CÔ BƠ THOẢI

Cô Bơ hay Cô Ba Bông & Cô Ba Tây Hồ – Thoải Cung Công Chúa (Thoải Phủ) – Màu sắc đại diện: màu trắng.

Danh hiệu: Thủy Cung Công Chúa – Cô Bơ – Cô Bơ Bông – Cô Bơ Hàn Sơn – Cô Bơ Thác Hàn; Nguồn gốc: Con của vua Thủy Tề dưới Thủy Cung; Hầu cận: Mẫu Thoải hoặc Mẫu Cửu Trùng Thiên; Phủ/ nơi cai quản: Thoải Phủ; Lĩnh vực chính: Ban thuốc chữa bệnh, Cơ duyên hạnh phúc, Giúp người qua cảnh lầm than; Trang phục/Màu sắc: Áo ngũ thân trắng, Đầu đội khăn vành dây có thắt lét trắng, đôi khi cài ba nén hương, Đôi khi dùng thắt dải lưng hồng để đo nước, đo mây, Tay cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi, bên hông dắt túi tiền đò, Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng; Sắc phong: Thượng đẳng thần (Lê Thái Tổ).

Su tich Co Bo Thoai

Cô Bơ Thoải hay còn gọi là Cô Bơ Thoải Phủ, Cô Bơ Thoải Cung hay Cô Ba Bông, là một trong những vị Thánh Cô anh linh bậc nhất hệ thống Tứ Phủ Thánh Cô của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ.

“Hàn Sơn tụ khí chung linh
Có Cô Ba Thoải giáng sinh phù đời.
Hỡi ai đi ngược về xuôi,
Sông bao nhiêu nước ơn người bấy nhiêu”

Cô Bơ Thoải cai quản miền Thoải Cung vì vậy còn được gọi là Cô Bơ Thoải Cung. Cô vốn là con gái vua Thủy Tề ở dưới Thoải Cung được phong là Thoải Cung Công Chúa. Có người còn nói rằng, Cô là con gái Long Vương rất xinh đẹp nết na nên được Mẫu cho theo hầu cận, chầu chực trong cung cấm.

Thần tích Cô Bơ Thoải

Có rất nhiều câu chuyện, thần tích về Cô Bơ Thoải được lưu truyền.

Thần tích Cô Bơ Thoải giáng sinh vào thời vua Lê Trung Hưng

Chuyện kể rằng Đức Thái Bà nằm mộng thấy có người con gái xinh đẹp, dáng ngọc thướt tha, tóc mượt mắt sáng, má hồng, môi đỏ, cổ cao ba ngấn, mặc áo trắng. Nàng đến trước sập nằm dâng lên người một viên minh châu rồi nói rằng mình vốn là Thủy Cung Tiên Nữ, nay vâng lệnh cao minh lên phàm trần đầu thai vào nhà đó, sau này để giúp vua giúp nước, khi tỉnh rồi thì Thái Bà thụ thai.

Cô Bơ Thoải

Đến ngày 2 tháng 8 thì bỗng trên trời mây xanh uốn lượn, nơi Thủy Cung nhã nhạc vang lên. Đúng lúc đó, Thái Bà hạ sinh ra được một người con gái, xem ra thì nhan sắc mười phần đúng như trước kia đã thấy chiêm bao. Thấy sự lạ kì vậy nên bà chắc hẳn con mình là bậc thần nữ giáng hạ, sau này sẽ ra tay phù đời nên hết lòng nuôi nấng dạy dỗ bảo ban. Cô lớn lên trở thành người thiếu nữ xinh đẹp, tưởng như ví với các bậc tài nữ từ ngàn xưa, lại giỏi văn thơ đàn hát. Đến khi vừa độ trăng tròn thì cũng là lúc nước nhà phải chịu ách đô hộ của giặc Minh, cô cùng thân mẫu lánh vào phía sâu vùng Hà Trung  (Thanh Hóa), nơi ngã ba bến Đò Lèn, Phong Mục. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, cô đã có công giúp vua Lê  trong những năm đầu kháng chiến (và có nơi còn nói rằng cô cũng hiển ứng giúp nhà Lê trong công cuộc “Phù Lê Dẹp Mạc” sau này).

Trong dân gian vẫn còn lưu truyền lại câu chuyện sau: Vào những năm đầu khởi nghĩa, nghĩa quân do Lê Lợi chỉ huy vẫn còn yếu về lực lượng, thường xuyên bị địch truy đuổi, một lần Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp Cô Bơ đang tỉa ngô liền xin cô giúp đỡ. Cô bảo người lấy quần áo nông dân mặc vào, còn áo bào thì đem vùi xuống dưới ruộng ngô rồi cùng cô xuống ruộng giả như đang tỉa ngô.  Vừa lúc đó thì quân giặc kéo đến, chúng hỏi cô có thấy ai chạy qua đo không thì cô bảo rằng chỉ có cô và anh trai (do Lê Lợi đóng giả) đang tỉa ngô, thấy vậy quân giặc bỏ đi. Lê Lợi rất biết ơn cô, hẹn ngày sau đại thắng khải hoàn sẽ rước cô về triều đình phong công. Sau đó cô cũng không quản gian nguy, bí mật chèo thuyền trên ngã ba sông, chở quân sĩ qua sông, có khi là chở cả quân nhu quân lương. Có thể nói trong kháng chiến chống quân Minh thì công lao của cô là không nhỏ. Đến ngày khúc hát khải hoàn cất lên thì vua Lê mới nhớ đến người thiếu nữ năm xưa ở đất Hà Trung, liền sai quân đến đón, nhưng đến nơi thì cô đã thác tự bao giờ. Vua còn nghe các bô lão kể lại là ngày qua ngày cô đã một lòng đợi chờ, không chịu kết duyên cùng ai, cho đến khi thác hóa vẫn một lòng kiên trinh.

“Lê Triều Thần Phả Ngoại Biên” còn ghi chép:

Vào khoảng năm 1432, vua Lê Lợi có một đêm mộng thấy một nữ thủy thần báo mộng: “Ta là con gái vua Thủy tề đây, nhà vua còn nhớ là nợ ta một lời hẹn ước hay không ? Bây giờ nghiệp đế vương đã thành sao chưa thấy trả ?”. Vua Lê Lợi giật mình tỉnh dậy mới nhớ lại chuyện cũ. Ngày xưa, vào những năm đầu khởi nghĩa, Lê Lợi bị địch đuổi đến ngã ba sông Thác Hàn ở Hà Trung thì gặp cô gái xinh đẹp, đoan trang đang tỉa ngô được cô cứu thoát.Vua Lê Lợi để tỏ biết ơn cô, có nói với cô rằng: “Ta có một cháu trai tuấn tú, khôi ngô, văn võ song toàn. Sau này kháng chiến thành công ta sẽ gả cháu ta cho cô.” Người mà Lê Lợi nhắc đến chính là tướng quân Lê Khôi, cháu trai của Lê Lợi (tướng Lê Khôi chính là một trong các hiện thân của Quan Hoàng Mười được thờ tại đền Củi ngày nay). Cô gái ấy chính là hiện thân của Cô Bơ.   Tương truyền rằng, sau thắng lợi, Vua Lê Lợi có quay lại tìm cô gái nhưng không thấy. Như vậy lời hứa gả cô cho tướng Lê Khôi đã không được thực hiện.

Sau giấc mơ, biết cô gái tỉa ngô nơi xưa chính là con gái vua Thủy Tề, hiện thân lên cõi trần để giúp vua xây dựng nghiệp lớn, vua Lê Lợi đã phong cô là “Thượng Đằng Thần” và cho xây dựng đền Cô, để tưởng nhớ công lao của Cô.

Thần tích về Cô Ba Bông giáng sinh vào thời vua Lê Thánh Tông

Theo huyền sử, vào khoảng những năm đầu đại Hồng Đức triều vua Lê Thánh Tông (1460- 1497), thái úy Lê Thọ Vực sau khi lập được nhiều công trạng được vua phong chức “Bình Trương Quân Quốc Trọng Sự”, rồi đến chức “Sùng Quốc Công”, giao chấn giữ biên ải Ba Bông “rừng thiêng nước độc”. Lúc ấy xảy ra một trận giao tranh ác liệt kéo dài, bất phân thắng bại, tình thế rất nguy cấp. Đêm hôm ấy, danh tướng mơ thấy một người con gái mặc xiêm y trắng trên mây giáng xuống ngã Ba Bông, rẽ nước bước lên kiệu võng mà nói rằng: “Hãy lui quân về Nhị Sơn hạ thủy mà vây hãm, lên núi Thạch Bàn mà cầu Mẫu Thoải tất ứng linh”. Theo lời, danh tướng dẫn quân xuôi về Chí Thủy (thác Hàn Sơn bây giờ) dâng lễ cầu Mẫu rồi bố trí quân binh mai phục. Ứng báo của Mẫu cho kế phá giặc là lấp đá chặn dòng, lấy thủy triều dâng, làm nghi binh nhử giặc vượt qua bãi đá ngầm. khi nước thủy triều xuống thì tổng lực phản công. Thuyền giặc rút chạy bị vấp vào bãi đá ngầm, lật nhào đắm rất nhiều. Quân mai phục đổ ra đánh úp, quân giặc chết nhiều vô kể và thất bại thảm hại, không còn dám quấy nhiễu nữa. (Dấu tích bãi đá ở Thác Hàn vẫn còn cho đến ngày nay). Để đáp lại ân đức của thánh thần, tướng quân Lê Thọ Vực tâu vua cho lập đền thờ Cô Ba ở bờ bãi bồi Ba Bông hiện nay, đền thờ Đệ Tam Thánh Mẫu ở non cao Thạch Bàn thác Hàn Chí Thủy (về sau mới di dời xuống bên sông để nhân dân thuận lợi việc thăm viếng). Nhớ ơn công đức của tướng quân Lê Thọ Vực, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay phía dưới trước đền Mẫu, được tách rời bởi sân Đại Bái. Từ đó đến nay vẫn giữ nguyên sự sắp xếp như vậy.

Đền thờ Cô Bơ Thoải

Người ta cho rằng, Cô Bơ được lệnh Vua Cha giáng trần để giúp vua, đến chí kì mãn hạn thì có xe loan lên đón rước cô về Thủy Cung. Sau đó cô hiển linh giúp dân chúng ở vùng ngã ba sông, độ cho thuyền bè qua lại được thuận buồm xuôi gió vậy nên cô còn có danh hiệu là Cô Bơ Bông (do tích cô giáng ở ngã ba sông) hay Cô Bơ Thác Hàn (theo tên gọi ở nơi quê nhà). Ai hữu sự đến kêu van cửa cô đều được như ý nên danh tiếng cô vang lừng khắp nơi nơi.

Vì theo quan niệm nguyên xưa Cô Bơ Bông hầu cận Mẫu Thoải, lại theo sự tích nơi quê nhà cô là ở đất Hà Trung, Thanh Hóa, ngã ba Bông bến đò Lèn nên đền cô được lập ở đó, gần đền Mẫu Thác Hàn (chính là Mẫu Thoải), gọi tên là Đền Cô Bơ Bông, trước đây đường đi vào rất khó khăn, nhưng hiện giờ đã được tu sửa nên giao thông đã dễ dàng hơn.

Đền chính thờ Cô Bơ Thoải là đền Ba Bông thuộc xã Hà Sơn, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, gần ngã ba bến Đò Lèn. Trước kia, vào những năm 1940, giặc Nhật đã tàn phá đền cô Bơ. Sau này, ngôi đền đã được tôn tạo lại và được cấp chứng nhận Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Nơi đây được coi là cõi “trên bến dưới thuyền”, đông đúc nhộn nhịp người dân sinh sống và khách đến kêu cầu nên ngay trước cổng đền Bơ Bông người ta đã cho xây dựng một bến thuyền rất rộng rãi và sạch đẹp. Bến thuyền này được tôn tạo từ bến thuyền xưa, vừa để phục vụ du khách chiêm bái cũng là để phục vụ cho nhu cầu đi lại của người dân hai bên bờ. Đền thờ Cô Bơ Bông nay đã tu sửa nên du khách thập phương có thể hành hương tới đền Ba Bông một cách thuận tiện.

Den Ba Bong tho Co Bo Thoai

Đền cô là nơi thắng cảnh “trên bến dưới thuyền”, nơi giao của Ngũ huyện kê: “Một tiếng gà gáy năm huyện đều nghe” cũng với danh tiếng anh linh của tiên cô nên khách thập phương đến chiêm bái, cầu xin nhân duyên, khoa cử, làm ăn rất đông đúc. Thuyền bè dưới bến sông qua lại đều phải đốt vàng mã kêu cô, rồi những người đến kêu cầu đều dâng cô nón trắng hài cườm, võng lụa thuyền rồng. Khi thỉnh cô, văn thường hát :

“Hiển danh là bóng Cô Bơ

Lên tâu xuống rộng trong tòa Thoải Cung”

Rồi để ca ngợi tài sắc của Cô Bơ cũng có nhiều đoạn rất hay như:

“Đẹp bằng Nghiêu Thuấn nữ trung

So nên tài sắc tiên cung nào tày

Cô Bơ đàn hát cũng hay

Ngũ âm khéo này năm dây tang tình

Ngự chơi đâu một mình một phủ

Áo khăn hầu sắm sửa dâng ngay

Dâng cô quả nón đôi hài

Dâng gương dâng lược vòng tay quạt ngà

Chấm đồng đâu kể trẻ già

Khắp miền dương thế gần xa tiếng đồn”

Hay cũng có cả đoạn sau:

“Dao vàng cô diếc móng tay

Bút thần cô kẻ lông mày cong cong

Rập rờn nét liễu nằm ngang 

Phấn son tô điểm má hồng thiên trung

Thật là tiên nữ thủy cung…”

Ngoài ra còn Đền Cô Bơ ở Tuyên Quang và Đền Cô Bơ ở huyện Duy Tiên, Hà Nam cận kề bên Đền Lảnh Giang.

Ngày khánh tiệc Cô Bơ Thoải Phủ

Tiệc Cô Bơ Thoải (Cô Ba Thoải Cung) chính tiệc vào ngày 12 tháng 06 âm lịch.

Nhận biết Căn Cô Bơ

Trong hàng Tứ phủ Thánh cô, Cô Bơ Thoải là vị thánh cô nổi tiếng linh thiêng mà hầu hết các đền điện đều có ban thờ cô. Những người có căn cô Bơ nếu biết cách nhờ lộc của cô mà được an nhàn nhưng nếu không biết tới cửa cô thì số phận cũng không kém phần gian nan vất vả.

“Ghế cô đức độ hơn người
Khi leo núi dựng lúc bơi sông dài
Giúp đời nào tính một hai
Như thuyền chở đạo miệt mài tháng năm”

căn cô bơ

Căn cô Bơ là như thế nào ?

Theo văn hóa dân gian, mỗi người sinh ra trên đời ai cũng có căn có số hay còn được gọi là số phận. Với quan niệm, mọi vật mọi việc trên thế gian đều không tự nhiên diễn ra, nó tuân theo số mệnh và luật nhân quả. Và những người có căn cô Bơ được xem là những người có nhân duyên với Cô, ở kiếp này người được lựa chọn sẽ quay về với mục đích hầu cận cô Bơ để trả ơn những việc Cô đã làm giúp họ ở kiếp trước. Mặc dù vậy nhưng không hẳn ai cũng căn cao số nặng để được ra hầu cô bắt lính nhận đồng.

Dấu hiệu nhận biết có căn cô Bơ

Những người có căn cô Bơ có số mệnh được định sẵn là hầu thánh để làm lính, làm đồng, những người này sẽ có tính cách giống cô Bơ, được thể hiện qua một số nhận định như: ngoại hình nhẹ nhàng thanh thoát, tâm tính và phong thái nữ tính bất kể là nam hay nữ; tâm tình giàu lòng trắc ẩn, nhiều cảm xúc, hay hờn tủi nhưng sắc diện lại vui tươi; diện trang phục màu trắng trông rất đẹp, có điều về tình duyên lận đận và trắc trở; nếu dự lễ Thánh cô thì bắt đầu rưng rưng hoặc khóc.

Cô Bơ thường xuyên giúp người bị nạn nên đã để lại nhân gian nhiều phúc đức, lương duyên. Người có căn cô Bơ thường có tính cách và ngoại hình giống cô theo miêu tả trong truyền thuyết, đồng thời cũng là những người sẽ được hưởng lộc của Cô.

Những người có căn cô Bơ thường thấy như nết na thùy mị, ngoan hiền, nhưng cảm xúc nhiều hay buồn về tình cảm đa sầu đa cảm, dễ tự ái , bề ngoài đi lại nhẹ nhàng thanh thoát, nhưng giàu lòng trắc ẩn, ánh mắt xa xăm đượm buồn, nếu để ý thì có thể thấy chỗ dưới mắt có quầng thâm và khi cười thì có bọng mắt lộ rõ.

Những người có căn cô Bơ thường hay tủi. Họ hay khóc về đêm, và có tính cách nhẹ nhàng, mang nhiều tâm sự, thường là những chuyện buồn. Có những lúc họ muốn sống vui vẻ hơn nhưng dường như có một cái gì phiền não luôn ở trong tâm họ, khiến họ không thể dứt ra được, không thể thoát khỏi những suy nghĩ buồn phiền và để rồi đêm xuống, họ lại rơi nước mắt.

Người có căn cô Bơ có giác quan thứ 6 rất mạnh. Họ rất nhạy cảm với những chuyện xảy ra trong cuộc sống, kể cả là nam hay nữ thường là những người rất nhẹ nhàng uyển chuyển. Họ ăn nói nhẹ nhàng, thánh thót dễ nghe, đi vào lòng người. Họ đi đứng nhẹ nhàng, mọi hành động đều thể hiện sự nhỏ nhẹ, mong manh dễ vỡ. Những người này thường có lòng trắc ẩn, biết thương xót tới những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Khi gặp những cảnh khổ đau, họ tỏ rõ lòng thương xót chúng sinh, sẵn sàng dang rộng đôi bàn tay của mình để cứu khổ cứu nạn.

Người có căn cô Bơ là những người có ngoại hình nữ tính. Nếu là nữ, họ tỏ rõ yểu điệu thục nữ. Nếu là nam, dù nội tâm và thực chất họ rất mạnh mẽ, nhưng những gì họ thể hiện ra trong mắt người khác cho ta cảm giác họ rất nhẹ nhàng, xinh đẹp. Những người mang trong mình căn cô Bơ còn là những người vô cùng tinh tế. Họ chăm chút cho bản thân rất kỹ lưỡng và tỏ ra luôn hoàn hảo, không tỳ vết trong mắt người khác.

Đặc biệt, những người có căn cô Bơ khi đi hầu đồng sẽ rưng rưng nước mắt sau đó thì khóc to. Họ cũng thường xuyên mơ thấy cô Bơ hiện về trong các giấc mơ trong hình hài một tiên nữ áo trắng. Họ cũng thường xuyên mơ thấy đi lễ ở đền cô và rắn là loài vật thường xuyên xuất hiện trong các giấc mơ của họ.

Những người có căn cô bơ dù là nam hay nữ sắc diện cũng rất tươi. Có thể gọi chung là mặt hoa da phấn.

Ghế cô xinh đẹp mĩ miều
Lời ăn tiếng nói nhẹ nhiều người dưng
Đúng ghế cô lại được ưng
Nhất tâm cô gửi lên rừng hái hoa

Đặc biệt đường tình duyên vô cùng lận đận, trắc trở mà người xưa thường có câu “căn Cô Bơ – đừng mơ hạnh phúc”. Khi tới dự lễ thánh cô thì bắt đầu rưng rưng, sau đó có khi lại khóc. Tuy đường tình duyên lận đận nhưng những người có căn Cô Bơ thường được hưởng nhiều lộc Cô như:

  • Là người tài trong lĩnh vực y học, bốc thuốc chữa bệnh cứu người, sinh ra có khả năng thiên phú, lớn lên trở thành những thầy thuốc bác sĩ giỏi.
  • Thuận lợi trong việc kinh doanh cũng như làm ăn buôn bán, công việc luôn vạn sự hanh thông, làm gì cũng thuận buồm xuôi gió, gặp nhiều may mắn, có nhiều tài lộc.

Ngoài ra, những người có căn Cô Bơ thường được phú cho nhan sắc hơn người, từ nước da trắng, đôi môi đỏ hồng cho tới tính cách nhẹ nhàng, tâm hồn tinh tế. Là một trong những mỹ nam, mỹ nữ trong thế giới con người.

Làm gì khi biết mình có căn cô Bơ ?

Khi biết mình có căn cô Bơ, bạn cũng không cần phải hoang mang lo lắng, cũng không cần phải thắc mắc rằng khi nào thì hết  căn Cô. Vì không có một thời gian cụ thể nào để trả lời cho câu hỏi này, chỉ biết rằng những người có căn Cô Bơ không phải là điều không tốt. Những người có căn Cô nếu tu tốt, suy nghĩ tốt, biết nắm biết buông, theo đường chính đạo sẽ có cuộc sống tốt an nhàn hơn người. Không nên trách duyên trách phận vì bất cứ điều gì xảy ra cũng là do luật nhân quả, phận khổ hay không thứ nhất là do nghiệp, thứ hai do phúc phần, cuối cùng là do tâm tu chưa đủ thành. Vì vậy không nên đổi lỗi, hay oán trách do căn cao số khổ, hãy chăm chỉ tu tập, tích phúc tích đức thì mọi việc tự có lo liệu.

Biết căn cao, số nặng thì năng tu nhà, căn tu ai cũng phải làm, thờ cha kính mẹ chính là chân tu. Đừng vì căn của ai mà sống lận đận, tất cả vì chữ nghiệp, thích thiện làm phước hóa giải nghiệp tin vào nhân quả ắt có cuộc sống tốt đẹp.

Có ai lên Thác Hàn Sơn
Ba Bông đền đó ghi ơn nhớ người
Dáng Cô nho nhã điểm mười
Dải lụa, áo trắng tươi cười thướt tha

Hương cài mái tóc nuột nà
Mái chèo Cô lái là là trên sông
Tiền đò Cô giắt bên hông
Gió thu thoang thoảng, dải hồng phất phơ

Nhớ ai đã hẹn đã chờ
Nhớ lời Vua hứa, từng giờ vấn vương
Kiên trinh, hoá thác, kiên cường
Một lòng son sắc, giữ đường hẹn xưa

Phù Lê, dẹp Mạc tích xưa
Công lao to lớn dẹp chừa giặc tham
Giờ đây đất nước huy hoàng
Tiên Cô hiển thánh trong hàng Thánh Cô

Thoải cung cai quản sông hồ
Anh linh chắc giáng, thành đô oai hùng
Muôn dân thành kính tôn sùng
Nức danh thoải phủ muôn trùng thần thông

Cô thương ban phép thanh đồng
Ban danh ban diện như rồng như hoa
Cô trị bách bệnh trị tà
Thần phù trị bệnh nhà nhà an yên

Cô thương lính ghế nhu hiền
Nhất tâm việc thánh, việc tiên, độ đời
Cô về cô đã ban lời
Các con nghe học nghe lời theo tu:

“Lênh đênh qua cửa thần phù”
“Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”
Đi tu như kiểu mò kim
Đáy biển rộng lớn “đắm chìm” con thơ

Bao giờ mới tìm được bờ
Thuyền kia “bát nhã” đợi chờ héo hon
Nhất tâm tu đạo cho tròn
Thuyền kia mới đến cho con vào bờ

Tu tâm tu đức từng giờ
Phật thương Thánh cứu ban cờ ban binh
Độ cho đất nước an bình
Cứu mê độ khổ chung tình, Cô thương

Cô về Cô đã chỉ đường
Đường đi lối bước, tỏ tường con đi
Con “Thánh” phải biết xét suy
Đừng vì danh lợi, đừng vì tấm thân

Đồng cũ giúp đỡ đồng tân
Cùng nhau nối nghiệp dần dần đi lên
Gắng tu trí đức cho bền
Thơm danh sáng giá mang tên “Thanh Đồng”

Ai mà hống hách chống lời
Cậy binh cậy thế nạt đời chịu oan
Lòng dân ấm ức muôn vàn
Âm binh, bùa chú, làm càn hại dân

Ta về ta trị toàn phần
Hồn xiêu phách tán, hết trần về âm
Về âm ta lại phạt âm
Địa ngục muôn kiếp, lầm than mọt đời

Đến đây đã tạm dừng lời
Ghế Cô ngoan ngoãn, Phật trời chứng tâm

Nếu có điều kiện thì ngày tư ngày rằm nên đi lễ đền phủ thì thành tâm kêu cầu tới cửa cô để được cô trợ duyên, được bình an, được như ý sở cầu.

Lễ cô Bơ

Ngày mất của cô Bơ được truyền lại là ngày 08 tháng 02 âm lịch. Tuy nhiên ngày 12/06 âm lịch là ngày rước Cô lên đền Mẫu. Bởi vậy mà mọi người đã lấy ngày rước Cô lên đền Mẫu làm ngày chính tiệc Cô Bơ. Vậy khi đi lễ cần những gì?

Về lễ vật: Sắm lễ Cô Bơ có thể tùy tâm, lễ chay hay lễ mặn đều được. Lễ Cô nên sắm theo số lẻ. Bạn có thể tham khảo một lễ của cô bao gồm: Một bộ quần áo trắng có đầy đủ trang sức, 1 cây vàng trắng, 90 lễ tiền vàng. Quả nón, đôi hài, thuyền rồng, lễ mặn, thanh bông, hoa quả. Tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là thành tâm, chỉ cần chén nước cơi trầu, cô chứng tâm thì cũng xin đài được.

Trên đây là những thông tin về Cô Bơ cũng như lý giải về quan niệm căn Cô Bơ tình duyên lận đận. Hy vọng các bạn đã hiểu hơn về những thắc mắc này.

Hầu giá Cô Bơ Thoải

Cô Bơ luôn giá ngự về đồng, già trẻ, từ đồng tân đến đồng cựu, hầu như ai cũng hầu về Cô Bơ Bông. Khi cô giáng vào ai, dù già hay trẻ thì sắc mặt đều trở nên hồng hào tươi tốt, đẹp đẽ lạ thường. Khi cô ngự đồng, cô thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng (khăn vành dây) có thắt lét trắng (có khi dùng thắt dải lưng hồng) rồi cô cầm đôi mái chèo, bẻ lái dạo chơi khắp nơi. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, trên khăn có cài ba nén hương, bên hông có dắt tiền đò, rồi khi chèo thuyền xong, cô lại cầm dải lụa để đi đo gió đo nước đo mây. Lúc cô an tọa người ta thường xin cô thuốc để trị bệnh, vậy nên Cô Bơ ngự về thường hay làm phép “thần phù” để ban thuốc chữa bệnh.

Cô Bơ là một trong số những Thánh Cô thường xuyên ngự đồng trong bất cứ khóa lễ nào thỉnh cô đều ngự đồng. Khi loan giá ngự đồng, Cô Bơ Thoải trong trang phục áo ngũ thân trắng, đầu đội khăn vành dây có thắt lét trắng cài ba nén hương. Khi ngự đồng Cô làm lễ tấu hương, sau đó hầu dâng dâng cô đôi mái chèo, cô khoan thai bẻ lái dạo chơi khắp nơi, bên hông dắt túi tiền đò. Lúc chèo thuyền có khi có còn khoác thêm chiếc áo choàng trắng, cô chèo đò du ngoạn danh lam thắng cảnh. Chèo thuyền xong, Cô lấy dải lụa hồng đi đo nước, đo mây.

Bản văn Cô Bơ Thoải thứ nhất

Nhang thơm một triện, trống điểm ba hồi

Đệ tử con, dâng bản văn mời

Dẫn sự tích thoải cung công chúa

Tiền duyên sinh ở: thượng giới tiên cung

Biến hóa lên về Động Đình trung

Thác sinh xuống, con vua thoải tộc

Điềm trời giáng phúc, thoang thoảng đưa hương

Mãn nguyệt liền, hoa nở phi phương

Da tựa tuyết ánh hường tươi tốt

Hoa cười ngọc thốt, nét ngọc đoan trang

Áo trắng hoa, chỉnh triện dung nhan

Tươi vẻ ngọc diện càng tươi sáng

Tóc mây hương thoảng, da trắng lạ lùng

Điểm yên chi, má đỏ hồng hồng

Đôi mắt phượng lóng la lóng lánh

Tai đeo vàng cánh chân dận hài hoa

Điệu lưng ong dáng ngọc thướt tha

Chuỗi tràng mạng kim sa đài các

Mỗi ngày một khác, vẻ đẹp quá ưa

Áo bạch bào phơn phớt hương đưa

Chiếc lồng cổ hây hây xạ nức

Động lòng quân tử trạnh dạ văn nhân

Nói về tài cô tài vẹn mười phân

Nói về sắc mười phần nhan sắc

Áo hoa quần trắng, tóc phượng lưng ong

Chỉnh chiện thay nhan sắc não nùng

Vịnh thơ phú ngân nga đàn hát

Phấn nhồi má hạc, sáp điểm mày ngài

Cô mặc áo màu phơn phớt lòng trai

Hài mỏ phượng khoan thai chân bước

Đàn cầm thánh thót dạo khúc năm cung

Văng vẳng nghe tiếng nhạc lạ lùng

Điểm đót nhẹ giục lòng quân tử

Ba ngàn tiên nữ trăm ả theo hầu

Người vui mừng sắm sửa trầu cau

Kẻ hầu hạ nâng khăn sửa túi

Éo le cô nhiều lỗi cách điệu trăm phần

Người thanh tân nết cũng thanh tân

Người lịch sự thêm càng lịch sự

Hằng Nga tiên tử cung quế Quảng Hàn

Vấn khăn chầu áo ngự điểm trang

Lược ngà chải, gương loan điểm đót

Khăn hồng chau chuốt chuỗi ngọc lưu ly

Vẻ thướt tha tính nết nhu mỳ

So mọi vẻ cầm kỳ thi họa

Truyền chim nhắn cá trăm sự đinh ninh

Gẩy đàn ca tang tính tang tình

Tiếng thánh thót giọng loan to nhỏ

Phỉ lòng trăng gió hội ngộ bạn tiên

Chốn Ba Bông cảnh sắc thiên nhiên

Non nọ nước ấy miền sơn thuỷ

Ấy mong tri kỷ gió lạnh sương rơi

Khen trăng già sao khéo trêu ngươi

Tiên thượng giới, bạn người hạ giới

Hoa đào còn đợi, sao thấy gió đông

Đợi rồi mong nào đã phỉ lòng

Riêng chỉ đẻ tấc lòng bối rối

Gió trăng đã trải quý tộc thiết tha

Bỗng hay đâu non nước la đà

Cánh chim nhạn cao xa bay bổng.

Bản văn Cô Bơ Thoải thứ hai

Thần phù chỉ núi núi tan

Chỉ sông sông cạn chỉ ngàn ngàn bay

Thần phù gọi gió thét mây

Ấn thiêng quyết lĩnh ra tay khảo trừ

Thần phù tay ấn có dư

Lĩnh của Phật tổ đem về giúp dân

Nước thời lấy ở Sông Ngân

Đem về mà uống sạch không thay là

Có tà cô trục tà ra

Một là khí huyết hai là tà tinh

Trừ yêu yêu hiện nguyên hình

Tàn nhang nước thải cứu sinh cho đồng

Cô thời hóa phép thần thông

Tiếp lộc cho đồng cứu trợ bệnh nhân

Chữ rằng thánh giáng lưu ân

Thánh cô lưu phúc thiên xuân thọ trường.

Bản văn Cô Bơ Thoải thứ ba

Hàn Sơn tụ khí chung linh

Có Cô Ba Thoải giáng sinh phù đời.

Hỡi ai đi ngược về xuôi,

Sông bao nhiêu nước ơn người bấy nhiêu.

Nhớ xưa tích cũ Lê triều,

Có cô Ba Thoải mĩ miều thanh xuân.

Khăng khăng lắm vững cơ trần,

Phò Lê diệt Mạc, bao lần xông pha

Ba Bông chốn ấy quê nhà

Vì đời vững lái vượt qua thác ghềnh.

Thuyền nan rẽ sóng xung xinh,

Đón người vì nước vì tình non sông.

Hàn Sơn, Phong Mục, Ba Bông,

Ấy nơi đón khách thoát dòng gian nguy

qua cơn binh lửa bất kỳ,

Ngọc chìm đáy nưóc cô về thuỷ cung

Hoa đào còn đợi gió đông,

Xót người thục nữ, khăn hồng chưa trao.

Vẻ thanh giá ngọc càng cao,

Biết đâu quân tử mà trao duyên hài.

Nương dâu một phút biến giời

Bụi trần rũ sạch ra người cung tiên

Thuyền bè xuôi ngược các miền

Nhớ ơn công đức lập đền khói nhang

Lê triều sắc tặng ra ban

Anh hùng nghiêu nữ trung can muôn đời

Dẫu rằng nước chảy hoa trôi

Sông kia dù cạn ơn người còn ghi

Đêm thanh hiện giữa Thác Hàn

Tay tiên cô gảy cung đàn nam thương

Độ người cách trở viễn phương

Bắc cầu Chức Nữ, Ngưu lang đợi chờ

Thuận dòng lá thắm đề thơ

Kẻ mong trực tiếp người chờ có khi

Ba Bông biến hiện đi về

Trăng thanh gió mát canh khuya bán hàng

Nào là kẻ Bắc người Nam

Cầu sao được vậy về đền Ba Bông

Hài cườm nón trắng tiến dâng

Tôn nhang phụng sự dốc lòng không sai

Biết ra ban lộc tiếp tài

Buôn may bán đắt gặp người gặp duyên

Ai mà bất chứng đảo điên

Nắm bạc nhiều tiền cũng đổ ra sông

Thương ai chấm lính nhận đồng

Hiếu trung trọn vẹn tam tòng đảm đang

Thưong ai núi ngọc non vàng.

Giận ai cô để nhỡ nhàng bể khơi

Giận thời uống nước cầm hơi

Khi mê khi tỉnh khi chơi khi cười

Bệnh làm tựa thể giếng khơi

Mênh mông lai láng biết trời phưong nao

Dò sông sông chẳng đủ sào

dò bể bể rộng trời cao mấy tầng

Xem ra mới biết Sự lòng

Tìm về Thoải phủ Ba Bông, Thác Hàn

Kim ngân, sớ điệp lập đàn

Dâng văn kiều thỉnh Thác Hàn Ba Bông

Thuyền rồng nón trắng tiến dâng

Khăn điều áo thắm tiền trăm, trầu trình

Hình nhân lốt trắng xinh xinh

Cứu cho lại được yên lành như chơi

Canh ba biến hiện ra người

Chiếc thoi bán nguyệt chèo chơi giữa dòng

Thác hàn tới ngã Ba Bông

thuận buồm xuôi gió thong dong đi về

Bầu trăng túi gió đè huề

Khi chơi Phố Cát lúc về Đền Dâu

Dù ai buôn bán đâu đâu

Mười hai tháng sáu rủ nhau mà về

Dù ai buôn bán trăm nghề

Mười hai tháng sáu thì về Ba Bông

Hài cườm nón trắng tiến dâng

Lâm râm khấn nguyện chứng tâm lòng thành

Cô bơ công chúa hách danh

Mười hai cửa bể quyền hành trong tay

Thủy Cung hội yến đêm ngày

Có lệnh mẫu gọi cô về ngay Thác Hàn.

Bản văn Cô Bơ chèo đò

Thuyền ai đậu bến cô Bơ

Nửa đêm cô Bơ nghe văng vẳng tiếng chuông chùa

Chuông chùa từ đền Hàn Sơn

Nổi tiếng hò khoan (khoan khoan dô khoan)

Chân cô bước xuống thuyền) (khoan khoan hò khoan)

Chèo mở lái ra (khoan khoan dô khoan)

Hàn Thác cô chèo ra

Về Phủ Giáp Ba

Chèo qua Phủ Chính

Chèo tới Công Đồng

Chèo về Phủ Bóng

Cho tới đền Gôi

Tới nơi đền Lộ

Đền Dầm,đền Sở

Tới đền Ninh Giang

Đại lộ Đức Ông

Cô Bơ vui chơi

Đứng mũi thuyền rồng

Yêu mến thanh đồng

Lễ vật dâng hoa

Cô lại chèo ra

Về đền Cây Quế

Qua cửa Xích Đằng

Về đền Lảnh Giang

Bái yết Quan Đệ Tam

Rồi ngược dòng sông

Tới chùa Bồ Đề

Ghé qua đền Ghềnh

Chầu đức Mẫu Thoải

Lại đến đền Chầu

Chầu Đệ Tứ Khâm Sai

Qua cửa đền Rừng

Đền Rừng,đền Núi

Qua đền Cửa Sông

Yên Định,Thái Mỗ

Chèo về đền đây

Tới phủ tới đền

Đền xinh cảnh lịch

Bốn mùa phong quang

Thuyền rằng thuyền ai

Lơ lửng bên giang

Thuyền Cô Bơ Thoải

Rước Mẫu sang đền này

Tới bến cô ơi

Xin cô gác mái chèo bơi cô sắm sửa vàng hương cô lên đền.

Khoan lại hò khoan.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *