THẾ NÀO LÀ LỜI PHẬT DẠY?

Khi Đức Phật ra đời, giáo lý của Ngài tuyên thuyết là chân lý, là Chánh pháp toàn hảo đoạn đầu, được toàn hảo đoạn giữa, được toàn hảo đoạn cuối, giáo lý ấy có hiệu năng hướng thượng đưa đến an lạc, sự an lạc tuyệt đối, được quần chúng đa số quy ngưỡng, ưa chuộng. Lợi dụng cơ hội ấy, một số người hoặc là ngoại đạo, hoặc là những đệ tử bất hảo, vì danh vì lợi đã sửa đổi Giáo lý theo tư kiến của mình, thành lập môn này phái nọ, lý kia thuyết nọ cho hợp thời thế, cho hợp với cuồng tín của nhiều người, để thu hút quần chúng phát sanh lợi lộc. Và luôn luôn dán nhãn hiệu đi đầu bằng danh từ “Phật Giáo”. Mặc dù cũng với nhãn hiệu đó, nhưng những chủ trương giáo lý đều mâu thuẫn tương phản lẫn nhau. Đứng trước sự kiện ấy, có những người Phật tử đâm ra hoang mang, ngờ vực không biết đâu là chánh, đâu là tà, đâu là đúng, đâu là sai? Biết tin điều nào, bỏ điều nào? Và làm sao hiểu rõ thế nào là lời Phật dạy, và thế nào là không phải lời Phật dạy?

Thưa quý vị, chính vì lẽ đó nên hôm nay chúng tôi mạo muội trình bày các vấn đề liên quan đã được học hiểu và tìm thấy trong Tạng kinh Thánh điển, ngõ hầu đem lại chút ít ánh sáng gì cho chúng ta soi đường trong việc chọn đường tu tập.

Thưa quý vị, trở lại vấn đề sự kiện này đã được Đức Phật là vị Đạo sư sáng suốt đã dè dặt nhắc nhở chư đệ tử trước giờ diệt độ như sau:

“Hỡi chư Tỳ khưu, sau này có thể có những vị tuyên bố: “Đây là Pháp, đây là Luật, đây là lời dạy của Bậc đạo sư tôi được tự thân nghe biết,…”. Hỡi chư Tỳ khưu, các người đừng nên tán thán, đừng nên hủy bỏ lời nói của các vị ấy, mỗi lời mỗi câu cần phải học hỏi kỹ lưỡng và đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật; nếu thấy phù hợp tương ứng, mới nên hiểu rằng: “Đây chắc chắn là lời dạy của đức Đạo sư, vị ấy nói chân chánh” và ngược lại, nếu đem so sánh với Kinh, đối chiếu với Luật thấy không phù hợp, không tương ứng thì nên hiểu rằng: “Chắc chắn đây không phải là lời dạy của Đức Thế Tôn; vị ấy nói như vậy đã sai lầm” và này các Tỳ khưu, hãy từ bỏ những vị này”.

Thưa quý vị, xuyên qua lời dạy đó, đã cho chúng ta một bài học hay, đem ứng dụng trong việc tu tập của mình, chẳng nên nhận định tin càn, vì sự cẩn thận bao giờ cũng tốt hơn là vội vàng.

Vấn đề này rõ hơn thế nữa là trong bộ kinh Aṇguttara Nikāya. Đức Phật đã dạy cho bà Mahāpajāpati Gotami, những vấn đề làm tiêu chuẩn để suy biết thế nào là Phật Pháp? Thế nào là phi Phật pháp?

“Này bà Gotami, bất luận những Giáo điều nào:

–        Đưa đến Tham dục, không biết đến Ly tham.

–        Đưa đến Hệ phược, không đưa đến Ly hệ phược.

–        Đưa đến Tụ tập, không đưa đến Yểm ly.

–        Đưa đến Đa dục, không đưa đến Thiểu dục.

–        Đưa đến Không tri túc, không đưa đến Tri túc.

–        Đưa đến Tụ hội, không đưa đến Nhàn tịnh.

–        Đưa đến Biếng nhác, không đưa đến Tinh tấn.

–        Đưa đến Khó dưỡng, không đưa đến Dễ dưỡng.

Này bà Gotami, nên hiểu rằng đó không phải là Pháp, là Luật, là lời dạy của Bậc đạo sư.

Ngược lại, này bà Gotami, những Pháp nào:

–        Đưa đến Ly tham, không đưa đến Tham dục.

–        Đưa đến Ly hệ phược, không đưa đến Hệ phược.

–        Đưa đến Yểm ly, không đưa đến Tụ tập.

–        Đưa đến Thiểu dục, không đưa đến Đa dục.

–        Đưa đến Tri túc, không đưa đến Bất tri túc.

–        Đưa đến Nhàn tịnh, không đưa đến Tụ hội.

–        Đưa đến Tinh tấn, không đưa đến Biếng nhác.

–        Đưa đến Dễ nuôi, không đưa đến Khó nuôi.

Ở đây này bà Gotami, nên hiểu rằng đó là Pháp, là Luật, là lời dạy của Bậc đạo sư.”

Thưa quý vị, đấy là những pháp tiêu chuẩn để trắc nghiệm thế nào không phải là lời Phật dạy, đã được Bậc đạo sư chỉ dẫn một cách tóm tắt. Sau đây tùy theo sự học hiểu của mình, chúng tôi sẽ trình bày những pháp tiêu chuẩn trắc nghiệm “Đúng lời Phật dạy” vì vấn đề này quan trọng cần thiết hơn.

Thế nào là Pháp đưa đến Ly tham không đưa đến Tham dục, đó chính là lời dạy của Phật?

Thưa quý vị, tham dục là sự luyến nhiễm, ái trước, khao khát những đối tượng khả ái, hấp dẫn lòng dục.

Pháp đưa đến ly tham, nghĩa là những pháp nào khi thực hành có kết quả đưa đến xả ly, nhàm chán, không ái nhiễm, chẳng còn dính mắc với các cảnh trần nữa.

Trong Giáo lý của Đức Phật, Ngài hằng thuyết minh về nguồn gốc sự khổ, đó là ái dục, lòng tham, xuyên qua những lời sau đây:

“Từ khát ái sinh ra sầu ưu, từ khát ái sinh ra sợ hãi, với ai thoát khỏi khát ái, chẳng có sầu ưu thì đâu có sợ hãi.”

Và Đức Phật đã từng khuyến hóa chư đệ tử như lời sau đây, được tìm thấy trong kinh Dhammapāda bộ Khuddaka Nikāya:

“Hỡi chư Tỳ khưu, hãy tát cạn con thuyền này, thuyền được tát cạn nhẹ sẽ đi mau. Các ngươi hãy đoạn tận tham ái và sân hận, nhờ đó các ngươi đạt đến Niết-bàn”.

Thưa quý vị, xuyên qua lời dạy đó chúng ta còn lầm tông chỉ giáo lý Phật như thế nào nữa? Lời dạy của Đức Phật luôn luôn có tính cách hướng đến sự ly tham, đoạn tận tham rõ ràng, và hơn nữa những pháp môn mà Đức Phật dạy chư đệ tử hành trì càng phải có tính cách hướng đến sự ly tham, đoạn tận tham rõ ràng.

Suy niệm quán tưởng về bản chất bất tịnh, ô trược của xác thân, để nhàm chán, từ bỏ tham luyến, tự thân không dính mắc đam mê dâm dục hèn hạ, như trong kinh Aṇguttara Nikāya đã dạy như vậy.

Suy niệm về bản chất vô thường của vạn hữu, để không tham luyến trong tài, sắc, lợi, danh.

Suy niệm về sự chết để không tham luyến trong cuộc sống giả tạm này.

Suy niệm về tính cách bất hỷ, khổ, trong tất cả thế gian để không tham ái bám víu các cõi sống luân hồi.

Thế thì những chủ thuyết nào có tánh cách xây dựng lòng tham trong khát ái, chủ trương các cõi cao cả sang trọng,… tu để hướng đến cảnh giới như vậy thì đấy chính không phải là lời Phật dạy, vì còn đeo níu, dính mắc cảnh, chúng ta nên hiểu như vậy.

Hơn nữa, chẳng lẽ Chân lý lại có hai? Chánh pháp lại mâu thuẫn, giáo lý lại tương phản? Nếu không do nhiều người xướng lập!

Đức Phật tuyên bố pháp hành ly tham chứ không đưa đến tham dục. Đó là pháp của Như Lai, đem đối chiếu trắc nghiệm các pháp hành quán niệm, suy tưởng như bất tịnh,… Và lời dạy tiêu chuẩn này chúng ta sẽ không còn ngờ vực việc gì nữa, đích thật là lời dạy của Bậc đạo sư vì tương ứng với nhau, không phải là không tương ứng.

Tiếp đến thế nào là lời Phật dạy đưa đến Ly hệ phược, không đưa đến Hệ phược?

Thưa quý vị, hệ phược là dây trói buộc, tức là phiền não, kiết sử. Chính những pháp này cột trói chúng sanh trong vòng luân hồi, không sao cởi bỏ được. Ở đây, ái dục là dây trói buộc; ái hữu là dây trói buộc; phẫn uất là dây trói buộc; ngã mạn, tà kiến, giới cấm thủ, hoài nghi, tật đố, bỏn xẻn và vô minh là những dây trói buộc.

Pháp hành đưa đến ly hệ phược, những pháp nào khi thực hành có kết quả đoạn tận, tiêu trừ, nhổ sạch mọi kiết sử trói buộc, cởi mở tâm, giải thoát buộc ràng.

Mục đích trong Phật giáo là dạy hành pháp để đoạn tận mọi kiết sử giằng thúc để thành đạt bốn Thánh quả, tỏ ngộ Niết-bàn, đó là mục tiêu duy nhất của Giáo pháp.

Đức Phật dạy về quán mắt là vô thường, quán cảnh sắc là vô thường, quán nhãn thức là vô thường, quán nhãn xúc là vô thường; từ xúc ấy sanh thọ, quán nhãn thọ này là vô thường khi ấy tâm nhàm chán, rồi xả ly, do xả ly được giải thoát, cắt đứt mọi hệ phược.

Cũng vậy quán đối với tai là vô thường.

Cũng vậy quán đối với mũi là vô thường.

Cũng vậy quán đối với lưỡi là vô thường.

Cũng vậy quán đối với thân là vô thường.

Và quán tâm là vô thường; quán cảnh pháp là vô thường; quán ý thức là vô thường; quán ý xúc là vô thường; từ xúc sanh thọ và quán ý thọ là vô thường; khi ấy tâm nhàm chán, rồi xả ly, do xả ly nên được giải thoát, dứt sạch mọi hệ phược; thực hành đến mức độ như vậy, là lời dạy của Bậc đạo sư, có hiệu năng xả ly, cắt đứt mọi hệ phược.

Đem so sánh pháp môn hành quán này với pháp tiêu chuẩn “Pháp chi đưa đến ly hệ phược, không đưa đến hệ phược, đó là pháp của Như Lai” thì thưa quý vị, chúng ta thấy rõ trắc nghiệm tương ứng, hòa hợp không tương phản, thì như vậy chính là lời dạy của Đức Phật.

Bằng như chủ thuyết nào, đem trắc nghiệm thấy rằng thực hành theo chỉ đưa đến trói buộc, ràng buộc, dính mắc thân tâm chúng ta nên hiểu rằng đấy chính không phải lời Phật dạy, bởi so sánh hậu quả trái với tông chỉ.

Kế tiếp thế nào là lời Phật dạy đưa đến Yểm ly, không đưa đến Tụ tập?

Thưa quý vị, sự Tụ tập dịch từ Phạn ngữ Ācaya nghĩa là pháp được chất chứa bởi nghiệp phiền não, ở đây ám chỉ sự luân hồi sanh tử; Đức Phật không dạy ra những pháp nào hành kết quả rốt ráo, còn luân hồi trong 6 nẻo!

Pháp đưa đến yểm ly là pháp thực hành có hiệu năng đưa đến vượt khỏi luân hồi không còn sanh tử xoay chuyển nữa, tức đạt Niết-bàn.

Thưa quý vị, chính giáo lý của Đức Phật có những tinh hoa pháp môn mang tính chất ấy như là Bát Chánh Đạo là con đường chánh, có tám nhánh dẫn đến đạo quả Niết-bàn đó là:

1.     Chánh kiến: trí tuệ nhận thấy chân lý đúng với nhân và quả.

2.     Chánh tư duy: suy xét, nghĩ tưởng về những việc chân chánh.

3.     Chánh ngữ: ngăn trừ tà ác ngữ, nói năng chân chánh.

4.     Chánh nghiệp: ngăn trừ tà ác nghiệp, hành động chân chánh.

5.     Chánh mạng: ngăn trừ ác tà mạng do thân, khẩu ác, tức là nuôi mạng chân chánh.

6.     Chánh tinh tấn: siêng năng cố gắng với việc làm chánh thiện.

7.     Chánh niệm: ghi nhớ việc làm chánh đáng.

8.     Chánh định: định tâm an trụ một cảnh bằng cách chân chánh.

Đối với Tám chánh đạo này, phân ra trong đó gồm có tam học Giới – Định – Tuệ giúp cho Hành giả tu tập rốt ráo sẽ đạt đến giải thoát, cứu cánh Niết-bàn. Chính Đức Phật đã nhấn mạnh các vấn đề này trong kinh Aṇgutara Nikāya.

Đức Phật là Bậc không còn luân hồi, Ngài đã phơi bày cái khổ luân hồi, mục đích thành đạo Chánh giác của Ngài là muốn tiếp độ chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi, như thế thì không có lý nào để Ngài tuyên thuyết dạy chúng sanh bằng những pháp chỉ rốt ráo kết quả là đưa đến luân hồi.

Bởi thế nên khi trắc nghiệm một pháp môn hành trì nào, biết rằng kết quả còn bám víu vào các cõi luân hồi, thì phải hiểu đó chẳng phải là lời Phật dạy, trái lại là lời Phật dạy.

Tiếp đến nữa thế nào lời Phật dạy đưa đến Thiểu dục không đưa đến Đa dục?

Thưa quý vị, đa dục tức là ham muốn nhiều, đó chính là tham, mà lòng tham muốn là dẫn đến khổ, mục đích của Đạo Phật là thoát khổ, đương nhiên phải bứng tận gốc nguyên nhân sanh khổ là lòng tham muốn.

Nếu vậy thì đúng là lời Phật dạy, phải là pháp đưa đến thiểu dục, tức là pháp môn nào thực hành kết quả đưa đến lòng ít muốn không tham, chẳng thèm khát đòi hỏi.

Đức Phật có dạy 13 pháp đầu đà (Dhutaṇga) đều có đặc tánh làm cho thiểu dục (Appicchatā) nhưng đây chỉ trình bày phần chính.

– Tư cách người lượm vải dơ bỏ, để may y phục mặc. Đó là ngăn lòng tham muốn ưa thích se sua, lòe loẹt.

– Tư cách người xuất gia chỉ đi khất thực ăn, khi đó ai cho chi ăn nấy, không đòi hỏi món này tôi ăn được, món kia tôi ăn được, khiến cho tâm phải chộn rộn về vật thực.

– Tư cách người xuất gia chỉ đi khất thực thứ lớp theo từng nhà như thế để diệt lòng tham muốn, tìm kiếm món ngon vật lạ ở chỗ cao sang nhà giàu có. Khi đó đến bất cứ nhà nào giàu, nghèo, tôn kính hoặc không tôn kính cho hoặc không cho cũng không có ý đòi hỏi.

– Tư cách Bậc xuất gia chỉ ngụ trong rừng, đó để ngăn lòng ham muốn nhà cao, cửa rộng, phồn hoa đô hội.

– Tư cách Bậc xuất gia chỉ ngụ dưới gốc cây, đó để ngăn lòng tham muốn đòi hỏi tiện nghi vật chất.

– Tư cách Bậc xuất gia chỉ ngụ nơi mộ địa để nhàm chán thế trần, không muốn chạy theo danh vọng tài tình.

– Tư cách Bậc xuất gia chỉ trong ba oai nghi không nằm, để tiết dục, không ưa ngủ nghỉ.

Như vậy chúng ta thấy trên đây những pháp Bậc đạo sư dạy có tánh cách diệt dục, ngăn chặn lòng ham muốn; đem so sánh trắc nghiệm thì quả hợp với pháp tiêu chuẩn: “Pháp nào đưa đến thiểu dục không đưa đến đa dục, là Pháp Luật của Như Lai” vậy ta đã thấy rõ.

Bằng như chủ thuyết nào hành trì đem lại kết quả lòng ham muốn nhiều, đòi hỏi nhiều, thì chính đấy không phải là lời Phật dạy đúng như Phật ngôn đã giáo truyền.

Thứ đến, thế nào là lời Phật dạy đưa đến Tri túc không đưa đến Bất tri túc?

Thưa quý vị, bất tri túc là không biết đủ, không biết độ lượng. Người đời có ít muốn nhiều, có cái này muốn thêm cái khác, luôn luôn họ thiếu thốn khao khát không cùng. Có thể nói với một trận mưa vàng, cũng không biết có đủ thỏa mãn lòng dục của chúng sanh. Chính vì không biết đủ, thiểu dục tri túc như vậy nên chúng sanh cảm thấy thiếu thốn, đưa đến đau khổ, rồi đâm ra làm những việc tội lỗi, sau đó phải lãnh hậu quả vô cùng bi thương.

Đạo Phật tiêu diệt những tình huống thảm trạng ấy, mục đích của Đạo Phật biến con người trở thành toàn hảo, toàn hảo bên ngoài lẫn bên trong; bằng chứng xuyên qua những lời dạy thâm thúy hữu ích, trong kinh Dhammapāda. Bậc đạo sư đã tán thán:

“Vui thay, bạn lúc cần,

Vui thay, sống biết đủ,

Vui thay, chết có đức,

Vui thay, mọi khổ đoạn.”

Trong một trường hợp khác Đức Thế Tôn có dạy: “Satuṭṭhī paramaṃ dhanaṃ.” – “Sự tri túc là tài sản quí nhất.”

Và rõ rệt hơn, cụ thể hơn là những pháp môn hành trì Dhutaṇga hay đầu đà mà Bậc đạo sư đã chỉ dạy có tính cách làm trở thành người tri túc như là:

– Tư cách Bậc xuất gia chỉ giữ tam y mà thôi (là y Tăng già lê, y vai trái và y nội) như thế là Hành giả chỉ vừa lòng với mỗi một tam y này, không đòi hỏi nhiều thêm nữa.

– Tư cách người chỉ ăn một chỗ, tức là một lần trong ngày, là vừa lòng với một lần ăn như thế đủ nuôi sống thân rồi.

– Tư cách người ăn trong một bát, là biết đủ trong số vật thực ấy không muốn thêm nữa.

– Tư cách người ngăn vật thực không thọ thêm của thí chủ dâng nữa, tức là biết đủ với vật thực mà mình đã thọ lãnh rồi.

– Tư cách người chỉ ở một chỗ mà chư Tăng chỉ định cho, không tính thay đổi chỗ. Đây là làm cho tri túc trong chỗ ở.

Thưa quý vị, như trên chúng ta thấy mục đích lời dạy của Đức Phật chỉ cốt sao thành người tri túc, biết đủ thôi chứ không đòi hỏi nhiều, do đó nếu pháp môn nào hành trì đưa đến tri túc đấy chính là lời Phật dạy.

Bằng như chủ thuyết nào thực hành thấy càng mong muốn đòi hỏi nhiều, thì nên biết đó chính không phải là lời Phật dạy.

Và thứ đến nữa, thế nào là lời Phật dạy đưa đến Nhàn tịnh không đưa đến Tụ hội?

Thưa quý vị, tụ hội là chỗ quần tụ ồn ào, tạo thành cảnh phiền não, không thích ứng với người tu chân chánh, phát triển Tịnh thiền.

Đúng theo giáo lý của Đức Phật, Ngài không hề chủ trương rủ rê đông đảo, sống tập trung để bàn biện, có phe đảng,… Ngài chỉ dạy sống độc cư, thanh tịnh, định tĩnh nhất tâm, huấn luyện tâm yên tịnh, bởi tâm tư của chúng sanh hằng phóng túng, phân duyên theo cảnh trần thích hợp, cũng giống như con khỉ chuyền cây trong rừng.

Đức Phật hằng tán thán, ca tụng nếp sống độc cư, Ngài dạy chư đệ tử xuất gia phải ưa thích nếp sống độc hành, như tê giác độc sừng, ở tại gốc cây hay ngôi nhà trống hoặc nơi khu rừng tĩnh mịch để tu Thiền, có vậy tâm mới không nhiễm bụi đời. Và Ngài còn dạy thêm phải nên quán tưởng thường thường như vậy, nhất là Bậc xuất gia: “Ta có ưa thích trong nơi thanh vắng chăng?”. Như thế chi vậy? Thưa quý vị, đặng kiểm điểm tâm, nếu còn nhận thấy mình còn ưa chốn tụ hội ồn ào, thì huấn luyện tâm lại; và nếu đã thấy mình phát tâm hướng về độc cư, ưa thích trong nơi thanh vắng để Thiền định, thời còn hoan hỷ phát tâm thêm.

Như thế đó, chúng ta thấy rằng Đức Phật là bậc thanh tịnh, ưa thích thanh tịnh, tán thán sự thanh tịnh, và huấn luyện dạy đệ tử vui trong thanh tịnh,…

Nếu giáo điều nào thực hành có tính cách nghịch chống hạnh viễn ly thanh vắng và dẫn đến kết quả rủ rê đông vui ấy chính không phải lời Phật dạy.

Bằng như thuận hạnh, là chính lời Phật dạy, ta nên nhận định như vậy.

Thứ đến nữa là thế nào là lời Phật dạy đưa đến Tinh tấn, không đưa đến Biếng nhác?

Thưa quý vị, Đức Phật hằng dạy về những nỗi thống khổ luân hồi: khổ sanh, khổ già, khổ bệnh, khổ chết, khổ ngạ quỷ, khổ súc sanh, khổ atula, khổ địa ngục, khổ ngũ uẩn,… và Ngài tuyên thuyết sự diệt khổ, có con đường đưa đến sự diệt khổ. Người tu Phật khi quán sát đến các nỗi khổ trong luân hồi, thì phát tâm kinh cảm, run sợ, như kẻ tội bị kề gươm lên cổ, nên càng chẳng dám dễ duôi, buông lung, mà cố hành trì Chánh đạo, cố trau dồi Thiện pháp, không chút sơ hở và luôn luôn tìm cách xây hòn đảo giải thoát cho chính mình, như thế mới chính là mục đích đối với lời dạy của Đức Phật.

Bậc đạo sư hằng giảng dạy khuyến hóa về thái độ tinh cần xuyên qua lời dạy như sau:

“Ai sống quán bất tịnh

Khéo thu thúc các căn

Tri túc trong vật thực

Tinh tấn chuyên tinh cần

Ma vương không hiếp được

Như gió trước núi đá.”

Còn tóm lại:

“Ai sống nhìn tịnh tướng

Các căn không thu thúc

Vô độ trong vật thực

Biếng nhác kém tinh cần

Ma vương uy hiếp nó

Như gió lay cây yếu.”

Thưa quý vị, xét lại sắc thái lời dạy của Đức Phật, xuyên qua các câu kinh ấy chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa, chủ trương của Đức Phật là hướng đến nỗ lực, tinh cần hành pháp đưa đến rốt ráo thoát khổ, chứ chẳng phải là Giáo lý chủ trương thụ động, có tính cách van xin cầu tha lực. Nên lời dạy nào, chủ thuyết nào mang tính cách ấy phải được bác hẳn không phải là lời dạy của Đức Phật, người Phật tử chúng ta nên lưu tâm vấn đề này.

Và sau hết thế nào là lời dạy đưa đến Dễ nuôi không đưa đến Nan dưỡng?

Thưa quý vị, nan dưỡng là khó nuôi, người tu hành trì theo giáo lý của Đức Phật, phải là dễ nuôi, không tìm kiếm món này món kia, tôi ăn được, tôi ăn không được,…

Đức Phật dạy chư đệ tử Ngài sống khất thực mà ăn, ai cho chi dùng nấy, sống tri túc với vật đã có; sống đừng đòi hỏi kêu gọi nơi thí chủ, tùy niềm tin mà thí chủ hộ độ, tùy hoàn cảnh mà thí chủ hộ độ, tùy trường hợp mà thí chủ dâng cúng.

Ở đời ăn để sống, chứ đâu phải sống để ăn. Ăn để sống mà tu đoạn trừ phiền não cấu uế tham, sân, si cho thoát lưới luân hồi.

Thưa quý vị, đó mới đúng là chủ trương của Đức Phật đáng nên hành trì, bằng trái lại, pháp nào dạy thành khó nuôi, kén chọn trong vấn đề ăn uống chính đấy chẳng phải là lời Phật dạy, chúng ta nên từ bỏ.

Thưa quý vị, vừa qua chúng tôi đã trình bày về tám sắc thái tiêu chuẩn của lời Phật dạy, để người Phật tử chúng ta khỏi bị lầm tưởng mua nhầm đồ giả trùng hiệu.

Trong vấn đề tu tập quả là phức tạp khó khăn, chứ không phải dễ, không khéo đi lầm đường lạc nẻo là kể như rơi vào bất hạnh, chẳng những bất hạnh đau khổ đời này mà cả đời sau, đến vô lượng kiếp nữa. Nên khi chọn đường phải dè dặt, suy cho kỹ, nghĩ cho cùng, thấy phần chắc bằng Trí Tuệ thì mới nên đi theo.

Để kết luận, chúng tôi nhắc lại di ngôn của Bậc đạo sư trước giờ viên tịch; được ghi lại trong kinh Mahāparinibbāna, bộ Majjhimanikāya như sau:

“Hỡi chư Tỳ khưu, khi các ngươi nghe một vị Tỳ khưu hay một vị Trưởng lão tỳ khưu có sức học uyên thâm, đa văn nói lên điều gì và bảo rằng “Đó là pháp, đây là luật, như vậy là Giáo lý của Bậc đạo sư” thì các ngươi không nên vội chấp nhận cũng không nên vội hủy bỏ, mà nên dùng Trí tuệ thẩm xét, suy nghiệm từng chữ, từng lời rồi đem đối chiếu với Kinh với Luật, xem có phù hợp hay không, nếu thấy không phù hợp thì nên loại bỏ, nếu thấy tương ứng thì nên thọ trì.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *