TÂM HOANG VU

Thưa quý vị, tâm hoang vu tức là một trong trạng thái tâm thụ động, tinh thần lãnh đạm, tư tưởng hoang phế tức là trạng thái tâm được xem như lui sụt, hư đốn, bất thiện. Nghĩa là trạng thái tâm hoang vu này gây ảnh hưởng khiến cho người không hướng về chuyên cần nỗ lực tinh tấn trong mục đích cao cả và cũng chính vì tâm hoang vu này làm cho người đệ tử Phật không thành đạt được, niềm tin bất thối nơi Tam bảo, do vậy việc tu tập hành trì bị trì hoãn lui sụt, cho nên trở thành sa sút rơi vào bóng tối, bẫy ma.

Thưa quý vị, chính những trạng thái tâm hoang vu này có tác dụng nguy hại đến Phật tử, nó đi ngược lại với tông chỉ mục đích của người tu. Mục đích của người tu, đệ tử Phật là hướng đến một niềm tin bất thối, đạt thành mục tiêu giải thoát do Tuệ giác liễu tri, như vậy là mục đích của người tu.

Để thấu đáo vấn đề, hầu diệt trừ trạng thái tâm, tâm thụ động hoang vu, giúp cho việc tu tập của người đệ tử Phật được tăng tiến.

Một lần nọ Đức Phật trú ở Sāvatthi, tại chùa Jetavana, Ngài đã dạy các vị tỳ khưu về 5 tâm hoang vu này:

–        Là hoài nghi Bậc đạo sư.

–        Là hoài nghi Giáo pháp.

–        Là hoài nghi Chư tăng.

–        Là hoài nghi Điều học.

–        Là phẫn nộ với Bạn đồng tu.

Đó là 5 tâm hoang vu cần phải được đoạn trừ.

Bây giờ tuần tự chúng tôi sẽ trình bày từng chi pháp để chúng ta lãnh hội ý nghĩa dễ dàng.

Tại sao hoài nghi Bậc đạo sư là trạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, hoài nghi Bậc đạo sư là hoài nghi Bậc thầy giác ngộ của mình, nghĩa là ám chỉ Đức Phật và Ngài là Bậc đạo sư của chư thiên và nhân loại. Còn Phật tử hoài nghi Đức Phật nghĩa là có tâm do dự nghi ngờ, phân vân về sự Giác ngộ cao cả của ngài, không quyết tin nơi ngài. Ở đây có 5 cách hoài nghi bậc đạo sư:

– Một là: “Đức Phật có thật đắc chứng quả Toàn giác chăng?”

– Hai là: “Đức Phật có hào quang sáng thấu chỗ khuất đặng chăng?”

– Ba là: “Hào quang sắc màu của Phật khi xét suy bộ Đại xứ túa ra đầy đủ chăng?”

– Bốn là: “Chẳng biết thần thông, nhất là song thông của Đức Phật hóa hiện để hàng phục chúng sanh có thật vậy chăng?”

– Năm là: “Chẳng biết cách diệt trừ vô minh bằng Trí Tuệ của Ngài có phải thật vậy chăng?”

Thưa quý vị, một người Phật tử có sự hoài nghi Bậc đạo sư của mình như vậy là không tốt, sẽ chặn đứng sự tiến hóa của mình; vì rằng khi ngờ vực vị Đạo sư thì tịnh tín bị rung động, niềm tin bị lung lạc, mà niềm tin bị lung lạc thì không thể hướng đến nỗ lực, kiên trì, tinh tấn tu học, do đó bị thối hóa và rơi vào bất hạnh lâu dài.

Tôi xin kể lại sau đây một trường hợp điển hình:

Thuở ấy, có vị Tỳ khưu tên Sunakkhatta vào tu trong Phật giáo, hành thiền đắc được thiên nhãn thông, không đắc thêm gì được nữa. Chỉ thấy hình sắc Chư thiên, nhưng không thể nghe được tiếng nói, vị ấy bèn phát lòng ước muốn nếu mà nghe được tiếng Chư thiên nữa thì tuyệt diệu.

Tỳ khưu Sunakkhatta bèn vào hầu Phật và xin học pháp tham thiền để đắc thiên nhĩ thông.

Đức Phật biết rõ vị Tỳ khưu này vì mang hạnh nghiệp đê tiện đã làm thủng tai Bậc giới đức trong một kiếp quá khứ; nên nay dù cố công cũng không thành, Đức Phật không dạy bảo cho pháp tham thiền ấy.

Tỳ khưu Sunakkhatta bèn tự hành, nhưng không kết quả, mới phát tà tư duy nghĩ rằng: “Hay là Sa môn Gotama là dòng vua, ta đây cũng dòng vua bằng nhau, nếu một khi dạy cho ta đắc thần thông thì có ta đạt quả vị bằng Ngài, nên ngài không dạy chăng?”

Khi thầy Sunakkhatta nghĩ sai, ngờ vực Đức Phật như vậy, thì sanh tâm oán Đức Thế Tôn. Không bao lâu xin hoàn tục, từ bỏ giáo pháp, không tu theo Đạo Phật nữa, rồi sau khi chết rơi vào khổ cảnh.

Thưa quý vị, đó là hậu quả của tâm hoang vu thứ nhất, là hoài nghi Bậc đạo sư, tư cách ấy ngăn chặn sự tiến hóa trong Phật pháp, do vậy người Phật tử phải hằng suy xét đến Ân đức Phật là Tịnh đức, Bi đức, và Trí đức để am hiểu về Ngài một cách rõ rệt.

Tiếp đến thế nào là hoài nghi Giáo pháp là trạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, giáo pháp ở đây nghĩa là lời dạy của Bậc đạo sư, gồm có ba:

  1. Pháp học.
  2. Pháp hành.
  3. Pháp thành.

Pháp học tức là Tam học Giới – Định – Tuệ.

Pháp hành tức là pháp tu chỉ tịnh (Samatha) và pháp tu quán Minh sát (Vipassanā) hay pháp hành Tứ niệm xứ vậy.

Pháp thành là chỉ cho trạng thái thành đạt tức 4 đạo, 4 quả (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán cùng quả Niết-bàn).

Hoài nghi giáo pháp quả là tâm nghi hoặc ngờ vực lời dạy của Bậc đạo sư, hoài nghi giáo pháp có 4 cách:

–      Một là: “Chẳng biết bốn bậc Thánh quả có thật đúng như vậy chăng?”

–      Hai là: “Chẳng biết bốn bậc Thánh quả có chắc như vậy chăng?”

–      Ba là: “Chẳng biết Niết-bàn là vắng lặng dứt tuyệt rốt ráo hết tất cả khổ phải chăng?”

–      Bốn là: “Chẳng biết pháp học Tam tạng có tám mươi bốn ngàn pháp môn như thế phải chăng?”

Đó là trạng thái hoài nghi giáo pháp.

Thưa quý vị, Đức Phật là Đấng đạo sư đã tuyên thuyết Giáo pháp toàn chân, toàn thiện và toàn mỹ, có công năng hướng thượng khiến những ai vững niềm tin hành trì theo, thời dẫn đến giải thoát, an vui tuyệt đối. Do đó ngược lại, nếu người Phật tử có tâm hoài nghi, ngở vực Giáo pháp khiến cho niềm tin bị rung động, yếu kém, thời như vậy tâm tư trở nên thụ động, tiêu cực, buông lơi việc hành đạo, không có hướng về nỗ lực sách tấn, thành thử bị thối đọa rơi vào bất hạnh.

Thưa quý vị, trong Kinh pháp cú Đức Phật có dạy rằng:

“Ai tâm không an trú

Chẳng thông hiểu Chánh Pháp

Tịnh tín bị dao động

Trí tuệ không viên thành.”

Thưa quý vị, Trí tuệ viên thành tức là quả vị A-la-hán. Ý nghĩa câu kệ này muốn dạy rằng: Người mà tâm tư dao động, niềm tin bị mất mát, tất không đạt thành mục đích. Do đó người Phật tử phải diệt trừ sự hoài nghi trong Giáo pháp để giữ vững niềm tin, không bị dao động, hầu hướng tâm kiên trì, nỗ lực hành đạo, thành đạt quả vị. Và muốn diệt trừ hoài nghi giáo pháp, chúng ta phải tận lực học hỏi, nghe nhiều và suy nghiệm giáo lý cao xa, cho thấu hiểu nghĩa lý Phật pháp.

Kế tiếp thế nào là hoài nghi Chư tăng là trạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, chư Tăng hay còn gọi là Tăng chúng, tức là chúng đệ tử xuất gia của Đức Phật, là những người đã đặt niềm tin nơi Bậc đạo sư, nơi giáo pháp, các vị ấy tự nguyện sống đời sống Phạm hạnh thiêng liêng dưới sự chỉ đạo của Bậc giác ngộ; cạo bỏ râu tóc, đắp y cà sa; bên trong có Giới – Định – Tuệ. Các vị ấy được gọi là đệ tử Phật, ăn theo Phật, ở theo Phật, hành theo Phật.

Ăn theo Phật là Đức Phật ngài dễ nuôi; có chi dùng nấy; lại tiết dục, ăn một ngày một thời một bữa ngọ thôi, Tăng chúng đệ tử Ngài cũng vậy.

Ở theo Phật là Đức Phật ngài sống vô gia cư, không có gia đình, không có tư gia, khi hoằng hóa chỗ này, khi hoằng hóa chỗ khác, không định cư lâu. Chư Tăng đệ tử Phật cũng vậy.

Và hành theo Phật, là Phật ngài dạy bậc xuất gia sống điều chế trong giới bổn Paṭimokkha, nuôi mạng chân chánh, thu thúc lục căn, thọ dùng tứ vật dụng phải biết tiết độ quán tưởng,… Khi Đức Phật dạy như thế chư Tăng đệ tử hành theo lời dạy chẳng dám sai. Đó là nói về Tăng chúng.

Thưa quý vị, hoài nghi Tăng tức là ngờ vực nghi ngờ Ân đức tăng, không quyết tin. Hoài nghi Tăng có hai cách:

–      Một là: “Nghi ngờ Thánh Tăng đệ tử Phật có đắc quả thật hay không?”

–      Hai là: “Nghi ngờ phàm Tăng đệ tử Phật có thành tựu Tăng hay chăng?”

Thưa quý vị, Đức Phật đã Niết-bàn rồi, giáo pháp Ngài được lưu tồn đến ngày nay có cho chúng ta tu tập cũng nhờ Tăng chúng nắm giữ giềng mối; hơn nữa Ân đức Phật và Ân đức Pháp được triển khai trong thế gian cũng do Tăng chúng phổ cập cả thảy. Vì thế đó, những ai do dự, nghi ngờ không quyết tin nơi Tăng chúng là điều thiệt hại lớn cho chính họ, khiến cho mất mát nhiều sự lợi ích. Những người ấy sẽ không nếm được hương vị pháp bảo, hương vị giải thoát do Tăng chúng hoằng hóa đạo mầu.

Đến đây tôi xin kể một tích chuyện điển hình:

Ngài Vītasoka là em của vua Asoka, tánh khinh thường Tam bảo, khi trước rất tin tưởng nhóm ngoại đạo tu khổ hạnh, đối với Tăng chúng đệ tử Phật, vị ấy không có niềm tin, ông thường nói: “Mấy vị Sa môn tu theo Phật giáo, tu hành dễ dãi quá, thì làm sao Giác ngộ được gì?

Có lần ngài Vītasoka cùng huynh đệ Asoka đi điền điệp, trông thấy một nhà tu khổ hạnh hơ mình trên lửa đỏ, sức nóng ác nghiệt khiến cho da thịt nức nẻ. Ngài Vītasoka rất bái phục và nức nở khen: “Người tu phải khổ hạnh như vậy mới phải, và thế cũng chưa thấy gì? Huống hồ các vị Sa môn tu theo Phật giáo thường ngày sống trong sự dễ dãi đầy đủ làm sao giải thoát được”.

Đức vua Asoka mỉm cười không đáp, trở về hoàng cung, ngài nghĩ ra cách tế độ em. Ngài bèn thiết kế với các quan, xong rồi giả vờ vào phòng tắm, cởi bỏ áo mão trên ngai. Các quan khi ấy mới bàn với ngài Vītasoka rằng: “Trước sau gì ngài cũng làm vua, vậy sẵn áo mão đây ngài hãy mặc thử xem coi có oai vệ lắm không?”. Đức hoàng đệ Vītasoka làm theo; hoàng đế Asoka lúc bấy giờ trở ra thấy vậy, Ngài liền giả cơn thịnh nộ hét lên: “Trẫm chưa băng hà mà hoàng đệ lại soán ngôi?”. Rồi tuyên quân xử trảm. Các quan giả vờ can gián, nhà vua vẫn không tha, nhưng lại cho em mình làm vua 7 ngày rồi xử tội sau.

Trong bảy ngày ấy, tân vương được thọ hưởng mọi Đặc ân của một vị vua, cứ vào mỗi buổi chiều Đức vua Asoka cho quân rao to: “Đã được một ngày còn sáu ngày nữa, tân quân xử trảm.”

Cứ thế từ ngày này đến ngày kia, cho tới ngày thứ bảy, quân dẫn vị hoàng đệ Vītasoka đến trình đức vua Asoka, vua hỏi: “Bảy ngày qua chắc ngự đệ làm vua sướng lắm phải không?”

Đức Vītasoka đáp: “Tâu, em nào có vui hưởng được gì, hằng ngày khi nghe quân đao phủ nhắc tới sự chết gần kề làm cho em lo nghĩ sợ hãi tán tâm còn lòng dạ nào vui hưỏng dục trần!”

Khi ấy vua Asoka dạy em rằng: “Ngự đệ chỉ lo nghĩ đến sự chết trong một kiếp này mà còn kinh cảm như thế, huống hồ chi các vị Sa môn đệ tử Phật hằng nhớ tưởng đến cái chết trong vòng sanh tử luân hồi, khổ trong các cảnh giới súc sanh, ngạ quỷ, atula, địa ngục mà chúng sanh nào giải đãi hằng bị sa đọa, tất cả chúng sanh đều phải bị khổ khi đã mang thân ngũ uẩn này, và mỗi pháp hữu vi đều là hiện tướng của sự vô thường, khổ não và vô ngã. Lo âu như vậy, thì làm sao các Ngài dám dễ duôi giải đãi như ngự đệ đã nghĩ.”

Đức Vītasoka bấy giờ tỉnh ngộ xin phép đức hoàng huynh Asoka để nương tựa Tam bảo mà xuất gia theo Tăng chúng. Đức vua hoan hỷ ân xá cho em và chuẩn tấu theo lời. Ngài Vītasoka xuất gia chẳng bao lâu đắc quả A-la-hán.

Thưa quý vị, một người như Ngài Vītasoka có tâm nghi ngờ Tăng bảo như thế không thể nào tiến hóa trên con đường chân chánh được, nếu không may có được vị Hoàng huynh cải hóa thì chẳng mong tỏ ngộ được, bởi thế hoài nghi Tăng là trạng thái tâm hoang vu, ngăn chặn sự tiến hóa; do đó người Phật tử phải diệt tâm hoài nghi này để thành tựu lợi ích tốt đẹp.

Tiếp đến nữa, thế nào là hoài nghi điều học là tâm hoang vu?

Thưa quý vị, điều học là những pháp môn trong Giáo pháp mà mình đã thọ trì như Giới luật,… Hoài nghi điều học là nghi ngờ những điều mà mình đã thọ trì, vì không hiểu biết rõ điều học ấy mà tâm ngờ vực nghi hoặc. Người đã đặt niềm tin nơi Giáo pháp nhưng còn có thể có sự hoài nghi điều học được, thế cho nên đề cập đến cả hai trạng thái:

–        Hoài nghi giáo pháp.

–        Hoài nghi điều học.

Vấn đề này chúng ta cũng nên phân biệt cho rõ. Ở đây hoài nghi giáo pháp nghĩa là không có sự tin tưởng nơi Giáo lý toàn bộ, còn ngược lại như hoài nghi điều học chẳng phải là không có niềm tin nơi giáo pháp, nhưng chỉ là do không hiểu rõ điều đã thọ trì nên sanh ra ngờ vực hoang mang một vấn đề ấy, sự kiện này là như vậy.

Thưa quý vị, sự hoài nghi điều học chúng ta có thể nói tới hai cách:

–      Một là: “Nghi ngờ điều luật mà mình đã trì giữ không biết nó như thế nào? Có đúng chăng?”

–      Hai là: “Nghi ngờ pháp môn mình hành trì như pháp đầu đà, thiền định,… không biết có kết quả ra sao? Có thật thành tựu lợi ích chăng?”

Cách hoài nghi điều học là vậy.

Thưa quý vị, sự hoài nghi điều học có ảnh hưởng hậu quả không kém phần quan trọng, người Phật tử một khi đã thọ trì giáo điều nào rồi mà tâm tư thụ động chán nản không thỏa mãn, có sự ngờ vực trong pháp mình hành, tất thối lui không thể có chí hướng nỗ lực vào pháp hành ấy được, mà nếu thối chuyển, không nỗ lực, đương nhiên không đạt đích. Vị Bồ Tát hành pháp độ cũng vậy, nếu ngờ vực không quyết tin việc làm của mình, thời lý tưởng gãy đổ, không thành tựu giải thoát được, cũng ví như người học luyện bùa, tâm có sự ngờ vực không tin tưởng, thời bùa chẳng hiệu nghiệm, người Phật tử thọ trì pháp cũng như thế đó.

Ở trường hợp này, mặc dù không tác hại như hoài nghi pháp, nhưng cũng ngăn chặn tiến hóa trong việc tu tập. Do đó người đệ tử Phật phải có Trí đa văn, hiểu sâu rộng Phật Pháp, nhất là thông suốt điều mình đã thọ trì bằng cách siêng  nghe, cật vấn những gì mình chưa hiểu.

Tiếp nối sau cùng, thế nào là phẫn nộ với Bạn đồng liêu là trạng thái tâm hoang vu?

Thưa quý vị, người ta thường nói: “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” sự thật như vậy, những lúc tâm ta giải đãi phóng dật, cần có những bạn đồng phạm hạnh sống gần nhắc nhở và hun đúc tinh thần ta thêm lên. Nhờ vậy ta mới hướng về chuyên cần nỗ lực trong thiện pháp. Bởi thế Đức Phật dạy, trong năm pháp làm cho mau Giải thoát có điều là được bạn lành.

Tư cách phẫn nộ với bạn đồng liêu nghĩa là tỏ lộ bất mãn, sân hận, chống đối với những vị đồng phạm hạnh sống gần, tâm tư, lời nói gắt gỏng với ai khi nhắc nhở lỗi lầm.

Sự phẫn nộ sân hận là một trong mười sáu pháp làm cho trở thành khó dạy, khi người đã sân nộ, các bạn trí biết được tránh xa, không thân cận giao thiệp, chẳng dám khuyên nhắc, như thế thì tâm tư sẽ bồng bột, không được hun đúc, tất nhiên bị thối đọa rơi vào bất hạnh.

Thưa quý vị, như thầy Tỳ khưu Channa vốn là người hầu của thái tử Sĩ-đạt-ta khi còn tại vị, sau khi thái tử xuất gia thành Phật rồi, thầy cũng xuất gia theo, nhưng tính tình ngang ngạnh khó dạy, dù được sự nhắc nhở của chư vị Tỳ khưu bạn trong những khi thầy phạm lỗi, nhưng thầy Channa luôn luôn tỏ ra thái độ bất mãn, sân hận, chống đối với các vị này, không hề phục thiện. Đến nỗi Đức Phật dạy: “Này Ānanda, hãy hành tội phạm đàn ấy với thầy tỳ khưu Channa, đừng vị nào nói chuyện giảng giải, giáo giới Tỳ khưu Channa khó dạy ấy nữa”. Cho nên trong khi Phật còn sống cho đến khi diệt độ, khoảng thời gian ấy Tỳ khưu Channa không đắc quả gì cả.

Thưa quý vị, xuyên qua câu chuyện này cho chúng ta thấy rõ thái độ tâm hoang vu của vị Tỳ khưu Channa, như vậy nên chẳng thành đạt được những lợi ích gì đối với mục tiêu trong đời sống phạm hạnh. Do đó, người Phật tử đã gọi là đệ tử Phật, chúng ta phải tu tập, mong rằng: “Tâm tôi luôn luôn được mát mẻ, dù hoàn cảnh nào tôi cũng nói với tâm từ, không nói với tâm sân”. Luôn tất cả mọi người, ta đều như vậy thì tôi tin rằng ta sẽ diệt trừ được tâm hoang vu thứ năm này.

Thưa quý vị, tóm lại bài thuyết trình hôm nay tôi xin trình bày về 5 tư cách tâm hoang vu khiến cho tâm tư thối hóa, thụ động không thành đạt lợi ích trong việc tu tập. Năm tâm hoang vu đó là:

–      Hoài nghi Bậc đạo sư, tức là nghi ngờ không quyết tin sự Giác ngộ của Đức Phật.

–      Hoài nghi Giáo pháp nghĩa là có tâm ngờ vực không thỏa mãn đối với giáo lý của Đức Phật.

–      Hoài nghi Tăng chúng nghĩa là nghi ngờ Chúng đệ tử tu hành của Đức Phật.

–      Hoài nghi Điều học nghĩa là có tâm ngờ vực không thỏa mãn điều mình đã thọ trì.

–      Và cuối cùng là phẫn nộ với Bạn đồng liêu tức là chống đối, sân hận, hay bất mãn đối với đạo bạn đồng phạm hạnh.

Thưa quý vị, đó là 5 tâm hoang vu mà người Phật tử học cho biết để diệt trừ tận gốc các pháp ấy, khi nào các trạng thái tâm ấy còn nội khởi thì ta không thành tựu lợi ích, trái lại thì tốt đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *