và như vậy không có lý do nào Đức Phật lại dùng danh từ Saṃkhāra ở 2 câu đầu mà đến câu thứ 3 lại dùng danh từ Dhammā.

Chúng ta cần lưu ý điểm đó.

Thưa quý vị, thời pháp này tôi đã trình bày về Tam tướng thế gian là Vô thường, khổ và vô ngã.

Ba pháp này luôn luôn chi phối khắn khít với vạn pháp ở đời; như thế, thế gian mắc phải chứng bệnh trầm kha, quẫn túng. Người Phật tử cố làm sao tu tập để chữa dứt 3 chứng bệnh hiểm nghèo ấy, bằng cách Giác ngộ Niết-bàn, pháp ấy vượt ngoài 3 chứng bệnh thế gian này.

Muốn chứng ngộ trạng thái Niết-bàn, phải hành trình tu tập trên con đường Bát chánh hay còn gọi là Bát chánh đạo, trong đó có Tứ niệm xứ là pháp tu độc nhất cho nên gọi là Ekayāno Maggo (con đường độc nhất).

Chỉ có tự mình mới cứu chữa căn bệnh trầm kha ấy được mà thôi, chứ không ai khác có thể chữa khỏi dùm ta. Bậc Đạo Sư trước những ngày cuối cùng đã giáo giới:

“Này Ānanda các ngươi hãy sống tự mình làm hòn đảo, tự mình nương tựa lấy, không ai khác làm chỗ nương tựa cho, lấy Chánh pháp làm hòn đảo, Chánh pháp làm chỗ nương tựa không có gì khác làm chỗ nương cho.”

Đức Phật đã dạy như thế chúng ta hãy y cứ theo đó mà chấp trì tu học.

Thưa quý vị, thời pháp hôm nay xin kết thúc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *