CHẦU LỤC CUNG NƯƠNG

Chầu Lục Cung Nương (Nhạc Phủ) – Danh hiệu: Lục Cung Công Chúa

Danh hiệu: Chúa Lục Cung Nương – Lục Cung Tiên Chúa – Lục Cung Công Chúa – Đệ Lục Thánh Chầu – Chúa Bà Lục Cung – Mế Lục Cung Nương; Phủ/ nơi cai quản: Thiên Phủ và Nhạc Phủ; Lĩnh vực chính: Khâm sai cho Mẫu Liễu Hạnh, Cai quản lục cung (sáu viện) của các tiên nữ trên thượng giới, Chấm đồng, bắt đồng; Trang phục/Màu sắc: Chàm, xanh, tím xanh, tím

Can so Chau Luc Cung

Chầu Lục Cung Nương được gọi với nhiều danh hiệu khác như: Chúa Lục Cung Nương, Lục Cung Tiên Chúa, Lục Cung Công Chúa, Đệ Lục Thánh Chầu, Chầu Lục, Chúa Bà Lục Cung,…. Chầu Lục Cung Nương là vị Thánh chầu trong hàng Tứ Phủ Thánh Chầu. Tương truyền Chầu là hiện thân của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, giáng hạ vào cửa nhà một tù trưởng người Nùng, mẹ chầu họ Trần (cũng có quan điểm cho rằng cha họ Trần, mẹ họ Hoàng) vốn dòng lệnh tộc thuộc vùng Hữu Lũng, Lạng Sơn, nên chầu còn được biết với tên gọi Mế Lục Cung Nương, hiệu “Lục Cung Công Chúa”. Trong văn dâng Chầu Lục có đoạn:

“Sắc phong chầu Lục Cung Nương, vốn dòng Trần Thị quê hương non ngàn

Hữu Lung giang là nơi cát địa, Bắc Lệ ngàn tụ khí là nơi chúa tiên tuân lệnh vâng lời”.

Thần tích Chầu Lục Cung Nương

Theo các bản văn chầu, Chúa bà giáng sinh vào cửa nhà họ Trần vào ngày mồng mười tháng năm tại huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Ngài hóa thần vào ngày hai mươi tháng chín. Sau khi về trời, Ngài sơ ý đánh rơi chén vàng khi dâng rượu Đức Vua Cha nên bị trắc giáng xuống hạ giới với kỳ hạn mười lăm năm.

Lần này, Chúa Bà giáng sinh vào nhà họ Quách cũng tại Hữu Lũng, Lạng Sơn vào giờ Mão, ngày Mão, tháng Mão, năm Kỷ Mão. Mãn hạn trắc giáng, Chúa bà hồi tiên, được sắc phong “Chầu Lục Cung Nương”, quyền hành cai quản sơn trang thượng ngàn. Theo lệnh Chầu Lục  giáng trần  vào mùa thu Tháng 9 ngày mùng 10 năm Thân, sau 19 năm thì mãn hạn về trời nhưng vì Chầu còn thương nhớ phụ mẫu nơi trần gian nên vua cha cho Chầu  hiển thánh, cai quản miền sơn cước Hữu Lũng. Với tấm lòng yêu dân như, Chầu  thường hiển linh, trợ giúp nhân dân trồng trọt mùa màng bội thu, no ấm  nên được nhân dân rất tôn kính phụng thờ.

Đền thờ Chầu Lục Cung Nương

Đền chính thờ Chầu Lục Cung nương tại Lục Cung Linh Từ, thôn 94 xã Hòa Lạc huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn. Chúa bà được tôn xưng là “Lục Cung Tiên Chúa” với quyền hành cai quản lục cung – sáu viện (Lục cung chỉ các tiên nữ trên thượng giới. Trong triều đình phong kiến xưa, người ta gọi các phi tần là lục cung).

Den tho Chau Luc Cung Nuong

Ngoài ra Chầu còn được thờ tại Đền Cảnh Xanh (hay còn gọi là đền Cây Xanh) thuộc phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang.

Ngày khánh tiệc Chầu Lục Cung Nương

Ngày tiệc hóa nhật của Chầu Lục vào ngày 10 tháng 9 âm lịch, ngày đản nhật chầu Lục vào 20 tháng 5 âm lịch hàng năm.

Hầu giá Chầu Lục Cung Nương

Chầu Lục là một trong những vị Thánh Chầu danh tiếng rất hay ngự đồng khi khai đàn mở phủ. Trong thần điện và trong nghi lễ  hầu đồng của Tín ngưỡng thờ Mẫu tam tứ phủ, Chầu Lục ngự trong trang phục màu lam hoặc màu tím. Trong tâm thức dân gian, khi ngự đồng Chầu  Lục thường hay chấm đồng, cho thuốc chữa bệnh, cho lộc buôn bán, khi ngự về đồng Chầu chứng sớ chứng đàn rồi tán đàn sơn trang, sang khăn khi mở phủ và ban tài phát lộc cho bách gia trăm họ.

Trong nghi lễ khai phủ đại đàn (lễ mở phủ), Chúa bà thường là vị thánh cuối cùng chứng đàn và sang khăn cho tân đồng. Theo quan niệm dân gian, mỗi thanh đồng có một vị Thánh cai quản đầu đồng bản mệnh và số mệnh mỗi thanh đồng tương ứng với các vị thánh quản cai. Theo quan niệm đó, người có căn mệnh “Chầu Lục” thường có khả năng làm đồng thầy, mở phủ và chữa bệnh cho người đời. Người ta tin rằng, Chúa bà thường cho lộc làm thầy, lộc buôn lộc bán lộc dọn quán bán hàng… Cũng như các vị Thánh khác, Chúa bà được quan niệm là một vị thần có khả năng ban phúc giáng họa cho trần thế.

Bản Văn Chầu Lục Cung Nương thứ nhất

Sắc phong Chầu Lục Cung Nưong
Vốn dòng Trần Thị quê hương non ngàn
Hữu Lũng giang là nơi cát địa
Chín Tư ngàn tú khí là nơi
Chúa Tiên vâng lệnh y lời
Ở trong bệ ngọc, ra ngoài màn loan
Đêm ấy xuống trần gian báo mộng
Trần thị nưong tâm động bào thai
Tháng năm giờ tý mồng mười
Sinh ra Chúa Lục khác người trần gian
Đôi thung huyên vui mừng hớn hở
Khắp bản làng mừng rỡ bảo nhau
Mới hay như ý sở cầu
Sớm nâng niu ngọc, ngày chau chuốt vàng
Chốn phòng loan đêm ngày dưỡng dục
Đặt tên là Chầu Lục Cung Nương
Ơn trời sao khéo phi phương
Mặt huê hớn hở ,tính gương làu làu
Vẹn một bầu nước trong leo lẻo
Trách ông trăng già sao khéo vẩn vơ
Vô tình ép uổng duyên tơ
Hoa chưa kết nhụy trăng chưa tới kì
Hoá tức thì đôi mươi tháng chín
Giữa thu về xa lánh hồn nương
Thung huyên buồn sầu thảm nhớ thuơng
Sót xa tấc dạ ruột thường quặn đau
Trải bấy lâu thiên đình sai xuống
Nay đến ngày ,mãn hạn về tiên
Nỗi lòng thưong nhớ thung huyên
Dấu thiêng hiển tích trong miền Chín Tư
Tục truyền lưu để ngàn thu
Nhân dân thôn ấp còn thù giặc nguyên
Xuân sang mở hội đua thuyền
Nam thanh nữ tú cùng nhau đua tài
Bất thường một sớm hôm mai
Chầu lên đỉnh núi hoá thân tức thì
Sắc ban phong vang lừng tám cõi
Tiếng chầu ngàn chói lọi trời nam
Trong đền tấp nập sửa sang
Lối lên Sông Hoá lại càng thanh tao
Vào năm Kỷ Mão anh hào
Có Tiên Chúa Lục giáng vào thiên thai
Trên núi Thái bốn mùa mát mẻ
Dưới bản làng vượn hót oanh ca
Nhớ xưa họ Quách lương gia
Nhân từ có một hiền hòa không hai
Vừa gặp buổi trang đài hội yến
Chầu Lục vào dâng tiến kim bôi
Trống rung chưa kịp dứt hồi
Bỗng đâu Chầu Lục sảy rơi chén vàng
Trên chín bệ Vua cha phật ý
Nổi lôi đình truyền chỉ chiếu ban
Kíp đầy Chầu xuống trần gian
Mười lăm năm lẻ khải hoàn hồi cung
Nhà họ Quách vốn dòng quốc chỉ
Kết duyên lành Trần Thị Hồng Mai
Vào năm kỷ mão tháng hai
Ngày Mão giờ Mão Trang đài nở hoa
Vẻ cốt cách da ngà tựa tuyết
Bóng trăng tròn mặt nguyệt như in
Mày ngài mắt phượng tóc tiên
Môi son má phấn lại thêm nõn nà.

Bản Văn Chầu Lục Cung Nương thứ hai

Nén nhang thơm tâm thành khấn nguyện
Giãi lòng thành dâng tiến văn ca
Đường lên xứ Lạng bao xa
Đường về Hữu Lũng tuy xa mà gần
Chốn thanh tân long lâu điện các
Ví nào bằng cảnh hạc Lâm san
Đền thờ chầu Lục trên ngàn
Cây xanh che phủ xóm làng lơ thơ
Đường dốc núi quanh co trùng điệp
Nước Sông Thưong uốn lượn bao quanh
Đền thờ cao ngất non xanh
Lô xô đá mọc xung quanh đường đèo
Trên thời vượn hót thông reo
Dưới khe nước chảy ra chiều nghiêm trang
Lơ thơ mấy nóc nhà sàn
Ven bên sườn núi bản làng xa xa
Nghe suối chảy chim ca ríu rít
Bộ người nùng đầu chít khăn lam
Dao quai, xà tích ,áo chàm
Cơm lam,muối ống vượt ngàn lên non
Nhịp chân bước thiên sơn vạn thủy
Bắc Lệ ngàn, Phố Vị suối ngang
Lắng nghe tiếng hát cung đàn
Điệu then đàn tính âm vang núi rừng
Điệu “soong hao” vang lừng khắp bản
Hội lồng tồng đợi bạn đầu xuân
Lên ngàn trảy hội sơn lâm
Ngôi đền Chầu ngự mấy tầng nguy nga
Trước sân đền cây đa cổ thụ
Nhuốm một màu chen phủ lá cây
Ngất trời gió cuốn sương bay
Chim kêu vượn hót đêm ngày xôn xao
Đường dốc núi lối vào sơn cước
Cảnh non bồng nước nhược bồng lai
Vào ra áo thắm thơ bài
Áo lam khăn củ ấu ,gót hài thêu hoa
Giáng ngự đồng trâm hoa điểm xuyết
Lược trâm cài ngọc tuyết thu ba
Tóc mây rẽ mái mượt mà
Phấn son trang điểm vào ra dập dìu
Cảnh núi rừng đìu hiu hút gió
Thú sơn lâm hoa cỏ tốt tươi
Dâng văn tấu thỉnh khuyên mời
Lục Cung tiên chúa giáng nơi bản đền
Ngôi đền thờ Sơn Lâm công chúa
Chầu Lục Cung tối tú chứng minh
Đền thờ thượng cổ tối linh
Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *