BÁO THỜI CỦA NGHIỆP

“Báo thời của nghiệp” tức là cách nghiệp trả quả theo thời gian.

Thưa quý vị, trong Phật giáo chủ trương nghiệp hay Kamma là hành động cố ý, hành vi tư niệm sẽ có phản ứng tự nhiên, chúng ta gọi là quả báo. Phật giáo không tuyên bố có một thế lực tối cao hay một đấng Phạm thiên, tạo hóa sắp để hay định đặt và chúng sanh được thọ lĩnh cảm giác vui hay khổ từ nơi vị tối cao ấy.

Đức Phật có dạy:

“Kammassakā satta kammadāyādā”

Nghĩa là:

“Chúng sanh có nghiệp là của mình, chúng sanh thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là nơi y cứ, nghiệp phân chia chúng sanh tức là có hạ liệt và ưu thắng.”

Và vấn đề Nghiệp báo được xem như là nền tảng kiên cố của đạo Phật về nhân sanh quan của con người.

Thưa quý vị, trở lại theo như đề tài nơi đây tôi chỉ xin trình bày cách trổ quả theo thời gian của nghiệp như sau: Mỗi hành động hay việc làm nặng nhẹ do nơi dòng tư tưởng mạnh, yếu nên sự phản ứng trổ quả chậm hay mau khác nhau, như có người tạo nên một hành động thì gặt hái hậu quả nhãn tiền; có người hành động mà không thấy gì, đến đời sau mới lãnh hậu quả, rồi có kẻ hành động cho đến kiếp sau sau nữa mới cho quả; cũng có khi người hành động quả mất luôn,… Trong bộ Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo) có giải về nghiệp trổ quả theo thời là:

  1. Hiện nghiệp.
  2. Sanh báo nghiệp.
  3. Hậu báo nghiệp.
  4. Vô hiệu nghiệp.

Đầu tiên là nói về Hiện nghiệp.

Thưa quý vị, hiện nghiệp theo tiếng Pāli: “Ditthadhammavedaniyakamma” nghĩa là nghiệp được cảm thọ quả ngay hiện tại. Đó là phản ứng của nghiệp ngay trong kiếp sống hiện tiền, người ta thường gọi là quả báo nhãn tiền.

Theo Vi diệu pháp giải thích, thì một dòng tư tưởng hành động, trong đó có 7 chập tư tưởng tiềm năng, gọi là tâm đổng tốc hay Javana.

Chập đổng tốc đầu tiên có năng lực cho quả hiện tại, có thể trong vòng 7 ngày trở lại hoặc lâu hơn, nhưng cũng trong vòng hiện tiền, chập đổng tốc này yếu nhất trong bọn đổng tốc, nên khi muốn trổ quả cần phải việc làm mạnh lớn, và chỉ có thể trổ quả trong một kiếp này thôi; nếu quá kiếp hiện tại, thời chập đổng tốc thứ nhất sẽ trở thành Vô hiệu nghiệp (Ahosikamma).

Thưa quý vị, hiện báo nghiệp nếu là Thiện thì hiện tại sẽ cho kết quả an vui. 

Như tích ông Bhattabhatika tại thành Barānasī là một người làm công không cho Trưởng giả Gandha suốt ba năm trường để đổi lấy chỉ một bữa cơm sang trọng của Bậc trưởng giả. Sau ba năm làm việc cực nhọc, siêng năng không một chút lỗi lầm, hôm nay là ngày cuối, viên quản gia báo cho ông Trưởng giả biết và hôm ấy ông Bhattabhatika được tận hưởng một bữa cơm sang trọng mà phải đổi lấy bao nhiêu cực nhọc trong suốt ba năm ròng rã, ông đang hồi hộp chuẩn bị.

Cũng trong ngày ấy vào đúng buổi sáng từ núi Gumdhamadana có một vị Phật độc giác vừa xả Thiền diệt, Ngài xem xét thấy người làm công Bhattabhatika sẽ tốt phước gặt hái nhiều kết quả, rồi Ngài đắp y mang bát ngự đến đám đông trước phòng ăn của Bhattabhatika ăn và đứng yên đó.

Khi nhìn thấy Đức Phật Độc Giác, ông Bhattabhatika hết sức hoan hỷ, nhịn ngay bữa cơm thèm khát từ lâu, vội vàng bưng bát cơm trên tay đến ngay trước mặt Đức Phật Độc Giác, quì xuống đảnh lễ Ngài, rồi cung kính sớt hết phần cơm vào bát vị Phật độc giác. Xong rồi ông ta quì xuống đảnh lễ một lần nữa, Đức Phật Độc Giác liền phúc chúc cho thí chủ, rồi vận thần thông ngự về núi. Tất cả mọi người ở đấy ai ai cũng thấy rõ và họ chứng kiến lúc ông Bhattabhatika sớt bát cho Phật nên họ rất hoan hỷ reo hò ầm ĩ.

Ông trưởng giả Gandha dạy hỏi việc, biết rõ việc, ông cũng rất hoan hỷ và xin chia phước cho, rồi ban bố cho Bhattabhatika phân nữa tài sản của mình.

Ít lâu sau, tiếng đồn thấu đến tai vua, vua mời Bhattabhatika vào chầu thưởng cho ông 1000 đồng tiền vàng về sự bố thí cao cả ấy và ban cho nhiều ngọc ngà châu báu, luôn cả chức vụ giữ kho, như quan giữ kho Gandha vậy, kể từ đó ông hiển nhiên giàu có, người ta gọi là trưởng giả Bhattabhatika.

Thưa quý vị, đấy là hiện nghiệp thiện kết quả hiện tại vui, còn nếu như hiện nghiệp là ác thì sẽ cho quả khổ tức khắc trong đời hiện tại. Như có tích rằng:

Một người kia có danh là Nandagoghātaka làm nghề hàng bò, bán thịt bò để nuôi sống đã hơn năm mươi năm rồi. Vì đã dùng thịt trong mỗi bữa ăn, nên mỗi bữa ăn đều phải có thịt bò ông mới ăn cơm được. Ngày kia vợ ông ta bán thịt hết không còn đủ thịt ăn, nên ông giận không dùng cơm. Liền cầm dao ra chuồng bò đè con bò sống cắt lấy một cái lưỡi bảo vợ đem nướng rồi ngồi chờ thịt chín để ăn. Khi vợ ông nướng xong mang lên, ông lấy dùng ngay, nhưng miếng thịt lưỡi bò chưa xuống đến dạ dày thì quả của nghiệp phát sanh tức khắc, là cái lưỡi của ông Nanda đứt lìa rớt liền xuống mâm cơm, ông ta la khóc như tiếng bò rống, chịu vô cùng khổ sở, sau đó chết sanh vào địa ngục liền. Đây là trường hợp hiện nghiệp ác.

Thưa quý vị, qua hai trường hợp ông Bhattabhatika và người hàng bò Nanda, chúng ta nên biết đó là hiện nghiệp, nghiệp trổ quả hiện tại. Cả hai việc làm đều to tát mạnh mẽ, khiến cho mãnh liệt dòng tư tưởng, nếu thiện thì tối thiện, nếu ác thì ác tột, do đó chập đổng tốc đầu tiên gom mãnh liệt nhiều cho quả ngay hiện tại. Đó là nghiệp trả quả theo thời gian cách thứ nhất.

Kế đến cách thứ hai là Sanh báo nghiệp.

Thưa quý vị, sanh báo nghiệp theo đúng Phạn ngữ là Upapajjavedanīyakamma, nghĩa là nghiệp được cảm thọ quả khi tái sanh, tức là hành động hiện tại, mà kết quả trong đời thứ hai kế tiếp đây và sau khi chết.

Theo Vi diệu pháp giải thích, chập đổng tốc thứ nhất có khả năng trổ quả ngay hiện tại, thì chính chập đổng tốc thứ bảy của dòng tư tưởng có mãnh lực trổ quả trong kiếp thứ hai, chập đổng tốc này cũng không mạnh lắm nên chỉ trổ quả một kiếp thứ hai mà thôi, nếu quá sẽ trở thành Ahosikamma (vô hiệu nghiệp) tuy nhiên dù việc làm thường chập đổng tốc này cũng có thể thành nghiệp trổ quả đời kế sau được.

Về trường hợp sanh báo nghiệp này cũng có hai, nếu là thiện thì đời sau được an vui, nếu là ác thì đời sau kế đây bị quả khổ, trong cả hai tư cách sanh báo nghiệp này có khi nhất định cũng có bất định.

Phần thiện, người đắc Thiền định không hoại, chết chắc chắn sanh cõi Phạm thiên.

Phần ác, nếu người phạm ngũ nghịch đại tội (giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, chích máu Phật, chia rẽ Tăng) thì sau khi chết chắc chắn phải đọa sanh trong vô gián địa ngục.

Thưa quý vị, nói đến đây tôi xin nhắc lại một sự tích sanh báo nghiệp Thiện như sau:

Thuở ấy, tại thành Sāvatthī có cậu thiếu niên tên Mattakundali con của một ông Bà la môn hà tiện, ông này không hề bố thí cho ai một chút gì, cho đến vợ con trong nhà ông cũng ngại. Một ngày nọ cậu thiếu niên Mattakundali lâm bệnh nặng, gần chết đi. Ông Bà la môn sợ người đến thăm tốn kém cho ông lắm; bèn sai đem cậu con trai bạc phước ấy ra để nằm nơi mái hiên nhà. Trong ngày ấy, Đức Phật vào buổi sáng dò xét chúng sanh nào hữu duyên tế độ, Ngài nhận thấy cậu Mattakundali sẽ phát niềm Tin nơi ngài và chết sanh về thiện thú, thấy vậy Đức Phật liền mang y bát, ngự đến trước cửa nhà ông Bà la môn ấy, cậu Mattakundali xoay ra nhìn thấy Đức Phật cậu nói thầm: “Ta bị mắc ông cha mù quáng si mê, thành ra không có cơ hội đến gần Đức Phật như vầy, để hầu hạ, cúng dường và thính pháp. Bây giờ may gặp được Ngài, nhưng tay chân đã tê liệt không cử động được gì nữa”, nghĩ rồi cậu Mattakundali đem hết niềm tin thanh tịnh hướng đến Đức Phật với tâm tư vô cùng hoan hỷ.

Đức Thiên Nhân Sư bảo: “Thôi bấy nhiêu đủ rồi” và Ngài ngự đi luôn.

Cậu thiếu niên nhìn theo mãi cho tới khi bóng hình của Đức Từ Phụ biến mất dạng, khi tâm cậu đang trong sạch như thế, cậu tắt thở luôn. Như người ngủ mới thức giấc, cậu thác sanh lên cõi trời, ở trong một tòa kim ốc rộng đến ba mươi do tuần.

Thưa quý vị, trường hợp này gọi là sanh báo nghiệp thiện; còn về sanh báo nghiệp ác như trường hợp ông Devadatta.

Ông là một vị Tỳ khưu trong Phật giáo, trước kia tu hành chính chắn, đắc được tứ thiền ngũ thông, tuy nhiên vẫn còn phàm. Sau đó vì lợi danh, tài lợi, quyền thế làm cho mù mắt, nên ông xúi Vua Ajātasattu (A-xà-thế) giết phụ vương để soán ngôi, riêng ông thì giết Phật để cai quản Tăng chúng.

Thoạt đầu sai người đi thích khách Đức Chánh Giác nhưng bất thành. Sau đó cho người thả voi điên là Nālāgiri tấn công Đức Phật lúc Ngài đang đi trì bình, nhưng ông ta thất bại. Rồi tiếp tục, ông lên núi phía trên con đường kinh hành thừa lúc Thế Tôn đang ngự lăn tảng đá to xuống, nhưng không sao, chỉ một mảnh nhỏ ném vào chân Thế Tôn làm chảy máu.

Cuối cùng ông tìm cách chia rẽ chư Tăng 500 vị mới xuất gia trong sạch đang sống chung với Tăng chúng. Vì ông Đề Bà Đạt Đa phạm vào hai tội như vậy, nên bị đất rút chết sanh vào địa ngục vô gián hết một ức kiếp.

Lại như vua Ajātasattu do nghe theo lời của thầy Tỳ khưu Đề Bà Đạt Đa hạ sát phụ vương là Đức vua Bimbisāra nên thác sanh vào địa ngục đồng sôi.

Thưa quý vị, đó là những trường hợp sanh báo nghiệp ác.

Tóm lại sanh báo nghiệp là nghiệp làm trong hiện tại mà thành tựu quả báo trong đời kế. Tiếp đây, tức là đời thứ hai tùy theo hành động thiện ác mà họ vui hay khổ.

Tiếp theo là trường hợp hậu báo nghiệp, Phạn ngữ Apārāparavedamyakamma nghĩa là nghiệp báo ứng hay cảm thọ quả trong các đời khác, khác nữa; tức là nghiệp kết quả sau đời thứ 2, đời thứ 3 trở đi. Nghiệp này có cơ hội trổ quả mãi cho đến khi Niết-bàn mới hết và thành Ahosikamma (vô hiệu nghiệp). Nghiệp này cũng ví như con chó săn đuổi mồi, rượt theo kịp lúc nào thì cắn xé lúc ấy.

Theo Vi diệu pháp giải thích, trong một dòng tư tưởng, có 7 chặp đổng tốc tác thành nghiệp, trong đó chính năm chặp đổng tốc giữa là thứ hai đến thứ sáu có năng lực mạnh mẽ nhất gây ảnh hưởng mãnh lực trổ quả tồn tại về sau từ kiếp thứ ba trở đi. Nghiệp này cũng rất quan trọng chớ không phải là thường, trường hợp một người đời sống bị rất nhiều đau khổ, bi đát chẳng phải chung qui do đời trước kế tiếp này tạo đâu mà có thể do nghiệp này tồn tại từ nhiều, rất nhiều kiếp xa xưa nữa! Trở thành hậu báo nghiệp cho đến ngày nay.

Thưa quý vị, Hậu báo nghiệp đây cũng có thiện và ác.

Nếu hậu báo nghiệp thiện thì các đời sau cảm thọ quả an vui tốt đẹp như trường hợp Đại đức Sīvali.

Vào thời Đức Phật Ca Diếp (Kassapa) có một thanh niên xuất gia, mà hàng ngày về thọ thực ở nhà cha mẹ. Ngày nọ sau khi thọ thực xong, về đến gần Chùa, vị ấy thấy một con chó với một bầy chó con ốm gầy đi không nổi, vì thiếu ăn. Cảnh tình thật là bi đát, khi thấy vậy, vị ấy phát tâm thương xót bầy chó không biết lấy gì cho ăn, bỗng nhớ đến mình vừa thọ thực xong, ngài dùng tay móc cổ cho ói ra vật thực, để bầy chó nhờ đó mà ăn lấy sức đi được nơi khác.

Nhờ bố thí như vậy, sau khi chết được sanh về cõi Trời. Đến thời Đức Phật Thích Ca, vị ấy sanh vào gia đình Phật tử, lớn lên xuất gia theo Phật giáo. Nhờ phước bố thí từ kiếp đó còn dư sót nên Ngài được người trong sạch bố thí cúng dường rất nhiều vật thực, đến nỗi dùng không hết vậy.

Đó là hậu báo nghiệp thiện như thế, còn nếu như hậu báo nghiệp là ác thì cho cảm thọ quả khổ đau.

Như tích nàng Sāmāvatī là hoàng hậu của vua Kudena, nàng bị thứ hậu Magandiya thiêu sống cùng chết với 500 tỳ nữ khác, các vị Tỳ khưu đem câu chuyện thương tâm ấy bạch lại với Đức Phật, Đức Thế Tôn liền thuyết tiền kiếp nàng như sau:

Vào thời kỳ không có Đức chánh đẳng chánh giác, dưới quyền thống trị của vua Brahmadatta, hàng ngày có 7 vị Phật Độc Giác được thỉnh vào thọ thực trong thành. Ngày nọ, 1 trong 7 vị Độc Giác ấy nhập đại định trong khoảng bụi rậm gần mé sông, lúc đó có 500 tỳ nữ của vua dạo chơi, xuống sông tắm bị lạnh bèn xúm nhau đốt lửa bụi rậm để sưởi ấm. Chừng khi lửa cháy qua hết mới thấy Đức Phật Độc Giác ngồi im đó, không hề hấn gì. Các cô nghĩ sợ nhà vua biết chuyện sẽ làm tội, nên tính nhau gom củi khô chất lại đốt Đức Phật một lần nữa cho cháy hết đi. Khi lửa cháy to rồi bèn trở về. Đến ngày xả định, Đức Phật Độc Giác vẫn sống tự nhiên, riêng về 500 tỳ nữ ấy có một cô cầm đầu, trước không cố ý sau cố tâm hại Phật, nên chết sanh vào địa ngục, khi thoát khỏi địa ngục được làm người, nghiệp còn dư sót nên ngày nay bị chết cháy như thế.

Đây là trường hợp Hậu báo nghiệp. Tóm lại thưa quý vị, một hành vi thiện hay ác do năm chập tư tưởng đổng tốc giữa có khả năng tích trữ nghiệp trổ quả từ đời thứ ba trở đi thì gọi là Hậu báo nghiệp.

Và trường hợp cuối cùng là Vô hiệu nghiệp, thế nào là vô hiệu nghiệp?

Thưa quý vị, danh từ Ahosikamma nghĩa là nghiệp đã cho quả rồi tức là đã qua thời kỳ trổ quả, không còn mãnh lực nữa gọi là vô hiệu nghiệp.

Ở đây có 3 trường hợp thành vô hiệu nghiệp. Vì đây không phải là có thứ nghiệp, vô hiệu riêng biệt mà là ba loại nghiệp khi không còn mãnh lực trổ quả nữa thì thành vô hiệu nghiệp.

Trường hợp Vô hiệu nghiệp thứ nhất là chập đổng tốc thứ nhất có mãnh lực nghiệp trổ quả hiện tại, nhưng bị một nghiệp khác lướt đi, trổ sanh quả nghiệp không được quá kiếp này thì tâm đổng tốc thứ nhất trở thành vô hiệu nghiệp. Như trường hợp những người làm phước hay làm tội mà hiện tại vẫn không có phản ứng kết quả gì ấy là do việc làm không lớn mạnh, cho nên chập đổng tốc đầu tiên không đủ mãnh lực trổ quả, và thành vô hiệu nghiệp đối với loại này.

Trường hợp Vô hiệu nghiệp thứ hai là chập đổng tốc thứ bảy của dòng tư tưởng hành động, có mãnh lực trổ sanh quả trong kiếp thứ hai kế đời hiện tại, nếu trễ quá kiếp thứ ba dù đã trổ quả hoặc chưa kịp thì trở thành vô hiệu nghiệp, là quá kiếp thứ hai rồi, chập đổng tốc thứ bảy không còn mãnh lực trổ quả nữa, để nhường cho hậu báo nghiệp tức 5 chập đổng tốc giữa trổ sanh quả.

Nói về vô hiệu nghiệp thứ hai này như trường hợp chàng Vātarālaka làm đao phủ trong thành Rājagaha, hạ sát tội nhân rất nhiều, đáng lẽ sau khi chết bị sanh khổ thú, nhưng nhờ cúng dường đến Đại đức Sārīputta nên chết sanh vào cõi trời, do đó sanh báo nghiệp của chàng không trổ quả được.

Còn về trường hợp Vô hiệu nghiệp thứ ba là năm chập đổng tốc giữa có mãnh lực trổ quả từ đời thứ ba trở đi nếu có cơ hội, đến lúc ngũ uẩn Niết-bàn thì không còn mãnh lực trổ quả nữa, hậu báo nghiệp ấy tiêu mất luôn. Trường hợp như ngài Angulimāla trước là một tên cướp nguy hiểm vô cùng đã giết chết cả thảy 999 người, lấy 999 ngón tay kết thành vòng mà mang, nhưng sau đó nhờ Phật dùng thần thông hóa độ xuất gia trở thành vị A-la-hán, sau đời sống này không còn sanh thú nữa, thì nghiệp giết người không sao trả được kể như trở thành vô hiệu nghiệp.

Tóm lại vấn đề Vô hiệu nghiệp là nghiệp không còn khả năng trổ quả nữa, nếu là hiện báo nghiệp thì quá đời hiện tại, nghiệp ấy sẽ thành Ahosikamma, và nếu là hậu báo nghiệp thì đến lúc Niết-bàn sẽ thành Ahosikamma.

Thưa quý vị, qua bài thuyết trình hôm nay, tôi vừa trình bày về báo thời của nghiệp, tức nghiệp trả quả theo thời gian có 4 là:

–      Hiện báo nghiệp, là hành động trổ quả hiện tại.

–      Sanh báo nghiệp, là hành động trổ quả đời kế sau.

–      Hậu báo nghiệp, là hành động trổ quả từ đời thứ 3 trở đi.

–      Và vô hiệu nghiệp là nghiệp không còn mãnh lực trổ sanh quả nữa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *