BA YẾU PHÁP DẪN ĐẾN GIẢI THOÁT

Thưa quý vị, khi nhận mình là Phật tử cũng như khi khép mình vào đời sống tu tập, tôi nghĩ tất cả những người Phật tử chân chánh đều nhìn nhận rằng mục đích của sự tu tập phải là sự chấm dứt khổ. Trên tất cả, mục tiêu giải thoát được người Phật tử xem là cứu cánh duy nhất và những gì đưa đến giải thoát được xem là trọng yếu nhất, cần phải thực hành. Không thể là một người Phật tử khi không có chí nguyện giải thoát và có thể nói rằng không thể có sự thành tựu cứu cánh giải thoát nếu không hành trình đúng con đường Chánh đạo. Do đó, phương pháp thực hành đưa đến diệt khổ được xem là hết sức trọng yếu đối với việc thành tựu giải thoát, nói rộng hơn là đối với người Phật tử.

Thưa quý vị, có ba pháp được xem là thiết yếu trong việc tu tập của người Phật tử, giúp cho chúng ta thành tựu nguyện vọng giải thoát, ba pháp ấy là Tín, Hạnh và Nguyện.

Thế nào là Tín?

Thưa quý vị, Tín dịch từ Phạn ngữ Saddhā nghĩa là sùng mộ, niềm tin, sự tín nhiệm. Thật khó mà định nghĩa giải thích một cách trọn vẹn và đầy đủ Phạn ngữ Saddhā hay Tín vì danh từ Phạn ngữ này có một nghĩa hết sức rộng và sâu sắc.

Khi được đức vua Milinda hỏi về trạng thái của “Tín” (Saddhālakkhana), Đại đức Nāgasena, một vị A-la-hán uyên thâm giáo lý đã trả lời một ví dụ rằng:

“Như một đoàn người trên con đường đi gặp một đường nước to do mưa chảy tràn xuống, cắt ngang đường đi. Đoàn người dừng lại, lòng phân vân chẳng biết chỗ nước đó sâu hay cạn, có nên đi hay trở lại, mà đi có chắc là được không? Bấy giờ cũng có một người đi đến chỗ đó vốn có kinh nghiệm đường đi nước bước, bèn vén gọn y phục dò dẫm xuống nước, lội thẳng qua bên kia an toàn. Đoàn người kia thấy người ấy đi qua rồi thì mạnh mẽ lội qua theo thẳng bên kia. Thí dụ này như thế nào thì trạng thái của Đức tin như thế ấy, đoàn người trước phân vân dừng bước vì chưa có niềm tin thấy chắc biết chắc, sau lại mạnh mẽ bước qua đường nước ấy, niềm tin cũng giống như niềm tin của người Phật tử vậy.”

Thưa quý vị, với thí dụ súc tích trên, Đại đức Nāgasena đã cho chúng ta ba khía cạnh của Đức tin, khía cạnh thứ nhất đức tin là sự (chắc thật) tin tưởng không có sự ngờ vực, khía cạnh thứ hai đức tin là sự chắc thật bảo đảm có sự suy xét chắc chắn, khía cạnh thứ ba là niềm tin giúp cho ta mạnh dạn tiến đến những gì mong mỏi.

Ở khía cạnh thứ nhất, niềm tin được xem là một sự tin tưởng không có sự ngờ vực, không thể có một niềm tin với đối tượng nào mà lại có phân vân với đối tượng đó hay trái lại cũng như không bao giờ có một ánh sáng trong bóng đen và bóng đen không bao giờ có ở ánh sáng. Điều đó được Vi diệu pháp giải rõ, sở hữu hoài nghi hay sự lưỡng lự phân vân chỉ sanh nơi tâm ai hoài nghi, một tâm mê mờ thiếu sáng suốt và sở hữu Tín hay trạng thái tin tưởng chân chánh chỉ sanh ở tâm tịnh hảo.

Ở khía cạnh thứ hai là sự chắc thật, bảo đảm có sự suy xét sáng suốt trong thí dụ đã cho ta thấy rõ đoàn người lữ hành đã mạnh dạn đi qua con đường nước và được an toàn, vì có sự tin tưởng khi đã thấy một người đi qua sông, tức là những người ấy đã tin tưởng mạnh dạn và sự tin tưởng ấy sanh lên nhờ sự “thấy chắc biết chắc”.

Niềm tin của người Phật tử phải là niềm tin như vậy, nghĩa là một niềm tin xây dựng trên căn bản Trí tuệ sáng suốt, tức là sự tin tưởng vào lẽ thật do sự suy xét kỹ lưỡng, không vội vàng và mù quáng, có như vậy niềm tin mới được bảo đảm và có lợi ích thiết thực. Nhất là không lay chuyển bởi điều tà vọng. Trong kinh có ghi lại một câu chuyện nói về niềm tin của một vị Thánh nhân khắc phục và chiến thắng lời tà ngụy, câu chuyện được ghi rằng:

Saṇkhali là một thiện nam chứng quả Tu-đà-hoàn trong một lần thính pháp nơi Đức Phật. Saṇkhali từ bỏ mọi hình thức cúng tế mê tín, nên không làm các cuộc tế tự. Có một vị Chư thiên vì không nhận được tế lễ nữa nên muốn làm cho thiện nam Saṇkhali có niềm tin sai lệch nơi Tam bảo, để làm các việc tế tự, nên biến thành Đức Phật và đầy đủ uy nghi phẩm hạnh đi đến nhà người thiện nam ấy, gọi đến và dạy rằng “Khi trước tại pháp đường ta giảng rằng thế gian là vô thường, khổ não, và vô ngã đó chỉ là phương tiện thuyết thôi, chứ thật ra thế gian này là trường tồn, an lạc, và hữu ngã, ngươi hãy tin như vậy”.

Với một người thành tựu niềm tin bất thối nơi Tam bảo, một niềm tin do sự liễu tri thật thể của các pháp, thiện nam Saṇkhali nhận rõ đó là sai lạc, nên đã trả lời: “Ông là ai? Là ma vương chăng mà lại nói như vậy! Đừng nói thế, đó là sai lầm, một Bậc giác ngộ không bao giờ dạy như vậy”. Vị chư thiên tà ấy biến mất tại chỗ.

Thưa quý vị, với câu chuyện trên đã cho chúng ta thấy: Nếu một niềm tin mù quáng không phải do sự biết chắc, thấy chắc sẽ đổ vỡ trước những điều sai lạc, trái lại niềm tin được xây dựng trên căn bản Trí tuệ sáng suốt thì quả thật niềm tin ấy vô cùng bảo đảm, đáng được gọi là niềm tin bất thối.

Vì vậy người Phật tử, yếu tố quan trọng nhất để việc tu tập được tiến triển là xây dựng cho mình một Niềm tin do sự suy xét sâu rộng.

Sang khía cạnh thứ ba, niềm tin là một sức mạnh giúp chúng ta mạnh dạn tiến tới những gì chúng ta mong mỏi.

Thưa quý vị, đừng nói chi đến việc tu tập, đối với những việc thông thường trong đời sống hằng ngày, niềm tin cũng đóng một vai trò trọng yếu. Một nhà doanh nghiệp không thể tạo nên tài sản lớn, nếu thiếu niềm tin ở nghị lực, một nhà giáo dục không thể làm tròn phận sự nếu không tin tưởng vào khả năng, vào sự lợi ích thiết thực của việc giáo dục,… còn đối với người Phật tử không thể học pháp hành pháp nếu thiếu sự tin tưởng vào hiệu năng của Chánh pháp. Đại đức Nāgasena đã cho chúng ta hình ảnh hết sức sinh động về sức mạnh của niềm tin: Đoàn người lữ hành mạnh mẽ tiến bước vượt qua rạch nước khi tin tưởng rằng: “Mình sẽ đi được” do thấy một người cũng như mình đã đi qua tới bờ kia an toàn.

Sức mạnh của niềm tin có mãnh lực vô cùng khiến người ta có niềm tin rồi thì vượt qua tất cả để đạt đến mục đích mà mình đã mong mỏi. Khi xưa thuở ông Cấp Cô Độc chưa là thánh cư sĩ trong Phật giáo, có lần đến nhà anh rể được nghe tán dương Ân đức Phật trong Phật bảo, ông phát niềm tin trong sạch nơi Đức Phật. Không đợi đến sáng, giữa đêm ông bỏ nhà đi tìm Đức Phật. Dù trong đêm tối và phải đi qua một bãi tha ma, vấp nhầm xác chết nhưng vẫn cố đi, cuối cùng gặp Phật nghe pháp và đắc thánh quả Tu-đà-hoàn.

Thưa quý vị, vì thế Đức tin đối với người Phật tử là điều thiết yếu dẫn đến thành tựu nguyện vọng.

Tuy nhiên chúng ta cần ghi nhận rằng không phải niềm tin nào cũng dẫn chúng ta đến tốt đẹp. Có 2 thứ niềm tin:

1.     Tà tín (Micchāsaddhā): sự tin tường mù quáng, lầm lạc, tin vào kẻ sai quấy, tà tín là niềm tin xây dựng bằng sự mê mờ thành kiến, theo sở thích sai lầm.

2      Chánh tín (Sammāsaddhā) là niềm tin sáng suốt phát nguồn từ một trí tuệ suy tư chu đáo, một niềm tin chân thành.

Nếu Chánh tín dẫn chúng ta đi đến chỗ tốt đẹp như thế nào, thì Tà kiến dẫn chúng ta đi đến chỗ tai hại như thế ấy, vì niềm tin đúng sẽ đến hành động đúng, hành động đúng sẽ dẫn đến an lạc, nếu niềm tin sai sẽ đưa đến khổ đau.

Do niềm tin có tác năng mạnh như vậy nên người Phật tử chúng ta phải cần thận trọng trong việc đặt niềm tin, phải xét kỹ trước khi tin, phải hết sức dè dặt, sự cẩn thận bao giờ cũng tốt hơn là vội vàng cẩu thả, một niềm tin có được do nhờ sự dè dặt thận trọng suy xét kỹ lưỡng sẽ bảo đảm cho bước tiến tu tập của chúng ta nhiều.

Thế nào là Hạnh?

Thưa quý vị, Hạnh (Casita) có nghĩa là hành nghiệp, việc làm, nói rõ hơn là việc làm để đạt đến mục đích. Nếu so với Tín, ta có thể nói Hạnh là phần chủ yếu để đạt đến cứu cánh, còn Tín chỉ là động lực trợ giúp. Nếu một người chỉ có Đức tin nơi Tam bảo mà không thực hành theo Giáo pháp thì vẫn không bao giờ thành tựu được hạnh phúc giải thoát.

Có hai thứ Hạnh:

1.     Tà hạnh (Micchācarita) là những việc làm tà vọng của thân tâm, có hậu quả khổ đau. Tà hạnh gồm những hành động ác của thân gọi là thân ác hạnh, lời nói thô ác của khẩu gọi là khẩu ác hạnh, ý nghĩ ác quấy của ý là ý ác hạnh. Ba hạnh nghiệp này được xem như là con đường sai lạc đối với nguyện vọng giải thoát vì nó dẫn đến đọa lạc, gây ra sự đau khổ.

2.     Chánh hạnh (Sammācarita) hay Thiện hạnh (Sucarita) là hành động chân chánh đúng đắn, tốt đẹp. Chánh hạnh được xem như điều kiện tất yếu phải có đối với người hướng đến Đạo quả Niết-bàn. Cũng như việc uống thuốc trị bệnh là việc phải làm cấp bách đối với bệnh nhân muốn khỏi bệnh.

Vì vậy để chí nguyện giải thoát được mau thành tựu, thì người Phật tử cần trau giồi chánh hạnh một cách đầy đủ, chánh hạnh ấy được biểu hiện qua đời sống của chúng sanh, niềm tin nơi Phật Pháp. Mà sống đời buông lung phóng túng tất nhiên sẽ xa vời đối với mục tiêu dứt khổ, chánh hạnh chỉ có khi nào chúng ta có đời sống quy củ, nề nếp, tinh cần, không phóng đãng.

Thuở Đức Phật còn tại thế, có một vị Bà la môn tên Dhotaka một hôm đến nghe pháp với Đức Phật liền phát tâm tín thành nơi Tam bảo, nhưng với tâm yếu ớt Dhotaka thấy rằng mình khó mà thực hành được thành tựu nên đến gần Đức Phật và bạch rằng: “Bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn tế độ cho con, xin Thế Tôn diệt trừ phiền não uế trược cho con.”

Bằng lời từ tốn Thế Tôn đã trả lời: “Này Dhotaka! Như Lai không thể đem lại Đạo quả giải thoát cho ngươi, chỉ có ngươi tự mình thực hành pháp cao thượng, mới có thể đạt đến giải thoát được. Bậc trí thức hằng tự mình làm cho mình được giải thoát, vì vậy ngươi nên giải thoát cho chính mình bằng cách thực hành Thiện pháp.”

Thưa quý vị, nhắc lại câu chuyện trên để muốn nói với quý vị rằng sự thực hành giáo pháp tức là những việc làm thiện hành là điều cần thiết nhất để đưa đến giải thoát. Đức Phật hằng dạy rằng Giáo pháp của Như Lai không phải là những thứ triết thuyết làm thỏa mãn tính tò mò của những người muốn khám phá các sự vật chung quanh mình, mà Giáo lý của Như Lai truyền dạy là những gì thiết thực để thực hành đưa qua đại dương sanh tử.

Và Đức Phật cũng dạy rằng: “Giáo pháp của Ngài là những giáo điều, được gọi là Ehipassiko nghĩa là đến với Giáo pháp thực hành để đưa đến thực chứng”.

Thưa quý vị dù Đức tin có nhiều nguyện vọng cao nhưng tất cả những điều ấy sẽ ảo huyền nếu không có sự thực hành. Trong bộ kinh Majjhimānikāya. Đức Phật đã xác nhận điều ấy khi một người Bà la môn đến hỏi Ngài, sự mong muốn có đưa đến thành tựu không? Thế Tôn trả lời:

“Nếu nguyện vọng mà không thực hành chánh đáng thì sẽ không thành tựu nguyện vọng, nếu có nguyện vọng mà lại thực hành chánh đáng thì sẽ thành tựu điều mà mình mong muốn, nếu không có nguyện vọng và không có sự thật hành chánh đáng tất nhiên sẽ không đưa đến gì cả, nhưng dù không có nguyện vọng mà lại có sự thật hành chánh đáng thì cũng vẫn có kết quả.”

Để sáng tỏ hơn, Đức Phật đã cho ta một ví dụ vô cùng rõ rệt:

“Cũng như người muốn có dầu, đổ cát vào thùng rồi rưới nước mà ép, do làm sai lạc như vậy dù có nguyện vọng cũng không đạt được dầu; trái lại có những người mong muốn có dầu liền đổ hạt dẻ vào thùng rưới nước và ép tất sẽ đạt được dầu, dù người ấy có nguyện vọng hay không, nhưng vì có thực hành đúng cách. Cũng như thế người muốn mà hành không đúng thì không đạt thành nguyện vọng, ngược lại người có nguyện vọng tin tưởng và thực hành đúng đắn thì sẽ đạt đến mục đích mà mình mong mỏi.”

Thưa quý vị, với những lời dạy trên đã cho chúng ta thấy tầm quan trọng của sự thực hành đối với nguyện vọng là như thế nào và nói rõ hơn là muốn thành tựu những gì mình muốn phải có sự thực hành chánh đáng. Cố nhân đã nhận hiểu điều đó khi dạy rằng: “Nghĩ hay nói hay mà không làm thì chưa hay, nghĩ hay nói hay lại làm hay thì quá hay”. Câu nói ấy thật là thâm thúy và chuẩn xác quá.

Với người Phật tử, Đức Phật là vị Giáo chủ được xem như một người chỉ đường hay hướng đạo, giáo pháp mà Đức Phật truyền dạy được xem như bản đồ vẽ con đường, còn sự thực chứng giác ngộ thì phải tự thực hành bằng sự tinh cần nỗ lực.

Tôi còn nhớ trong kinh có ghi lại khi Đức Phật còn tại thế, có vị pháp sư học nhiều hiểu rộng xuất sắc hơn người, nhưng rất tiếc sự thực hành và sự thực chứng không có, vì vậy vị này có những hạnh kiểm không mấy tốt đẹp. Để khiển trách vị ấy Đức Phật đã dạy:

“Dù người học rộng nói nhiều kinh

Nhưng lại dễ duôi không thực hành

Như kẻ chăn bò cho người khác

Phẩm hạnh Sa môn chẳng hưởng phần.”

Với tất cả những điều đã trình bày cho ta thấy việc thực hành hết sức quan trọng đối với người tu, thành thử gọi “Hạnh” là yếu pháp đưa đến giải thoát.

Và cuối cùng chúng tôi xin trình bày về yếu pháp thứ ba dẫn đến giải thoát là “Nguyện”.

Thưa quý vị, “Nguyện” tức là nguyện vọng, nghĩa là sự mong mỏi hoài bão ước muốn, có thể nói là lý tưởng. Một cậu học sinh chăm chỉ từng ngày từng tháng với hy vọng đạt được đến bằng cấp, đó là một nguyện vọng. Rồi có bao nhiêu người cả năm này tháng kia đem cả sức lực lẫn tâm trí làm việc này việc nọ, mỗi người ấy đều có một nguyện vọng. Hình như hầu hết đa số mọi người đều có một nguyện vọng riêng dù cao thượng hay thấp hèn.

Trên bước đường tu, người Phật tử cũng vậy, nghĩa là cũng vẫn có nguyện vọng hay hoài bão nhưng nguyện vọng ấy không giống như những nguyện vọng thông thường, mặc dù cũng là sự mong muốn.

Tư tưởng Tây phương có câu: “Cũng như những ngôi sao, giúp cho những nhà hàng hải định hướng đi, nguyện vọng sẽ giúp cho người tìm được hướng đi và hướng dẫn con người đi trọn vẹn con đường đó”.

Và ta có thể ví dụ sự thực hành hay “Hạnh” như một con tàu. “Tín” hay niềm tin được xem như bánh lái của con tàu. Sự đến đích là ở con tàu, tàu chạy được do động cơ, thẳng tiến được nhờ bánh lái, cũng vậy việc làm phải có niềm tin. Tin mà không làm thì cũng hóa ra chẳng có chi hết, có niềm tin có hành động mà thiếu lý tưởng nguyện vọng hay chí hướng thì ta làm để chi đây?

Thưa quý vị, như thế thì “Nguyện vọng” đối với việc làm của người ta quả cũng là một vấn đề quan trọng, chớ không thường.

Chúng ta cũng nên nhớ, nguyện vọng tốt đẹp chánh đáng sẽ dẫn đi trên con đường tốt; ngược lại nguyện vọng xấu thì dẫn đi đến chỗ xấu. Như Vi diệu pháp có giải rằng:

“Micchattapaṇidhi akusalacittaṃ hetup padaṃ hoti, Sammattapaṇidhi kusalacittaṃ hetuppadaṃ hoti.”

Nghĩa là: “Hướng mình theo nẻo tà là nhân sanh tâm bất thiện. Hướng mình theo lẽ chánh là nhân sanh tâm thiện.”

Vì nguyện vọng có tác dụng ảnh hưởng đến đời sống của chúng ta như vậy nên người Phật tử cần phải (tu) lập cho mình nguyện vọng tốt đẹp, tức là nguyện vọng mong mỏi đạt đến giải thoát.

Trong mọi pháp tu, tức là trong những việc làm phước thiện của người Phật tử, nếu không có nguyện vọng chánh đáng, thì hóa ra vô ích với đời sống tu tập. Thí dụ như một người bố thí với tâm mong mỏi sau này được vật này vật nọ, như vậy sự bố thí ấy là sự ôm ấp, có nguyện vọng thấp hèn, dính mắc. Tất nhiên không phù hợp với tinh thần của người Phật tử.

Trong mười pháp Ba La Mật (Pārāmi) có Chí nguyện độ là sự hoài bão thành tựu giải thoát, độ này rất quan trọng. Nếu bố thí, trì giới,… mà không có chí nguyện giải thoát thì không thành pháp Ba La Mật.

Cũng nhờ có chí nguyện giải thoát mà Bồ Tát đã kiên tâm bền lòng thực hành tròn đủ pháp Ba La Mật, có những khi Bồ Tát tự đặt mình vào hoàn cảnh khó khăn, bất chấp tất cả, có những kiếp Bồ Tát bố thí vợ, bố thí con, bố thí thân mạng để hành Ba la mật, ta có thể hỏi tại sao Ngài có hùng tâm đến như vậy? Rất dễ hiểu, vì Ngài có nguyện vọng cao cả quá mạnh.

Thưa quý vị, do đó để có thể đi trọn con đường tu tập, người Phật tử hãy lập cho mình một chí hướng, một nguyện vọng chánh đáng. Như vậy, có thể tạm nói chúng tôi đã trình bày về yếu pháp thứ ba là “Nguyện” hay “Nguyện vọng” của người Phật tử.

Tóm lại trong thời pháp này chúng tôi đã nói về ba yếu pháp đưa đến giải thoát là ba nhân tố căn bản mà tất cả những người Phật tử nào bước theo dấu chân Đức Phật đều phải thực hiện. Ba nhân tố ấy là “Tín” (Saddhā) tức Niềm tin hay đức tin; thứ hai là “Hạnh” (Carita) tức là sự thực hành và thứ ba là “Nguyện” (Paṇidhi) tức nguyện vọng hay chí hướng. Chúng ta hãy tạo cho mình một niềm tin chân chánh sáng suốt nơi Tam Bảo tức Phật, Pháp, Tăng; tin nơi lý nhân quả. Tin nơi Phật, chúng ta sẽ bước theo dấu chân Ngài; tin nơi lý nhân quả, chúng ta làm những thiện nghiệp để đem lại hậu quả an lạc và tránh những điều bất thiện để khỏi bị quả báo khổ ưu. Khi đã có một đức tin chân chánh sáng suốt, chúng ta hãy làm tất cả những gì chánh đáng, đừng để niềm tin của chúng ta vô cớ, nếu được niềm tin cao quí thì nên thực hành Phật Pháp để được cao quí hơn.

Song song với việc làm tốt đẹp, chúng ta hãy có nguyện vọng chân chánh, thích đáng để niềm tin và sự thực hành của chúng ta trở nên thật sự hữu ích, tương lai được an lạc, mục tiêu không bị sai lệch.

Đây là lời di huấn của Đấng Đạo Sư đã giáo giới chúng ta:

“Appamādena sampādethā ti.”

“Hãy tinh cần chớ dễ duôi.”

Kết luận:

Pháp tu trọng yếu có ba

Giúp người tu Phật vượt qua luân hồi

Một, Tin Tam Bảo ba ngôi

Tin vào nhân quả để rồi tiến tu

Hai, Hành ly thế mịt mù

Dốc lòng tu tập cho dù nhọc thân

Ba là Nguyện vọng siêu nhân

Ước mong giải thoát trầm luân khổ sầu

Trí nhân muốn vượt trần lao

Nương theo ba pháp, tu sao cho tròn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *