BA HẠNG NGƯỜI

Thưa quý vị, “Ba hạng người” do Đức Phật đã giảng dạy cho chư đệ tử, được ghi chép lại trong Tăng Chi Bộ Kinh (Aṇguttara Nikāya).

Một thời nọ Đức Thế Tôn đang trú yên, bèn gọi Chư Tỳ Khưu mà dạy rằng:

“Này chư Tỳ khưu, có 3 hạng người này, có mặt xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Này chư Tỳ khưu, ở đây có người mù mắt, có người chột mắt, có người sáng cả đôi mắt.

Và thế nào là người mù mắt? Này chư Tỳ khưu, có người không có mắt để biết cách thâu hoạch tài sản, làm gia tăng tài sản đã thâu hoạch, họ lại cũng không nhận biết được Pháp thiện và Pháp bất thiện, Pháp có tội và Pháp vô tội, Pháp hạ liệt và Pháp ưu thắng. Hạng người như vậy, gọi là người mù mắt.

Thế nào là Người chột mắt? Này chư Tỳ khưu, có người lành một mắt, chỉ biết được cách thâu hoạch tài sản, làm gia tăng tài sản đã thâu hoạch, mà họ lại không có mắt để nhận biết được Pháp thiện và Pháp bất thiện, Pháp có tội và Pháp vô tội, Pháp hạ liệt và Pháp ưu thắng. Hạng người như vậy, gọi là người chột mắt.

Thế nào là người sáng cả đôi mắt? Này các Tỳ khưu, có người có hai mắt, để nhờ vậy biết cách thâu hoạch tài sản, làm gia tăng tài sản đã thâu hoạch, họ lại nhận biết được Pháp thiện và Pháp bất thiện, Pháp có tội và Pháp vô tội, Pháp hạ liệt và Pháp ưu thắng. Hạng người như vậy, gọi là người sáng cả đôi mắt.”

Thưa quý vị, qua đoạn kinh này, chúng ta thấy rằng Đức Phật đã dùng lối tỷ dụ thuyết để ám chỉ Pháp cho dễ nhận, như là ở đời có hạng người mù mắt; có hạng người chột mắt và có hạng người sáng mắt.

Hạng người mù mắt, Đức Phật dạy đây chẳng phải là người bị hư nhãn quan thị giác bằng thịt đâu. Còn người chột mắt chẳng phải là người tật nguyền còn một mắt, và người sáng mắt không phải là chỉ cho người có thần kinh lành mạnh đâu. Nếu hiểu theo cớ sự thì đâu có gì phải nói mà chính là đây nên hiểu theo cái lý của sự.

Thưa quý vị nói nhãn hay con mắt đây có hai nghĩa:

–      Một là nhục nhãn (Maṇasacakkhu) tức là con mắt bằng thịt của chúng ta đây, cũng gọi là nhãn quang hay thị giác để cho trông biết cảnh sắc.

–      Và hai là Trí nhãn (Paññācakkhu) tức là ám chỉ con mắt trí hóa nhận hiểu sự vật, pháp lý do quán xét suy tư.

Như vậy, đối với ba hạng người tỷ dụ có mắt, mà Đức Phật đã dạy, là nói đến Trí nhãn chứ không phải nhục nhãn.

Và bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu sâu về ba hạng người này, trước hết là tôi trình bày hạng người thứ nhất có mặt xuất hiện ở đời.

Thưa quý vị, hạng người mù mắt, Đức Phật dạy chỉ cho hạng chúng sanh sống ở đời mà thiếu trí hóa thông minh trên cả hai phương diện: đời sống vật chất và đời sống tinh thần. Nghĩa là hạng người này không hiểu biết phương cách để làm ra tài sản, tài sản hợp pháp và những tài sản nào đã thâu hoạch được, không biết cách làm cho tăng trưởng thêm.

Lại nữa hạng người này rất mù quáng không nhận biết được Pháp nào là thiện, Pháp nào là bất thiện, Pháp chi là tội, Pháp chi là không tội lỗi, Pháp gì là ưu thắng, Pháp gì là hạ liệt thấp kém.

Thưa quý vị, hạng người này do vậy đời sống của họ phần nhiều bị sầu muộn khổ đau ngay trong đời hiện tại luôn cả kiếp vị lai.

Về đời sống vật chất hiện tại, vì không biết cách làm thâu hoạch tài sản chưa có, tăng trưởng tài sản đã có nên họ trở nên nghèo túng thiếu hụt, từ đó có thể khiến sanh ra những hành động, việc làm phi pháp bất chánh, nên đôi khi mắc phải tội tình bị hành hạ khổ sở. Đó là nỗi khổ về đời sống vật chất của người mù mắt trong hiện tại.

Nhưng thưa quý vị, tại sao chúng sanh ấy bị nghèo túng không biết cách thâu hoạch tài sản, hoặc có biết nhưng tài sản không phát sanh?

Vì họ vốn đã bị mù mắt từ đời trước, không biết làm lành bố thí, giúp đỡ tài vật cho chúng sanh khác cần thiết. Do nhân ấy, nghiệp ấy nên đời này gặt hái hậu quả như vậy.

Trở lại vấn đề về đời sống tinh thần hiện tại của hạng người mù mắt, do không nhận biết Pháp thiện ác, Pháp đen trắng nên họ tự do hành ác hạnh, bất thiện pháp như: sát sanh hại vật, trộm cướp, tà dâm, nói dối, nói độc ác, nói đâm thọc, nói chuyện nhảm nhí,… Do vậy họ luôn luôn bị phiền toái, khổ tâm sầu muộn, khiếp đảm. Thế nên Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú rằng:

“Nay khổ, đời sau khổ

Kẻ ác hai đời khổ

Khổ tâm: “Ta làm ác”

Sanh ác thú khổ hơn.”

Đến đây tôi sẽ nhắc lại câu chuyện: Ông Thôn trưởng hại nhóm thanh niên Magha, tiền thân của Đức Trời Đế Thích.

Đức Phật kể lại rằng:

“Này Đại vương Mahālī, trong thời quá khứ, tại một lãnh thổ thuộc xứ Magadha, có một thanh niên tên là Magha, tính hiền lành khoan dung, hay làm việc từ thiện hào hiệp, chẳng hề oán giận ai dù cho kẻ ấy nhiều lần chiếm cứ chỗ ưa thích của anh. Một hôm nọ, thanh niên Magha nghĩ đến con đường lầy lội cản trở mà mọi người phải đi, chàng bèn ra khỏi nhà mang theo cuốc xẻng đắp đường, đốn cây bứng gốc nào nên bứng, rồi dọn sạch.

Khi ấy, có người đi đến gặp bèn hỏi rằng: “Anh làm việc chi vậy?”

Thanh niên Magha đáp: “Này bạn! Tôi làm đường lên trời.”

Người kia nói: “Như thế tôi sẽ cùng làm bạn với anh.”

“Như thế là tốt đẹp, này bạn.”

Thế rồi lần lượt có 33 thanh niên khác đến gia nhập đồng nhau mang cuốc đắp đường cho bằng phẳng, xa được 2 do tuần (1 do tuần là 16 cây số).

Lúc bấy giờ có ông thôn trưởng thấy những người làm như thế bèn nghĩ rằng: “Họ làm những việc không đáng để làm, phải chi họ đem cá, thịt hay rượu đến ăn uống thì mình có thể chung sức với họ”. Nghĩ vậy y bèn cho gọi những thanh niên ấy đến hỏi rằng: “Các ngươi làm việc gì đấy?”

“Thưa chúng tôi đắp đường đi lên trời.”

“Đáng lẽ, các người không nên làm như vậy, nên tìm thịt, cá rồi ăn uống với rượu, xong làm công việc khác.”

Những thanh niên ấy phủ nhận, bác lời ông thôn trưởng dù ông có thêm lời cũng vô ích. Ông thôn trưởng phát sân, bèn nghĩ rằng: “Ta sẽ hại bọn này mới được.”

Rồi vào tâu với Đức vua: “Tâu hoàng thượng! Tôi có thấy kẻ cướp rủ nhau đi từng bọn.”

Đức vua phán rằng: “Ngươi hãy đi bắt bọn cướp ấy đem nạp cho trẫm.”

Ông thôn trưởng liền tuân lệnh Vua bắt nhóm thanh niên Magha đem nộp. Đức vua chưa kịp quan sát, phán rằng: “Hãy cho voi giẫm đạp chúng đi.”

Quân y lệnh, thanh niên Magha lúc bấy giờ khuyên các bạn rải tâm Từ bi bác ái đến nhà vua, ông thôn trưởng và đến bầy voi, chẳng nên oán giận ai, tất cả đều hành theo. Khi ấy voi chẳng dám lại gần do thế lực của lòng từ bi. Vua lấy làm lạ, bèn vời tất cả thanh niên ấy đến, hỏi ra tự sự. Khi rõ việc, vua hối hận vô cùng, chịu xin lỗi và rồi bắt cả vợ chồng ông thôn trưởng cùng cả gia đình làm nô lệ của các thanh niên ấy, từ đó thanh niên Magha và các bạn vẫn tiếp tục làm các việc phước.”

Nhắc tích chuyện đây để quý vị thấy rằng kẻ mù mắt nghĩa là không có Trí hóa, nhận biết đều phải quấy, thiện ác thì họ hay làm những việc làm bất chánh, tội lỗi. Vì thế khiến cho họ gặt hái những hậu quả không hay, hơn nữa bị bậc trí khiển trách nặng nề như ông thôn trưởng kia vậy.

Do đó người Phật tử chúng ta, hãy cố tránh hạng người này và cố giữ đừng để bị mù mắt, mà phải bị khổ đau.

Tiếp đến tôi xin trình bày hạng người thứ hai Đức Phật dạy có mặt xuất hiện ở đời. Thưa quý vị, đó là hạng người chột mắt, nghĩa là chỉ sống một bên thôi.

Đức Thế Tôn dạy là chỉ cho hạng chúng sanh sống ở đời có trí hóa thấp kém, chỉ biết phương cách làm cho ra tiền của, thâu hoạch lợi tức, phát sanh tài sản và những tài sản nào đã thâu hoạch, họ lại biết cách làm cho phát sanh thêm.

Nhưng hạng người này về đời sống tinh thần, họ rất mù quáng, không nhận biết phải quấy, pháp thiện ác, lành dữ như thế nào? Pháp nào thuộc thành phần đen tối hạ liệt? Những pháp nào thuộc thành phần trong trắng ưu thắng? Do không hiểu như vậy, hạng người này cũng không tránh khỏi khổ đau sầu muộn. Mặc dù hiện tại, đời sống vật chất có sung túc, nhưng không khả dĩ đem lại an vui hạnh phúc chút nào, vì tinh thần bị căng thẳng sa sút.

Tôi còn nhớ trong kinh ghi chép:

Một lần nọ, có ông Bà la môn cho là Đức vua có hạnh phúc hơn Đức Phật. Đức Phật mới hỏi rằng:

“Ngươi nghĩ thế nào, nhà vua có thể giữ tâm an tĩnh luôn suốt 7 ngày không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

“Vậy nhà vua có thể giữ tâm an tịnh trong 6 ngày? 5 ngày? 4 ngày? 3 ngày? 2 ngày? Hay 1 ngày không?”

“Bạch Thế Tôn, không.”

Đức Phật dạy tiếp:

“Nhưng này Bà la môn, ông nghĩ sao? Như Lai có thể giữ tâm an tịnh từ 1 ngày đến 2 ngày, hoặc 3 ngày, 5 ngày, hay 7 ngày không?”

“Bạch Thế Tôn, chắc chắn là được rồi.”

“Như vậy, này Bà la môn, nhà vua với Như Lai ai là người có hạnh phúc hơn?”

“Tốt đẹp thay, bạch Thế Tôn, chính Thế Tôn là người có hạnh phúc hơn. Quả thật vậy, nhà vua không thể an vui tự tĩnh được dù chỉ 1 ngày, 1 giờ; mặc dầu nhà vua có binh đông, tướng mạnh, lắm người hầu thiếp, tiền của đầy kho, là chúa trong thiên hạ, nhưng không thể so với Thế Tôn, dù Ngài chỉ có Tam y quả bát sống không gia đình, nhưng Ngài hoàn toàn tự tĩnh, rốt ráo, an vui.”

Như vậy, người ở đời chỉ biết tạo tiền tài, vật chất chưa chắc là an vui. Hạnh phúc chẳng phải ở chỗ có tiền tài nhiều, gia thế mạnh, mà hạnh phúc an vui chính là sự tự tĩnh, thanh thoát, thân tâm trong sạch do nhờ biết và hành theo Thiện pháp, từ bỏ Ác pháp.

Thưa quý vị, hơn nữa Đức Phật dạy rằng: “Với người chột mắt vì không biết thiện pháp, ác pháp, pháp đen và pháp trắng, do vậy, dù họ biết cách thâu hoạch tài sản, mà thâu hoạch bằng cách phi pháp, bất chánh, nên hạng người ấy có thể bị sanh vào khổ thú, địa ngục.”

Đến đây tôi xin nhắc thêm trường hợp của người đồ tể Cunda:

Ông Cunda là một người chuyên sanh thế bằng nghề giết thịt lợn, trải qua 55 năm trường nên người ta gọi ông là thầy đồ tể, mặc dù nhà ông ở kế cận ngôi chùa Jetavana (Kỳ viên) là nơi Đức Phật đã an cư hoằng dương Chánh pháp thường khi, thế mà người đồ tể ấy chẳng mảy may nếm được chút hương vị Pháp bảo, ông ta vẫn miệt mài sinh kế trong nghề tội lỗi của mình. Rồi cho đến những ngày cuối cùng trong đời ông, phải chịu đau khổ cùng cực hết sức bi đát, là trước khi chết ông ta phải lăn lộn trên sàn nhà, kêu la, rên siết vô cùng thảm hại, giống như 1 con heo bị đem ra làm thịt, sau khi chết, ông đồ tể Cunda tái sanh vào khổ cảnh địa ngục.

Thưa quý vị, nhắc chuyện này cho chúng ta thấy rằng hạng người được gọi là chột mắt, dù họ biết cách thu lợi, thâu hoạch tài sản nhưng mà có lợi ích gì? Có an vui gì? Trong khi đời sống tinh thần bị đen tối, tội lỗi bởi không nhận biết Pháp thiện ác, Pháp đen trắng. Đạo Phật dạy tiền tài vật chất chỉ là miếng mồi đau khổ, vả chăng chỉ là những bóng phù du mờ ảo. Chỉ có 1 nếp sống tinh thần trong sạch, thanh khiết đượm nhuần Thiện pháp, chính đó mới mang lại sự hạnh phúc an vui mà thôi. Chúng ta phải ý thức như vậy.

Và cuối cùng, tôi xin trình bày đến hạng người thứ 3 xuất hiện có mặt ở đời.

Thưa quý vị, đây là hạng người sáng mắt, Đức Phật dạy đây chỉ cho hạng người sống ở đời có đầy đủ trí hóa, ưu thắng cao thượng tức là chúng sanh này có Trí tuệ, biết cách thâu hoạch tài sản hợp pháp, đúng pháp, biết cách gia tăng tài sản đã thâu hoạch được.

Và về đời sống tinh thần họ cũng sáng suốt, khôn khéo, nhận biết: Pháp nào là thiện, Pháp nào là bất thiện, Pháp nào là ưu thắng, Pháp nào là hạ liệt, Pháp nào là thành phần trắng, Pháp nào là thành phần đen, Pháp nào có quả báo khổ hay Pháp nào có quả an vui? Hạng người như thế gọi là người sáng mắt.

Thưa quý vị, đối với hạng người này được xem là tối thượng hơn, về cả hai phương diện đời sống vật chất và đời sống tinh thần đều hạnh phúc an vui.

Hạng người ấy do hiểu biết Pháp lành nên thâu hoạch tải sản bằng cách đúng pháp, lương thiện, vì thế của cải không trở thành của phi nghĩa, hoạnh tài, nhờ vậy họ sống cuộc đời vật chất tự nhiên an vui, không mang tai họa.

Cũng nhờ hiểu biết được Pháp luân lý thiện ác, đen trắng nên hạng người này làm được việc lành, thân tâm trong sạch, chẳng hành thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, cùng ý ác hạnh, do vậy lúc nào cũng tự tĩnh an vui, nếu có lâm mệnh chung, chắc tâm định tĩnh thơ thới và sau khi chết có thể được sanh vào thiện thú. Cho nên trong Kinh Pháp Cú (Dhammapāda), Bậc Đạo Sư có giảng dạy rằng:

“Nay vui, đời sau vui,

Làm phước, hai đời vui.

Người ấy vui, an vui,

Thấy nghiệp tịnh mình làm.”

Lại có thêm lời dạy nữa:

“Nay sướng, đời sau sướng,

Làm phước, hai đời sướng.

Mừng rằng: “Ta làm thiện”,

Sanh cõi lành, sướng hơn.”

Để nhận định về thực chất của hạng người thứ 3 này, cùng quả báo an vui cho chính họ, tôi xin nhắc lại 1 chuyện tiền thân của Bồ Tát và Đề-bà-đạt-đa như vầy:

Lúc quá khứ, Đức Bồ tát làm lái buôn tên là Seṇva; đồng thời cũng có người lái buôn khác trùng tên, cùng đi buôn mặt hàng giống nhau. Hai người đồng đi tới xứ Aritthapuri mua bán. Anh lái buôn cùng tên kia có tánh tham lam quỷ quyệt.

Trong xứ ấy có 1 gia đình nghèo, trước kia là bá hộ, bây giờ chỉ còn có hai bà cháu sống heo hút với nhau. Tài sản chỉ còn vỏn vẹn mỗi 1 cái mâm vàng để lẫn lộn với mấy cái mâm thau cho đến đỗi cũ kỹ, lâu ngày không dùng đến, thành thử hai bà cháu không biết đó là mâm vàng.

Ngày nọ người lái buôn trùng tên kia mang đồ nữ trang đi bán ngang nhà, cô cháu muốn được vòng vàng đeo, đòi bà mua cho, bà bảo: “Nhà mình nghèo, có tiền đâu mà mua, hoặc có cái gì đâu mà đổi được”.

Cô cháu nói: “Nhà mình còn cái mâm cũ kỹ kia không dùng đến nữa, vậy bà đem đổi đồ cho cháu đi”.

Bà cụ liền mời tên lái buôn ấy vào nhà tỏ bày tự sự. Khi người thương buôn xem cái mâm xong, biết là mâm vàng quý mới nghĩ rằng: “Ta sẽ lấy cái mâm vàng này, mà không tốn hao gì cả”, khi nghĩ thế mới nói: “Cái mâm này đâu có giá trị gì mà bà muốn đổi vòng vàng, dù cho năm tiền cũng không ai thèm đổi.” Nói rồi làm bộ bỏ đi, tính bụng 1 hồi sẽ trở lại kiếm kế lấy không hoặc đổi rẻ.

Liền khi ông ta vừa đi rồi, người lái buôn Seṇva, tức Bồ tát cũng đến nhà bà ấy, rao bán đồ nữ trang, người cháu cũng đòi đổi nữa.

Bà cụ đem mâm cho Seṇva xem và tỏ bày mọi việc muốn đổi, Bồ tát Seṇva xem biết mâm ấy là mâm vàng quý, mới nói rằng: “Thưa bà, cái mâm này đáng giá mấy muôn đồng tiền nhưng đồ của tôi đem theo đây cũng chưa đúng với giá cái mâm này”.

Nghe vậy bà cụ nói: “Ồ, vậy sao? Thôi tùy ý chú em đổi món nào cũng được”.

Seṇva mới đánh giá cái mâm ấy rằng: “Tất cả đồ hàng của tôi đáng giá 500 đồng và tiền mặt 500 đồng, vậy xin bà cất lấy, tôi chỉ xin lại cái cân này, cái bao và 8 đồng để về đường”.

Nói rồi giao hết hàng vật và tiền cho bà cụ. Bồ tát lấy chiếc mâm vàng ra đi qua sông về xứ.

Nói về tên thương buôn trùng tên kia khi trở lại, tính đổi rẻ, thì nghe bà cụ thuật lại hết mọi chuyện, tức lộn lên, không nén nổi lòng tham, vội quăng cả đồ đạc chỉ lấy cái côn lớn rồi chạy đổi theo Seṇva. Khi đến mé sông kêu to lên, nhưng Seṇva không trở lại. Người lái buôn ấy tức giận đến trào máu ra và chết tại chỗ. Còn Seṇva về tới nhà được an vui nhờ thiện hạnh chân thật của mình.

Thưa quý vị, qua tích chuyện trên, chắc quý vị đã nhận rõ thái độ của người sáng suốt ra sao rồi. Và chính nhờ biết cách thâu hoạch tài sản đúng pháp, cùng biết pháp chân thật mà chấp trì, nên Đức Bồ Tát là người thương buôn Seṇva được an vui, tránh khỏi tai hại, uất ức, sầu muộn. Thế nên, là người Phật tử phải trau dồi Trí nhãn. Con mắt nào đã phát sinh rồi, nên gìn giữ chẳng để hư hoại, nghĩa là phải tu tập Trí hóa thánh thiện luôn luôn.

Còn như những ai xét mình đã bị mù mắt hay chột mắt phải nên chữa trị cho lành, tức là hãy tìm đến “bậc lương y” đại tài để Ngài giải phẫu cho và chỉ thuốc hay mà dùng, tức ý nói: “Tìm nương về Đức Phật, Ngài sẽ thuyết pháp khai thị, giáo pháp của Ngài là những phương diệu dược trị được tất cả căn bệnh trầm kha của chúng sanh”.

Như vậy, tôi đã trình bày xong về 3 hạng người được tỷ dụ có mắt, hằng xuất hiện ở đời. Đó là người mù mắt, người chột mắt và người sáng mắt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *