QUAN HOÀNG TƯ

Quan Hoàng Tư (Địa Phủ) – Màu sắc đại diện: màu vàng.

Nguồn gốc: Con trai của Long Vương Bát Hải Động Đình; Danh hiệu: Bát Bộ Tôn Thần – Đông Đạo Thống Quốc Tướng Quân; Phủ/ nơi cai quản: Địa phủ; Trang phục/Màu sắc: Áo vàng thêu rồng kết, Khăn mỏ rìu hoặc đi nét vàng.

Quan Hoàng Tư

Quan Hoàng Tư là người con thứ tư của Đức Vua Cha Bát Hải Động Đình có sắc phong tước hiệu: Thượng Đẳng Thần Thủy Cung Hoàng Tử. Là vị Thánh Hoàng trong Tứ Phủ Thánh Hoàng, trong dân gian còn gọi ngài là Quan Hoàng Tư Thủy Cung bởi ngài được vua cha giao cho quản cai miền thủy cung điện ngọc.

Thần tích Quan Hoàng Tư

Có tài liệu cho rằng Quan Hoàng Tư không giáng trần, tuy nhiên, lại có tài liệu cho rằng Quan Hoàng Tư có giáng sinh và đó chính là Tướng quân Nguyễn Hữu Cầu (Quận He), vị lãnh tụ trong cuộc khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu lẫy lừng vào thời vua Lê Trung Hưng.

Nguyễn Hữu Cầu người Lôi Động Thanh Hà, Hải Dương, vốn xuất thân trong gia đình nông dân nghèo hiếu học, văn võ song toàn, lại là bậc kì tài bơi lội nên được gọi là Quận He, tên đặt theo tên loài cá ở biển Đông bởi ngài có tài bơi lội còn hơn cả cá he ngoài biển Đông.

Bấy giờ thời vua Lê chúa Trịnh, dân chúng lầm than. Lấy làm bất bình, ngài theo Nguyễn Cừ dấy binh khởi nghĩa, lại được Nguyễn Cừ yêu quý gả con gái cho. Về sau Nguyễn Cừ bị bắt, đích thân Nguyễn Hữu Cầu trở thành thủ lĩnh ba quân, mưu mẹo thao lược, cướp của quan tham ác bá chia cho dân nghèo nên rất được lòng dân, đánh đâu thắng đó, chém chết nhiều tướng giỏi của triều đình.

Cuối cùng triều đình phải cử Phạm Đình Trọng, vốn là bạn học thời niên thiếu, cũng là kẻ kình địch của ngài đem quân chinh phạt. Do Trọng quá hiểu Cầu mà đánh bại được ông. Đêm đó quân của Nguyễn Hữu Cầu bị vây kín. Cầu lặn xuống sông, lẻn vào tận thuyền của Trọng bỏ lại lá thư, đại ý rằng “Ta có thể lấy đầu nhà ngươi nhưng nghĩ tình đồng môn mà tha cho. Đổi lại nhà ngươi hãy mở cho quân ta lối thoát”. Sáng dậy Trọng đọc thư hoảng hốt, bèn mở lối thoát cho quân của Cầu, nhưng lại phục kích đánh tan tác, bắt sống Nguyễn Hữu Cầu nộp lên cho triều đình. Năm 1751 Nguyễn Hữu Cầu bị y án tử hình, khi đó vợ ngài là bà Nguyễn Thị Quỳnh đến tận bên rút dao đâm vào cổ tuẫn tiết theo chồng, con chiến mã cũng bỏ ăn ba ngày rồi đi biệt tích.

Cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, thân xác của ngài trôi dạt vào bãi Trà Cổ. Nhân dân tôn xưng ngài là Thủ Thần Đông Bắc Bộ. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại, nhưng hình ảnh một tướng quân uy nghi, chính trực hết lòng vì cuộc sống dân nghèo không bao giờ phai lạt. Tưởng nhớ và ghi ơn ngài, nhân dân nhiều nơi đã lập thờ ngài.

Đền thờ Quan Hoàng Tư

Đền thờ chính của Ngài tại thôn Cửu Điện, Nhân Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ngoài ra, có một số nơi thờ Tướng Quân Nguyễn Hữu Cầu như :

  • Miếu Ngọc Xuyên – Đồ Sơn: Ngài được mệnh danh Bát Bộ Tôn Thần.
  • Đền Vạn Ngang – Đồ Sơn: Tại đây Ngài được tôn là Đông Đạo Thống Quốc Tướng Quân Nguyễn Hữu Cầu – Đây chính là danh tự xưng của Tướng Quân Nguyễn Hữu Cầu.
  • Đình Trà Cổ, Móng Cái, Quảng Ninh thờ thành hoàng làng và thờ Quận He (tên gọi khác của Tướng Quân).

Tại quê hương của Ngài, làng Đồng Nổi, Thanh Hà, Hải Dương có thờ mộ của cha ông và đình làng thờ tam vị Thành Hoàng trong đó có Quận He.

Đền thờ Quan Hoàng Tư

Đình Trà Cổ – Nơi thờ phụng Quận He Nguyễn Hữu Cầu nổi tiếng nhất.

Hầu giá Quan Hoàng Tư

Quan Hoàng Tư khi ngự đồng mặc áo vàng, khăn chít mỏ rìu, cũng có khi mặc áo trần thủ, mạng chéo, đi cờ kiếm, tuy nhiên Hoàng rất ít khi về ngự đồng. Chỉ những người có căn kiêm tri hoặc căn lục bộ khâm sai mới hầu Ngài. Sau khi làm lễ khai quang, Ngài ngự tọa, hiến tửu, nghe văn rồi xe giá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *