BIẾT THƯƠNG MÌNH

Thưa quý vị, chúng sanh ai ai cũng biết thương mình, lo bảo vệ cho mình, bằng chứng qua những sự chen đua, tranh giành chạy theo thế lợi vật chất, lo chạy ăn, chạy mặc,… xảy ra những cuộc sát phạt nhỏ, lớn. Chung qui chúng sanh cũng vì thương mình, bảo vệ cho mình. Nhưng chúng sanh thương mình, bảo vệ cho mình như thế! Có đạt được an lạc? Có thành tựu hạnh phúc? Có phải thật sự biết thương mình chăng?

Thưa quý vị, trong vấn đề này chúng ta cũng nên nhớ rằng: Tham lam, sân hận, si mê là nguồn gốc luân hồi, tạo gây ác nghiệp tất gặt hái quả khổ đau!!!

Đã gọi là thương mình mà chúng sanh gây ra nhiều ác nghiệp, miệt mài trong tài sắc, lợi danh, làm tăng trưởng thêm lòng tham, sân, si khiến cho bị luân hồi, gặt hái nhiều quả khổ đau dày vò thống thiết. Như vậy có hạnh phúc gì? Sướng ích gì? Vậy chẳng phải là thật sự thương mình đâu, chỉ là tự hại mình thôi. Đức Phật còn dạy trong kinh Dhammapāda rằng:

“Kẻ ngu đốn quanh quẩn

Với tự mình là thù

Tạo tác nghiệp ác xấu

Mang kết quả đắng cay.”

Quả thật vậy, chúng sanh thiểu trí, thương mình lo cho mình bằng hạnh làm bất chánh, trở đi trở lại chung qui chính mình là kẻ thù của mình.

Thưa quý vị, chính thời pháp hôm nay tôi muốn nói lên “Sự biết thương mình” một cách chân chánh, hợp lẽ đạo, đúng theo tinh thần Phật giáo để chúng ta nhớ lấy mà biết thương mình thật sự.

Thưa quý vị, Đức Phật là Bậc đạo sư của chư Thiên và nhân loại. Ngài đã am tường nhân hạnh phúc và đau khổ của chúng sanh, lời dạy của Ngài còn được ghi chép lại và vẫn nổi bật, có giá trị tuyệt đối cho tới ngày nay, Trong Thánh điển ấy, bộ Khuddakanikāya tập Dhammapāda có ghi lại lời dạy mà ngày hôm nay tôi muốn trình bày lên nơi đây, Đức Phật dạy rằng:

“Attānañ ce piyaṃ jaññā, Makkheyya naṃ surakkhitaṃ.”

“Nếu biết mình là nơi thương yêu, Thì phải khéo bảo vệ lấy mình”.

Lời dạy hữu ích này có ý nghĩa như thế nào? Có giá trị đến đâu? Vậy bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu nghĩa ý của câu Phật ngôn này.

Thưa quý vị, “mình” là nơi thương yêu mình đây, tạm thời chúng ta hãy hiểu theo tiếng Phạn “Atta” là ám chỉ tự thân này, riêng cá nhân ngũ uẩn tri thức này.

Phải khéo bảo vệ mình, thế nào là khéo bảo vệ?

Thưa quý vị, khéo bảo vệ là gìn giữ hộ trì cho tốt đẹp, không gây nên sự bất lợi tác hại nào, theo Phật giáo thì “Khéo bảo vệ” đây nghĩa là thúc liễm phòng hộ thân, khẩu và ý trong thiện pháp.

Đức Phật dạy: “Nếu biết mình là nơi thương yêu, phải khéo bảo vệ lấy mình”, câu này Đức Phật muốn dạy: Chúng sanh khi biết tự mình là nơi thương yêu, thì phải bảo vệ mình bằng cách thực hành thiện pháp, lánh xa ác pháp. Chúng sanh nào y cứ và hành trì theo lời dạy của Chư Phật từ xưa đến nay:

“Sabbapāpassa akaranaṃ

Kusalassa upasampadā

Sacittapariyo dapanam”

“Không làm mọi điều ác

Thực hiện những việc lành

Trau dồi tâm trong sạch.”

Người như thế gọi là biết thương mình và đã bảo vệ mình một cách chân chánh.

Thưa quý vị, thiết tưởng nơi đây cũng cần bàn qua những hạnh làm này.

Không làm mọi điều ác là sao?

Ở đây có 10 loại ác nghiệp bắt nguồn từ ba căn bất thiện: tham, sân, si. Đó là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói đâm thọc, nói độc ác, nói lời vô ích, ý tham dục, sân hận và tà kiến. Sự từ bỏ không hành theo 10 nghiệp ác ấy, gọi là sự không làm mọi điều ác.

Còn ở đây, có 10 việc làm Thiện này, bắt nguồn từ ba căn thiện: vô tham, vô sân, và vô si gọi là thập thiện hay Puññakiriyavatthu. Đó là bố thí, trì giới, tu thiền, cung kính, phục vụ, thuyết pháp, thính pháp, hồi hướng phước, tùy hỷ phước và cải chánh kiến thức. Sự chấp trì thực hành theo 10 việc thiện này gọi là thực hiện những việc lành.

Và sự trau dồi tâm trong sạch, tức là thuần hóa cái tâm, chế ngự tà tư duy, có sự ghi nhớ biết mình.

Thưa quý vị, nếu người đời ai biết thương mình hiểu mình là chỗ thương yêu, rồi cố hành thiện pháp, lánh xa ác pháp, sống chẳng buông lung phóng dật, có sự tinh tấn thì sẽ đạt nhiều hạnh phúc an lạc, thoát khổ chẳng sai.

Tôi còn nhớ trong kinh có ghi nhận rằng:

Khi xưa có 30 vị tỳ khưu cùng nhau học đề mục hành Thiền, rồi rủ nhau vào một khu rừng để hành đạo.

Các vị ấy chia nhau mỗi người một vị trí tham thiền, không cho gặp nhau. Chỉ trừ ra hai ngày rằm và ba mươi mới tụ hợp lại để làm lễ phát lồ.

Trong khu rừng ấy có con hổ hung tợn, thỉnh thoảng vồ bắt một vị Tỳ khưu trong nhóm ấy trong khi vị đó đang hành đạo một mình, dần dần số Tỳ khưu thưa bớt đi. Vào mỗi kỳ làm lễ phát lồ, kiểm điểm lại thì thấy mất thêm một vài vị, chư vị Tỳ khưu phát giác ra việc có cọp vồ trong khi các vị Tỳ khưu đang hành đạo, vì sợ động đến các vị khác đang hành đạo nên cam chịu một mình.

Bấy giờ các chư Tỳ khưu mới tính với nhau rằng: “Từ đây, hễ có sự tai hại, nên kêu lên báo động cho các vị Tỳ khưu bạn biết để cứu giúp”. Các vị đồng ý với nhau.

Một đêm kia, con hổ rừng đến vồ bắt một vị Tỳ khưu trong khi vị này đang hành đạo, vị Tỳ khưu ấy liền kêu lên: “Chư đạo hữu ơi! Tôi bị cọp vồ rồi”.

Các vị Tỳ khưu nghe vậy vội đốt đuốc xách gậy đuổi theo con cọp đang tha vị Tỳ khưu; khi đuổi gần kịp, con vật liền phóng mình lên mỏm đá to nghiêng ngoài vực sâu, các vị Tỳ khưu đến đó, không biết làm gì được nữa, liền khuyến khích vị Tỳ khưu đang nằm oằn oại, đau đớn kia: “Này đạo hữu, trong giờ phút này chỉ có đạo hữu là người duy nhất cứu lấy đạo hữu”.

Được sách tấn, dù mạng sống mong manh, nhưng nhờ Thiền định khá thuần thục, vị Tỳ khưu ấy kiềm giữ được tâm, dùng đề mục khổ oán, phát triển Minh sát, và tức khắc đắc được quả A-la-hán, Niết-bàn luôn tại miệng con cọp. Đối với vị ấy không còn sanh tử nữa.

Thưa quý vị, nhắc tích này cho chúng ta thấy, mặc dù vị Tỳ khưu bị cọp vồ và đã chết, nhưng chính vị ấy đã hành động hết sức để tự cứu mình, dù nằm trong hoàn cảnh khó khăn, nguy biến, Bậc thiện trí thức vẫn nỗ lực, chuyên trú, hướng mình theo lẽ chánh, đó là cách thương mình bảo vệ mình của người Thiện trí.

Thưa quý vị, đến đây tôi sẽ nhắc thêm một tích nữa, chuyện được ghi lại trong kinh điển Pāli, để chúng ta suy nghiệm:

Thuở ấy, có đoàn người buôn trên biển, rủ nhau đem thuyền vượt khơi. Thuyền buồm gặp gió thuận lướt sóng dễ dàng. Được 7 ngày bình yên, bỗng nhiên bị trận bão dữ, sóng to gió lớn, thuyền lủng hư, nguy hiểm. Mọi người trong thuyền sợ hoảng khấn vái Chư thiên mong cầu cứu vớt, rồi than khóc chấn động. Trong thuyền ấy, duy nhất chỉ có một người là bình tĩnh sáng suốt, người ấy nghĩ đến cách nương tựa bảo vệ cho mình, liền nhớ đến trước khi ra đi mình đã thọ Qui giới trong sạch nơi Tam Bảo, người ấy hết sức vui mừng bèn ngồi bàn dà giữa đám đông trên thuyền an trú vào qui giới tươi tỉnh như không.

Mọi người trông thấy, đến gần tìm hỏi cái nguyên nhân không lo sợ đó, người ấy bèn thuật lại việc trước khi đi mình đã làm phước Trai tăng thọ trì qui giới chính chắn, nên bây giờ có Pháp hộ trì không lo sợ. Các người kia liền yêu cầu cho được thọ qui giới người Thiện nam ấy ưng chịu.

Bèn chia ra làm 7 nhóm, mỗi nhóm 100 người, rồi đọc qui giới cho mọi người đọc theo, khi vừa truyền giới dứt đến nhóm thứ 7, thì người Thiện nam ấy bố cáo lên rằng: “Ngoài qui giới ra, các người chẳng có chi làm nơi nương nhờ đâu, chỉ phải nên niệm tưởng qui giới của mình đi.”

Liền sau đó, cả bọn người lái buôn phải thác nơi giữa biển, đều được thọ sanh trong cõi trời Đạo Lợi, có các cung điện quý báu phát sanh lên cho Chư thiên đó sống an vui, rồi cả nhóm Chư thiên này nhớ lại nguyên do bèn đồng nhau xuống đảnh lễ Phật.

Thưa quý vị, đối với bậc trí biết thương mình, bảo vệ mình bằng cách như thế gặp hoàn cảnh nguy biến không phải van xin cầu cứu với ai, tự mình nỗ lực cánh sinh an trú vào Thiện pháp, cho nên các vị ấy thật sự được an vui tự tại, khỏi lo âu sầu muộn.

Ngược lại có những chúng sanh thiếu trí, nông nổi, họ cứ tưởng thương mình là biết lo cho mình ăn ngon, mặc đẹp, có danh vọng, uy quyền,… thế là đủ lắm rồi. Và nếu cần họ có thể vì thương mình, vì hạnh phúc cá nhân mình mà gây đau khổ cho chúng sanh khác; tạo nên nhiều ác nghiệp không ngần ngại. Để cụ thể hóa vấn đề này, tôi xin viện dẫn trường hợp của Tỳ khưu Devadatta:

Tỳ khưu Devadatta là một vị Tỳ khưu có phẩm hạnh chân chánh trong những năm đầu; thầy đã thành đạt đến tứ thiền và ngũ thông; tài đức vô cùng, được bạn đồng Phạm hạnh kính phục và tín đồ tôn trọng sùng bái. Nhưng về sau bị danh lợi làm mù quáng, thầy tự nghĩ: “Ta có đủ tài đức vậy nên tìm coi và làm vừa lòng người để giúp ta được nhiều danh lợi”.

Thầy chủ ý ngay đông cung Ajātasattu, sau đó thầy thực hiện thần thông cảm hóa vị đông cung này khiến cho vị ấy bái phục. Và từ đó sớm mai chiều tối, đông cung cúng dường mỗi ngày 500 mâm cỗ vật dụng đến thầy Devadatta.

Thế rồi mải say đắm trong danh lợi, thầy Devadatta quên đi bổn phận tu hành, ông ta tự nghĩ: “Với thần thông này, đáng lý ta phải quản trị Tăng chúng”. Khi ý nghĩ táo bạo này phát khởi, các pháp thần thông của thầy Devadatta tiêu hoại mất. Ông đến hầu Phật và yêu cầu giao quyền chưởng quản Tăng chúng, Đức Phật không chấp nhận, ông sanh lòng oán hận âm mưu hại Phật.

Trước tiên ông Devadatta xin đông cung Ajātasattu giết vua cha để cướp ngai vàng, riêng phần ông thì thuê người thiện xạ đi giết Đức Phật, nhưng mưu đồ bất thành.

Ông Devadatta một lần khác mưu toan hãm hại Đức Phật bằng cách thả voi Nālāgiri đã bị phục rượu say cuồng, trong khi Đức Phật đi khất thực, xua voi dẫm Ngài, nhưng thất bại.

Có lần khác nữa, ông Devadatta lên sườn núi Gijjhakūta, ông xô tảng đá to xuống giết Phật, nhưng may không sao, chỉ một mảnh bể va vào chân Phật khiến chảy máu chút ít.

Cũng chưa từ bỏ tham vọng, với ý định xấu xa, ông Devadatta xoay qua mưu toan khác có vẻ êm hơn, đó là ra yêu sách để dựa cớ chia rẽ Tăng.

Từ đó những ngày đen tối dồn dập đến với Devadatta, ông lâm bệnh trầm trọng. Trước khi nhắm mắt, ông hối hận ăn năn và mong muốn yết kiến Đức Phật, nhưng lúc ấy nghiệp dữ trổ sanh mà ông phải chết một cách cực kỳ khốn khổ, là mặt đất nứt rút ông xuống lòng đất, sau khi chết thọ sanh vào khổ cảnh vô gián địa ngục.

Thưa quý vị, tôi nhắc lại câu chuyện này có phần dài, nhưng để viện dẫn cho chúng ta thấy với người chiều theo dục vọng của mình, tạo gây ra những hành động nông nổi ác quấy đó là vô tình thương mình mà hại mình vậy.

Thưa quý vị, với những lý lẽ viện dẫn trong thời pháp hôm nay đã nói lên thái độ biết thương mình thế nào có lợi? Thương mình thế nào có hại? Dù sao đối với chúng ta cũng là những người đệ tử Phật nên phải biết thương mình, bảo vệ mình một cách chân chánh.

Sự thương mình, bảo vệ mình một cách chân chánh hợp lý, là cố tinh tấn trau dồi phẩm hạnh, khắc phục tham, sân, si. Đem mình ra khỏi ác thú bốn đường là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và atula.

Thưa quý vị, mong rằng người Phật tử chúng ta luôn luôn hành theo lời dạy của bậc đạo sư:

“Nếu biết mình là nơi tương tựa

Thì phải khéo bảo vệ lấy mình”

Nói tóm lại:

“Thương mình tinh tấn là khôn

Thương mình giải đãi là chôn lấy mình.”

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *