SÂN HẬN

Thưa quý vị, trong thời thuyết hôm nay, tôi sẽ bàn về “Tư cách sân hận”.

Trước tiên chúng ta hãy tìm hiểu về trạng thái của sân hận.

Sân hận là như thế nào?

Thưa quý vị, sân dịch từ Dosa là Phạn ngữ do căn của Dussati nghĩa là trạng thái khó chịu, không bằng lòng, bất mãn, tức là hận hực nóng lên, không thích ý với đối tượng, có tính cách muốn tiêu diệt cảnh gì bất toại nguyện.

Sân hận chính là phiền não (Kilesa) chính nó đã gây phiền phức khó chịu cho nội tâm, đã tiêu trừ trí tuệ, làm cho mất tự chủ cho nên có chú giải Pāli rằng:

“Sayameva dussatī ti doso.”

“Tự thành độc hại gọi là sân.”

Như vậy, trạng thái tâm sân là thái độ hư hại, tức tối, sân hận nếu không khéo sẽ trở thành tánh cách nguy hiểm.

Quả báo của sự sân hận ra sao?

Thưa quý vị, trong kinh Tăng chi bộ Đức Phật dạy Tăng chúng về quả của sự sân hận như sau:

“Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, dầu cho người ấy có khéo tắm rửa chải chuốt cũng trở thành xấu xí, vô duyên. Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, dù cho người ấy có nằm trên chỗ êm ả cao sang cũng ngủ một cách khổ sở. Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, không thâu hoạch tài sản được như ý. Người sân hận, bị phẫn nộ chi phối, hằng bị hư hao tài sản đã được thâu hoạch. Lại nữa, người sân hận bị phẫn nộ chi phối nếu trước có danh tiếng ắt bị mất danh tiếng ấy. Lại nữa, người sân hận bị phẫn nộ chi phối bạn bè hằng xa lánh họ. Và lại nữa, người sân hận bị phẫn nộ chi phối sau khi chết ắt sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục.”

Thưa quý vị, đó là 7 quả báu của sân hận mà người sân hằng thọ lãnh như thế.

Và tôi cũng còn nhớ trong kinh Cùlakammavibhanga ở Trung bộ kinh, một lần nọ thanh niên Subha Todeyya đến bạch hỏi Đức Phật vì cớ sao mà cũng là người như nhau mà có người ưu thắng, kẻ hạ liệt. Chẳng hạn thấy có người đẹp sắc, kẻ xấu xí vô duyên?

Khi ấy Đức Phật có dạy rằng:

“Đây người thiếu niên này, có người nam hay người nữ nào tâm nhiều sân hận, hay bất bình nóng giận, mỗi chút mỗi gắt gỏng, phẫn nộ, tỏ lộ sự bất mãn, người đó bởi cách hành động chẳng lành ấy, sau khi chết do cái nhân dữ đã gieo, phải đọa sanh vào địa ngục, khổ thú, nhưng nếu tái sanh lại làm người thì thường hay buồn bực, xấu sắc, vô duyên.”

Hơn nữa thưa quý vị, một người vì sân hận phẫn nộ chi phối, nên gây nhiều tội lỗi như có thể hành ý ác hạnh, do hành ác hạnh như thế, sau khi mạng chung họ phải bị nhiều thống khổ, khi rơi vào bốn đường ác đạo, nhất là địa ngục và atula.

Tôi xin điển hình một vài câu chuyện.

Hoàng tử Duṭṭhakumāra là con của vua Kitavāsa, rất thông minh đỉnh ngộ, văn võ song toàn, nhưng bản tính ngạo mạn, nóng nảy, cống cao. Hoàng tử nghĩ rằng ai cũng phải cúi đầu trước mặt chàng, chỉ ngoài ra mẫu hậu và phụ vương.

Một lần nọ hoàng tử cùng đoàn tùy tùng đến khu lâm viên săn bắn, nơi đây là chỗ để hoàng tử tha hồ bắn giết, có đủ muôn thú để thỏa mãn lòng hiếu sát đối với chàng.

Lúc đang ngự đi trên đường, bỗng xuất hiện một vị Phật độc giác, ngược chiều với đoàn xa giá, Ngài lặng lẽ ôm bát vào thành khất thực, cốt cách oai nghiêm, lục căn sáng sủa, uy nghi siêu phàm, luôn luôn phát tiết những tư tưởng an lành đến chúng sanh, khiến mọi người nhìn thấy Ngài họ có cảm giác hoan hỷ lạ thường.

Không ai bảo ai, đoàn tùy tùng đồng loạt chấp tay cung kính hướng về Đức Phật Độc Giác đảnh lễ.

Hoàng tử Duṭṭhakumāra thấy thế, lòng sân hận cuồn cuộn, nổi lên như thác lũ. Nghĩ rằng bọn tùy tùng ấy chỉ được phép cúi đầu trước mặt mình thôi, nay lại ngang nhiên cúi đầu trước lão tu sĩ này, tức tốc rời lưng voi. Hoàng tử tiến đến trước mặt vị Phật Độc Giác, giựt lấy bình bát trên tay Ngài, quăng xuống đất rồi dẫm lên cho bể. Xong dùng lời bất nhã, ngạo nghễ với Đức Phật độc giác. Đoàn tùy tùng hết sức kinh hãi, chưa kịp can giám.

Đức Phật độc giác với lòng bi mẩn, nghĩ thương xót cho hoàng tử hành động tội lỗi to lớn như thế tất gây nhiều thảm họa trong kiếp hiện tại và kiếp vị lai, nên Đức Phật lặng lẽ nhìn hoàng tử với đôi mắt từ bi vô lượng, rồi Ngài đành nhịn đói và vận thần thông bay về núi.

Khi ấy, không còn hứng thú trong việc đi săn nữa, hoàng tử truyền lệnh quay về. Từ ấy hoàng tử cảm thấy khát nước lạ, sức nóng trong mình càng gia tăng thêm lên, khát quá hoàng tử khiến đoàn tùy tùng tìm nước uống.

Nhưng nghiệp lực quá nặng nề khiến cho hồ ao giếng đều khô cạn, đoàn tùy tùng tìm mãi không được một giọt nước nào, trong khi ấy hoàng tử lăn lộn la hét:

“Nước, nước, hãy cho ta uống nước. Ôi! Khát quá, có lẽ ta chết mất!”

Dù tận lực, tùy tùng vẫn không tìm ra một chút nào, thậm chí đến một giọt cũng không có.

Chịu khát không nổi, Hoàng tử Duṭṭhakumāra oằn oại khổ sở, cuối cùng trút hơi thở, liền đọa sanh vào địa ngục Avīci chịu khổ không sao kể siết.

Lại nữa thưa quý vị:

Vào thời Đức Phật còn tại thế, có gã thợ săn tên là Kodha. Vào sáng tinh sương mang tên cầm lao dẫn chó vào rừng, vừa đi đến ven rừng, gặp một vị Tỳ khưu đang hành đạo, gã Kodha liền nổi nóng (bởi tập tục người Ấn Độ thời bấy giờ cho rằng buổi sáng ra đường gặp một người đầu trọc là xui) hắn ta  chỉ vào mặt vị Đại Đức mà hét rằng: “Hôm nay ta vào rừng săn thịt không có, thì ta giết ông đầu trọc này, rồi gã đi vào rừng”.

Quả thật, gã săn suốt ngày chẳng đặng con mồi nào cả; nên buổi chiều vừa ra đến mé rừng cũng gặp vị Đại Đức đang hành đạo, hắn hét lên như điên, vừa đuổi chó, vừa phóng lao tới, quyết lòng hạ sát vị này.

Vị Đại Đức thấy thế liền lùi lại, vừa chạy vừa ngăn: “Đạo hữu! đạo hữu! không nên làm vậy! nhà sư là kẻ tu hành đâu có làm gì phật ý đạo hữu mà đạo hữu xử sự như vậy?”. Gã hằn học đáp: “Vì gặp nhà ngươi buổi sáng mà suốt ngày nay ta chẳng săn được con mồi nào cả nên ta phải giết nhà ngươi để trừ hậu hoạ về sau.”

Vị Đại Đức vừa thụt lui, vừa dùng lời lẽ phải trái giải bày, nhưng gã thợ săn bất cần, cứ đuổi chó và phóng lao xông tới. Túng thế, vị Đại Đức phải phóng mình trèo lên cây, Kodha ở dưới cầm lao đâm lên túi bụi. Vị Đại Đức phải chuyền qua, chuyền lại để né tránh. Thình lình cái y vàng của ngài rơi xuống phủ trùm gã thợ săn. Bầy chó săn tưởng vị Đại Đức vừa rơi xuống chúng nhảy tới cắn xé gã thợ săn ra từng mảnh.

Sau khi thoát chết vị Tỳ khưu trở về hầu Phật và bạch lại câu chuyện. Đức Phật cho biết vì sân hận phẫn nộ chi phối khiến gã thợ săn ấy xúc phạm đến người có giới đức, nên phải chết một cách thê thảm như vậy. Đức Phật còn cho biết thêm, sau khi chết gã thợ săn bị sanh vào địa ngục do lòng sân hận của hắn.

Thưa quý vị, nhắc tới hai chuyện tích trên để chúng ta thấy rõ hậu quả tai hại của sự sân hận như thế nào.

Có câu cổ ngữ rằng: “Khí thị vô minh, sân thị hỏa”, quả thật vậy, sân là lửa hằng thiêu đốt nội tâm khiến cho nóng nảy khó chịu, từ đó sanh ra những tệ hại ác xấu, chính sân làm cho mất trí khôn, không tự chủ, không còn lý trí suy xét việc làm phải, quấy nữa. Cho nên cách ngôn nói rất đúng: “Ăn quá mất ngon, giận quá mất khôn” là vậy.

Là người Phật tử chúng ta nên tu tập diệt sân, bằng cách phát triển lòng Từ bi của mình, luôn luôn có tư tưởng mát mẻ an lành đối với mọi loài, hãy sống không hận thù giữa những người thù hận, đó là ta hành theo lời dạy của Bậc đạo sư. Đức Phật dạy: “Rằng như dù có kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân, mà nếu một ai khởi ý nhiễm ác hại, thời người ấy không phải là người thực hành Giáo pháp của ta.”

Thưa quý vị, vẫn biết rằng ở đời, nếu không đắc đến Thánh A-na-hàm, A-la-hán thì chúng sanh ai cũng có sân hận, không sao tránh được. Nhưng mà tư cách sân hận cũng có khác, người thế này người thế kia, chớ không giống nhau. Trong kinh Puggalapaññatti, Đức Phật có dạy như có 4 loại rắn:

  1. Là thứ có nọc chạy mau mà không độc.
  2. Là thứ có nọc chạy không mau mà độc.
  3. Là thứ có nọc chạy mau mà độc.
  4. Là thứ có nọc chạy không mau cũng không độc.

Cũng vậy, ở đời này có 4 hạng người tương tự hằng hiện bày có mặt.

Thế nào là người như rắn có nọc chạy mau mà không độc?

Thưa quý vị, người như thế là người trong đời này thường hay sân, mỗi chút mỗi giận, dễ dàng bất bình, nhưng mà sự sân giận của người ấy không ngấm ngầm chất chứa lâu. Đó là người như rắn có nọc chạy mau mà không độc. Hạng người này có rõ rệt trong đời, chúng ta dư biết rồi; xét đến người ấy chúng ta thấy vậy cũng không đến nỗi tác hại lắm vì họ chỉ giận dữ bất bình nhất thời thôi. Khi gặp người ấy, thấy họ đang khi giận dữ ta nên vuốt êm, hoặc lánh mặt đi cho qua buổi ta mới giải bày nguồn cơn, thế mới yên chuyện.

Còn thế nào là người như rắn có nọc chạy không mau mà độc?

Thưa quý vị, hạng người ấy là người trong đời này ít hay giận, khó sân hận, nhưng khi giận rồi thì sự sân hận ấy ngấm ngầm chất chứa lâu, có thể nói là khắc sâu trong tâm khảm có khi ba năm cũng chưa quên được. Đó gọi là người như rắn có nọc chạy không mau mà độc. Hạng người như thế đấy chúng ta cũng thấy biết rõ rệt trong đời này; xét về hạng người này chúng ta thấy họ rất khó chịu vì sao? Vì họ không khi nào cởi mở được, nếu có cũng rất khó. Biết vậy, đối với người này đừng bao giờ làm phiền họ, chọc giận họ, nếu ta muốn giữ hòa khí. Tương đối là hạng người này cũng còn tốt vì họ ít hay giận, ít hay sân, cũng đáng giao thiệp, để học và bắt chước tánh không hay sân của họ, còn như tánh cố chấp về sau, thì chẳng nên ảnh hưởng theo.

Còn thế nào là người như rắn có nọc chạy mau mà độc?

Thưa quý vị, người như rắn có nọc chạy mau mà độc là người trong đời này thường hay sân việc mỗi chút mỗi giận, mỗi sự mỗi bất bình; mà lại sự sân hận của người ấy ngấm ngầm chất chứa lâu, không cởi mở được. Đó là người như rắn có nọc chạy mau mà độc. Xét hạng người đây ta thấy nguy hiểm hơn hết, trong lúc sân và ngấm ngầm như vậy họ có thể gây tác hại vì mang ác cảm. Đối với hạng người này, ta không nên sống chung, gặp gỡ gần gũi bởi sẽ có hại. Trong kinh Anguttaranikāya, Đức Phật có lời dạy rằng: “Người đa sân, nhiều hiềm hận, hễ nói động đến là tức tối, sừng sộ hiện rõ bực tức; thì cũng ví như phẩn vậy, quậy vào thì văng cùng mình hôi thối lắm. Thế nên với người ấy cần phải thản nhiên, không nên gần gũi, không nên chung sống, không nên gặp gỡ”. Quý vị biết chăng, như ngày xưa vào thời Đức Phật còn tại thế, có một ông thầy nọ có một đứa học trò rất ngỗ nghịch, mỗi lần quở rầy thì sân hận, không rầy thì làm quấy. Một ngày kia, có một lỗi lầm rất lớn; ông thầy bèn gọi vào quở trách nặng nề, người học trò lấy làm bất bình, ác cảm dữ dội. Lúc nọ thừa cơ liền nổi lửa đốt tiêu tịnh thất thầy và bỏ trốn. Đức Phật nghe thuật câu chuyện mới dạy rằng:

“Nếu không được bạn đường

Tốt hơn hay bằng ta

Phải vững sống một mình

Chẳng bầu bạn kẻ ngu.”

Và thế nào là người như rắn có nọc chạy không mau cũng không độc?

Thưa quý vị, người như rắn có nọc chạy không mau cũng không độc là người trong đời này không hay sân và cách sân hận của người ấy cũng không ngấm ngầm chất chứa, tâm dễ dàng cởi mở dịu hòa mát mẻ, không hay chấp nhất việc này việc nọ. Hạng người này xem như là người tốt, vô hại, sống giao thiệp với họ tất được an vui, không có gì nguy hiểm.

Như bồ tát Mahosatha ngày xưa là bậc trí tuệ vô song, giải nghi tất cả vấn đề mà vua và 4 vị quân sư đều phải thúc thủ. Đức vua sùng mộ Bồ tát vô cùng; ban cho quyền cao, chức trọng, sự phú quí vinh hiển tột bậc hơn cả 4 vị quân sư ấy nữa. Cả 4 vị quân sư ấy đem lòng ganh (tỵ) ghét Bồ tát, mong tìm cớ hãm hại. Một ngày kia họ giả bộ làm thân hỏi Bồ tát việc kín của mình nên nói cho ai, Bồ tát đáp: “Không nên nói việc kín đến ai cả, khi nào việc ấy kết quả rồi mới nên nói ra”. Bốn vị quân sư liền lập tức vào chầu vua, và vu cáo rằng: “Mahosatha có việc kín muốn cướp đoạt ngai vàng của vua, và bảo rằng khi thi hành xong mới nói ra”. Đức vua nghe vậy tin lời, nổi cơn thịnh nộ ban cho 4 vị gươm vàng đi giết Bồ tát. Ngày hôm sau, do trí tuệ Bồ tát biết vậy chờ đến trưa trễ mới vào chầu vua, và trình bày sự thật cùng giải thích vì sao không nói kín chuyện mình; rồi sau đó nêu bày tội lỗi của 4 vị quân sư tày trời mà vua không hay vẫn tin theo, ắt sẽ thất bại. Đức vua nghe tâu liền hỏi lại, 4 vị kia đều thú tội không chối cãi được, vua ra lệnh tống giam, rồi dẫn ra pháp trường xử tử. Đức Bồ tát liền quỳ tâu, xin lượng khoan hồng của vua xá tội cho họ; Đức vua chuẩn tấu nhưng dạy phải làm tôi mọi cho Bồ tát đến trọn đời, Bồ tát xin vua ân xá và cho phục chức họ như xưa. Với hành động cao đẹp này làm cho vua thêm kính phục và nghĩ rằng: “Mahosatha là bậc hiền nhân quân tử, không lòng phản nghịch và có lòng từ bi cứu vớt người đối thủ nữa thật là hiếm có”, rồi vua ban thưởng đến Bồ tát rất nhiều vật báu.

Thưa quý vị, đối với người như Bồ tát cho dù là kẻ nghịch hại, ngài cũng vẫn từ bi khoan dung, không ôm hiềm hận, không hay phẫn nộ bực tức, và chấp mê. Đó là cái gương để người Phật tử chúng ta noi theo, hãy bước theo dấu chân của Bậc tiền nhân trí thức.

Lại nữa, thưa quý vị nói đến tư cách sân hận ở một đoạn kinh khác trong bộ Anguttaranikāya Đức Thiên Nhân Sư có dạy rằng: “Có 3 hạng người này có mặt xuất hiện ở đời, thế nào là ba? Ở đây, này Chư tỳ khưu có người như lằn khắc trên đá. Lại nữa, có người như lằn gạch trên đất. Lại nữa, có người như lằn gạch trên nước”.

Vậy thế nào là hạng người như lằn khắc trên đá?

Thưa quý vị, Đức Phật dạy rằng ở đời có hạng người như lằn khắc trên đá nghĩa là có người tánh hay sân hay buộc hờn, trạng thái sân hận của người ấy khó nguôi ngoai được, nó ngấm ngầm rất lâu trong người ấy không dễ phai mờ, cũng như đá mà khắc chữ hay lằn gạch vậy. Có thể mấy chục năm hoặc 100 năm sau cũng chưa phẳng lì hết dù là gió mưa chà xát. Hạng người này chúng ta thấy tương tự như người ví rắn có nọc chạy mau và độc hoặc người ví rắn có nọc chạy không mau và độc. Vì chúng ta xét khía cạnh sự sân hận chất chứa lâu. Đó là đề cập đến người thứ nhất trong 3 người ví như lằn gạch.

Còn thế nào là người như lằn gạch trên đất?

Thưa quý vị, người như lằn gạch trên đất nghĩa là ở đời có người cũng hay sân hận nhưng sự sân hận ấy ngấm ngầm chất chứa không lâu chỉ một thời gian ngắn nào đó, làm họ nguôi ngoai hết phiền, cũng như lằn gạch hay chữ viết trên đất dù rõ rệt, chậm phai mờ, nhưng trải qua mưa gió hoặc cọ xát ít lâu thì phẳng lì mất. Cũng vậy có người trong đời cũng chất chứa sân hận nhưng không lâu cũng nguội phai, ấy là người như lằn gạch trên đất vậy.

Và thế nào là người như lằn gạch trên nước?

Thưa quý vị, lẽ thường thì mặt nước có sự khăng khít liền lạc, cho dù lấy vật kẻ lằn trên mặt nước, mặt nước vẫn liền lại không lưu lại dấu vết. Cũng như thế ở đời có người tánh mát mẻ, ôn hòa dù có bị kẻ khác nói lời thô bỉ không vừa ý, không đẹp tai người ấy vẫn như thường, vẫn còn ưa nhau, vẫn khăng khít nhau, vẫn liền lạc nhau, Đó là người như lằn gạch trên nước.

Thưa quý vị, tôi đã trình bày rõ tư cách sân của người trong đời này chính do Đức Phật là bậc Lokavidū, thông suốt tam giới đã tuyên thuyết, được ghi lại trong tạng kinh hay tạng diệu pháp bộ Puggalapaññatti.

Thưa quý vị, người Phật tử chúng ta khi đã am tường hết tính chất sân hận và hiểu rõ hậu quả không tốt của lòng sân, thời chúng ta hãy tu tập thế nào để dứt trừ lòng sân ấy đi. Người đời cũng vì sân hận mà không có bạn bè; cũng vì sân hận mà tiêu hao tài sản, cũng vì sân hận mà xấu sắc, cũng vì sân hận mà chẳng an vui, và cũng bởi sân hận mà chúng sanh hành ác hạnh chém giết lẫn nhau. Do nghiệp như vậy khi thác rồi phải chịu khổ trong đọa xứ.

Vậy hành pháp chi để diệt Sân hận được?

Thưa quý vị, an trú vào hai pháp Từ – Bi là hai pháp ngăn trừ sân hận.

Từ Bi là gì?

Tâm từ Phạn ngữ Mettā là một trạng thái tâm của người bạn tốt lúc nào cũng hòa dịu, mát mẻ mong sao cho bạn mình được an vui. Đặc tánh của lòng Từ đồng nghĩa với Adosa nghĩa là không nóng nảy, không sân hận, … Như vậy tâm Từ tức là trạng thái tâm dịu hiền mát mẽ đối với mọi loài, lúc nào cũng mong cho chúng sanh được an vui cởi mở.

Còn tâm Bi, tiếng Phạn gọi là karuṇā nghĩa là trạng thái tâm rung động trước sự khổ của chúng sanh, đặc tánh của tâm Bi là không muốn chúng sanh bị khổ và luôn tìm cách giúp chúng sanh ra khỏi sự khổ.

Nói chung chung, tâm từ bi là lòng từ mẫn đối với vô lượng chúng sanh, mọi loài.

Thưa quý vị, người có tâm từ bi như là có dòng nước mát để ngăn trừ hỏa hoạn sân hận vậy.

Tâm từ bi ví cũng như nước, tâm sân ví như lửa khi có nước ắt không có lửa.

Nhờ có lòng từ bi mới ngăn chặn được tâm sân hận, tâm từ bi hằng làm cho tâm con người trở nên mát dịu an vui không gây thù hận oan trái.

Trong kinh có giải rằng tâm từ bi đem lại nhiều quả báu như là:

–      Người có tâm từ bi là nơi thương yêu của mọi người.

–      Người có tâm từ bi chư thiên hằng hộ trì.

–      Người có tâm từ bi diện mạo được tươi tỉnh đẹp đẽ.

–      Người có tâm từ bi khiến ai nhìn cũng sanh thiện cảm.

–      Người có tâm từ bi ngủ được an vui, khi thức cũng được an vui.

–      Người có tâm từ bi thì khí giới, lửa, thuốc độc không làm hại được.

–      Người có tâm từ bi trước phút lâm chung không bị tán tâm rối loạn. Sau khi chết có thể sanh vào thiện thú.

Chắc quý vị còn nhớ tích Bồ tát Suvannasāma, tôi xin nhắc lại:

Bồ tát kiếp ấy làm con của hai vị đạo sĩ nam và đạo sĩ nữ, trong rừng Bồ tát là người con hiếu đạo vô song, ngài tu hạnh Tâm từ rất chín chắn, hằng có tư tưởng an lành hòa dịu đến tất cả thú rừng chung quanh, vì thế thú rừng rất cảm mến Bồ tát. Khi Bồ tát đi gánh nước hái trái trong rừng, chúng chạy lẩn quẩn theo chân không hề sợ hãi.

Một ngày nọ, có vua tên Kabaliyaska vào rừng săn bắn thấy thú chạy theo Bồ tát liền giương cung bắn, ngờ đâu tên độc trúng nhằm Bồ tát.

Bồ tát không oán trách chi cả, và gọi vua lại tâm sự việc cha mẹ mù của mình. Nhà vua rất hối hận, nguyện phụng dưỡng 2 đạo sĩ suốt đời thay Bồ tát; vua vội gánh nước về thất đạo sĩ và cho tin, hai đạo sĩ yêu cầu nhà vua dẫn đến chỗ ấy.

Hai ngài liền phát lời chân ngôn (Saccavādī) rằng: “Con chúng tôi thực hành phạm hạnh, pháp bác ái là nơi yêu thương của mọi loài, do lời chân thật này mong rằng thuốc độc hãy tiêu trừ”.

Dứt lời ấy, thật vi diệu thay, thật hy hữu thay, do năng lực của lời chân ngôn và pháp tu Bồ tát trong sạch, tức thì tiêu tan thuốc độc, Bồ tát tỉnh lại như thường.

Thưa quý vị, Bồ tát cũng nhờ tâm Từ bi khéo tu tập nên tránh được nạn thuốc độc làm hại và cũng nhờ lòng Từ bi ấy mà Bồ tát cảm phục được nhà vua. Cả hai bên không có thù hận oan trái lẫn nhau.

Nói đến đây tôi cũng lại nhớ, nhắc thêm hạnh của Đức Phật cũng đã thâu phục voi Nālāgiri bằng lòng Từ bi của ngài.

Lúc đó Đề bà đạt đa đã câu kết được vua A xà thế, bèn tìm cách hại Phật để đoạt quyền cai quản Tăng chúng, ông ấy dạy người nài voi của vua, chờ Phật đi bát ngang thì phục rượu cho voi say và thả ra để voi chạy dẫm chết ngài.

Một buổi sáng, người nài thi hành việc ấy, con voi thấy Đức Phật từ xa đã cuồng lên, hung dữ vô cùng, chân dậm đất bụi bay mù mịt, miệng rống thật là kinh khủng, nhắm hướng Đức Phật mà chạy đến dẫm đạp nát tan. Chư phàm Tăng kinh sợ, đứng vẹt hai bên đường; Chư Thánh Tăng A-la-hán vẫn bình thản; Đức Phật vẫn thản nhiên tiến bước, làm cho Đại đức Ānanda nóng lòng (vì không ai thương kính Phật bằng ngài Ānanda).

Đức Phật rải lòng Từ bi đến voi chiến và cảm hóa nó, voi chiến kinh sợ chạy đi nơi khác, mất hết vẻ hung hăng. Đức Phật lúc ấy gọi voi lại, tiếng nói của Ngài làm đánh thức tri giác của nó, bây giờ nó ngoan ngoãn như một con chó nhà. Tiến đến quỳ xuống bên Đức Phật và nghe lời cảm hóa rồi rút êm về chuồng, từ đó nó trở nên hiền lành.

Người đời có câu hát tán dương rằng:

Người ta chế ngự loài voi

Bằng cây, bằng móc, bằng roi, bằng xiềng

Tay không khí giới thản nhiên

Đức Phật chỉ lấy Đức hiền thắng voi.

Thưa quý vị, còn rất nhiều câu chuyện khác nói lên hạnh Từ bi làm tiêu trừ nghịch pháp sân hận và cảm hóa mọi nơi. Tôi chỉ đề cập một vài chuyện thôi.

Nhưng chúng ta nên nhớ rằng: Tâm từ bi chỉ có thể khởi trước khi sân để dàn cảnh áp đảo sân không cho sanh, hoặc chỉ có thể sanh sau khi sân đã nguôi rồi. Thế có hại quá, làm sao diệt tắt sân lúc đang sanh để ngừa tránh hành động bi đát có thể diễn. Đó là một vấn đề ta phải lưu ý.

Khi đang Sân hận không bao giờ rải tâm Từ bi được, nhất định là vậy, lúc ấy thưa quý vị ta phải đình chỉ tư duy nhẫn nại đừng nghĩ chuyện đó nữa; bây giờ phải ghi nhớ biết mình khi nào sân dịu tắt thì khi ấy mới niệm lòng từ.

Đó là cách ngăn trừ sân đang phát khởi, mong rằng tất cả Phật tử chúng ta vị nào cũng hiểu rõ quả báo của sân, để diệt trừ sân, ngăn chặn sân, hầu tránh những việc làm không tốt do sân, để khỏi gặt hái hậu quả không tốt.

Thưa quý vị, thời pháp này đến đây cũng phải lẽ, xin dứt lời.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *