BỐN HẠNG NGƯỜI (P.2)

Tùy theo trường hợp mà Đức Phật đã giải thích, ở đời có bốn hạng người như thế này. Trong trường hợp khác có bốn hạng người như thế kia (xem thêm Bốn hạng người P.1),…

Ở đây khi thanh niên Pessa là con một người huấn luyện voi đi đến Đức Phật và trình bày sự nhận xét của mình:

“Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hy hữu thay, thật vi diệu thay. Bạch Thế Tôn, Đức Thế Tôn hiểu được hạnh phúc và sự bất hạnh của chúng sanh, trong khi loài người sống trong sự rối ren như vậy, trong sự cặn bã như vậy, trong sự xảo quyệt như vậy.

Bạch Thế Tôn, rối ren thay như loài người. Bạch Thế Tôn, cởi mở thay như loài thú vật. Bạch Thế Tôn, con có thể điều khiển con voi, nhiếp phục con voi như ý, nhưng những người đầy tớ, phục dịch, người làm công, thật khó mà nhiếp phục như ý!”.

Thưa quý vị, do nhân này mà Đức Phật đã giảng về bốn hạng người thiêu đốt ở đời cho thanh niên Pessa nghe.

Bốn hạng người gọi là thiêu đốt nghĩa là nói trên khía cạnh những hạng chúng sanh sống ở đời làm cho khổ não nóng nảy.

Bốn hạng người thiêu đốt ấy ra sao?

Thưa quý vị, Đức Phật có dạy:

“Này Pessa, ở đời này:

–      Có người tự làm khổ mình chuyên tâm làm khổ mình.

–      Có người hành khổ người chuyên tâm hành khổ người.

–      Có người tự hành khổ mình vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ mình và người.

–      Có người vừa không làm khổ mình không chuyên tâm hành khổ mình, vừa không hành khổ người không chuyên tâm hành khổ người.

Như vậy ở đời có bốn hạng người có mặt xuất hiện.”

Bây giờ chúng ta hãy tìm hiểu.

Thế nào là hạng người tự hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình?

Thưa quý vị, hạng người tự hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình nghĩa là sống trong đời có người tự làm cho mình khổ, tự làm cho mình nóng nảy, không ai làm cho họ khổ mà chính họ làm lấy. Tức là ám chỉ những người từ bỏ hạnh phúc, sống bó buộc trong hình thức khổ hạnh dưới nhiều sắc thái, mà chung qui không đem lại kết quả giải thoát gì, chỉ khổ thân này thôi.

Trong kinh Đức Phật dạy: “Người sống hạnh lõa thể, sống hạnh nhổ râu tóc chứ không cạo, hoặc sống hạnh chỉ đứng chứ không ngồi, hay chuyên ngồi chò hỏ một cách tinh tấn; hoặc giả, chuyên sống hạnh ngủ nằm trên gai nhọn; sống hạnh tắm đêm lạnh ba lần hoặc có người sống hạnh ăn trái cây, ăn cỏ, hay không ăn cá thịt; hoặc ăn ít, ăn một ngày 7 miếng vật thực, một ngày ăn một bữa, hai ngày một bữa, … 7 ngày một bữa, có khi ăn nửa tháng một lần hoặc giả tu hạnh nhịn đói,… Như vậy dưới nhiều hình thức tu ép xác khổ hạnh, hành thân hoại thể và những ai hành theo đó được xem là người tự mình hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình.”

Thưa quý vị, người tự hành khổ mình phải nói là người không có Trí tuệ cớ sao? Vì trong khi mình mong muốn an lạc, chán khổ, ấy thế mà họ không biết, lại tự hành khổ mình, hành hạ mình, tự rước lấy khổ thân thêm chớ chẳng ích lợi gì.

Như thuở ấy có ngưu hành giả Punnakodiyaputta và lõa thể Semiya cẩu hành giả, cả hai là bạn đồng hành khổ hạnh, một kẻ tu hạnh sinh hoạt như loài bò, một kẻ tu hạnh sinh hoạt như loài chó, ăn đồ để trên đất, ngồi chò hỏ, …

Rồi cả hai cùng đến viếng Đức Phật và hỏi về kết quả sanh thú tương lai do hạnh tu ấy, Đức Phật mới giải thích rằng người nào tu hạnh chó, chết sanh làm chó (do thường thân y duyên) và nếu kẻ ấy có Tà kiến sai lạc sẽ bị đọa sanh địa ngục, còn kẻ nào tu hạnh bò một cách tinh tấn (do thường thân y duyên) tương lai chết sanh làm bò, và nếu kẻ ấy có ác tà kiến nữa thì bị rơi vào địa ngục.

Như vậy, thưa quý vị, có ích lợi gì? Có hạnh phúc gì? Khi ta hành các nghi thức khổ hạnh ép xác, vô ích uổng công mà chỉ thành tựu không tới đâu, lại chôn vùi chính mình trong bóng tối đau thương. Cho nên người Phật tử tu tập cần phải tránh né hai con đường cực đoan là Lợi dưỡng và Khổ hạnh, chớ để trở thành người tự hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình.

Tiếp đến, thế nào là hạng người hành khổ người chuyên tâm hành khổ người?

Thưa quý vị, ở đây người hành khổ kẻ khác chuyên tâm hành khổ người khác nghĩa là hạng người này sống chuyên gây tổn hại, tang tóc sầu đau cho chúng sanh khác, hạng người ấy không có tâm Từ bi đối với mọi loài, thiếu lòng tàm quí.

Hạng người ấy như là những người thợ săn đánh bẫy rình rập bắt thú; những người đồ tể chuyên giết heo, trâu, bò để lấy thịt bán nuôi sống, hay là những người ngư phủ chuyên sống bủa câu, giăng lưới bắt cá, tôm; hoặc là những kẻ cướp, tên trộm hại người lấy của; hay là những kẻ làm các nghề độc ác khác. Những chúng sanh ấy ra đời như vậy gọi là hạng người hành khổ người chuyên tâm hành khổ người.

Thưa quý vị, có tích người hàng bò tên Vadago Ghātaka chuyên nuôi sống bằng cách giết bò bán thịt, y làm nghề này hơn năm mươi năm. Và vì hàng ngày đã dùng thịt trong mỗi bữa ăn đều phải có thịt bò y mới ăn cơm được. Có ngày nọ, bà vợ của ông ta bán hết thịt không còn đủ thịt ăn, người hàng bò giận lắm không dùng cơm, liền cầm dao ra cắt cái lưỡi bò sống khiến con bò oằn oại chết đi, y mới đem vào bảo vợ nướng rồi ngồi chờ ăn.

Đấy là hạng người mà Đức Phật dạy sống hành khổ người chuyên tâm hành khổ người, hạng người này không phải là không đau khổ bởi nhân hiện tại họ gây sầu muộn cho chúng sanh khác cho nên sẽ gặt hái hậu quả sau đó.

Như người hàng bò ấy sau khi bà vợ y nướng thịt lưỡi bò xong, đem cho hắn dùng ngay, nhưng miếng thịt lưỡi bò chưa xuống đến dạ dày thì quả của nghiệp ác phát sanh tức khắc, nghĩa là lưỡi của ông ta khi ấy đứt lìa xuống mâm cơm. Ông ta khóc như tiếng bò, chịu vô cùng đau khổ, chết liền sanh trong vô gián địa ngục.

Thưa quý vị, tiếp theo là hạng người thứ ba.

Thế nào là hạng người vừa tự hành khổ mình và hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người?

Thưa quý vị, người vừa hành khổ mình chuyên tâm hành khổ mình; vừa hành khổ người chuyên tâm hành khổ người tức là hạng người sống ở đời hành động không thích đáng, gây bất lợi đau khổ cho chính bản thân mình mà lại còn tạo khổ đau liên lụy đến chúng sanh khác nữa. Khi đề cập đến hạng người này và được hỏi tại sao không ưa thích hạng người thứ ba? Lúc ấy thanh niên Pessa đã trả lời Đức Phật: “Bạch Thế Tôn, vì hạng người này cố hành khổ hành hạ mình và người khác trong khi tự mình và người khác mong muốn hạnh phúc, chán nhàm sự khổ. Do vậy con không thích ý hạng người này.”

Thưa quý vị, hạng người thứ ba này được xem là người thiểu trí, đó là: Ở đời có những vị có uy quyền, vua chúa, có những việc làm nông nổi, tự mình ảnh hưởng làm khổ và dùng quyền lực cưỡng áp người khác phải làm theo ý mình, nếu ai phản kháng thì bị bắt bớ hình phạt tội tù,… Đó là hạng người thứ ba trong bốn hạng người này.

Trường hợp xưa kia, có đức vua Pāsenadi, đêm nọ vua nghe bốn tiếng la thật to Du-sa-na-so ngài lấy làm kinh sợ. Sáng ra vua đem chuyện hỏi các vị quân sư Bà la môn, các vị này không hiểu gì bèn tâu là điềm chẳng lành cho vận mệnh vương vị nên cần phải tế thần lửa.

Cách thức tế thần lửa thời ấy thật là dã man, người ta phải tìm bắt thú đực cho đủ 100, thú cái 100, đồng nhi  nam 100, đồng nhi nữ 100, sau đó đào một cái hầm thật to đốt lửa cháy đỏ rực, để giết người và thú lấy máu đổ vào lửa. Trong buổi lễ, đương sự cầu lễ là một vị Vua hay một triệu phú Bà la môn phải cạo đầu mặc áo thô, thoa dầu nằm xuống đất chỉ có lát cỏ nuôi sống bằng sữa từ vú của con bò rồi vị ấy bắt đầu ra lệnh giết hại vật để tế thần lửa, …

Đức vua Pāsenadi nghe bàn lấy làm kinh sợ, nhưng cũng phải thi hành liền sai đào hầm và tự mình hành nghi lễ. Lúc các thú và người sắp bị giết sợ hãi kêu la than khóc thảm não làm náo động cả hoàng cung. May lúc ấy có hoàng hậu Malliā là người tín nữ trí tuệ đã kịp thời can gián vua đến hầu Phật, và cứu được mọi người.

Trường hợp của vua Pāsenadi được gọi là hạng người có tâm làm khổ mình và vừa cố tâm hành khổ người, người như vậy không tốt, vừa làm tự mình mất lợi lạc lại làm mất hạnh phúc chúng sanh cho nên phải rơi vào bất hạnh. Trường hợp vua Pāsenadi nhờ có Hoàng hậu can gián kịp nên tránh được con đường nguy hại trong tương lai nếu không chắc phải bị khổ.

Như vậy là hạng người thứ ba có mặt xuất hiện ở đời mà Đức Phật dạy là hạng người vừa có tâm làm khổ mình vừa chuyên tâm hành khổ người.

Sau cùng thế nào là hạng người không hành khổ mình không chuyên tâm hành khổ mình và cũng không hành khổ người không chuyên tâm hành khổ người?

Thưa quý vị, người không cố hành khổ mình và không cố hành khổ người nghĩa là chỉ có các vị tu hành theo con đường Trung đạo: không Khổ hạnh, Lợi dưỡng; hướng tâm trong Thiền định, Đạo quả; sống an trú với bốn đức vô lượng tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả đối với tất cả chúng sanh, không hận không sân, không thù không oán bạn nghịch. Hạng người này không gây sầu khổ cho ai hết dù chính mình hay mọi người khác.

Thưa quý vị, như các bậc Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh đẳng chánh giác tự mình diệt tận vô minh, phiền não, chứng ngộ với Thượng trí, thấu đạt tất cả thế gian và tự mình thành tựu cứu cánh giải thoát an vui tuyệt đối. Đức Như Lai ấy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện với đầy đủ văn, nghĩa. Ngài truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ Thanh tịnh; khiến cho chúng sanh phát khởi niềm tin an trú trong Thiện pháp, có những người Thiện nam tín nữ tín ngưỡng giáo lý, tín ngưỡng Đức Như Lai liền từ bỏ gia đình sống không gia đình, viễn ly tài sản, bà con, những người ấy kiên trì Phạm hạnh, Giới luật, từ bỏ ác hạnh xấu xa, tránh sự nuôi sống tà mạng, sống tri túc, thu thúc các căn, Chánh niệm tỉnh giác việc làm, an trú thiền định. Nhờ vậy có thể thời gian sau những vị ấy thành tựu Chánh trí, chứng ngộ Niết-bàn thoát khỏi sông mê bể khổ.

Thưa quý vị, đây là trường hợp mà Đức Phật dạy là hạng người không cố tâm hành khổ mình và cũng không cố tâm hành khổ người hằng xuất hiện ở đời là như thế.

Thưa quý vị, qua bốn hạng người mà tôi vừa trình bày trên, có ba hạng người xấu không đáng ưa thích và một hạng người tốt đáng ưa thích.

Hạng người chuyên tâm hành khổ mình là hạng người xấu không đáng ưa thích vì sao? Vì trong khi chính mình mong muốn hạnh phúc nhàm chán khổ đau thế mà tự dẫn đến khổ, là người thiếu trí.

Hạng người chuyên tâm hành khổ người là hạng người xấu không đáng được ưa thích. Bởi vì người khác trong khi họ mong muốn hạnh phúc chán ngán sự khổ vậy mà nỡ nhẫn tâm gây sầu khổ cho người, là kẻ ác.

Hạng người chuyên tâm vừa tự hành khổ mình và hành khổ người là hạng người xấu, không đáng được ưa thích. Bởi vì trong khi chính mình và người khác đều mong muốn an lạc, chán ngán khổ đau mà hạng người này tự dẫn đến khổ cùng làm khổ cho kẻ khác, như thế là người ác trí nông nổi.

Còn hạng người vừa không cố hành khổ mình cũng không chuyên tâm hành khổ người là người tốt, đáng ưa thích vì sao? Vì hạng người này ngay trong hiện tại sống tự tại, an vui mát mẻ, hưởng thụ quả lạc thọ, đem lại sự an vui cho người và cho chính mình. Như vậy được gọi là bậc Hiền trí, vì sáng suốt, vì hiền thiện.

Mong rằng người Phật tử chúng ta hãy là hạng người thứ tư chứ đừng trở thành hạng người thứ nhất hay hạng người thứ hai hoặc hạng người thứ ba. Vì đó là những hạng người không tốt đẹp sẽ dẫn đến khổ đọa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *