BỐN PHÁP TIẾN HÓA

“Bốn pháp tiến hóa” là những pháp giúp cho chúng ta được phát triển tiến bộ ở mặt tinh thần, cho từ chỗ tối đến chỗ sáng; từ chỗ vô minh thấp hèn tiến đến chỗ sáng suốt cao thượng; từ chỗ uế nhiễm đạt tới đích thanh tịnh tinh lương. Mọi nguời Phật tử đều phải cần tu tập những Pháp tiến hóa này, bởi mục đích rốt cùng của người Phật tử là thành tựu viên mãn Tuệ giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn, không còn sanh thú tương lai; mà nơi đây những Pháp tiến hóa này giúp cho người đạt đến trí tuệ ấy. Nhược bằng, dù chúng ta chưa tỏ ngộ được mục đích vô thượng ấy vì thiện duyên chưa đầy đủ, nhưng trong hiện tại lạc thú, chúng ta cũng được an vui hạnh phúc.

Pháp tiến hóa đây gồm có 4 và 4 pháp ấy là sao?

Thưa quý vị, đó là:

  1. Thân cận Bậc tịnh giả.
  2. Nghe đặng Chánh Pháp.
  3. Khéo tác ý Pháp.
  4. Hành Pháp đúng Chân lý.

Ấy là 4 pháp tiến hóa, làm cho con người từ chỗ thấp đến chỗ cao, từ chỗ khổ đau bước đến an lạc.

Thế nào là thân cận Bậc tịnh giả?

Thưa quý vị, Bậc tịnh giả (Sappurisa) hay Chân nhân là con người thật sự, nghĩa là người trong sạch về thân, trong sạch về khẩu, trong sạch về ý. Tức là Thân hành không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm; Khẩu hành không nói dối, không nói đâm thọc, không nói độc ác, không nói điều vô ích, nhảm nhí; Ý hành không nghĩ về tham dục, không nghĩ sân hận, không nghĩ sát hại.

Hơn nữa, Sappurisa là Bậc trí thức (Paṇḍita) tức là người đa văn, học nhiều hiểu rộng, biết rõ nguyên nhân, biết rõ kết quả, biết rõ mình, biết rõ người, biết rõ thời thế, nên làm hay không nên làm, biết rõ hội chúng để xử sự và lại biết độ lượng tri túc.

Sự thực ra, Bậc tịnh giả là người biết trau dồi Phạm hạnh cao thượng, như có giới đức, bố thí, hành đầu đà, thiểu dục.

Câu nói thân cận Bậc tịnh giả nghĩa là năng gần gũi, giao tiếp, thân thích với bậc Phạm hạnh sáng suốt như vậy.

Bậc tịnh giả là người có thân, khẩu, ý lành vì thế người năng thân cận rồi không bị oan trái hãm hại và luôn luôn được an vui.

Lại nữa Bậc tịnh giả là người có phạm hạnh cao, đáng là bậc mô phạm, do vậy, những ai kết giao, hằng được thực hành ba điều tốt là bố thí, trì giới và tham thiền.

Như Đức vua Pāyāsi là người có ác tà kiến, không tin hành vi thiện ác có quả báu chi cả, về sau đến yết kiến và đàm luận cùng Đại Đức Kassapa, được nghe Chánh pháp rất hoan hỷ, liền tổ chức đại tế đàn bố thí đến các vị Sa môn, Bà la môn, luôn đến những người nghèo, những người vô gia cư, những kẻ ăn mày. Sau khi chết được sanh lên nhập chúng với Tứ đại thiên vương.

Hơn nữa, Bậc tịnh giả là vị có trí tuệ đa văn nên khi người giao cận hằng được phát sanh trí hóa do nghe và học hỏi chánh Pháp. Ấy là nguyên nhân do dứt trừ sự hoài nghi và kiến thức được chân chánh.

Thuở Đức Phật đã nhập Niết-bàn độ 500 năm, lúc ấy có đức vua Milinda trị vì xứ Sāgaha có nhiều trí tuệ, đặt ra nhiều câu hỏi rất khó khăn, chất vấn khiến cho các vị Sa môn, Bà la môn trả lời không được phải tạm lánh đi hết. Đức vua lấy làm buồn lòng vì chẳng vị nào giải nghi cho mình được. Đến một lúc nọ, có một vị Đại đức Thánh tăng là bậc trí tuệ đa văn nằm lòng Tam tạng, thông suốt nghĩa lý Phật ngôn, tư tưởng như dòng nước chảy vậy. Khi ấy đức vua Milinda mừng thầm, liền tìm đến yết kiến và vấn đạo Ngài bằng nhiều câu hỏi sâu xa vi diệu, Đại đức Nāgasena dùng nhiều phương tiện giải bày phá nghi hết cho vua Milinda, khiến nhà vua hết lòng hoan hỷ tán dương Tam Bảo và trở thành một cận sự nam lỗi lạc trong Phật giáo.

Thưa quý vị, chính vì thế người Phật tử chúng ta muốn (giải thoát) mau tiến hóa cần nên tìm đến các Bậc hiền trí. Sự thân cận bậc hiền trí Tịnh giả hằng có nhiều quả an vui như vậy, lợi ích như vậy.

Thế nào là nghe đặng Chánh Pháp?

Thưa quý vị, sự nghe đặng Chánh Pháp quả là một điều khó nên có Phật ngôn rằng:

“Kiechaṃ saddhammassavanaṃ.”

“Khó mà nghe đặng Chánh Pháp.”

Bởi thế nếu người được nghe chánh Pháp rồi hằng được an lạc yên vui lâu dài.

Chánh Pháp là những lời dạy thiết yếu, chánh chân, có công năng hướng thượng toàn thiện, đưa chúng sanh đến chỗ an vui lợi lạc. Nói đúng ra, chánh Pháp là lời dạy của Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác đã tuyên thuyết toàn hảo đoạn đầu, toàn hảo đoạn giữa, toàn hảo đoạn cuối. Nghĩa là những lời dạy bổ ích khiến cho người nghe được Giác ngộ chân lý, hiểu rõ đâu là khổ, đâu là nguyên nhân sanh khổ, đâu là pháp diệt khổ và đâu là con đường đưa đến sự diệt khổ, cùng nhân sanh khổ. Chánh Pháp đây chỉ ngay là Bát chánh đạo hay Giới – Định – Tuệ.

Lời dạy của Đức Phật dù chính Ngài tuyên thuyết hay chư vị đệ tử của Ngài lập lại cũng vẫn là chánh pháp, vẫn có giá trị tuyệt đối.

Một khi người đã được nghe Chánh Pháp rồi hằng được 5 quả báu như sau:

–        Được nghe những Pháp chưa được nghe.

–        Những Pháp đã nghe rồi hiểu rõ thêm.

–        Diệt trừ được sự hoài nghi của mình.

–        Làm cho kiến thức được chân chánh.

–        Khiến cho tâm càng được trong sạch.

Khi chúng ta nghe được Chánh Pháp hằng có 5 quả báu như vậy, nhất là con người có những điều hoài nghi lầm lạc, khiến cho trở ngại sự tiến bước đến Đạo quả giải thoát, mà khi nghe đặng Chánh Pháp rồi thì phá tan được sự hoài nghi đi.

Lại nữa, đối với chúng sanh vì chỗ ở, tư tưởng, hiểu biết, căn cứ và trình độ khác nhau nên phát sanh lên nhiều thứ kiến thức quan niệm, có khi sai lạc tà vạy. Nhưng nhờ nghe được Chánh Pháp mới làm cho kiến thức được chân chánh, hiểu biết đúng như thật.

Như thuở Đức Phật còn tại thế, có gia chủ Upālī là người theo phái ngoại đạo Nigaṇṭha có quan niệm rằng cả ba thân, khẩu và ý thì thân là quan trọng, tối trọng để tạo thành nghiệp. Về sau đến Đức Phật, Ngài dùng nhiều phương tiện giải thích; ông Upālī đắc được đạo quả Tu-đà-hoàn, dứt trừ được thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ, trở thành một cận sự nam trong Phật giáo.

Lại như vua Payāsi là người có ác tà kiến rằng: “Không có đời sau, không có các loại hóa sanh, hành vi thiện ác không có quả báu”. Đến khi nghe Đại đức Kassapa, dùng nhiều phương thế giảng giải cho nghe thì dứt bỏ được quan niệm sai lầm ấy, có kiến thức chân chánh, trở thành vị thiện nam quy y Phật, Pháp, Tăng.

Thêm nữa, người nghe đặng Chánh pháp rồi hằng làm cho tâm an vui tự tại, trong sạch quý cao. Đến như Đức Phật, có lúc nọ Ngài bị bệnh sốt, khi ấy dạy Đại đức Kassapa thuyết pháp cho Ngài nghe về Pháp thất giác chi tức là 7 Pháp giúp cho giác ngộ. Khi nghe xong, Đức Phật an vui hoan hỷ, khiến cho lướt khỏi cơn bệnh.

Thưa quý vị, nghe được Chánh Pháp là khó, mà khi nghe được rồi thì hằng làm cho người tiến hóa lợi ích an vui lâu dài, bởi thế người Phật tử phải cố gắng tìm nghe chánh Pháp, khi đã nghe thấy rồi, chúng ta không nên lơ đãng bỏ qua mà không cần nghe nữa.

Thế nào là khéo Tác ý Pháp ?

Thưa quý vị, khéo tác ý Pháp là suy xét một vấn đề đó theo đường lối trí tuệ, tạo nên nhận hiểu rõ rệt đúng đắn với Pháp.

Một người thiếu học hiểu khi gặp hoàn cảnh xảy ra, nếu là hạnh phúc thì họ mê luyến thụ hưởng một cách bồng bột, trái lại nếu là khổ đau, bất toại nguyện thì họ thất vọng, buồn nản, sầu muộn, ưu bi, họ bị đau khổ và thiếu suy xét chánh đáng.

Nhưng đối với Bậc hiền trí, thì khi phải xử sự với cảnh, vị ấy biết khéo tác ý suy xét hợp lý; gặp hoàn cảnh khổ, vị ấy dùng làm phương tiện “Khổ quán” tức là suy xét đến nỗi thống khổ phải có trong vòng luân hồi là như vậy, không ai tránh khỏi. Nhờ đó mà xoa dịu được nỗi khổ đau, đem lại tinh thần an vui thanh thoát.

Như Ngài Puṇṇa bạch xin Đức Phật cho mình về xứ Sunāparantā để hành đạo, Đức Phật dạy rằng:

“Trong xứ ấy dân tình rất hung dữ, tà kiến, nếu ngươi đến đó cũng có khi họ phỉ báng làm hại, mà gặp trường hợp họ chửi mắng ngươi, ngươi sẽ nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, lúc đó con nghĩ, dân chúng đó rất tốt, họ chỉ chửi mắng chứ không đánh đập mình.”

“Rồi này Puṇṇa nếu trường hợp họ đánh đập ngươi, ngươi sẽ nghĩ sao?”

“Bạch Thế Tôn, nếu đến như vậy, con nghĩ rằng, họ cũng còn rất tốt đối với mình, chỉ đánh đập chứ chưa giết hại, còn hành đạo được.”

Đức Phật mới hỏi tiếp rằng:

“Đến lúc nào đó, như họ tìm cách giết hại ngươi, thì ngươi sẽ nghĩ sao?”

“Bạch Thế tôn, như vậy họ cũng còn tốt đối với con, ở đời này có nhiều sự thống khổ, lắm người muốn tìm cách hủy diệt cái thân bệnh khổ này, nay ta khỏi tìm mà có.”

“Lành thay này Puṇṇa, ngươi sẽ thành công và thắng hóa trong mọi nơi nhờ đức lành này.”

Quả thật vậy chỉ trong một thời gian sau Đại đức Puṇṇa nhờ đức kiên tâm tự tại mà Ngài đã thành đạt cứu cánh Phạm hạnh tại xứ Sunāparantā và thu phục trên 1000 dân xứ ấy trở thành tín đồ.

Thưa quý vị, đến như Bậc trí tuệ nhìn thấy dòng nước chảy, hoặc ngọn đèn leo lắt hay một lời hay, vị ấy cũng biết suy xét theo lý Pháp, để rồi tỏ ngộ chân lý, chứng được quả Vô sanh.

Bà Patacāra là một vị Tỳ khưu ni, khi đang rửa chân nhìn thấy những hạt nước rơi và tan dần trên mặt suối, liền xét đến lý vô thường của thế gian mà đạt Thánh quả. Tỳ khưu ni Kisagotamī nhìn thấy ngọn nến tàn lụn sắp tắt trước ngọn gió, thì nhìn thấy sự mỏng manh ảo huyền của cuộc sống và chứng ngộ Chân lý cao siêu. Và như hai cha con của ông tiều phu nọ, lúc nghe câu hát của cô hái hoa: “Hoa sen tuy đẹp nhưng sớm nở tối tàn, kiếp người nào khác chi là hoa sen”, liền suy xét đến bản chất tạm bợ của thân này và phát sanh Tuệ độc Giác Phật.

Thưa quý vị, qua những sự kiện như vậy chúng ta thấy nhờ sự khéo tác ý, biết suy tư đúng pháp mà con người đạt đến chỗ an vui tự tại, giác ngộ những gì chưa thấu đạt, người Phật tử chúng ta không phải chỉ nghe Pháp rồi có thể tỏ ngộ lý Pháp được đâu; tất cả phải được thẩm nghiệm xét suy theo trí hóa.

Thường thường trong khi thuyết Pháp Đức Phật hay nhắc rằng: “Này các Tỳ khưu, hãy khéo tác ý, ta sẽ giảng …” hoặc “Này gia chủ, hãy khéo tác ý, ta sẽ giảng …” đó là dụng ý của Đức Thế tôn muốn dạy rằng: “Hãy sẵn sàng dùng trí suy nghiệm kỹ những lời Pháp đã được nghe cho thấu rõ lý Pháp”.

Sự khéo tác ý Pháp là nhân làm cho nhận hiểu chân lý được, rồi khiến cho thực hành đúng theo Pháp lý, bởi có biết mới có làm do đó “Khéo tác ý Pháp là nhân tiến hóa”.

Và thế nào là hành Pháp đúng theo Chân Lý?

Thưa quý vị, Pháp đúng chân lý là những pháp không đem đến hại mình, hại người hoặc hại cả hai; là những Pháp đưa đến quả báu an vui, nhất là quả vui chấm dứt ngũ uẩn, không còn luân hồi. Tức là chỉ ngay Pháp Bát Chánh Đạo hay Tứ Diệu Đế, chỉ có con đường bát chánh mới đem lại sự an lạc bất tử là Niết-bàn.

Con đường Bát chánh đạo đó là:

1.     Chánh Kiến: Tức sự nhận thấy chân chánh đối với các Pháp thế gian là khổ (Khổ); nhận thấy nguyên nhân cảnh khổ (Tập); nhận thấy sự diệt khổ (Diệt), nhận thấy con đường đưa đến sự diệt khổ (Đạo).

2.     Chánh Tư Duy: Là lối suy nghĩ chân chánh, tức suy nghĩ về sự ly tham; suy nghĩ đến vô sân là phát triển lòng từ; suy nghĩ đến sự bất hại là phát triển tâm bi đối với chúng sanh.

3.     Chánh Ngữ: Là cách nói năng chân chánh, không nói dối chỉ nói lời chân thật, không nói đâm thọc chỉ nói lời hòa hợp, không nói độc ác chỉ nói lời dịu ngọt, không nói điều vô ích chỉ nói lời hữu ích.

4.     Chánh Nghiệp: Là lối hành động chân chánh về thân, không sát hại sanh vật, không lấy của chẳng được cho, không tư thông với kẻ khác phi pháp.

5.     Chánh Mạng: Là lối nuôi mạng chân chánh, tránh lối nuôi mạng bằng thân ác, khẩu ác và ý ác.

6.     Chánh Tinh Tấn: Là siêng năng cố gắng chân chánh, tức là cố ngăn ngừa ác Pháp chưa sanh và cố phát huy thiện Pháp đã sanh.

7.     Chánh Niệm: Là sự ghi nhớ vững vàng chân chánh, không lãng quên; tức là niệm thân trên thân, niệm thọ trong thọ, niệm tâm trong tâm và niệm pháp trong pháp.

8.     Chánh Định: Là cách gom trụ tâm trên đề mục Thiền định chân chánh có đủ chi Thiền: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Định do Đức Phật xác nhận.

Hành Pháp đúng theo Chân lý phải nói là hành theo Pháp Bát chánh đạo, bởi chân lý là Tứ diệu đế, mà trong Tứ diệu đế có Bát chánh đạo là đạo đế, ngược lại trong Bát chánh đạo cũng có Tứ diệu đế.

Người hành theo Bát chánh đạo rồi, thì hằng được hiện tại lạc trú, có thể chứng tri đạo quả Vô sanh. Trong kinh Dīghanikāya. Đức Phật có dạy rằng:

“Này Subhadda, trong Pháp và Luật nào không có Bát thánh đạo, thời tại đấy không có bốn hạng Sa môn xuất hiện (Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm và A-la-hán). Này Subhadda, trong Pháp và Luật nào có Bát thánh đạo, thời tại đấy có bốn hạng Sa môn xuất hiện. Subhadda, chính trong Pháp và Luật này có Bát thánh đạo, thời tại đây có 4 hạng Sa môn xuất hiện. Nếu những vị Tỳ khưu sống chân chánh (hành Bát chánh đạo) thì ở đời này không vắng những vị A-la-hán.”

Thưa quý vị, như tích truyện sau đây:

Vào một thời ấy có ông thương buôn tên Bāhiya, bị đắm thuyền may lội được vào bờ, dùng vỏ cây làm y phục mặc. Quần chúng thấy vậy cho rằng ông là vị A-la-hán. Về sau, khi nhận định được sự lầm lẫn ấy, ông muốn biết Pháp hành để thành A-la-hán thật sự; có vị trời mách bảo ông liền tìm đến Đức Phật.

Lúc đó Đức Thế Tôn còn đang đi khất thực trên đường, ông Bāhiya đến thỉnh cầu Ngài thuyết Pháp, Đức Phật nhận thấy ông có duyên lành đắc Đạo quả được, nên Ngài dừng lại dạy cho ông hành con đường chánh đạo là Tứ Niệm Xứ bằng một bài kệ ngắn.

Khi đó, ông Bāhiya chọn một gốc cây bên vệ đường ngồi xuống chú tâm hành đạo theo phương pháp Tứ niệm xứ, chỉ trong giây lát tâm được định tĩnh lắng trong, vô minh diệt, minh sanh, đoạn tận mọi lậu hoặc phiền não ở đời và Bāhiya trở thành một vị A-la-hán.

Thưa quý vị, qua tích trên chúng ta thấy người hành pháp đúng chân lý rồi, dù trong thời gian ngắn cũng đạt kết quả tốt. Hơn nữa dù nếu ta hành đúng Pháp rồi mà chưa đắc chứng đạo quả giải thoát, thì ngay trong hiện tại cũng vẫn được an vui tự tại, ít có phiền não thiêu tâm.

Thưa quý vị, tóm lại bài thuyết trình hôm nay tôi đã trình bày về bốn pháp tiến hóa là:

1.     Thân cận Bậc Tịnh Giả, tức là gần gũi giao du với người hiền minh, thân khẩu trong sạch thiện lành.

2.     Nghe đặng Chánh Pháp nghĩa là nghe được lời dạy hữu ích của Đức Phật.

3.     Khéo Tác Ý Pháp tức là suy xét Pháp sâu xa bằng trí tuệ.

4.     Hành Pháp đúng chân lý, tức là thực hành Pháp Bát Chánh Đạo.

Xét ra bốn Pháp này có liên quan với nhau trên phương diện nhân quả, trước là đến thân cận Bậc tịnh giả là nhân cho nghe đặng Chánh Pháp, nghe đặng chánh pháp là nhân để suy xét thẩm nghiệm, sau khi suy xét thẩm nghiệm rồi là nhân cho hành chánh Pháp ấy. Mong rằng mọi người Phật tử chúng ta cũng đều hành theo bốn pháp tiến hóa này hầu đạt đến chỗ an vui lợi ích lâu dài cho đời này và cả đời sau.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *