NĂNG SUẤT CỦA NGHIỆP

Nghiệp là sự cố quyết hành động, đúng như Phật ngôn: “Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi.” – “Này chư Tỳ khưu ta nói nghiệp là sự cố ý.”

Thưa quý vị, năng suất của nghiệp là lượng năng hiệu lực trổ quả của hành động. Mỗi mỗi hành động tùy theo việc làm và cách làm đều có mang sắc thái riêng để tạo quả chớ không phải giống nhau đâu. Ở đây có bốn sắc thái của hành động mà gọi là năng suất của nghiệp cũng như bộ Visuddhimagga giải thích bốn sắc thái ấy là:

  1. Trọng nghiệp (Garukakamma).
  2. Thường nghiệp (Bahuhikamma).
  3. Cận nghiệp (Āsamnakamma).
  4. Vô ý nghiệp (Katattakamma).

Trước hết là nói về trọng nghiệp.

Thưa quý vị, trọng nghiệp Phạn ngữ gọi là Garukakamma, là nghiệp nặng nề trọng đại, nghĩa là nghiệp mạnh mẽ có năng lực, trổ quả lấn áp các nghiệp khác, có thể nói trọng nghiệp là nghiệp cố định phải trổ quả như vậy. Trọng nghiệp có 2 là: thiện và ác.

Trọng nghiệp thiện là hành động lành có năng lượng mạnh mẽ, nghiệp này chỉ là ý nghiệp, đó thuộc về Thiền định như là:

  1. Đắc Sơ thiền Sắc giới.
  2. Đắc Nhị thiền Sắc giới.
  3. Đắc Tam thiền Sắc giới.
  4. Đắc Tứ thiền Sắc giới.
  5. Đắc Ngũ thiền Sắc giới.
  6. Đắc Không vô biên xứ thiền Vô sắc giới.
  7. Đắc Thức vô biên xứ thiền Vô sắc giới.
  8. Đắc Vô sở hữu xứ thiền Vô sắc giới.
  9. Đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ thiền Vô sắc giới.

Tất cả 9 bậc thiền này được xem như là trọng nghiệp thiện vì cho quả lành một cách mạnh mẽ, không sai chạy; người nào đắc thiền nếu không hư hoại sau đó thời chắc chắn Thiền trổ quả sanh làm Phạm thiên chẳng sai, tùy theo bậc thiền.

Còn về trọng nghiệp ác, thưa quý vị là hành động bất thiện có năng lượng mạnh mẽ trổ quả nhanh chóng. Nghiệp này, có thể là thân nghiệp hay khẩu nghiệp. Trọng nghiệp ác có 5 là:

  1. Giết cha.
  2. Giết mẹ.
  3. Giết A-la-hán.
  4. Làm thân Phật chảy máu.
  5. Chia rẽ Tăng chúng.

Đó là 5 trọng nghiệp ác, năm hành động này có thể thành hiện nghiệp và thành sanh báo nghiệp một cách rõ rệt, trổ quả lấn lướt các nghiệp khác.

Một người khi đã phạm tội vào một trong những trọng nghiệp ác này thì dù có tạo các việc phước lớn như tạo Tháp xá lợi bằng vàng, chùa tứ phương Tăng, hoặc Trai Tăng khắp trong Sa bà thế giới,… có là như thế đi nữa, cũng không thể ngăn ngũ nghịch trọng tội ấy được. Khi chết chắc chắn phải đọa sanh trong địa ngục, như vua Ajātasattu nghe lời thầy Devadatta hạ sát phụ vương để soán ngôi, về sau vua hối hận, đến quy y Tam bảo làm phước nghe Pháp mong chuộc lỗi lầm, nhưng vô ích, nghiệp ác đã ngăn chặn sự lợi ích của vua rồi. Đức Phật dạy: “Này chư Tỳ khưu, nếu vua Ajātasattu không hạ sát phụ vương là một vị vua chân chánh, thì sau khi nghe pháp, pháp nhãn ly trần vô cấu sẽ phát sanh đến vị đó”. Đức Phật muốn nói quả vị Tu-đà-hoàn. Thế rồi sau khi chết vua Ajātasattu bị đọa sanh vào địa ngục, đây là trọng nghiệp của vua Ajātasattu.

Lại như ông Tỳ khưu Devadatta vì tham vọng cai quản Tăng già nên có lần ông định giết Đức Phật bằng cách là lăn tảng đá to từ trên núi xuống con đường của Phật đang đi kinh hành, may tảng đá bị mắc lại bể ra một mảnh ném trúng chân Đức Phật làm chảy máu. Rồi sau đó ông đặt ra 5 giới cấm yêu cầu Đức Phật ban hành cho Tăng Lữ, Đức Phật không ưng thuận ông phát sân chia rẽ chư Tăng 500 vị theo ông. Do hai trọng nghiệp ấy, dù trong giờ phút cuối cùng ông ăn năn sám hối hiến thân cúng dường Tam bảo, mà cũng bị đất rút sanh vào địa ngục vô gián, ấy là trọng nghiệp ác của thầy Tỳ khưu Devadatta.

Thưa quý vị, về trọng nghiệp ác này Phạn ngữ “Micchāniyata dhamma” nghĩa là các pháp tà cho quả cố định như những nghiệp ác của vua Ajātasattu và Tỳ khưu Devadatta vậy.

Tiếp theo là nói về thường nghiệp.

Thưa quý vị, tiếng gọi là Bahurikamma nghĩa là nghiệp, hành động thường làm quen cũng gọi là làm theo thói quen. Chính những hành động thường làm trở thành thói quen ấy có ảnh hưởng rất nhiều đến cá tính của người như có tích:

Một vị A-la-hán có thói quen nói chuyện với ai cũng dùng lời xưng hô như nói với người ở, giai cấp cùng đinh, các vị khác phản đối và đem chuyện bạch với Phật, Đức Phật giải thích vì là một tiền kiếp có khiên tật, thói quen thường làm trong quá khứ có năng lực tiềm tàng, ảnh hưởng đến hiện tại.

Và chính những hành động được xem là thường nghiệp có tác dụng rất quan trọng đến đời sống tái sanh của chúng sanh.

Về thường nghiệp có hai là: Thiện và ác.

– Thường nghiệp thiện là hành động lành thường làm quen làm, thành ra thói quen. Như có tích một người đàn bà kia thường hay phục vụ chư Tăng bằng cách giặt hộ y áo, đến lúc giờ phút lâm chung bà nhìn thấy những đóm lửa đỏ rực, cháy dữ dội, lúc ấy, lúc thấy ánh lửa vàng bà sực nhớ lại màu y vàng của chư Tăng mà bà đã làm phước phục vụ. Nhờ thế tâm tư đổi lại hoan hỷ mát mẻ, bà chết sanh vào cõi trời. Lại nữa như đức vua Duṭṭhagami thường xuyên cúng dường đến chư Tăng trước mỗi bữa ăn, nhờ vậy trong giờ phút lâm chung khiến cho Đức vua hoan hỷ thỏa thích việc làm và chết được sanh lên cõi trời Đâu suất (Tusita), đó gọi là những trường hợp thường nghiệp thiện.

– Thường nghiệp ác là những việc làm bất thiện tội lỗi thường làm, quen làm trở thành nết quen khó bỏ quên được, thường nghiệp này rất tai hại, hằng dẫn sanh ác thú. Tôi xin nhắc lại chuyện ông Cunda, ông là một người đồ tể hàng ngày giết heo thịt bán để làm kế sinh nhai đã lâu lắm rồi, nhà ông ở gần chùa Jetavana nơi Phật thường ngự. Trong những ngày cuối cùng của ông ta, nghiệp ác theo cho quả, ông Cunda phải chịu đau khổ cùng cực rất là bi đát là ông phải lăn lộn trên sàn nhà, kêu la, rên siết vô cùng thảm hại, giống như một con heo bị đem ra làm thịt. Chư vị Tỳ khưu đi khất thực ngang qua nghe tiếng như vậy tưởng là họ giết heo, rồi đem bạch hỏi Đức Phật. Đức Phật mới giải thích rõ sự kiện và Ngài còn thêm rằng: “Với ai làm việc ác, trong cả hai đời, đời này và đời sau phải chịu đau khổ sầu muộn”, thế là đồ tể Cunda chết sanh trong địa ngục. Đó là thường nghiệp ác của ông Cunda.

Thưa quý vị, đối với người có thường nghiệp rồi, cũng như ngựa quen đường cũ vậy, nên khi người Phật tử cố gắng làm việc lành cho thuần thục mạnh mẽ như là giữ ngũ giới, thọ trì Bát quan trai giới, bố thí, tham thiền,… có như thế tâm dễ dàng khéo tác ý Thiện mà dẫn sanh an vui, ví như người thợ làm thành món đồ tốt do nhờ đã quen tay vậy.

Kế đến tôi xin trình bày về Cận nghiệp.

Thưa quý vị, cận nghiệp tiếng Phạn gọi là Āsamnakamma nghĩa là nghiệp cận thời, nghiệp sanh trong giờ phút lâm chung, gần chết. Trong giờ hấp hối tư tưởng nghiệp sanh khởi nhớ đến đeo níu việc lành hay dữ gọi là cận nghiệp, nghiệp này sẽ cho quả ngay như con bò đứng gần cửa chuồng vậy.

Nếu trong giờ lâm chung tư tưởng lành nhớ được việc thiện, thì tức khắc dẫn sanh vào nhàn cảnh.

Bằng như giờ hấp hối, tư tưởng bồn chồn nhớ đến việc ác đã làm, gặp cảnh bất thiện, tất dẫn sanh trong khổ thú.

Thưa quý vị, theo như hai lẽ giải đây có khi chúng ta sẽ nhận sai lầm rằng: “Nếu thế ta chỉ làm lành chút ít để dành rồi không cần tạo thêm nữa, đến lúc hấp hối ta sẽ tưởng nhớ đến nghiệp lành chút ít như vậy cũng được sanh vào nhàn cảnh cần gì phải cố tâm làm phước cho vất vả.”

Không nên như vậy đâu, thưa quý vị, cho dù là người làm phước chan chứa để dành, rồi bỏ qua không lưu tâm nghĩ đến mỗi ngày, đến lúc gần lâm chung cũng khó mà nhớ tưởng phước được, huống hồ ta làm ác nhiều làm phước ít thì làm sao mà nhớ cho đặng, ta hãy nghiệm rằng ngày thường còn khó nhớ đến việc phước mình làm thì lúc lâm chung là lúc quan trọng, bao nhiêu sự bồn chồn sợ hãi phủ đè lên người ta. Đó là bản chất của kẻ phàm phu, thì thử hỏi đủ nghị lực đâu để nhớ lại việc phước chút ít mình đã làm, có họa chăng là việc hiếm hoi, gặp đặng cảnh trợ thiện mạnh mẽ thích hợp, như là có Chư Tăng trợ niệm, hình ảnh Phật tượng, nghe kinh, nghe pháp,…

Như vậy thưa quý vị, chúng ta thấy cận tử nghiệp này rất quan trọng vì chi phối đến đời sống sau này của chúng sanh. Cận nghiệp này có 2:

– Nếu cận tử nghiệp là Thiện nghiệp, nhớ đến việc lành trong giờ phút lâm chung sẽ dẫn sanh trong nhàn cảnh. Như tích cậu thiếu niên Matthakundali con của ông Bà la môn hà tiện, không dám xuất ra một số tiền mà ông cho là lớn để chạy thuốc cho con đang bệnh, bệnh cậu thiếu niên ngày càng trầm trọng, trăm phần không thể vượt qua, ông Bà la môn mang cậu đặt nằm ngoài hiên vì sợ người đến thăm dòm ngó tài sản. Tốt thay cho cậu thiếu niên bạc phước ấy, lúc ấy hình ảnh của cậu lọt vào Tuệ nhãn của Đức Thiên Nhân Sư, Ngài liền y bát thanh tịnh xuất hiện trước mắt cậu với hình ảnh vô cùng rực rỡ uy nghiêm của Đấng Đại Từ khiến cõi lòng cậu Matthakundali trở nên thanh thoát nhẹ nhàng, đức tin mãnh liệt khởi lên hướng trọn vẹn theo hình bóng của Đức Phật. Lúc ấy trút hơi thở cuối cùng, lập tức sanh vào cõi trời đạo lợi trong một tòa kim ốc huy hoàng cao 30 do tuần. Thưa quý vị, đây là cận nghiệp thiện của cậu thiếu niên Matthakundali.

– Còn nếu cận tử nghiệp là ác nghiệp, người sanh tâm bất thiện, nhớ đến việc ác đã làm trong giờ phút lâm chung như vậy sẽ dẫn sanh trong đọa xứ. Như đức hoàng đế Asoka (A-dục vương) là một vị hộ pháp mạnh mẽ, có lần hoàng đế muốn xuất ra 40 triệu đồng vàng để cúng dường Tam bảo, cho đủ số là 1 tỷ đồng vàng như Cấp cô độc xưa kia, bèn dạy triều thần làm theo nhưng họ chẳng chịu vâng lời, vì sợ vua sài hết công quỹ nước nhà, đức hoàng đế Asoka thấy vậy phiền muộn, cho đến giờ phút cuối Ngài sanh tâm bực tức triều thần đã ngăn lại sự làm phước của ngài, bấy giờ ngài băng hà thọ sanh làm con rắn độc. Lại như hoàng hậu Mallikā suốt đời làm phước bố thí, rất dồi dào, mà chỉ có lần nói dối với đức vua, đến trước giờ lâm chung nhớ lại việc lỗi lầm ấy mà sanh tâm hối hận buồn bực và tắt thở, chết sanh trong đọa xứ địa ngục hết 7 ngày. Ấy là những trường hợp cận tử nghiệp ác.

Thưa quý vị, sau cùng tôi xin nói về Vô ý nghiệp.

Vô ý nghiệp đúng ra trong Phạn ngữ gọi là Katattakamma nghĩa là nghiệp chỉ làm mà thôi. “Nghiệp chỉ làm” đây không thuộc về thường nghiệp, cũng chẳng phải là cận nghiệp, nghiệp này là hành động có gây ảnh hưởng đến kẻ khác nhưng người làm không biết, không cố ý gây ảnh hưởng đến kẻ khác. Trường hợp này như tích có con ếch bị anh mục đồng chống cây roi nhầm lên mình trong khi cả hai đang nghe Phật thuyết pháp, hành động của anh mục đồng gọi là Katattakamma (vô ý nghiệp).

Nếu trong khi hành động vô tình ấy mà chúng sanh kia có oan trái cộng vào đó, đồng thời lúc ấy tư tưởng của người hành động không được mấy tốt đẹp như phóng dật hay sân tâm, hoặc tham tâm,… dù không phải đối với ngay đối tượng chúng sanh này, thời như vậy vô ý nghiệp ấy sẽ có thể trả quả.

Như tích tiền thân của Đức Bồ Tát Savaṃnasāmā bắn chơi một phát tên vào một nụ hoa, vô tình trong nụ hoa có một con sâu bị trúng tên, oằn oại rồi chết, đến kiếp Bồ tát sanh làm con của hai ông bà đạo sĩ bị đức vua Yakkha bắn lầm mà chết. Nếu phân tích ta thấy Bồ tát vô ý bắn chết con sâu nhưng trong lúc ấy tâm Bồ tát không tốt, dù không phải đối với con sâu, nhưng cố tình hủy diệt đối tượng là bông hoa. Hơn nữa con sâu oằn oại có oan trái với Ngài nên về sau nghiệp vô ý này trả quả, thật là nhân quả chặt chẽ tương xứng.

Thưa quý vị, trong bài thuyết trình hôm nay, tôi vừa trình bày về năng suất của nghiệp, là lượng năng trổ quả của hành động có 4 là:

(1)     Trọng nghiệp là hành động có tính cách mạnh mẽ trả quả nhất định.

(2)     Thường nghiệp là hành động có tính cách quen thường xuyên nên dễ sanh trổ quả.

(3)     Cận nghiệp hay cận tử nghiệp tức là tư tưởng nghiệp sanh lúc lâm chung quyết định cho đời sống sau này.

(4)     Vô ý nghiệp là hành động vô ý có thể trổ quả, nếu không khéo tác ý.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *