DIỆT TRỪ VÔ MINH MỚI CÓ THỂ VƯỢT DÒNG SINH TỬ

LỜI PHẬT DẠY :

“Bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia như vậy, tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra.”

“Vô minh được xả ly, minh khởi tham ái được đoạn diệt (ly dục, ly ác pháp). Như vậy tái sanh trong tương lai sẽ không xảy ra.”

(Tăng Nhất A Hàm tập 3)

Muốn hiểu rõ đoạn kinh này thì chúng ta phải hiểu rõ những danh từ: Vô minh, Tham ái, Hữu tình, Tái sanh.

Vô minh

Vô minh nghĩa là gì? Các bạn đừng hiểu đơn giản nghĩa của vô minh là không biết, không hiểu, không thông minh, ngu dốt,…; mà phải hiểu Vô minh ở đây có nghĩa là hiểu biết rất rõ ràng, thông minh, có trí tuệ, không ngu dốt,…  nhưng nó thường đối mặt với minh, nên nó có một nghĩa khác ngược hơn minh. Phần đông trong xã hội loài người, đều là những người vô minh.

“Vô minh” Đức Phật xác định nghĩa ở đây là sự hiểu biết thông minh nhưng theo tâm ái dục, tưởng ái dục, nên sự hiểu biết ấy bị hạn cuộc trong không gian và thời gian. Đức Phật dạy: “Bị vô minh ngăn che” tức là bị sự hiểu biết ái dục, tưởng dục ngăn che làm cho mọi người không thấy, không hiểu rõ mọi sự việc như thật. Do không thấy, không hiểu biết mọi sự vật như thật nên sinh ra tham ái dính mắc, chấp chặt không dám buông bỏ. Vô minh là một sự hiểu biết trong góc độ ái dục, tưởng dục. Khi vượt ra ngoài ái dục, tưởng dục thì sự thấy và hiểu biết đó là “minh”.  Khi nói đến vô minh thì phải nói đến minh. Vậy minh nghĩa là gì? Như trên đã nói: “Vượt ra ngoài ái dục, thì sự thấy và hiểu biết là minh”. Minh là trí tuệ hiểu biết không bị ái dục, tưởng dục chi phối, nên thấy và hiểu biết mọi sự vật như thật, không bị dục ngăn che. Cho nên khi nào tâm hết dục thì ta mới có “minh”.  Tóm lại “vô minh” là sự hiểu biết của dục tri, tưởng tri; còn “minh” là sự hiểu biết của Liễu tri, Thắng tri, Trực tri, Chánh tri.

Bát Chánh Đạo là con đường tu tập của Phật Giáo dạy cho chúng ta có cái nhìn thấy đúng đắn, cái suy tư đúng đắn không mang theo dục tri, tưởng tri. Vì thế Bát Chánh Đạo dạy cho chúng ta “minh”. Ngày xưa cho đến ngày nay Tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tất cả mọi người chung quanh ta đều dạy cho chúng ta sự hiểu biết thường tục, gọi là kiến thức; nhưng kiến thức ấy luôn luôn mang đầy ắp những ái dục tri, ái dục tưởng tri. Từ khi Đạo Phật ra đời dạy cho chúng ta cái hiểu biết khác, cái hiểu biết ly dục tri, ly dục tưởng tri và ly ác pháp. Do đó chúng ta mới nhận thấy mình thoát khổ, tâm không còn tham, sân, si, phiền não, khổ đau như trước nữa. Cho nên kinh Pháp Cú dạy: “Vui thay Phật ra đời!”.  Phật ra đời luôn luôn đem lại hạnh phúc, an vui cho mọi người và mọi loài trên hành tinh sống này. Nhưng có mấy ai đã hiểu biết đúng như vậy, tất cả mọi người đang sống trong mộng mơ, ảo tưởng, mơ hồ của thế tục, của các tôn giáo, của các triết học,…

Tham ái

Tham ái nghĩa là gì? Tham là lòng ham muốn; ái là lòng yêu thích. Đã là con người thì ai cũng có lòng ham muốn và ưa thích hoặc nhiều hoặc ít. Lòng ham muốn và ưa thích là một sợi dây vô hình thường trói buộc rất chặt chúng ta vào vạn vật. Khi chúng ta khởi tâm ưa thích hay ham muốn một vật gì thì chúng ta bị trói chặt vào vật ấy, khó cho chúng ta buông bỏ được nó. Ví dụ khi chúng ta khởi ý ham thích ưa muốn có một ngôi nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi, thì lúc bây giờ muốn bỏ ý niệm ấy rất khó. Nó thôi thúc chúng ta phải cố gắng làm lụng hoặc phải bán đến cả đất đai của cha mẹ cho để xây cất cho bằng được ngôi nhà. Đó là bị tham ái trói buộc. Cho nên Đức Phật đã xác định cho chúng ta thấy tham ái rất là nguy hiểm, nó như sợi dây trói buộc rất chặt. Đó là lời cảnh báo để chúng ta thoát ra sợi dây vô hình này. Nếu mọi người không biết Phật pháp thì chắc chắn không người nào tự ý thức để thoát khỏi sợi dây tham ái này. Đời người thường bị khổ đau đều do sợi dây tham ái này.

Bát Chánh Đạo giúp chúng ta cắt đứt những sợi dây tham ái đó, nhờ pháp môn Bát Chánh Đạo mà đoạn lìa được sợi dây tham ái này môt cách dễ dàng không mấy khó khăn và mệt nhọc, chỉ cần bền chí ngày ngày siêng năng mài dũa tâm mình đúng pháp.

Hữu tình, Tái sanh

Hữu tình là gì? Hữu là có; tình là tình cảm, cảm mến.  Các loài hữu tình là chỉ chung cho loài người và loài vật (loài có tình cảm).

Tái sanh là gì? Tái sanh có nghĩa là sanh trở lại làm người hoặc làm loài vật.

“Các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia như vậy, tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra”.  Lời dạy này rất đúng.  Mọi người đang sống trên hành tinh này luôn luôn ưa thích cái này cái kia, lúc nào cũng ưa thích. Do tâm ưa thích mà loài người cũng như loài vật đều phải chịu tiếp tục tái sanh luân hồi.

Nội dung đoạn kinh: “Bị vô minh ngăn che, bị tham ái trói buộc, các loài hữu tình thích thú chỗ này, chỗ kia như vậy, tái sanh trong tương lai sẽ xảy ra”.  Do vô minh mà có tham ái; do tham ái mà thích cái này cái kia; do ưa thích cái này cái kia mà phải chịu tái sanh luân hồi, khổ đau muôn kiếp.

Như vậy muốn chấm dứt tái sanh luân hồi thì phải diệt trừ vô minh. Muốn vén sạch màn vô minh thì chúng ta phải có minh, tức là trí tuệ Tam Minh.  Muốn có trí tuệ Tam Minh thì chúng ta phải tu tập bằng những con đường Bát Chánh Đạo: Chánh  kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Chánh niệm tức là Tứ Niệm Xứ thuộc Định Vô Lậu. Muốn tu tập Định Vô Lậu thì phải dùng ý thức, pháp tác ý và pháp như lý tác ý.  Trên con đường tu tập theo Phật Giáo, ý thức là vũ khí hàng đầu trong việc đánh giặc sanh tử “ý dẫn đầu, ý làm chủ, ý tạo tác”.  Dùng ý thức tu tập đúng cách chúng ta mới ly dục ly ác pháp; nhờ ly dục ly ác pháp mà tâm mới nhập định; nhờ định mà ta có Tam Minh; nhờ Tam Minh mà vô minh mới diệt trừ tận gốc hay nói cách khác nhờ Tam Minh mà tham ái được diệt trừ tận gốc.  Còn Chánh Định tức là bốn thiền: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, ngoài bốn thiền này không có thiền nào được gọi là Chánh Định.

Cho nên kết luận đoạn kinh, Đức Phật dạy như dưới đây: “Vô  minh được xả ly, minh khởi tham ái được đoạn diệt (diệt dục diệt ác pháp). Như vậy tái sanh trong tương lai sẽ không xảy ra”.  Nếu chúng ta xét cho kỹ đoạn kinh này thì chúng ta thấy Đức Phật đã trao cho chúng ta một bí quyết cốt tủy giải thoát của đạo. Chỉ cần siêng năng tu tập là đạt được kết quả ngay liền.

Như lời dạy trên trong cuộc đời tu hành theo Phật Giáo, chúng ta thấy rất rõ, kẻ nào vô minh thường bị tham ái trói buộc thích thú vui chơi chỗ này, chỗ kia thì sự đau khổ và tái sanh luân hồi không thể tránh khỏi; còn kẻ nào ly dục, ly ác pháp thì được giải thoát, an vui, tâm hồn lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự.  Do tâm hồn được như vậy thì sẽ chấm dứt tái sanh luân hồi chắc chắn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *