ĐẠO PHẬT VỚI TUỔI TRẺ

Ngày nay chúng ta thấy rằng đa số người khi nghe hai tiếng “đi tu” đều có một thành kiến cho rằng đó là một hình thức yếm thế, chán đời, lãng quên sự thật, chối bỏ thực tế, Đạo Phật là giáo lý chỉ thích hợp với những người lười biếng hoặc tiêu cực, chùa chiền là nơi ẩn của những người chán đời tìm quên sự thế trong lời kinh tiếng kệ, người tu là những người mất đi nhựa sống thiếu sinh lực, tức là những người lỡ vận công danh, thất bại tài tình, hoặc già yếu,… Nói chung, Đạo Phật là đạo chủ trương tiêu cực; chùa được xem như là dưỡng đường, người tu được xem như là những người trốn tránh trách nhiệm.

Đó là những thành kiến của đa số người chỉ nhận xét Đạo Phật qua nhãn quan thông thường và thiếu suy nghĩ kỹ.

Thưa quý vị, để đi vào vấn đề, chúng ta sẽ nêu lên một vài nét là:

–      Phải chăng Đạo Phật là một tôn giáo tiêu cực?

–      Phải chăng giáo lý nhà Phật không thích hợp với tuổi trẻ vì tuổi trẻ là tuổi tràn đầy nhựa sống, nhiệt huyết mà Đạo Phật được xem như là tiêu cực thụ động?

Thưa quý vị, nếu nói theo Đạo Phật là tiêu cực, thì theo chúng tôi cũng đúng trên một phương diện, mà lại sai trên một phương diện. Như thế là sao?

Thưa quý vị, khi Đức Phật xuất hiện trên đời truyền bá Giáo pháp, Ngài đã nói rằng: “Cũng như nước biển có một vị duy nhất là vị mặn thì Giáo pháp của Như Lai chỉ có một vị duy nhất là vị Giải thoát.”

Câu Phật ngôn này cho ta thấy rằng giáo lý của Đức Phật là giáo lý đặt nặng trọng yếu về phương diện giải thoát xuất thế. Do đó nếu nói Đạo Phật là tiêu cực thì sẽ đúng, nếu hiểu là tiêu cực trong các việc ác hạnh hay các việc làm có kết quả kéo dài sự luân hồi, hưởng thụ ngũ dục,…

Và là sai nếu hiểu theo Đạo Phật tiêu cực trong trách nhiệm bổn phận, nói cho đúng phải nói rằng Đạo Phật là tích cực, con người tu Phật chân chánh luôn luôn tích cực trong vấn đề Tu tập để Giải thoát, sự tích cực trong Đạo Phật là vậy.

Thưa quý vị, như trên chúng ta thấy rằng Đạo Phật cũng chủ trương tích cực tinh cần, nào phải là tiêu cực hoàn toàn như người ta nghĩ đâu.

Người tu Phật phải tích cực tinh cần, nhưng những sự tích cực tinh cần ấy phải đặt đúng chỗ, thiết thực và hợp lý.

Tức là trước sự khổ, tinh cần tu tập cách nào để giải quyết sự khổ, đó gọi là đúng chỗ; hiện hữu bị sự sanh, già, bệnh, chết chi phối, tích cực tinh cần cách nào để giải thoát không bị sự chi phối ấy nữa đó mới là thiết thực. Bị khổ, biết nguyên nhân Sanh khổ, tìm phương pháp Diệt khổ, tích cực tinh tấn hành theo phương pháp ấy mới là hợp lý.

Nói tóm lại, với hạnh phúc hiện thế người Phật tử luôn luôn có thái độ tiêu cực nhưng lại tích cực trong việc tu tập giải thoát vì đó là cứu cánh Diệt khổ, qua những điều trên chúng ta thấy rằng: Bảo Đạo Phật là chủ trương tiêu cực thì quả thật là ngây thơ và nông nổi vậy!

Tiếp theo chúng tôi sẽ trình bày và phân tích về vấn đề Đạo Phật có thích hợp với tuổi trẻ hay không?

Thưa quý vị, tuổi trẻ là tuổi nhiệt thành, nhiệt quyết, tích cực và đầy đủ sinh lực hơn lứa tuổi nào hết. Chính ở tuổi trẻ, lý tưởng được thực hiện và mục đích của việc làm được đạt thành.

Thì trở lại vấn đề khi nãy chúng tôi đã trình bày sự tích cực của Đạo Phật, chúng ta thấy rằng như vậy Đạo Phật thích hợp với tuổi trẻ chớ không phải là không thích hợp.

Chọn đời sống xuất gia, khoát lên mình chiếc y, vị Tu sĩ không phải trốn trách nhiệm, đây nói đến phần tử chân chánh, mà là chọn một hướng đi mang một sứ mệnh chấp nhận một đời sống tu tập khuôn khổ. Đi tu không là hình thức thụ động mà ở đó đòi hỏi sự tinh tấn tích cực hơn bao giờ hết, muốn tu thì trước hết phải học mà sự học đòi hỏi ở trí tuệ sáng suốt, một sức khỏe đầy đủ, nếu quý vị học mà sức yếu, suy nhược là một điều trở ngại, sự sáng suốt khó mà phát sanh ở một tấm thân yếu đuối.

Ở pháp học đòi hỏi sức khỏe bao nhiêu thì ở pháp hành cũng vậy, nếu hành pháp mà bị bệnh hoạn thì quả thật là một điều chướng ngại lớn. Nếu quý vị ngồi Hành thiền mà chỉ trong phút chốc đã mỏi lưng, thân uể oải thì khó mà để tâm lắng dịu được.

Ngoài việc Học pháp và Tự tu, vị Tu sĩ còn có trách nhiệm Hoằng pháp để thể hiện lòng Từ bi và đáp lại niềm tin của chúng sanh. Như vậy với những điều này, chúng ta thấy rằng đi tu hay đi xuất gia không phải là một hình thức thụ động mà là hoạt động rất tích cực; có thụ động chăng là cũng có đối với một phần tử không thật tu. Sự tích cực của người tu ấy đòi hỏi ở tấm thân khỏe mạnh, một trí tuệ sáng suốt và một nghị lực đầy đủ, tuổi trẻ có đủ những điều kiện ấy nên Đạo Phật rất thích hợp với tuổi trẻ. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi bảo người già không tu được, mà ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến sự thích hợp của tuổi trẻ đối với việc tu tập trong Đạo Phật.

Tuổi trẻ đối với việc tu tập trong Đạo Phật có ba điều thích hợp như sau:

–      Có nhiều sức khỏe để học hành giáo lý.

–      Có nhiều nhiệt tâm để hoàn thành phận sự.

–      Có đủ sự sáng suốt để làm tròn chí nguyện.

Trước nhất, là tuổi trẻ có nhiều sức khỏe để học hành giáo Pháp, tại sao vậy?

Thưa quý vị, trong bất cứ môn học nào cũng cần phải có sự kiên tâm và bền bỉ thì mới có thể học hỏi một cách mỹ mãn. Sự bền bỉ ấy ảnh hưởng một phần ở sự kiên nhẫn và một phần ở sức khỏe, nếu thiếu sức khỏe thì khó mà đeo đuổi hoàn mãn được. Phật Pháp cũng vậy, nếu muốn học suốt thông đầy đủ thì cũng cần có những điều kiện là đầy đủ nghị lực, và sức khỏe cho phép. Đó là ở Pháp học, còn ở Pháp hành cũng thế. Nếu thiếu sự kiên tâm và suy nhược thì cũng khó mà thành đạt như ý. Ở giai đoạn tuổi trẻ, con người khỏe mạnh hơn bao giờ hết. Ở thời trẻ, tuổi nhựa sống tràn đầy, sinh lực đầy đủ, do đó việc học pháp và hành pháp sẽ thích hợp dễ dàng, đối với tuổi trẻ không bị chướng ngại. Nói đến đây tôi còn nhớ trong kinh Dhamapāda có ghi câu chuyện của hai anh em nọ, người anh tên là Mahāpāla vốn có duyên lành đối với Phật Pháp nên có ý định muốn xuất gia, nhưng người em là Cūlapāla đã ngăn cản và khuyên người anh để đến già hãy xuất gia, đừng phí tuổi thanh xuân hãy sống đời sung sướng như vậy là hạnh phúc.

Với một ý tưởng vững chắc và sáng suốt, người anh là Mahāpāla đã trả lời bằng kệ ngôn:

“Jarā ajjaritā honti

Hatthapādā anassavā

Yassa so vihatatthāmo

Kathaṃ dhamma carisati.”

Nghĩa là:

“Tuổi già làm suy yếu

Tay chân khó dạy bảo

Người lực biết sức cùng

Làm sao hành pháp diệu?!”

Thưa quý vị, câu nói trên quả là một phương ngôn có giá trị, đã ý thức những quan kiến sai lầm là “già rồi hãy tu”. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng nếu chúng ta đã hiểu và biết được Phật Pháp mà tuổi còn trẻ thì hãy cố gắng Tu tập, Học pháp và Hành pháp vì đang ở trong thời thuận lợi nhất vậy.

Tiếp theo là chúng tôi xin trình bày điều kiện thuận lợi thứ hai đó là tuổi trẻ có nhiều nhiệt tâm để làm tròn phận sự.

Thưa quý vị, trong Phật giáo chẳng phải là một tôn giáo rỗng im lìm lặng lẽ, mà có rất nhiều phận sự cần phải làm, luôn cả Bậc xuất gia và hàng tại gia. Đối với một vị Tu sĩ xuất gia, ngoài việc trau dồi pháp học và pháp hành, nghiêm trì luật cấm, thực hành phẩm hạnh Sa môn, còn phải gánh trách nhiệm Hoằng pháp độ sanh, giữ vai trò sứ giả Như Lai. Tất cả những phận sự ấy đòi hỏi ở một nhiệt thành, nhiệt tâm, nhiệt quyết với ý tưởng và phải cố gắng phấn đấu với mọi trở lực, mới có thể làm tròn được, và đây chỉ thấy ở thời trẻ trung, mới có đủ nghị lực như vậy.

Cũng nên nói thêm rằng, phận sự trong Phật giáo là người tu phải chuyên cần thành đạt cứu cánh giải thoát mình khỏi mãnh lực phiền não, và ngày nào nguời tu chưa tiêu diệt được hết phiền não là chưa tròn phận sự. Sự hành pháp để làm tròn phận sự như vậy cũng ở con người xuân trẻ mới có thể đủ nhiệt tâm để thành tựu một cách nhanh chóng.

Nói chung chung, phận sự trong Phật giáo đối với người tu cần đòi hỏi ở nhiệt tâm làm, sốt sắng làm, mà tuổi trẻ dễ nhiệt tâm dễ sốt sắng với việc làm. Do vậy Đạo Phật rất thích hợp với tuổi trẻ và tuổi trẻ rất thích hợp với Đạo Phật. Tuổi trẻ không thích thụ động, không thích ở yên, dễ nhiệt tâm với phận sự.

Sau cùng chúng tôi sẽ nói đến điều thuận lợi thứ ba của tuổi trẻ với Đạo Phật là tuổi trẻ có đủ sáng suốt để làm tròn Chí nguyện.

Thưa quý vị, chúng ta có nguyện vọng đạt thành một cứu cánh nào, mục đích nào thì phải có Trí tuệ và sự tinh tấn trí tuệ hay sự sáng suốt giúp cho ta làm đúng, thực hiện đúng và khéo léo; sự tinh tấn là nghị lực giúp ta vượt qua mọi trở ngại. Ở đây chúng ta thấy với một chí nguyện giải thoát, người Phật tử phải có nhiều sự sáng suốt, minh mẫn: sáng suốt trong việc phân biệt pháp nào là chánh, pháp nào là tà, pháp nào nên thực hành, pháp nào không nên thực hành,…

Để chứng minh rằng tuổi trẻ đối với Đạo Phật rất thích hợp, tuổi trẻ cũng có trí tuệ để đạt thành chí nguyện, tôi xin nhắc câu chuyện Sadi Sukha bảy tuổi đạt thành quả vị A-la-hán.

Thuở ấy Sadi Sukha theo thầy thế độ là Đại đức Sārīputta đi khất thực, bên đường vào xóm thấy con đường đào dẫn nước vào ruộng bèn hỏi thầy: “Bạch ngài, người ta dẫn nước để làm gì?”. Đại đức đáp: “Người ta đào mương để dẫn nước đi chỗ này đến chỗ kia, dẫn đến chỗ khô để làm ruộng”. Sadi Sukha hỏi thăm và nghĩ rằng: “Nếu người ta có thể điều khiển, hướng dẫn một vật không có trí khôn đi từ chỗ này đến chỗ kia theo ý muốn, tại sao người ta không thể điều khiển được Tâm trí của chính mình, tự kiểm sát tâm và hướng dẫn theo ý muốn cố gắng để thành đạt đạo quả A-la-hán”.

Đi được một đỗi xa, vị Sadi thấy người ta đang chuốt tên, người ấy hơ cây tên trên lửa, để uốn nắn cho nó ngay thẳng. Khi ấy mới lên tiếng hỏi thầy: “Bạch ngài, người ta đang làm gì?”. Đại đức đáp: “Đó là người thợ chuốt tên, người ấy hơ cây tên trên lửa để uốn nắn cho nó ngay thẳng.” “Bạch ngài cây tên ấy có trí khôn không?”. Đại đức dạy rằng “Này con, nó là một vật vô tri không có trí khôn đâu”. Vị Sadi tự nghĩ: “Nếu người ta có thể hơ lửa uốn nắn một cây que vô tri giác, không có trí khôn để làm cho nó ngay thẳng tại sao chúng sanh lại không thể kiểm soát uốn nắn tâm này để thành đạt quả vị A-la-hán”.

Tiếp tục đi thêm một đỗi nữa, vị Sadi trẻ nhìn thấy những người thợ đóng xe, người thì chuốc căm xe, người thì đảo niềng, người thì đục lỗ cây trục,… thấy vậy mới hỏi thầy: “Bạch ngài, người ta làm gì?”. Đại đức đáp: “Người ta đóng xe, họ đang đục, đẽo, chuốc, bào cây để làm thành xe”. “Bạch ngài, vậy những vật ấy có trí khôn không?”. Đại đức đáp: “Này con, các vật ấy không có trí khôn đâu”. Một tư tưởng sau đây liền phát sanh đến vị Sadi trẻ tuổi: “Nếu người ta có thể bào dọn, dùng những khúc gỗ vô tri kia để làm thành những bộ phận của một chiếc xe, tại sao những chúng sanh có đầy đủ trí khôn, lại không kiểm soát mình để thành đạt quả A-la-hán?”.

Bấy giờ vị Sadi trẻ tuổi Sukha liền xin phép Đại đức Sārīputta cho mình trở về tịnh thất và trao y bát lại cho thầy, rồi trở lại vào Chùa vào phòng đóng cửa lại, ngồi xuống, yên lặng tập trung tư tưởng, cố gắng thành đạt một quan niệm rõ ràng và chân chánh về bản chất thật sự của chính bản thân mình.

Đức hạnh thanh tịnh của vị Sadi trẻ tuổi mạnh tột độ làm cho Đức Đế Thích cảm thọ, ngài quán chiếu thấy vậy, liền cùng bốn vị Thiên vương hỗ trợ vị Sadi hành đạo bằng cách xuống canh giữ im lặng chung quanh tịnh thất, không có cho tiếng động nào. Chẳng mấy chốc khi Đại đức Sārīputta vừa về tới thì Sadi Sukha cũng vừa thành đạt đạo quả A-la-hán, vua trời và bốn vị thiên vương hoan hỷ ca tụng rồi trở về cõi trời.

Thưa quý vị, vừa rồi tôi đã trình bày với quý vị về vấn đề Đạo Phật với tuổi trẻ, để minh chứng những thành kiến sai lầm và nêu lên những thích hợp của tuổi trẻ trong vấn đề học pháp và hành pháp. Vậy tôi mong rằng những người Phật tử chúng ta, những ai còn ở thời tuổi trẻ thì hãy tận dụng những thuận lợi ấy để theo đuổi, thực hành nguyện vọng giải thoát, vì ở thời này ta có thể thành tựu được chí nguyện dễ dàng. Nếu chúng ta dễ duôi, thì đến khi vô thường, già hay bệnh hoạn không thể tu học được nữa thì dù hối tiếc cũng đã muộn, như trong kinh Dhammapāda, Đức Phật có dạy:

“Trẻ không sớm biết tu hành

Không lo tài sản để dành mai sau

Cò già ủ rũ bên ao

Cá tôm chẳng có xanh xao chết dần.”

Lại nữa:

“Trẻ không sớm biết tu hành

Không lo tài sản để dành mai sau

Như cung bị gãy hai đầu

Nhìn về quá khứ khổ sầu thở than!”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *