BỐN PHÁP CÓ ĐẶC ÂN

Thời thuyết trình hôm nay, nói về “Bốn pháp Đặc Ân”.

Thế nào là bốn pháp có đặc ân?

Thưa quý vị, pháp có đặc ân là những pháp giúp cho thành tựu tốt đẹp, may mắn, vượt khỏi điều bất hạnh hiểm nguy; lại nữa là những pháp có đặc tính an lành cao quí, nếu người đã thực hành tròn đủ ắt đạt đến quả đích cao thượng. Và có thể nói rằng: “Trong đời sống của chúng sanh chẳng thể thiếu những pháp có đặc ân này, nếu chúng sanh không có những pháp này, chắc chắn rơi vào bất hạnh, sầu khổ, ưu bi, vì lẽ đó nên gọi là pháp có đặc ân.”

Pháp có Đặc ân như thế nào?

Thưa quý vị, Đức Thế tôn có thuyết kệ ngôn rằng:

“Yass’ ete caturo dhammā guṇā paramabhaddakā

Saccaṃ dhammo dhiti cāgo diddhaṃ so ativattati

Yassa cete na vijanti guṇā paramabhaddakā

Saccaṃ dhammo dhiti cāgo diddhaṃ so nativattati.”

Nghĩa là:

“Bốn pháp có đặc ân cao quý nhất, là Chân thật, Thuận pháp, Nghị lực và Dứt bỏ. Ai có những pháp đó người ấy sẽ thoát khỏi sự nhiễm hại. Những pháp có đặc ân tốt lành nhất là Chân thật, Thuận pháp, Nghị lực và Dứt bỏ. Ai không có những pháp đó, người ấy không thoát khỏi sự nhiễm hại được.”

Thưa quý vị, xét theo bài kệ này, thấy rằng Đức Phật dạy có bốn pháp là:

  1. Chân thật (Sacca).
  2. Thuận pháp (Dhamma).
  3. Nghị lực (Dhiti).
  4. Dứt bỏ (Cāga).

Cả bốn pháp này là những pháp có đặc ân cao quý hằng đem người khỏỉ sự nhiễm hại là áp lực của kẻ thù và áp lực của phiền não.

Nếu đời sống của con người thiếu mất bốn pháp có đặc ân này là Chân thật, Thuận pháp, Nghị lực và Dứt bỏ thời phải rơi vào bất hạnh, không được an vui, họa khổ sẽ đến với người ấy, trái lại thì tốt đẹp an vui.

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu sâu vào những pháp này.

Trước hết chúng tôi trình bày pháp có đặc ân thứ nhất là Chân thật.

Thế nào là Chân Thật?

Thưa quý vị, sự đúng với lẽ thật; như nói thế nào, làm thế ấy và làm thế nào, nói thế ấy – “Yathā vādi tathā karī, yathā karī tathā vādi” – Như vậy gọi là chân thật.

Sự chân thật có 3 cách.

Sự nói chân thật, tức là nói lời đúng pháp, hợp pháp không tráo trở, dối trá trong Kinh có giảng rằng: “Người nói chân thật không vọng ngữ như là có người đến chỗ tập hội, đến chỗ quần chúng hay đến chỗ nhóm họp, người ta hỏi chuyện người ấy, nếu không biết người ấy nói: “Tôi không biết”; nếu biết người ấy nói: “Tôi biết”; hoặc nếu thấy, nói: “Tôi thấy”; bằng như không thấy nói: “Không thấy” ấy là người nói lời chân thật.”

Tích xưa, Bồ tát Vidhura là tiền thân Đức Phật Thích Ca, người tu hạnh chân thật, có dạ xoa Puranaka đến tìm cách bắt ngài bằng cách đánh cờ với vua. Nhà vua thua cuộc, nhà vua buộc đánh đổi quân sư là Bồ tát Vidhura, đức vua bàng hoàng, dối rằng: “Không nên như vậy, vì quân sư là hoàng thân của trẫm”.

Dạ xoa lấy làm căm phẫn bèn đòi gặp bồ tát Vidhura để hỏi căn nguồn, nếu là hoàng tộc thì thôi, bằng như không phải thì bắt đi. Đức vua nghe qua lo sợ, vì ngài rất quý trọng quân sư của mình.

Đến khi hợp lại, có mặt Bồ tát là quân sư Vidhura, dạ xoa bèn hỏi: “Thưa ngài, Ngài là tôi của vua hay hoàng tộc của vua?”

Đức quân sư Bồ tát liền suy xét đến pháp cao quý là Chân thật, liền tuyên thệ rằng: “Ta chính là tôi thần của vua chớ không phải là hoàng thân quốc thích”. Nghe xong dạ xoa dù là kẻ chực bắt hại Ngài cũng phải hoan hỷ buông lời tán tụng Bồ tát là người chân thật hiếm có. Chúng ta thấy như thế gọi là chân thật.

Thứ hai là sự làm chân thật. Thưa quý vị, sự làm chân thật là hành động đúng theo lẽ thật, đúng theo những gì mình đã nói, lời nói và việc làm đi đôi, như Nhạc Chính Tử nước Lỗ bên Tàu.

Nước Lỗ có một cái đỉnh đồng rất quí, nước Tề bắt phải đem dâng, vua Lỗ tức lắm, cho làm một cái đỉnh giả đem sang.

Vua Tề bảo: “Phải có Nhạc Chính Tử đem đỉnh sang dâng, thì ta mới tin”.

Vua Lỗ gọi Nhạc Chính Tử đến bảo đi.

Nhạc Chính Tử hỏi: “Sao không đưa cái đỉnh thật?”.

Vua Lỗ nói: “Ta quí cái đỉnh ấy lắm”.

Nhạc Chính Tử thưa: “Nhà vua quí cái đỉnh ấy như thế nào, thì tôi quí cái đức “Tín” của tôi như thế ấy”.

Sau vua Lỗ phải đưa đỉnh thật, Nhạc Chính Tử mới chịu đi.

Thưa quý vị, việc làm của Nhạc Chính Tử như vậy, gọi là sự làm chân thật. Cho đến kẻ nghịch như vua Tề cũng phải tín nhận đến, chẳng lẽ người Phật tử chẳng học cái hay ấy hay sao?

Và thứ đến là sự nghĩ chân thật, thưa quý vị, sự nghĩ chân thật là suy xét điều phải lẽ thật, không suy tưởng tà vọng như xét về Sự Khổ, xét nguyên nhân Sanh Khổ, suy tưởng sự Diệt Khổ và nghiệm con đường đưa đến Sự Diệt Khổ, hoặc suy nghĩ về cách ly tham; suy tư đến cách vô sân là niệm lòng Từ bi, suy tư đến cách bất hại là phát triển tâm bi. Tất cả tư duy ấy đều gọi là sự nghĩ chân thật.

Thưa quý vị, chân thật là pháp có Đặc ân quí cao, đó là hành trình của chư Thánh Nhân, nhứt là Đức Phật, dù khi còn Bồ tát, các Ngài cũng phải hành pháp chân thật để bổ khuyết pháp Ba la mật mới được đến quả Vô sanh, nên gọi sự chân thật là pháp có đặc ân; hơn nữa, người an trú vào pháp chân thật sẽ là người cao quí, trở thành nơi thương yêu của Bậc thiện trí thức, là nơi kính trọng của hàng Chư thiên và là nơi tín nhiệm của quần chúng; người ấy sẽ thoát khỏi sự tai hại cũng nhờ nơi hạnh chân thật của mình.

Thưa quý vị, tôi còn nhớ trong kinh đã ghi chép lại câu chuyện như vầy:

Có một xứ nọ, quân gia bắt được 4 tội nhân đem giam tù, một hôm nhà vua đột xuất đi xét trại giam, mới thấy 4 tội nhân ấy bèn kêu lại mà hỏi rằng: “Các ngươi làm thế nào mà phải bị bắt như vầy?”

Bốn tội nhân kia lần lượt trình bày nỗi tâm sự của mình. Tội nhân thứ nhất than rằng: “Tâu lệnh hoàng thượng, thật tình oan cho tôi, bởi người ta ghét tôi mà cáo gian cho tôi, nên tôi phải bị bắt như vầy”.

Đức Vua nghe qua gật đầu, rồi xoay qua tên tội nhân thứ nhì; tội nhân này đáp: “Tâu đại vương bởi quan chỗ tôi ăn của hối lộ trước mà xử oan cho tôi, chớ tôi thật tình vô tội”.

Nhà vua nghe xong cũng gật đầu, rồi hỏi sang tội nhân thứ ba, người này đáp: “Tâu lệnh Thánh hoàng, chỉ vì một câu chuyện hiểu lầm mà tôi bị xử oan thế này”.

Đức vua nghe rồi vẫn làm thinh và hỏi tiếp tội nhân thứ tư, anh này đáp: “Tâu bệ hạ, xét ra hạ thần bị tù tội đây cũng đáng, nguyên văn buổi tối kia thần khoét vách một người khá giả ở phía nam thành này để lấy rương bạc đem đi, chủ nhà hay được tri hô lớn, quan quân đuổi theo bắt kịp, nên hạ thần bị giam vào đây. Tâu việc hạ thần là như vậy”.

Đức vua nghe qua, lấy làm lạ nghĩ: “Tên tội nhân này chân thật, dù biết nói ra là bị tội, nhưng vẫn nói thật chắc có lẽ là người tốt, chỉ vì nghèo mà làm vậy thôi”. Đức vua ra về với quan cai ngục, điều tra lai lịch của tên tội nhân thứ tư thì sự việc quả đúng như lời khai của người này hôm qua.

Ba ngày sau, người tội nhân thứ tư nhận được chiếu chỉ của vua ban xuống tha bổng cho anh ta được tự do như trước.

Thưa quý vị, qua chuyện này cho ta thấy rằng người có Pháp chân thật rồi, dù là có tội, khó nói ra cũng khó thoát khỏi tội, như người tội nhân thứ tư kia vậy. Cho đến Đức Phật dạy: “Sự chân thật là pháp có đặc ân cao quí” là vậy. Người Phật tử chúng ta cũng nên hành pháp chân thật như thế để được lợi ích an vui và hành đúng theo lời chỉ giáo của Bậc đạo sư.

Tiếp đến pháp có đặc ân thứ hai là Thuận pháp.

Thế nào là Thuận pháp?

Thưa quý vị, thuận pháp là sống đúng theo pháp, tức là sự hành Thiện pháp.

Người sống Thuận pháp là người hành động đúng theo thiện pháp. Sự thuận pháp đây có 3 là:

  1. Chánh ngữ.
  2. Chánh nghiệp.
  3. Chánh mạng.

1.     Chánh Ngữ: Là sự nói chân chánh thiện hạnh, lời nói đáng cho các bậc trí thức ngợi khen. Tức là nói lời chân thật đáng tin cậy không nói dối, nói lời dịu ngọt, mát mẻ với từ tâm, không nói độc ác; nói lời hòa hợp; đoàn kết mọi người, không nói đâm thọc; và nói lời hữu ích đúng lý, mạch lạc có đem lại tịnh lạc cho mình cho người, không nói vô ích.

2.     Chánh Nghiệp: Nghĩa là hành động hành vi chân chánh thiện hạnh, tức là tránh xa sự sát sanh, sống có lòng bi mẫn đối với các loài hữu tình, không giết mạng sống chúng sanh ấy; tránh xa sự trộm cắp, biết tri túc vui theo của cải mình đã có được trong sạch, không đi trộm giựt của người khác; tránh xa sự tà dâm, là tịnh hạnh trong trắng, không dâm loạn lân la theo vợ con người bất hợp pháp.

3.     Chánh Mạng: Nghĩa là sự nuôi mạng sống chân chánh, bằng cách hợp lẽ Đạo, không do thân ác, khẩu ác và ý ác. Nói về chánh mạng có 2: Chánh mạng của người tại gia và Chánh mạng của bậc xuất gia.

Người tại gia: Chánh mạng là không hành 5 nghề buôn bán là: Bán người hoặc thú sống, bán khí giới, bán thuốc độc, bán thịt và bán rượu. Ngoài ra đó người cư sĩ có thể sống bằng mọi nghề nào không vi phạm giới là được xem chánh mạng.

Bậc xuất gia: Chánh mạng được xem như là chỉ sống bằng Tam y và quả bát để khất thực mà ăn, rồi chỉ lo trau dồi Thiền định và Giới luật, phát triển pháp học và pháp hành.

Thưa quý vị, đời sống có Thuận pháp được kể là Phạm hạnh cao quí, Bồ tát xưa kia cũng có đôi lúc dễ duôi nhưng phần nhiều Ngài sống chấp trì theo Thiện pháp dù là thời kỳ không có giáo pháp Đức Phật toàn giác nào ra đời.

Như có kiếp nọ, Ngài là người lái buôn tên Seṇva, có một người thương buôn khác cũng trùng tên, cả hai cùng đi đến một xứ nọ buôn bán; tên thương buôn kia đi ngang nhà của một gia đình hai bà cháu nghèo nàn trong xứ ấy bà cụ gọi vào tỏ lời muốn đổi cái mâm đen cũ để lấy ít nữ trang cho cháu đeo. Mâm ấy là mâm vàng mà hai bà cháu không biết vì quá cũ kỹ, tên thương buôn kia thử biết là mâm vàng, thì định gạt lấy nên giả bộ chê rồi bỏ đi, tính chốc trở lại đổi rẻ mạt đi.

Không ngờ lúc sau là Bồ tát là lái buôn Seṇva cũng đến ngay nhà đó, bà cụ cũng tỏ lời muốn đổi, bà đưa mâm, Bồ tát xem xong biết là mâm vàng liền bảo cho bà biết, rồi đánh giá cái mâm bằng tất cả tiền mặt và vật hàng mang theo để lại hết cho bà cụ, chỉ xin lại cái cân, tiền về đường thôi. Bồ tát lấy mâm ra đi về tới nhà được an vui. Riêng tên thương buôn nọ trở lại, biết chuyện quá hối tiếc thổ huyết chết liền.

Lại nữa, có kiếp Bồ tát sanh ra trong một gia đình có mẹ già và người anh cả, ngài là em út. Thời gian ấy mẹ ngài lâm bệnh nặng chạy thầy, chạy thuốc bao nhiêu cũng không thuyên. Có một vị lương y nọ, khám bệnh rồi bảo: “Phải có máu của con thỏ tươi mới chữa khỏi”.

Người anh bèn sai Bồ tát đi bắt thỏ về, bồ tát đánh bẫy được con thỏ rừng rất tốt, khi ấy Ngài thấy thỏ sợ hãi sự chết, vùng vẫy trong lồng, ánh mắt như có vẻ van lơn cầu cứu. Động lòng trắc ẩn Bồ tát không thể giết được, nên mở lồng bẫy ôm thỏ vào lòng vuốt ve an ủi rồi thả cho về rừng xanh.

Bồ tát trở về người anh hỏi, ngài liền thuật lại mọi chuyện, bị anh quở mắng nặng, Bồ tát ôm mẹ và phát nguyện, do lời chân ngôn quá mãnh liệt khiến cho bệnh mẹ tiêu tan, lành lại như xưa.

Thưa quý vị, trong đời sống lúc nào Bồ tát cũng thuận pháp sống theo pháp, nên chi Ngài luôn luôn được an vui, thắng vượt hơn chúng sanh khác đồng loại.

Chính đấy cũng nhờ sống Thuận pháp mà chúng sanh được trong sạch quí cao, bởi vậy Bậc đạo sư dạy sự sống thuận pháp là pháp có Đặc ân cao quí, hằng có trạng thái giúp cho người an vui tiến hóa lợi lạc, thoát khỏi nhiễm hại.

Tôi xin nhắc lại chuyện Bồ tát, trong kinh có ghi chép ở bộ chú giải Bổn sanh kinh (Atthakathājataka) như vầy:

Trong thời quá khứ, lúc đức vua Brahmadatta trị vì trong xứ kinh đô Bārānasī tại thị trấn Kāsī trong một gia đình bà la môn Dhammapāla, Bồ tát được sinh trưởng ở đấy, có một điều hy hữu là trong gia đình Bồ tát từ xưa đến nay không hề có một người nào chết yểu, chết lúc non trẻ.

Bồ tát lớn lên đi học tài nghề với một vị giáo sư trứ danh, ở kinh đô Jakkānlā, Ngài là học trò giỏi nhất trong đám sĩ tử của thầy. Trong lúc đó người con trưởng của vị giáo sư từ trần, ai cũng đều thương tiếc, khóc than, kể lể đủ điều, chỉ trừ ra có Đức bồ tát là không ưu sầu chi cả.

Thấy Bồ tát không khóc than chi hết, các bạn hỏi căn nguồn:

“Trong gia đình bạn không có người chết sao?”

“Có bạn à, song không chết trẻ, chỉ đến già mới chết”

“Điều này là thông lệ trong gia đình bạn chăng?”

“À, đó là thông lệ trong gia đình của tôi, bạn à!”

Các bạn hữu đồng nhau đem mách chuyện cho vị Giáo sư biết, vị giáo sư này lấy làm lạ hỏi thăm Đức bồ tát, rồi định ý rằng: “Ta nên thẩm vấn thân sinh của trò Dhammapāla kumāra này, nếu thật như thế, ta sẽ tu hành theo”.

Sau khi xong việc rồi, vị Giáo sư gởi giao lại học trò cho Đức bồ tát thay thế trông nom; còn vị ấy gói lấy xương dê, cho người mang đi theo đến nhà Bồ tát. Gặp được thân sinh của Đức bồ tát vị giáo sư sau khi tỏ lời thân hữu rồi liền an ủi bằng lời rằng: “Trò Dhammapāla kumāra học hành tấn hóa, nhưng chẳng may từ trần, xin ông đừng thương tiếc vì các pháp hành đều là vô thường”.

Ông Bà la môn nghe vậy vỗ tay cười xòa bảo rằng: “Người khác chết, chớ con tôi không chết đâu!”

Vị giáo sư mở gói xương cho xem, ông Bà la môn vẫn quả quyết: “Không phải xương con tôi đâu, đây là xương của chúng sanh khác, quyết hẳn con tôi không chết, vì gia đình của tôi đã bảy đời rồi, chẳng có một người nào chết non cả”.

Nghe chuyện phi thường như thế vị Giáo sư hết sức hoan hỷ hỏi rằng: “Này ông Bà la môn do nhân chi hành phạm hạnh gì? Mà trong gia đình ông không có người chết trẻ, xin ông chỉ cho tôi với”.

Ông Bà la môn bèn tường thuật cho vị Giáo sư nọ về nguyên nhân của sự không chết trẻ trong gia đình ông rằng: “Chúng tôi tu hành không nói dối, hằng thân cận Bậc tịnh giả, bố thí phục vụ, chẳng tà dâm, tránh xa sự sát sanh, bỏ trộm cắp cũng không uống rượu cho nên con cháu sanh ra từ cha mẹ tốt như vậy, tự nhiên sáng Trí, có nhiều trí tuệ, là người học rộng có học thức tiến hóa. Vì thế các người trẻ của tôi không chết”.

Vị danh sư nghe xong lời nói như thế bèn phát tâm phỉ lạc, hoan hỷ, đem lời ca tụng tán dương rồi trở về với tâm vô cùng trong sạch với gia đình Bồ tát.

Thưa quý vị, gia đình của Đức bồ tát trải qua 7 đời rồi mà không hề có người chết trẻ, yểu tử, có phải chăng đó là do đấng huyền cơ đã ban ân huệ?

Không như thế đâu, xuyên qua lời tâm sự của thân sinh đức Bồ tát, đã chứng minh rằng bởi người trong gia đình hằng sống thuận pháp, hành theo thiện hạnh, có giới đức cho nên có nhân như vậy mới sanh ra quả tốt thế này. Bởi vậy Đức Thế Tôn dạy rằng: “Sống thuận pháp, là pháp có đặc ân cao quý, hằng mang lại điềm lành, giúp cho người vượt qua sự nhiễm hại”. Lời dạy ấy là vậy, có giá trị vô cùng.

Thứ đến nữa là pháp có đặc ân thứ ba, nghĩa là sự Nghị lực.

Thế nào là Nghị Lực?

Thưa quý vị, nghị lực là sức cương quyết, tâm cứng cỏi quyết định trong việc làm, không thoái thoát.

Người đời, trong bất cứ nghề nghiệp, việc làm nào mà thiếu nghị lực rồi đương nhiên sẽ thất bại, bằng như có đủ nghị lực tất thành công một nửa.

Tích Trần Minh Khố Chuối xưa kia, nghèo mạt đến đỗi không quần áo mặc chỉ lấy lá chuối khô chầm lại làm khố mà mặc, vẫn đeo đuổi học; đi học đến trường phải mài mực cho các học sinh nhà giàu để xin giấy mực viết, thế mà vẫn đeo đuổi học; bọn học trò nhà giàu trêu ghẹo hà hiếp vẫn không nản, vẫn quyết tâm học hành, lại học giỏi nhất trong đám học sinh của thầy đồ, về sau ra ứng thí đỗ đến Trạng nguyên đứng đầu trong nước, hết sức vinh hiển. Đó phải chăng bởi có nghị lực?

Lại nữa như Bồ tát Temiya xưa kia là một vị hoàng tử con vua Kāsikarāja, Ngài xét thấy rằng cảnh hành phạt tội nhân của vua; phát tâm kinh cảm, sợ hãi ngôi vị làm vua. Liền đó có một vị Thiên nữ đến khuyên: “Nếu muốn lánh ngôi vua, phải là người liệt, câm, điếc”. Từ đó hoàng tử thực hành nguyện vọng. Khiến đức vua, hoàng hậu và triều thần ái ngại lo lắng, thất vọng nhất là vua.

Đức vua bèn bày ra 17 cách thử thách, xem Ngài có thật bại liệt, điếc và câm không như là:

–        Thử bằng cách bỏ đói, bỏ khát.

–        Thử bằng cách đốt lửa nóng.

–        Thử bằng cách cho voi dọa.

–        Thử bằng cách gợi thính giác, gợi thị giác, gợi tính dục, …

Bị thử thách cam go như vậy, suốt cả 16 năm trời mà Ngài vẫn cam chịu đựng, quyết tâm vì mục đích xuất gia Đạo sĩ, từ bỏ ngai vàng; đến cuối cùng nhà vua thịnh nộ truyền lệnh bắt bỏ vào rừng.

Như cọp về rừng, Bồ tát xuất gia làm đạo sĩ, tinh cần sách tấn, đắc thiền và thần thông, chết sanh về cõi Phạm thiên.

Thưa quý vị, đấy là gương nghị lực hết sức cao quí, Bồ tát tránh được tội trần, đi xuất gia, cũng nhờ có nghị lực, Trần minh khố chuối đỗ đạt vinh hiển cũng do đầy nghị lực, còn rất nhiều và rất nhiều chuyện khác nêu cao nghị lực, đã giúp thành tựu những gì, bởi thế nghị lực là pháp có đặc ân quí cao là vậy.

Nói ngay đến người tu chúng ta, nếu thiếu nghị lực là thất bại. Bởi chúng ta hằng bị rất nhiều sự thử thách cam go về bên ngoài cũng như bên trong.

Bên ngoài là sự khổ do ăn, uống, trú ở, rằng nắng, mưa, nóng, lạnh, người khác dòm ngó, xuyên tạc, dòm xiểm chỉ trích, … đó là nỗi khổ thông thường; còn như bị sanh, già, bệnh, chết là bên ngoài trọng đại.

Và bên trong chúng ta phải bị đè nén bởi áp lực của ma phiền não tham, sân, si nhất là ái dục, rồi tà kiến, hoài nghi, ngã mạn, … tất cả phiền não ấy cũng như những mũi tên độc bắn vào người chúng ta; làm cho phiền toái, khổ não, ưu bi.

Do đó nếu Bậc hành giả yếu mềm thiếu nghị lực chắc chắn rơi vào bất hạnh, khổ đau, sa ngã theo thế trần, sẽ làm ngăn chặn con đường Giải thoát, mục tiêu cứu cánh Vô sanh sẽ không đến với ngươi ấy.

Thưa quý vị, đã nêu gương trong vấn đề này, tôi xin điển hình tích chuyện có ghi chép trong kinh:

Có vị Đại đức tên là Lomasanaga, ở hành đạo tại hang tên Piyanigu ở núi Cetiyapabbata. Khi ấy nhằm mùa nắng trời thật nóng, nhưng Ngài vẫn tự nhiên ngồi tham thiền giữa nơi trống trải, mồ hôi đổ ra đến uớt y Ngài. Chư đệ tử thấy ngài như vậy nóng lòng, nên đến bạch xin ngài vào ngồi trong mát.

Ngài đáp: “Vì ta sợ nóng nên mới ngồi đây”, rồi Ngài mới quan sát đến cái nóng ở địa ngục còn cao gấp không biết bao nhiêu tỷ tỷ lần của sự nóng này, nhờ vậy nên Ngài phát triển minh sát tuệ đắc quả A-la-hán tại chỗ ngồi ấy. Đó là một gương nghị lực.

Lại nữa, có tích của vị Đại đức khác, lúc đó đại đức này đi khất thực, thiếu cơm ăn đã ba ngày, sự đói khát làm cho Ngài càng quan tâm nghĩ đến cái khổ như vầy: “Khi ta còn luân hồi trong cõi Sa-bà này, thì đã biết là bao nhiêu lần ta sanh làm ngạ quỷ, phải bị đói khát hơn đây muôn vạn lần!”.

Khi ấy, tâm ngài rất kinh sợ về sự luân hồi. Ngài dùng Minh sát tuệ quan sát vô thường, khổ não, và vô ngã, nên đắc được A-la-hán quả đó là thêm một gương nghị lực nữa.

Thưa quý vị, nhìn lại những tấm gương của các vị xưa kia, chúng ta thấy sở dĩ mà chiến thắng được trận giặc lòng, chinh phục được phiền não, thành đạt được Thánh quả, từ đây thoát được cạm bẫy đầy hiểm nguy, của ác ma bủa khắp; ấy là cũng nhờ các vị có đủ nghị lực quyết tâm vững chắc, không xao động vì pháp thế gian, hơn nữa cũng như người đời thoát khỏi sự khó, khổ sở để trở nên an vui hạnh phúc, thì cũng phải nhờ nghị lực ý chí.

Chính vì thế, mà Đức Thiên Nhân Sư dạy pháp nghị lực là pháp có Đặc ân cao quí, người có pháp này tất thoát khỏi sự nhiễm hại.

Cuối cùng tôi xin trình bày pháp có đặc ân thứ tư là Dứt bỏ.

Thế nào là Dứt bỏ?

Thưa quý vị, dứt bỏ Phạn ngữ gọi là Cāga, nghĩa là sự buông ra, sự tách ra, không chất chứa ôm giữ.

Sự dứt bỏ nơi đây có 2 là:

  1. Dứt bỏ tài vật.
  2. Dứt bỏ chướng ngại tinh thần.

Sự dứt bỏ tài vật, tức là sự thí tài, chúng ta có tài sản bao nhiêu, lượng sức mình có thể, rồi đem ra cho chúng sanh khác; hoặc là bố thí cho người nghèo khổ, khốn cùng, … hoặc là dâng cúng đến Sa môn, Bà la môn. Như thế gọi là tư cách bố thí hay dứt bỏ tài vật.

Sự dứt bỏ đào luyện cho con người tiến bộ về mặt tinh thần, là dứt lòng bỏn xẻn, không khổ tâm chấp trước, ôm ấp tài sản; bỏn xẻn là nhân đưa xuống bốn đường ác nhất là bàng sanh và ngạ quỷ. Người có tâm bố thí xả tài thì đặng tránh khỏi đường ác ấy, trong kinh có ghi nhận rằng: “Bồ tát do nhân bố thí Ba la mật quá nhiều nên không bao giờ Ngài sanh làm ngạ quỷ (quỷ đói) cả”.

Và tích xưa trong Phật giáo có kể lại rằng:

Ở thành Sattatthi có ông bá hộ rất bỏn xẻn, được mang danh Macchāriga ông ta có chôn dấu rất nhiều khạp vàng, đến lúc chết nhớ lại luyến tiếc vàng ấy, nên sanh làm chó trong nhà ấy để giữ của.

Lại như có một vị Sư vào thời Đức Phật, vốn có tâm hà tiện, được thiện tín dâng cho bộ y mới, không dám mặc, cũng không làm phước, cất giữ rất kỹ. Chừng trước giờ lâm chung tâm luyến tiếc chiếc y, bèn sanh làm con rệp trong y đó.

Thưa quý vị, tư cách dứt bỏ tài vật hay bố thí là một điều phát sanh hạnh phúc rất nhiều.

–        Bố thí là nguồn gốc sanh tài sản.

–        Bố thí là thành trì bền cố che chở tai nạn cho người chủ thí.

–        Bố thí là nơi nương nhờ của ta trong ngày vị lai.

–        Bố thí ví như ghe thuyền có khả năng đưa người qua sông biển là luân hồi, tức là bố thí Ba la mật, hành trình của Chư vị Bồ tát.

Sự dứt bỏ bố thí có đến 26 công đức, bởi vậy mới gọi là pháp có Đặc ân cao quí.

Thưa quý vị, đây tôi xin nhắc lại một câu chuyện điển hình:

Vào đời Đức Phật Ca Diếp, có vị Tỳ khưu đi thọ trai nhà thiện tín trở về thấy bầy chó gồm một mẹ và nhiều con, đang kiệt sức vì đói. Động lòng trắc ẩn, vị ấy mới móc cổ mửa ra vật thực thọ trai xong, cho bầy chó ăn, nhờ đó chúng khỏe lấy lại sức đi ở nơi khác. Vị Tỳ khưu ấy sau khi chết sanh vào cõi trời, rồi sanh lại làm người vào đời Đức Phật Thích Ca, đi xuất gia không khi nào thiếu vật thực, dù cho đi đến một xứ hạn hán nghèo đói đã lâu, chẳng phải thế, mà trước đó cả trăm kiếp không hề bị đói khát. Đó là đặc ân của Pháp dứt bỏ tài vật.

Còn nói về sự dứt bỏ chướng ngại tinh thần là sao?

Thưa quý vị, đây ý nói là xả ly phiền não, xả bỏ cảnh phiền não, sự vật gì làm vẩn đục tâm không được tiến hóa thì cố bỏ đi, để được thanh thoát nội tâm.

Như tích xưa, tiền thân Phật làm đạo sĩ tên là Kuddālaka xuất gia được 5 tháng, đến mùa mưa thì nhớ lại cân hạt giống và cái cuốc mình còn cất, liền xách về dọn đất trồng rẫy đến mùa hái hoa quả xong lại cất nữa, ở nhà chán, lại xuất gia đạo sĩ, đến mùa mưa nhớ lại cái cuốc và hạt giống để dành đó bèn hoàn tục nữa. Cứ thế đến 7 lần cũng do cái cuốc và hạt giống để dành đó, sau vị ấy mới nghĩ rằng: “Sự xuất gia của ta đây không được hoàn toàn, là do nơi 2 vật này”. Suy nghĩ xong ông bèn đem 2 vật ấy ra mé sông Ganigā, liền nhắm mắt lại quay 3 vòng rồi liệng xuống giữa sông, xong ông mới la lên rằng: “Ta đã thắng!” 3 lần.

Khi ấy đức vua Bārānāsi, đi dẹp giặc biên thùy chiến thắng trở về, ngang qua đó tình cờ nghe được như vậy, bèn vời đến hỏi cớ sự; vị Đạo sĩ ấy đáp rằng: “Sự thắng giặc bên ngoài, còn có khi thua lại, còn tôi thắng giặc bên trong nội tâm là lòng tham, là một kẻ cướp các thiện pháp mà ít ai thắng nổi được, sự đắc thắng này quả là cao quí, thế nên tôi mới la lên như vậy”.

Lúc đó, vị Đạo sĩ dùng nước sông làm đề mục đắc được thiền định, bay lên ngồi trên hư không. Đức vua và tất cả quan quân thấy như vậy, đồng thanh đảnh lễ và xin xuất gia theo hết.

Thưa quý vị, qua tích này cho ta thấy rằng cảnh trần là vật chướng ngại sự tu tập của người tu, nếu mà không dứt bỏ được ắt không đạt đến kết quả gì. Trái lại người dứt bỏ được như vị đạo sĩ Kuddālaka liệng bỏ cái cuốc và hạt giống vậy, thời tâm thoát khỏi áp lực của phiền não, nhờ vậy tâm an định dễ dàng có thể đè nén hoặc đoạn trừ năm pháp cái là: Tham dục, sân độc, hôn thụy, trạo hối và hoài nghi.

Nếu không thế nữa, sự dứt bỏ chướng ngại tinh thần cũng có khi giúp cho người thoát khỏi cái khổ tai hại và thành tựu an vui dù không hạnh phúc như là Thiền định hay Đạo quả.

Trong Túc sanh truyện, có ghi chép lại Đức Phật thuyết tích 500 người lái buôn vượt trùng dương đi ngang qua một hòn đảo tên là Jambapāni là nơi có nhiều dạ xoa cái (Yakkhim) trú, khi có ghe bị đắm, dạ xoa vớt người đem về, trước là thỏa mãn tình dục sau ăn thịt.

Thuyền của 500 người lái buôn này đi ngang đảo ấy bị đắm, các dạ xoa hóa thành các thiếu nữ đẹp ra vớt lên rồi giả đò tâm sự. Trước chồng các nàng cũng bị đắm thuyền chết hết, nay mời các vị ở lại cho có bầu bạn, các người thương buôn vì đam mê sắc đẹp các nàng ấy nên không ngần ngại, nhận lời. Về sau trong số các ông, thuyền trưởng rình bắt gặp vợ mình hiện nguyên hình dạ xoa ăn thịt người.

Ông mới thừa dịp kêu các người kia trốn đi, chỉ có 250 người bỏ vợ dạ xoa, theo ông mà trốn về xứ an vui, riêng 250 người kia vì không bỏ được sắc dục nên bị dạ xoa hại.

Nhắc tích này cho quý vị thấy rằng nếu chúng ta dứt bỏ được vật dục phiền não là điều có lợi lớn vô cùng, thoát khỏi sự nhiễm hại vì không có tâm đắm trước nên không vướng khổ. Bởi thế cho nên Đức Phật dạy pháp dứt bỏ là pháp có Đặc ân cao quí.

Thưa quý vị, trong bài thuyết trình hôm nay tôi nói về bốn pháp có đặc ân cao quý, giúp cho người thành tựu an vui vượt khỏi sự tai hại đó là:

–      Sự Chân Thật, tức là làm đúng, nói đúng và suy nghĩ đúng.

–      Sự Thuận Pháp, tức là sống hành theo thiện pháp, chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng.

–      Thứ đến là Nghị Lực, tức đủ sức cương quyết trong việc làm chân chánh.

–      Và sau cùng là Dứt Bỏ, tức bố thí tài vật và từ bỏ vật dục phiền não.

Ước mong rằng người Phật tử chúng ta ai ai cũng tu tập theo những pháp có đặc ân này, hầu tránh khỏi các điều tội khổ, tai hại và thành tựu những hạnh phúc, nhất là quả vị lai Niết-bàn.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *