TAM PHÁP THẮNG NGHỊCH

“Tam pháp thắng nghịch” nghĩa là ba pháp để chiến thắng người đối nghịch.

Quý vị sẽ lấy làm lạ khi nghe trong Phật giáo còn nói đến kẻ nghịch và phương pháp chiến thắng kẻ nghịch. Nhưng thưa quý vị, theo Phật giáo, kẻ nghịch đây không phải là người cừu địch, vay nợ máu không đội trời chung, … mà chính là những chướng ngại vật làm ngăn chặn đường tu. Ở đây có hai kẻ thù nghịch.

– Một là ám chỉ chư phiền não, lậu hoặc, tham, sân, tà kiến. (bên trong)

– Hai là chỉ ngay ma vương, đây ý nói tất cả Chư thiên ma, Tà kiến chuyên phá khuấy người tu, và chỉ luôn những chúng sanh ác quấy chống đối người tu tập. (bên ngoài)

Và lại nữa, nơi đây phương pháp chiến thắng mà Đạo Phật chủ trương rất hiền hòa, êm dịu, không phải gây một tác hại nào đến chúng sanh dù là sinh linh nhỏ bé, Đạo Phật vẫn là đạo Từ Bi kia mà.

Thưa quý vị, trong ngày hôm nay tôi thuyết lên pháp này để người Phật tử chúng ta am hiểu phương pháp chiến thắng với trở ngại, bởi người tu của chúng ta phải gặp rất nhiều nghịch chướng bên trong lẫn bên ngoài. Những lúc ấy nhờ am hiểu phương thế pháp lực nên có thể chiến thắng vượt qua được.

Ở đây có ba pháp này chiến thắng kẻ nghịch đó là:

  1. Có tư chất Thông thái. Phạn ngữ gọi Dakkhābhāva.
  2. Có tư chất Dũng cảm. Phạn ngữ gọi Sūrabhāva.
  3. Có Trí tuệ. Phạn ngữ gọi Paññā.

Trước hết, thế nào là có tư chất Thông thái là pháp thắng nghịch?

Tư chất thông thái nghĩa là tính cách thông hiểu, hiểu thấu đáo, biết một cách tuần tự, biết rõ ràng việc làm ấy gọi là tư chất thông thái. Sự Thông thái có 2 cách:

(1) Sự thông thái theo đời, nghĩa là tính cách thông hiểu am tường thế gian pháp như các nhà bác học, khoa học,…

(2) Sự thông thái theo Đạo, nơi đây tức là tính cách thông hiểu thấu đáo Phật Pháp:

+ Thứ nhất là thông hiểu Pháp học, biết rõ nghĩa lý của các pháp trong kinh điển Tam Tạng.

+ Thứ hai là thông hiểu Pháp hành tức biết rõ phương cách hành đạo thế nào là đúng? Thế nào là sai? Hành thế nào có kết quả? Thế nào không kết quả?

+ Thứ ba là thông hiểu Pháp thành tức biết rõ trạng thái của mục tiêu tu tập hay am tường trạng thái Đạo quả Niết-bàn.

Người tu trong Phật giáo thông hiểu am tường ba khía cạnh ấy gọi là người có tư chất thông thái theo đạo.

Thưa quý vị, như chúng ta đã biết, người tu hay bị trở ngại, bị đối nghịch bên trong lẫn bên ngoài.

Khi bị trở ngại bởi phiền não ma chi phối, lúc ấy có thể nhờ thông hiểu Diệu pháp lý Kinh nên biết phương thế hành ngăn chặn và vượt qua, nhờ đó mà thắng hóa được kẻ nghịch là phiền não.

Lại nữa có khi gặp trường hợp người nghịch chống đối, xuyên tạc chất vấn cột nan bằng nhiều lẽ gút mắc sâu xa. Trong trường hợp này người có tư chất thông thái Kinh Luật nhờ đó ứng đối dễ dàng và biết phương thế xử sự để cảm hóa người ta.

Như thuở Phật giáo được 500 năm từ khi Đức Thế Tôn Niết-bàn có một vị Tỳ khưu trí tuệ vô song, Ngài có tên là Nāgasena, Ngài xuất gia năm 7 tuổi mới nghe qua một lần đã nằm lòng 7 bộ Diệu pháp, thấu đáo tận tường lý nghĩa không sai. Lớn lên làm Sadi, Nāgasena xuất gia Tỳ khưu và học thuộc lòng cả Tam Tạng, thông suốt nghĩa lý Phật ngôn và chẳng bao lâu đắc A-la-hán quả.

Trong thời ấy có đức vua Milinda là người cao kiến, luận lý bén nhạy, là bậc trí thức có nhiều ý kiến sâu xa. Đức vua thường để tâm tìm kiếm các vị đạo sĩ Sa môn có danh là giáo chủ cao minh thông suốt Kinh Luật để tìm đến vấn đạo cật nan.

Các vị giáo chủ trứ danh thời bấy giờ chịu phép, chư vị Sa môn trong Phật giáo là những vị A-la-hán rút vào rừng núi. Phật giáo cũng bị ảnh hưởng vì thế mà sắp lu mờ. Suốt cả 12 năm dài từ đó, tại thủ đô của xứ Sāgala vắng bặt hình bóng lai vãng của các vị Sa môn, Bà la môn cũng vì sự vấn đạo cật nan của Đức vua Milinda.

Mãi sau, đến khi Ngài thánh tăng Nāgasena xuất hiện, Ngài có Trí tuệ vô song, thông thái vô cùng đã luận đàm cùng đức vua Milinda trải qua mấy trăm câu hỏi gút mắc sâu xa. Đức Nāgasena đã lập luận lý lẽ, dẫn chứng Kinh điển, nêu bài thí dụ giảng giải pháp để phúc đáp cho vua Milinda một cách trôi chảy rành mạch, khiến cho đức vua khâm phục hoan hỷ vô cùng, hết lòng sùng ngưỡng Phật giáo, nhờ đó giáo pháp Phật Đà được sáng lạng.

Đức Nāgasena đã cảm hóa chinh phục được vua Milinda trở thành nhu thuận. Cũng nhờ tư chất thông thái Giáo pháp của Ngài và ảnh hưởng do nghiệp trí đã tạo từ đời quá khứ.

Thưa quý vị, xuyên qua sự kiện xảy ra này chúng ta đã nhận được người đã có tư chất thông thái thì chiến thắng vượt qua mọi trở lực đối nghịch.

Còn phiền não sanh, nhờ thông thái hiểu pháp cũng bài trừ được, có kẻ đối nghịch chống phá, nhờ khéo biết, khôn ngoan cũng cảm hóa được, Đức Phật 45 năm hoằng khai Chánh pháp đã thâu phục biết bao kẻ ngoại đạo, công kích, chống đối và phỉ báng, cũng nhờ tính cách Toàn tri của Ngài. Cho nên người Phật tử chúng ta phải cố tầm chân Chánh pháp, đào sâu nghĩa lý diệu huyền của Pháp bảo, để có thể thành người thông thái uyên thâm.

Tiếp đến, thế nào là có tư chất Dũng cảm là pháp thắng nghịch?

Thưa quý vị, tư chất dũng cảm ấy ra sao? Nghĩa là sự can đảm, vững lòng quyết tiến không lui sụt, không yếu hèn trước trở ngại khó khăn nguy hiểm đó gọi là tư chất dũng cảm, Phạn ngữ gọi là Sūrabhāva.

Thưa quý vị, sự dũng cảm nơi đây cần phải hiểu có hai sắc thái:

(1) Một là sự dũng cảm bên ngoài, nghĩa là tính cách gan dạ, cứng lòng đối với chướng ngại vật. Theo thế gian, sự phấn đấu hy sinh trước kẻ thù khó khăn vì chính nghĩa đó là sự dũng cảm. Còn theo Phật giáo, thì sự dũng cảm bên ngoài ấy là vững lòng, không thối chuyển, không để bị lui sụt trước những quân ma, thử thách, những trở ngại vật chất trong việc hành đạo như nắng, mưa, nóng, lạnh, đói, khát,…

(2) Hai là sự dũng cảm bên trong, đây ý nói là sự phấn đấu với trận giặc lòng tức là phiền não, tham lam, sân hận, si mê, ngã mạn, bỏn xẻn, ganh tỵ, hôn trầm, phóng dật, tà kiến,… đó là sự dũng cảm bên trong.

Thưa quý vị, khi người có tâm dũng cảm như thế ấy rồi, sẽ có thể vượt qua những trở ngại, chiến thắng mọi quân ma. Nhất là phiền não ma và dù chí đến ma vương có nhiều thần lực thế mà cũng vẫn thúc thủ khâm phục trước Bậc có tâm dũng cảm như vậy.

Chắc quý vị còn nhớ đến giai đoạn đã xảy ra trong sự xuất gia từ bỏ hoàng thành của Bậc đạo sư chúng ta trước khi chưa thành đạo.

Khi ấy, lúc Ngài là thái tử Siddhattha ngài cùng Xa nặc người hầu xe, dùng ngựa Kamthaka rời khỏi hoàng thành đi tìm đạo giải thoát. Bấy giờ ma vương là vị chư Thiên nhiều thần lực, có tâm xấu xa thường khuấy rối người tu, hay tin thái tử xuất gia bèn hiện ra chặn đường mà bảo:

“Này Sĩ-đạt-ta người xuất gia làm gì? Không còn bao lâu nữa người sẽ là vua Chuyển luân vương, là chúa cõi trần. Bây giờ đây, dù người có tâm tu hành cũng chẳng đắc quả gì? Bởi người bất hiếu, bất nghĩa, thiếu bổn phận thì làm sao đắc đạo được?”

Khi ấy, Đức Sĩ-đạt-ta nghiêm nghị hỏi: “Ngươi là ai?”

“Ta là vua cõi trời Vassavati.”

Đức Sĩ-đạt-ta biết là ma vương bèn phản kháng:

“Này ma vương, ta cũng biết rằng xe ngọc Chuyển luân vương sẽ đến với ta, nhưng ngươi hãy tránh cho ta đi. Ta không ham mê những điều ấy đâu, để rồi mắc lưới của ngươi, ta sẽ làm cho thế gian rung chuyển khi ta đạt thành quả Giác ngộ, ngươi đừng hòng lung lạc, ta đã quyết định tìm đường giải thoát cho chúng sanh. Ngươi hãy tránh ra, hỡi con người tội lỗi!”

Lúc đó ma vương tủi hổ biến mất. Thế rồi trải qua 6 năm khổ hạnh biết bao công trình, Đức Sĩ-đạt-ta mà bấy giờ người ta gọi là đạo sĩ Cồ-đàm, hình dung tiều tụy, khô héo sức kiệt lực cùng,… Cho đến một ngày nọ, Ngài nhận thức được lối tu khổ hạnh không đem lại kết quả gì, nếp sống lợi dưỡng cũng thế. Rồi Ngài chuyển hướng theo con đường Trung đạo, trở lại khất thực nuôi thân. Một ngày kia, có ông Bà la môn tên Sutthiyo dâng cho ngài 3 bó tranh, Ngài trải dưới cội bồ đề rồi phát nguyện: “Nếu ta đắc quả hôm nay xin cho nơi này nổi lên một bảo tọa”. Liền đó một bảo tọa màu xanh cao 14 hắc tay từ dưới đất nổi lên, Đức bồ tát đạo sĩ vô cùng hoan hỷ, ngự lên bảo tọa; Ngài lại phát nguyện thêm rằng: “Bao giờ chưa hết tiềm miên phiền não, dù cho thịt ta có khô, máu ta có cạn, ta cũng không rời bỏ nơi nầy”, rồi Ngài tham thiền.

Bấy giờ sau khi chứng kiến được việc làm của Bồ tát, Ma vương bất mãn bèn kêu gọi binh ma đến vây Bồ tát tranh bảo tọa, biến ra nhiều kỳ hình dị tướng, cốt làm cho Ngài kinh sợ mà rời bảo tọa ra đi. Bọn Ma vương tay cầm khí giới la hét rền vang, trời đất chuyển động, các vị Chư thiên hầu Bồ tát đều sợ tránh đi hết. Giữa lúc thế cô nguy hiểm, Đức Bồ tát nghĩ nhớ đến 30 pháp Ba la mật mà Ngài đã đào tạo dung dưỡng từ lâu, ngài cảm thấy an tâm nên Ngài bình tĩnh lại, ngài dùng 7 chiến sĩ hữu lực bảo vệ mình là: Đức tin, Tinh tấn, Chánh niệm, An định, Trí tuệ, Tâm tàm và Tâm quý. Ngồi trên bồ đoàn, Đức Bồ tát cảm thấy binh tướng của mình oai hùng, mạnh mẽ không kém gì quân ma; nên Ngài an nhiên tự tại.

Thấy thế khiến Ma vương vô cùng tức giận tung ra nhiều thần lực phép màu để hại Bồ tát, và buộc Ngài phải rời bồ đoàn ra đi, nhưng Ma vương bị thất bại nhục nhã trước con người siêu đẳng ấy, không có một tấc thép nào trong tay, chẳng một binh gia tướng sĩ nào cả, chỉ có ý chí cương quyết dũng cảm và nguyện lực Ba la mật mà thôi.

Sau khi Ma vương rút đi rồi, cảnh vật rừng sâu rất thanh tịnh. Dưới cội bồ đề, Bồ tát Sĩ-đạt-ta đang Thiền định, tâm tư bỗng dưng dao động không an, bao nhiêu ảo ảnh của tài tình danh lợi trong quá khứ đều hiện ra rõ rệt trong tư tưởng của Ngài.

Đây là trận giặc lòng nổi dậy ngăn cản con đường đạo quả của Ngài.

Đức Bồ tát cương quyết thắng phục tâm, tự sách tấn lấy mình, đẩy lui hết những tư tưởng nhơ bẩn, khiến cho tâm tư của Ngài trở nên an tịnh tuyệt đối.

Để rồi trong đêm rằm trăng tròn hôm ấy, Bồ tát chứng ngộ Tam minh đạt thành Chánh giác, là một đóa hoa duy nhất chỉ nở một lần, Ngài là thầy tất cả Chư thiên và nhân loại, là đấng vĩ nhân cao quý hơn cả Chư thiên, Phạm thiên trong đời.

Thưa quý vị, nhắc lại giai thoại này của Đức Bổn Sư khi còn là vị Bồ tát đã hiện rõ cho chúng ta thấy gương dũng cảm của Ngài. Nhờ tư chất dũng cảm ấy mà Đức Bồ Tát thắng phục được ma vương, vượt qua các chướng ngại tinh thần, bởi thế có tư chất dũng cảm là pháp thắng nghịch.

Và tiếp sau cùng là thế nào có Trí Tuệ là pháp thắng nghịch?

Thưa quý vị, trí tuệ là gì? Trí tuệ là sự sáng suốt khôn khéo, nhận rõ, hiểu thấu, hiểu biết rành, nhận định đúng, quán xét tỏ tường. Trí tuệ như ánh sáng, như gươm sắc, diệt trừ sự mê tối. Có ba loại trí tuệ:

  1. Trí Văn.
  2. Trí Tư.
  3. Trí Tu.

Trí văn là tuệ sáng suốt do nghe, học mới đặng hiểu biết những nghĩa lý sâu sắc, cao siêu của triết học hoặc toán học hay các tài nghệ.

Trí tư tức là tự tâm sáng suốt, suy xét tìm tòi mà đặng hiểu biết những lời, ngoài ra cách học, hỏi, nghe. Như tích Bồ tát với vị sư huynh đi rừng thấy đường voi vừa đi qua, thì Bồ tát nhận biết voi là voi cái, người nài là người nữ, voi bị chột mắt. Sư huynh chạy theo thấy đúng vậy, nghĩ là thầy chỉ dạy sư đệ không dạy mình nên giận thầy. Câu chuyện đến tai thầy, thầy cũng ngạc nhiên, Bồ tát liền giải thích điểm suy xét cá nhân của mình cho thầy và sư huynh nghe, đó là trí tư của Bồ tát.

Trí tu, là tuệ sáng suốt phát sanh do tu hành tỏ ngộ, tức là phát triển Tứ niệm xứ hay Tuệ phát sanh trong tâm Thiền.

Thưa quý vị, trí tuệ là yếu tố nền tảng trong Phật giáo vì trí tuệ là ánh sáng soi đường cho lẽ phải, giúp Hành giả thấu rõ bản thể pháp, nhận biết phân biệt chánh tà, hiểu biết nhân quả của các pháp.

Đối với người có trí tuệ, trong việc tu tập sẽ thắng hóa được các pháp nghịch dễ dàng, như người có gươm bén không sợ kẻ thù.

Những chướng ngại tinh thần như là phiền não bên trong hay nghịch cảnh khó xử, cũng nhờ người có trí tuệ mà vượt qua được, vì biết tìm xét nhân và quả. Đến đây tôi xin nhắc tích chuyện tiền thân của Bồ tát, khi ấy Bồ tát là con khỉ chúa.

Thuở ấy, có ông Phạm chí mất bò, bèn đi tìm kiếm vào rừng sâu, rủi bị quên đường lạc ngõ, đói khát đến xế chiều may gặp được cây tùng lan có trái ăn được. Ông Phạm Chí mừng rỡ và leo lên hái ăn không may vì vô ý bị gãy nhánh rơi xuống hố sâu hầm đứng, may có rễ giăng ngang chằng chịt nên không chết, nhưng không lên được, chỉ khóc la kêu cứu.

Bấy giờ có con khỉ chúa là tiền thân Bồ tát đi ngang qua nghe thấy, thương xót định cứu. Khỉ chúa thấy ông Phạm chí thì nghĩ đến sức mình e không nổi, bèn tựu kế thảy hòn đá nặng bằng người rồi đem lên thử thấy được mới chuyền xuống cõng đưa ông Phạm chí lên khỏi hố được an toàn.

Lại nữa, thưa quý vị, người có Trí tuệ sẽ giải thoát mình khỏi tay kẻ thù nhờ có sáng kiến.

Như lúc quá khứ, cũng tiền thân Đức Bồ tát sanh làm con khỉ chúa, thân hình to lớn và đẹp ở rừng Himavana gần sông Gangā. Tại khúc sông ấy có một cặp cá sấu ở, sấu cái có mang muốn ăn thịt khỉ mới bảo sấu đực: “Tôi muốn ăn trái tim của khỉ chúa”, sấu đực nghe nói lấy làm khó xử vì làm sao bắt được khỉ ở trên bờ?

Sau mới nghĩ ra một kế, sấu đực bò lên gần bờ chỗ khỉ chúa xuống uống nước hằng ngày, thấy khỉ chúa bèn làm quen chuyện trò, lâu ngày trở nên thân, một hôm sấu bảo khỉ: “Bạn hầu chúa, bên kia sông có nhiều thứ trái ngon lắm như chuối, xoài, mận,… đều tươi tốt quanh năm, ở đây chỉ có chuối. Vậy bạn nên qua bên kia chơi một chuyến”. Khỉ chúa nói “Mà làm sao tôi qua được?” Sấu bảo “Tôi xin chở bạn trên lưng mà đưa qua dễ dàng”. Khỉ đáp: “Nếu bạn có lòng tốt thì tôi cám ơn lắm”.

Sấu đôn đốc khỉ chúa cưỡi trên lưng sấu đực, sấu lội ra giữa sông thì bảo ngược: “Ta không đem ngươi đi đâu cả, vợ ta có mang, thèm ăn tim ngươi, bây giờ ta sẽ giết ngươi”, khỉ chúa hoảng kinh, nhưng lanh trí bảo: “Ồ! tưởng gì chớ tim tôi thì tôi sẵn sàng cho, mà sao anh không nói trước ở trong bờ tôi lấy cho, anh thử nghĩ nếu trái tim tôi đây mà để trong mình thì những lúc tôi chuyền nhảy nó khua, đụng bể nát còn gì?”. Khỉ chúa nhìn thấy trái sung chín trên cây, liền chỉ sấu mà bảo: “Kìa kìa! Tim tôi để trên cây kìa anh đem tôi vô, tôi lên lấy cho mà đem về”. Con sấu ngu ngốc nghe thấy tưởng thật đưa khỉ chúa vào bờ, khỉ mừng quá trèo lên cây sung nói: “Này bạn sấu ngu ngốc kia! Bạn tưởng tim tôi có thể để rời thân được sao? Bạn tuy lớn xác nhưng không có trí tuệ, thời bạn hãy về an vui, tôi không trả thù bạn đâu”, nói xong bỏ đi mất, mặc cho sấu bực tức, buồn tiếc.

Thưa quý vị, qua những tích chuyện này, chúng ta thấy Bồ tát nhờ có trí tuệ mà vượt qua mọi hoàn cảnh khó xử. Cũng vậy, đối với người tu tập sẽ gặp không ít những trở ngại, bên trong là kẻ thù phiền não, bên ngoài là hoàn cảnh gay go và kẻ đối nghịch công kích. Trong những nghịch trở ấy, nếu chúng ta có đủ Trí tuệ sáng suốt thì sẽ vượt qua một cách ổn thỏa. Mà muốn đào luyện Trí tuệ, chúng ta trau dồi Trí văn bằng cách nghe, học hỏi Chánh pháp; trau dồi Trí tư bằng cách thường suy xét những yếu lý cao siêu trong Phật pháp và trau dồi Trí tu bằng cách cố niệm quán Danh Sắc theo Thiền định niệm xứ cho nhận rõ sự sanh diệt của các pháp.

Thưa quý vị, nói tóm lại trong thời pháp hôm nay, tôi đã trình bày về ba pháp thắng nghịch. Là có tư chất Thông thái, có tư chất Dũng cảm và có Trí tuệ. Chúng tôi mong rằng, tất cả chúng ta ai cũng có mang ba pháp này. Vì trên con đường tu tập chúng ta còn phải chịu đựng biết bao thử thách, và đương đầu với phiền não ma vương. Vậy nếu xét thấy mình chưa có, chúng ta hãy đào luyện cho có. Ba pháp này cũng ví như ba chữ bùa hộ mạng vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *