Bồ Tát Quan Âm Diệu Thiện
Quan Âm Hương Tích, Quan Âm Diệu Thiện, Phật Bà Chùa Hương hay Bà Chúa Ba là một nhân vật tôn giáo nổi tiếng của Phật giáo nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Bà là niềm tự hào của Lịch sử văn hóa Phật giáo Hà Tĩnh. Chùa Hương Tích được xây dựng khoảng thế kỉ XIII để thờ phụng Bà là nơi lưu giữ lại những chứng tích quan trọng của Phật giáo Việt Nam . Tác phẩm Hương Sơn Bảo Quyền và chứng tích Quan Âm Diệu Thiện được lưu giữ lại tại Chùa Hương Tích, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh lại là chứng tích vô cùng quý giá để khẳng định cho việc đã từng có một nhân vật là Bà Chúa Ba về tại Việt Thường, trên Thúy Lĩnh tu hành và đắc đạo.
Bộ Hương Sơn Bảo Quyển, tên gốc là Quan Thế Âm Bồ Tát Bản Nguyện Kinh, được cho là của thiền sư Phổ Minh (chùa Thiên Trúc, Hàng Châu, Trung Quốc) sáng tác dưới sự ảnh hưởng của tín ngưỡng Quan Âm phát triển mạnh mẽ vào thời Tống. Toàn văn nguyên tác Hương Sơn Bảo Quyển đã được biên dịch thành tác phẩm Hương Sơn Quan Thế Âm Chân Kinh Tân Dịch do Giá Sơn thủ đề, Quảng Minh biên dịch thời vua Duy Tân, khởi bút từ ngày 23 tháng 09 đến ngày ngày 16 tháng 10 năm Kỷ Dậu tức ngày 28 tháng 11 năm 1909 thì bản thảo hoàn thành. Bộ Hương Sơn Bảo Quyển kể về quá trình Công Chúa Diệu Thiện sinh ra, lớn lên và tu hành đắc đạo ở nước Việt Thường, núi Thúy Lĩnh (Hồng Lĩnh). Công Chúa Diệu Thiện trong lưu truyền dân gian là con gái thứ ba của vua Diệu Trang Vương, tên húy là Mậu:
“Chúa Bà vẫn họ Bà La
Mẹ là Bảo Đức, cha là Trang Vương”
Có nhiều tư liệu khác nhau nói về sự kiện Bà xuất gia tu hành, nhưng phần lớn các tư liệu đều có sự đồng nhất rằng Trang Vương có ý gả bà cho một vi võ tướng độc ác, do không̣ chấp nhận mối nghich duyên, cùng sự nung nấu ý chí tu hành từ lâu nên Bà đã quyết định xuất gia tu hành tại chùa Bạch Tước:
“Rầy vâng chiếu đan trì đến trước
Rằng đã chùa Bạch Tước ở sau
Đắc Trân người trụ đã lâu
Cho Bà ra đấy cùng nhau tu hành”
Viên quan võ ấy được Trang Vương sai đi trừng phạt Diệu Thiện, đốt bỏ chùa, nhưng Diệu Thiện cùng chư ni trong chùa được Phật che chở và thoát khỏi tai nạn. Bà lại được thần Bạch Hổ đưa về núi Thúy Lĩnh nước Việt Thường tu hành, tinh tấn theo hạnh nguyện từ bi bác ái. Đến khi Diệu Trang Vương bị bệnh, chính Diệu Thiện lại tự nguyện dâng cha đôi mắt và bàn tay làm dẫn dược. Khi Trang Vương đích thân sang tạ ơn mới nhận ra chính là con gái bị mình ruồng bỏ. Chính tấm lòng từ bi của Diệu Thiện đã cảm ứng đến Phật, ban phép cho mắt bà sáng lại, bàn tay mọc ra tất cả như cũ.
Ngài Quan Âm Diệu Thiện khi tu hành tại chùa Hương Tích, Hà Tĩnh đã để lại nhiều chứng tích quý giá như nền Trang Vương, đài Trang Vương, am Thánh Mẫu, Phổ Cứu Tự,… Tất cả như quyện hòa lại trong hình tượng Quan Âm Hương Tích hay Phật Bà Chùa Hương – chính là Công Chúa Diệu Thiện.
Các hạng mục công trình tại chủa Hương Tích Hà Tĩnh thêm khẳng định cho việc Bà Chúa Ba đã xuất hiện tại nơi đây trong lịch sử và sự tích công chúa Diệu Thiện đã tu hành và đắc đạo ở Thúy Lĩnh: Từ ngôi đền Cô là nơi Bà nghỉ chân trước khi lên am Phật Bà tu hành, cho đến nền Trang Vương là nơi đóng quân của quân sĩ Trang Vương hay động Hương Tích là nơi bà đắc đạo, có ban thờ thần Hổ cõng Bà đi từ nước Sở về Việt Thường để tu hành và che chở cho bà trong suốt quá trình tu hành tại đây.
Sự tích Quan Âm Hương Tích đem đến cho con người bài học giá tri về lẽ sống – ý nghĩa cuộc sống. Trong̣ thần tích của nhân vật Quan Âm Diệu Thiện – Bà Chúa Ba hay vẫn gọi là Phật Bà Chùa Hương, mặc dù bà bị chính Diệu Trang Vương là cha đẻ của mình ruồng bỏ vì không thể ép gả bà chọ một viên quan võ độc ác. Song, khi biết tin cha bệnh nặng khó qua, cần bàn tay và đôi tròng mắt làm dược dẫn, Bà Chúa Ba (khi ấy đã đến được Hồng Lĩnh tu hành tại nước Việt Thường) vẫn không ngần ngại móc mắt chặt tay gửi về cho cha sao ra làm thuốc. Sự kiện này khi soi chiếu vào tư tưởng Phật giáo đúng pháp từ bi, buông xả ba-la-mật. Và khi soi chiếu vào Kinh Vô Ngã Tướng của nhà Phật: sắc – thọ – tưởng – hành – thức đều không phải là ta, như vậy, trên tinh thần Phật giáo, thì Công chúa Diệu Thiện ngay khi hiến cho cha tay và mắt đã thấu ngộ được một phần kinh Vô Ngã Tướng. Việc hành thiện của Công Chúa Diệu Thiện: móc mắt chặt tay cứu cha, trước khi hiểu như một khía cạnh của tình thương và sự từ bi, thì đây là một biểu tượng của đạo Hiếu, thể hiện giá trị văn hóa truyền thống sâu sắc của người Việt.
Căn cứ vào lịch sử của Chùa Hương Tích Hà Tĩnh với di chỉ từ thời kỳ nhà Trần trên nền Trang Vương đến nay, thì sự xuất hiện của Chùa Hương Tích và câu chuyện Quan Âm Diệu Thiện cũng ngót 800 năm. Ở thời kỳ này, cả Nho – Phật – Đạo cùng hưng thịnh, nhưng nổi bật nhất phải kể đến Phật giáo và việc chùa Hương Tích xuất hiện (có thể còn trước thời Trần) gắn với hình tượng Quan Âm Chùa Hương đã góp phần sâu sắc vào bức tranh tổng thể về sự lan tỏa mạnh mẽ của Phật giáo trong tiềm thức của người Việt. Kết tinh từ cái thiện, nên bản thân hình tượng Công chúa Diệu Thiện – Quan Âm Hương Tích tại chùa Hương Tích là minh chứng rõ nhất về sự từ bi – buông xả và góp phần cấu thành khái niệm về tình thương, sự nhân ái tồn tại hàng ngàn năm nay trong Văn hóa Việt Nam.
Bồ Tát Quan Âm Thị Kính – Quan Âm Tống Tử
Sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền phổ biến trong dân gian Việt Nam từ xưa qua nghệ thuật hát chèo, quan họ, truyện thơ và văn xuôi. Căn cứ vào nội dung lời văn, tiếng thơ truyền lại, thì bối cảnh của câu chuyện Quan Âm Thị Kính liên quan mật thiết đến một ngôi chùa cổ ở miền Bắc Việt Nam, Pháp Vân Tự (Chùa Dâu, Bắc Ninh). Và Phật Bà chùa Dâu được xem là Phật Bà Quan Âm Thị Kính:
“Xem trong cõi nước Nam ta
Chùa Vân có Đức Phật Bà Quan Âm”.
Hình ảnh Quan Âm Thị Kính bồng con trên tay qua nhiều dị bản rất gần gũi và tương đồng với những câu chuyện về Quan Âm đồng tử và Quan Âm tống tử. Theo các nhà nghiên cứu, tượng Quan Âm tay ôm đồng tử lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử tín ngưỡng tượng hình tại Việt Nam vào thế kỷ thứ XVII và đã trở nên nổi tiếng vào thế kỷ thứ XVIII, hiện nay vẫn còn bảo lưu tại nhiều chùa.
Ở vùng Kinh Bắc từ lâu đã lưu truyền sự tích Quan Âm Thị Kính và bài hát “Gái Kính Tâm lấy chồng Thiện Sĩ” nhằm ca ngợi đức nhẫn nhịn bao dung của một người tu Phật, đã chịu bao nỗi thống khổ oan khiên, và cuối cùng đủ duyên đắc Pháp, thành tựu chính quả sau 10 kiếp tu hành.
Chuyện rằng ngày xưa, có một người trải đã 9 kiếp, kiếp nào cũng giữ mình đức hạnh và thành bậc chân tu nhưng chưa kiếp nào được thành Phật. Đến kiếp thứ 10, Phật thử lòng, cho đầu thai làm con gái một nhà họ Mãng ở vùng Cao Ly. Họ Mãng đặt tên nàng là Thị Kính. Lớn lên, nàng tài sắc nết na lại hiếu thảo hết lòng. Khi đến tuổi lấy chồng, nàng được bố mẹ gả cho thư sinh Sùng Thiện Sĩ. Sùng Thiện Sĩ là người đẹp trai, chăm học. Hai vợ chồng thật là trai tài gái sắc, ăn ở với nhau rất mực kính ái và hòa thuận. Một đêm, Thiện Sĩ ngồi đọc sách, Thị Kính ngồi may bên cạnh. Thiện Sĩ bỗng thấy mệt mỏi, bèn ngả lưng xuống giường, kê đầu lên gối vợ chuyện trò rồi thiếp ngủ. Thị Kính thương chồng học mệt nên lặng yên cho chồng ngủ. Nàng ngắm nhìn khuôn mặt tuấn tú của chồng, bỗng nhận ra ở cằm chồng có một sợi râu mọc ngược. Sẵn con dao cắt chỉ trong thúng khảo đựng đồ may, Thị Kính liền cầm lên định tỉa sợi râu cho chồng. Bỗng Thiện Sĩ chợt tỉnh, tưởng vợ có bụng hại mình, liền la lên: “Nàng định cầm dao giết tôi lúc tôi đang ngủ ư”. Thị Kính đáp: “Không phải đâu. Thấy chàng có sợi râu mọc ngược, thiếp định cắt nó đi, kẻo trông xấu lắm”. Nhưng trong cơn nghi ngờ và hoảng hốt, Thiện Sĩ nhất định không tin những lời giải thích của vợ. Ông bà Sùng nghe tiếng vợ chồng lời qua tiếng lại, vội lại hỏi nguyên do. Nghe con trai kể, ông bà tin ngay, khăng khăng cho rằng Thị Kính mưu sát chồng. Bị oan ức, Thị Kính than rằng:
Trăm năm nguyện một chữ tòng
Nào con có dạ bưởi bòng gì đâu!
Nhưng lời than đó đâu có ý nghĩa gì đối với ông bà Sùng. Họ lập tức cho mời ông bà họ Mãng sang trách móc và trả lại con:
Gái bất nghì bà phó giả mẹ cha
Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo
Thị Kính không biết giải thích sao về nỗi oan của mình, đành cắn răng chịu nhục rời nhà họ Sùng để về nhà họ Mãng:
Nghĩ trách mình phận hẩm duyên ôi
Xui nên nỗi thế tình run rẩy
Về cùng cha có trở về như vậy
Cũng không sao tránh khỏi tiếng mỉa mai
Về ở với cha mẹ, Thị Kính thấy sầu phiền, nỗi oan khổ chẳng biết thổ lộ cùng ai. Nàng bèn lặng lặng cải trang thành trai và trốn nhà đi tu ở Chùa Vân Tự nay là Chùa Dâu thuộc Bắc Ninh. Nhà chùa đặt pháp danh là Tiểu Kính Tâm:
Nam mô Phật đường siêu khổ ải
Ngũ phúc chiếu hoàn lâm
Mở Phật kinh thấy tích Quan Âm
Nhà họ Mãng ở Cao Ly Quốc
Nhân duyên sớm kết với họ Sùng vừa được ba năm
Vì cắt râu nên nổi sóng Ngân hà
Trốn cha mẹ lên tu chùa Vân Tự
Từ đó Kính Tâm nương náu cửa thiền, lòng vui với đạo nên khuây khỏa được sầu phiền. Tu hành chưa được bao lâu thì một tai vạ lại đến với Kính Tâm. Gần chùa Vân có ả Thị Mầu là con gái của một phú ông, vốn tính lẳng lơ đa tình. Cô này lên chùa thấy Tiểu Kính Tâm liền đem lòng si mê. Thị Mầu nhiều lần trêu ghẹo, nhưng cái tâm tu luyện của Tiểu Kính Tâm trước sau không lay chuyển. Về sau vì không nén được lòng ham muốn, Thị Mầu cố ý có mang với người đầy tớ của cha mình là Chàng Nô. Khi hào lý trong làng tra hỏi, Thị Mầu khai là con của Tiểu Kính Tâm và cám dỗ rằng:
Chuyện sau bia dù có dù không
Chàng cứ nhận cho nên chồng nên vợ
Tiểu Kính Tâm bị tra khảo nhưng vẫn một mực mà rằng:
Quyết một lòng sắc sắc không không
Điều đơm đặt xin làng tra cho tỏ
Kính Tâm không biết biện bạch ra sao để gỡ mối oan này nên đành cam chịu sự đánh đập tàn nhẫn. Sư cụ thấy tiểu bị đánh đòn đau, thương tình, kêu xin với làng nộp khoán. Vì sợ ô danh chốn thiền môn nên dù thương xót Kính Tâm, sư cụ cũng phải để Kính Tâm ra ở mái Tam Quan chứ không được ở trong chùa nữa. Đủ ngày tháng, Thị Màu sinh một đứa con trai. Phú ông bắt thị Màu đem đứa bé trả cho cha là Kính Tâm. Kính Tâm đang tụng kinh, thấy tiếng trẻ khóc, nhìn ra thì thấy Thị Mầu đem con bỏ đó rồi đi. Động lòng từ bi, Kính Tâm ra ẵm lấy đứa bé và chăm lo nuôi nấng hết lòng, bởi vì nàng nhớ lời thầy dạy:
Hộ nhất nhân đắc kỳ vạn phúc
Cứu một người phúc đẳng hà sa
Thế là từ đó, người ta thấy Kính Tâm bế đứa bé đi xin sữa ở đầu làng cuối xóm, chịu bao nhiêu tiếng cười chê. Dân gian có thơ rằng:
Thay xiêm áo trá hình nam tử
Ả Thị Mầu đơm đặt chuyện vu oan
Ẵm con thơ ra mái tam quan
Nương bóng Phật giải oan thanh khiết
Sau ba năm, đứa bé đã khôn lớn, Phật thấy Kính Tâm đã thực sự vượt qua thử thách, tâm tính được đề cao tới tầm Bồ Tát, liền làm cho siêu thăng. Trước khi rời thế, Kính Tâm viết một bức thư để lại. Khi xem thư và khâm liệm thi hài, người ta mới biết rằng Kính Tâm là đàn bà. Nỗi oan tình của bà được tỏ và khi lá thư của bà về đến quê thì ai nấy lại đều biết bà không phải là gái giết chồng. Thiện Sĩ vội theo ông bà họ Mãng tới chùa Vân Tự làm lễ ma chaỵ Ai nấy đều nhận thấy rằng sự chịu đựng và nhẫn nhục của nàng từ bấy đến nay quả là cùng cực. Sư cụ làm lễ giải oan cho bà. Giữa lúc cử hành đàn chay, một đám mây ngũ sắc từ trên trời từ từ hạ xuống trước đàn lễ. Đức Phật hiện ra, chứng cho bà làm Phật Quan Âm và cho toàn gia bà được siêu thăng, linh hồn được về Tây phương cực lạc. Riêng Thiện Sĩ, thấy rõ tình cảnh vợ, sau khi chôn cất Kính Tâm xong, chàng xin ở lại chùa tu đến hết đời.
Ngày nay, người ta họa hình Quan Thế Âm Bồ Tát đội mũ ni xanh, mặc áo trang trắng, ngự trên tòa sen, bên tay phải có con chim mỏ ngậm xâu chuỗi bồ đề, tương truyền chính là Thiện Sĩ, bên dưới có đứa trẻ bận khôi giáp chắp tay đứng hầu, đó là con của Thị Mầu. Mỗi khi nói về những nỗi oan khiên cùng cực trong cõi người thường, dân gian thường gọi là “nỗi oan Thị Kính”:
Gái Kính Tâm lấy chồng Thiện Sĩ
Tỉa râu chồng mang tiếng bội phu
Giở về nhà thế phát đi tu
Phận là gái oan tình phải trái
Sách có chữ tâm bất quản ngại
Oan thời oan, nàng chẳng nói làm sao
Miệng ru con, tay gõ mõ đào
Ngồi tụng niệm rù rì tiếng đọc
Như tay chuông tay mõ rù rì
Khi thì tụng niệm khi thì ru con
Đố ai quét sạch lá rừng
Để tôi khuyên gió, gió đừng rung cây
Ta ru hời, ru hỡi, ru hỡi hời là ru.
Quan Thế Âm Bồ Tát trong Đạo Phật
Trong Kinh Đại Bi Tâm Đà La Ni, Đức Phật Thích Ca dạy ngài A-nan rằng trong vô lượng kiếp về trước, Quan Thế Âm Bồ Tát đã thành Phật, hiệu là Samyaka Dharma-vidya Tathāgata, nghĩa là Chánh Pháp Minh Như Lai (vị như lai đã hiểu tường tận chánh pháp), Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, vì nguyện lực đại bi, vì muốn làm duyên phát khởi cho tất cả các hàng Bồ Tát, vì muốn an vui thành thục cho chúng sanh, ngài mới hiện thân làm Bồ Tát, danh hiệu là Quan Thế Âm, thường trụ thế giới Ta Bà, đồng thời cũng là thị giả trợ tuyên chánh pháp cho Đức Phật A Di Đà ở Tây Phương Cực Lạc.
Trong Kinh Đại Bi Liên Hoa (Kinh Bi Hoa), Bồ Tát Quan Thế Âm là quyến thuộc bồ đề của vô lượng Bồ Tát khác và Phật A Di Đà, trước khi phát nguyện lớn, ngài là Thái tử Bất Huyền, con trưởng trong một nghìn người con của Chuyển Luân Vương Vô Tránh Niệm, người sau này là Phật A Di Đà. Bồ Tát Quan Thế Âm được Đức Phật Bảo Tạng thọ ký rằng, Đức Phật A Di Đà dù có thọ mạng vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp cũng sẽ nhập niết bàn, khi đó Quan Thế Âm Bồ Tát tiếp quản chánh pháp và cõi Cực Lạc, thành Phật hiệu là Biến Xuất Nhất Thiết Quang Minh Công Đức Sơn Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Trong Kinh Bát Nhã Ba La Mật, Quan Thế Âm Bồ Tát được gọi là Quán Tự Tại Bồ Tát, ẩn tàng một triết lý sâu xa và phương thức tu tập nhiệm mầu nhờ quán chiếu mà được tự tại, giải thoát.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã giải thích rõ cho Vô Tận Ý Bồ Tát về ý nghĩa của danh hiệu Quan Thế Âm là do vị Bồ Tát này khi nghe âm thanh của chúng sanh xưng danh hiệu mình thì tức thời tầm thanh để cứu khổ. Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sanh bị các khổ não nghe đến danh hiệu Quan Thế Âm Bồ Tát, một lòng xưng danh Ngài thì ngay khi đó, Bồ Tát Quan Thế Âm tức thì quán sát âm thanh ấy, khiến cho họ đều được giải thoát. Cũng theo kinh này thì Quan Thế Âm Bồ tát có 32 ứng hóa hiện thân là thân Phật, Bích Chi (Duyên Giác), Thanh Văn, Phạm Vương, Đế Thích, Đại Tự Tại Thiên, Đại Tự Tại, Thiên Đại tướng Quân, Tỳ Sa Môn, Tiểu Vương, Trưởng giả, Cư sĩ, Tể quan, Bà-la–môn, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Phụ nữ, Đồng nam, Đồng nữ, Thiên Long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân, Thần chấp Kim Cang.
Sau này lại có thêm 33 hóa thân khác của Bồ Tát Quan Thế Âm, những hóa thân này không dựa vào Kinh sách mà chỉ dựa vào tư tưởng hóa độ lục đạo kết hợp với 33 ứng hóa thân trên pha trộn với tín ngưỡng dân gian của Nhật Bản và Trung Hoa mà tạo thành, đó là các hồng danh gồm:
- Dương Liễu Quán Âm
- Long Đầu Quán Âm
- Trì Kinh Quán Âm
- Viên Quang Quán Âm
- Du Hý Quán Âm
- Bạch Y Quán Âm
- Liên Ngọa Quán Âm
- Lang Kiến Quán Âm
- Thí Dược Quán Âm
- Ngư Lam Quán Âm
- Đức Vương Quán Âm
- Thủy Nguyệt Quán Âm
- Nhất Diệp Quán Âm
- Thanh Cảnh Quán Âm
- Uy Đức Quán Âm
- Diên Mạng Quán Âm
- Chúng Bảo Quán Âm
- Nham Hộ Quán Âm
- Năng Tĩnh Quán Âm
- A Nậu Quán Âm
- Vô Úy Quán Âm
- Diệp Y Quán Âm
- Lưu Ly Quán Âm
- Đa La Quán Âm
- Cáp Lỵ Quán Âm
- Lục Thời Quán Âm
- Phổ Bi Quán Âm
- Mã Lang Phụ Quán Âm
- Hiệp Chưởng Quán Âm
- Nhất Như Quán Âm
- Bất Nhị Quán Âm
- Trì Liên Quán Âm
- Sái Thủy Quán Âm.
Quan Thế Âm (Avalokitesvara) là vị Bồ Tát với hạnh nguyện luôn lắng nghe tiếng kêu khổ đau của cuộc đời rồi tìm cách cứu giúp… Hình tượng ngài được mô tả trong kinh Pháp Hoa là một người nam nhưng khi Phật giáo truyền sang Tây Tạng, Trung Hoa, Triều Tiên và Việt Nam, Bồ Tát được tôn thờ hầu hết dưới dạng nữ thần, mẹ hiền Quan Thế Âm.
Bởi theo kinh Pháp Hoa, Bồ tát có khả năng thị hiện vô biên thân, tùy theo hoàn cảnh và điều kiện mà hiện thân tương ứng để cứu độ: “Nếu cần hiện ra thân gì để cứu độ thì Quan Âm hiện ra thân đó như: thân quốc vương, thân tể tướng, thân nhi đồng, thân phụ nữ,…” (phẩm Phổ môn). Truyện tích về Quan Âm Thị Kính và Quan Âm Nam Hải (Diệu Thiện) ở Việt Nam được hình thành dựa trên quá trình tiếp biến văn hóa và cơ sở “thị hiện” này.
Theo nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền, tượng thờ Quan Âm Nam Hải xuất hiện ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ XVI. “Trong một văn bia đời nhà Mạc năm 1578, học giả nổi tiếng đương thời là Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết tượng Diệu Thiện được tôn thờ tại chùa Cao Dương. Văn bia còn ghi rõ Diệu Thiện là một biểu tượng rất đặc thù của giáo lý từ bi trong đạo Phật. Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt trước hết có liên hệ mật thiết với sự thực tập trì Chú Đại Bi, dần dần đã trở nên một biểu tượng rất lớn trong các chùa viện Phật giáo” (Thích Hạnh Tuấn, Hình tượng Bồ tát Quan Thế Âm nghìn tay nghìn mắt).
Như vậy, các hình thái Quan Âm Nam Hải, Quan Âm đồng tử, Quan Âm tống tử, Quan Âm Diệu Thiện, Quan Âm Thị Kính đều bắt nguồn từ lòng từ bi, hiện thân cứu độ của Bồ tát Quan Thế Âm trong kinh Pháp Hoa. Những truyện tích và tín ngưỡng Quan Âm rất phổ biến ở các nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản và Việt Nam. Tôn tượng Bồ tát Quan Thế Âm được thờ tại chùa viện nước ta hiện nay rất đa dạng, dựa vào một trong 33 ứng hóa thân của Bồ tát.
Ngày vía Quan Thế Âm Bồ Tát
Về ba ngày vía của Bồ Tát Quan Thế Âm, HT. Thích Huyền Tôn, dẫn theo Thiền Môn Nhật Tụng cho biết: ngày 19/02 kỷ niệm Bồ Tát Quan Thế Âm đản sinh, ngày 19/06 kỷ niệm Bồ Tát Quan Thế Âm thành đạo, ngày 19/09 kỷ niệm Bồ Tát Quan Thế Âm xuất gia.
Chùa Hương Tích Hà Tĩnh
Chùa Hương Tích có tên nôm là chùa Thơm, tọa lạc tại sườn núi Hồng Lĩnh, thuộc địa phận huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh hiện nay. Chùa có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Cao, chùa Nhang, chùa Thơm,… tuy nhiên, cái tên Chùa Hương Tích vẫn được biết đến và được nhiều người gọi nhất. Trong bộ Cửu Đỉnh được vua Minh Mạng đúc năm 1835, trên chiếc Anh Đỉnh chính là phong cảnh danh thắng Chùa Hương Hà Tĩnh.
Chùa Hương Tích thuộc địa phận xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Ngôi chùa cách thành phố Hà Tĩnh khoảng 25 km về phía Đông Bắc; cách thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An khoảng 30 km về phía Đông Nam.
Chùa Hương Tích nằm ở vị trí đặc biệt nhất, cao 650m so với mực nước biển và tọa lạc ở vị trí lưng chừng dãy núi Hồng Lĩnh – nơi được gọi là “Khối quần sơn kỳ vĩ”. Cảnh động Hương Tích đã được chọn làm biểu tượng cho danh sơn Hồng Lĩnh và được chạm lên Anh Đỉnh, là một trong chín đỉnh đồng đúc năm Minh Mạng thứ 17 đặt tại Kinh thành Huế.
Chùa Hương Tích sở hữu vẻ đẹp thơ mộng ẩn mình giữa làn mây khói mờ ảo. Đây là một trong những ngôi cổ tự lâu đời của đất Hà Tĩnh và gắn liền với những giai thoại xa xưa.
Chùa Hương Tích Can Lộc – Hà Tĩnh là danh thắng “Hoan Châu đệ nhất danh lam” với Núi Hồng Lĩnh huyền thoại có 99 đỉnh non cao gắn với truyền thuyết 100 con chim phượng hoàng bay về tìm chốn đậu. Đến với nơi đây, chúng ta sẽ được đắm mình trong thiên nhiên đất trời hòa quyện, với cõi linh thiêng, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của một vùng đất “địa linh nhân kiệt” và nghe truyền thuyết về Công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm cứu độ chúng sinh.
Lễ khai hội chùa Hương hằng năm được chọn là lễ hội mở đầu năm du lịch Hà Tĩnh vào ngày mùng 6 tháng Giêng và chính lễ Chùa Hương được tổ chức vào ngày 18 tháng 02 âm lịch hằng năm, tức ngày Công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm.
Toàn cảnh Chùa Hương Tích tọa lạc trên đỉnh Hồng Lĩnh hùng vĩ
Qua truyền thuyết, sử sách và hiện vật khảo cổ học chứng minh chùa được xây dựng vào thời nhà Trần, sau đó được trùng tu, sửa chữa vào thời Lê Trung Hưng. Năm Ất Dậu (1885), chùa bị hỏa hoạn; đến năm Tân Sửu (1901), Tổng đốc An Tĩnh là Đào Tấn đứng ra kêu gọi nhân dân cho xây dựng lại chùa. Trong suốt quá trình trùng tu, các công trình cũ của chùa Hương Tích đã được phục dựng gần như toàn bộ. Năm 1990, chùa Hương Tích chính thức được công nhận là Di tích Văn hóa – Thắng cảnh cấp Quốc gia của vùng đất Hoan Châu, trở thành điểm tham quan tâm linh nổi tiếng khắp xứ Nghệ.
Cổng tam quan chùa Hương Tích trong làn sương mờ ảo
Bắt đầu chuyến hành trình đi lễ, ta đến thắp hương tại miếu Cửa Rừng để trình báo và cầu nguyện Chư vị thần linh phù hộ cho chuyến hành hương lên đất Phật bình an tốt đẹp. Đoạn đường từ miếu Cửa Rừng đến trạm nghỉ Phật Bà tương đối bằng phẳng, hai bên đường rừng thông rì rào trong gió. Khi đến động Soi (còn gọi là trại Dê), du khách bắt gặp một ngã ba nhỏ, lối đi về phía Tây là đường lên am Bát Cảnh được xây tại động Trúc. Am Bát Cảnh được xây vào thời Trần, đời vua Trần Nhân Tông, ngày nay dường như vẫn được giữ gìn nguyên vẹn. Đây là một di tích văn hóa về Đạo giáo giúp du khách hoài niệm về một thời vàng son đã qua.
Từ động Soi, đi thẳng lên là trạm nghỉ Phật Bà (tên thường gọi là Miếu Cô), nằm bên dòng suối Hương Tuyền, phía dưới là khe Quỷ Khóc, phía trên là một am nhỏ, tương truyền là điểm dừng chân của Công Chúa Diệu Thiện trước khi được Bạch Hổ đưa lên Hương Tích. Đoạn đường từ trạm nghỉ Phật Bà lên chùa Hương Tích dài khoảng 1 km, trên cung đường này du khách có thể nán lại thắp hương tại Miếu Cậu.
Miếu Cửa Rừng
Miếu Cô
Chùa Hương Tích là quần thể di tích văn hóa có quy mô lớn với ngôi chùa thờ Phật, đền thờ Thần cùng các đền gắn liền với tín ngưỡng nông nghiệp và tín ngưỡng thờ mẫu của người dân Việt Nam.
Toàn bộ khuôn viên chùa Hương Tích được chia thành ba khu vực, bao gồm Thượng điện, đền Thiên Vương và am Thánh Mẫu – nơi Công chúa Diệu Thiện đắc đạo hóa Phật. Ngay phía sau khuôn viên chùa Hương Tích là hàng cây cổ thụ trăm năm tuổi với bộ rễ khổng lồ cắm sâu vào lòng đất và những tán lá sum suê tỏa bóng mát. Bên cạnh đó, khách tham quan sẽ nhìn thấy những tảng đá lớn muôn hình vạn trạng nằm rải rác khắp nơi, đem đến cho không gian nơi đây thêm phần ấn tượng, cuốn hút. Xung quanh chùa là vô vàn những thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Hoan Châu như: miếu Cô, am Phun Mây, động Tiên Nữ, suối Tiên Tắm cùng khe Quỷ Khóc với những giai thoại nhuốm màu sắc tâm linh huyền bí.
Trong khuôn viên chùa Hương Tích, có thể nói, điện Tam Bảo là nơi đặc sắc nhất, thu hút lượng lớn du khách đến chiêm ngưỡng, thắp hương. Nơi đây thờ rất nhiều tượng Phật cổ với niên đại lên đến hàng trăm năm, thậm chí hàng ngàn năm.
Đặc biệt, tại chùa Hương vẫn lưu giữ 2 pho tượng Phật, 1 tòa Cửu Long quý hiếm bằng đồng đen và chuông đồng cổ đang được xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận là bảo vật quốc gia.
Điện Tam Bảo Chùa Hương Tích
Tòa Cửu Long cổ bằng đồng
Tượng Phật cổ bằng đồng thứ nhất
Tượng Phật cổ bằng đồng thứ hai
Đại Hồng Chung – Chuông đồng cổ
Ban thờ Phật Mẫu Chuẩn Đề tại Chùa Hương Tích
Am Phật Bà – nơi công chúa Diệu Thiện hóa Phật Quan Âm
Tượng Phật Bà trong am
Đặc biệt hơn cả, vì tọa lạc nơi độ cao 650m so với mực nước biển và nằm nơi lưng chừng dãy Hồng Lĩnh bạt ngàn, chùa Hương Tích sở hữu cảnh quan thiên nhiên ngoạn mục mà bất kỳ du khách nào đặt chân đến chắc hẳn đều cảm thấy ấn tượng và choáng ngợp. Hiện ra trước mắt là những ngọn núi kỳ vĩ, những khu rừng bạt ngàn sắc xanh cùng với bầu không khí trong lành, âm thanh rộn ràng tiếng chim hót. Tất cả đã tạo nên bức tranh chùa Hương Tích vừa hùng vĩ tráng lệ trước thiên nhiên, vừa nhuốm màu linh thiêng, và pha nét huyền bí.
Ban Tam Tòa Thánh Mẫu trong Đền Thánh Mẫu
Đền thờ Thánh Mẫu tại Chùa Hương Tích
Ban thờ Thần Hổ tại Chùa Hương Tích
Toàn bộ khuôn viên chùa Hương Tích thượng (nơi xưa là Nền Trang Vương tọa lạc) cách chùa chính khoảng 350m đi bộ
Chùa Hương Tích là một trong những di tích tâm linh nổi tiếng bậc nhất khu vực, đồng thời vẫn giữ nguyên kiến trúc xưa với vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian
Bảo Tháp
Cảnh Phật non Tiên của chùa Hương Tích được Thái Kim Đỉnh dẫn xuất lại như sau: “Một dải suối xanh sóng trùng vạn khoảnh, theo bậc đá đi lên, mỗi bước lại một cảnh sắc khác nhau, lên cao trông khắp bốn phương, đúng là nơi danh thắng đệ nhất ở Châu Hoan ta”. Không chỉ thu hút du khách bằng vẻ đẹp cổ kính giữa núi non đại ngàn, chùa Hương Tích còn là chốn linh thiêng kỳ diệu, là nơi gửi gắm niềm tin, giúp mỗi người tìm thấy sự bình yên, thanh thản trong tâm hồn.
Chùa Dâu Bắc Ninh – Ngôi chùa cổ nhất Việt Nam
Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam nằm trên đất làng Dâu, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có nhiều tên gọi: Diên Ứng tự, Pháp Vân tự, Thiền Đình tự, Cổ Châu tự.
Chùa Dâu là trung tâm thành cổ Luy Lâu từ thế kỷ thứ II sau công nguyên. Hàng năm chùa mở lễ hội vào ngày 17 tháng giêng âm lịch, đúng vào ngày sinh của Phật Mẫu Man Nương. Chánh hội thì lại được mở vào ngày 8 tháng 4 âm lịch, trùng với dịp lễ Phật Đản; vào ngày này, nhân dân trong vùng lại nô nức tham dự hội chùa Dâu. Đây là một lễ hội lớn nổi tiếng đã đi vào những câu ca dân gian:
“Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về,
Dù ai buôn bán trăm nghề
Nhớ ngày mồng tám thì về hội Dâu”.
Theo sử sách và bia đá, đây là ngôi chùa Phật giáo cổ nhất Việt Nam, là nơi giao lưu của hai luồng Phật giáo từ Ấn Độ sang và từ Trung Quốc xuống. Chùa được xây dựng từ thế kỉ thứ 2 (khởi công năm 187 và hoàn thành năm 226) dưới thời Sĩ Nhiếp làm thái thú.
Chùa Dâu thờ nữ thần Pháp Vân nên chùa còn có tên gọi là chùa Pháp Vân và nằm trong vùng đất Cổ Châu nên cũng gọi là chùa Cổ Châu. Chùa gắn liền với truyện cổ tích Tứ pháp của người Việt xưa.
Vào đầu công nguyên, các tăng sĩ Ấn Độ đã đến đây tiến hành truyền bá đạo Phật, lập nên trung tâm Phật giáo Luy Lâu. Chùa tháp được xây cất nguy nga bên cạnh thành quách, đền đài, cung điện, sầm uất của đô thị Luy Lâu.
Chùa đến nay bao gồm các hạng mục công trình: tiền thất, tháp Hòa Phong, tiền đường, nhà tả vu – hữu vu, tam bảo, hậu đường, hành lang và các công trình phụ trợ.
Tháp Hòa Phong
Trong đó chùa Dâu là trung tâm của hệ thống các chùa thờ Phật và thờ Tứ Pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện), một nét độc đáo vì kết hợp giữa Phật giáo Ấn Độ và tín ngưỡng dân gian của người Việt. Chùa Dâu còn trở thành trung tâm của thiền phái Tì-ni-đa-lưu-chi, thiền phái đầu tiên của Phật giáo Việt Nam.
Các vị La Hán trong chùa Dâu.
Kiến trúc chùa Dâu là kết quả của sự trùng tu nhiều lần. Lần quan trọng nhất là lúc vua Trần Anh Tông sai Mạc Đĩnh Chi thiết kế lại chùa Dâu thành chùa trăm gian, tháp chín tầng, cầu chín nhịp. Bao quanh tòa điện chính là những dãy nhà ngang, nhà dọc theo kiểu nội công ngoại quốc.
Giữa sân chùa, Mạc Đĩnh Chi đã cho dựng ngôi tháp Hòa Phong cao chín tầng. Ngôi tháp vuông xây bằng gạch trần, dáng chắc khỏe. Tháp tượng trưng cho ngọn núi vũ trụ, bốn góc tháp có bốn tượng Thiên vương trấn giữ, trên tháp treo một khánh đồng cổ.
Tượng Thiên Vương ở 4 góc tháp Hòa Phong
Ban thờ Mạc Đĩnh Chi
Tháp Hòa Phong xây bằng loại gạch cỡ lớn ngày xưa, được nung thủ công có màu sẫm già của vại sành. Thời gian đã lấy đi sáu tầng trên của tháp, giờ tháp chỉ cao khoảng 17m nhưng vẫn uy nghi, vững chãi. Chân tháp vuông, mỗi cạnh 7m. Tầng dưới có 4 cửa vòm.
Trong tháp có treo một quả chuông đồng đúc năm 1793 và một chiếc khánh đúc năm 1817. Có 4 tượng Thiên Vương, 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 phương trời, cao 1,6 m ở bốn góc tháp.
Chuông đồng
Tượng Phật ánh vàng phía sau chánh điện
Khu vực nối tiền thất và hậu đường trong chùa là nơi thờ Thập Bát La Hán (18 đệ tử của Phật đã tu đến cảnh giới La Hán). Ngoài ra, các pho tượng Bồ Tát, Tam Thế, Đức Ông, Thánh Tăng được đặt ở phần hậu điện.
Phía sau sân chùa có hồ nước nhỏ trong xanh, không gian thoáng mát. Ngay bên cạnh là vườn tháp cổ, nơi để tro cốt, nhục thân của các thế hệ trụ trì chùa đã viên tịch.
Tượng nữ thần Pháp Vân
Thời gian trôi qua, thành lũy, đền dài, dinh thự ở trung tâm Luy Lâu bị hoang phế. Nhưng chùa Dâu có tháp Hòa Phong và hàng trăm gian chùa cổ kính vẫn tồn tại. Do đó chùa là danh lam bậc nhất của xứ Kinh Bắc.
Khu vực thờ Mẫu
Lịch sử đã khẳng định vị trí của chùa Dâu trong đời sống văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của dân tộc. Chùa đã được công nhận là di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia đặc biệt vào năm 2013.