CON NGƯỜI GIÁ TRỊ

Thời Pháp hôm nay tôi xin giảng về pháp “Con người giá trị”.

Trước hết chúng ta hãy nhận định con người giá trị là như thế nào?

Thưa quý vị, nói đến con người giá trị chẳng phải là hạng người có địa vị cao như vua Kiệt, vua Trụ, Tần Thủy Hoàng; cũng không phải là người giàu có của tiền phú túc tài sản như bá hộ Macchariya hay triệu phú Kosiya. Những con người có địa vị cao mà gian hùng bất chánh, chỉ được xem là người có giá trị đối với những kẻ đồng phe, đồng phái, xiểm nịnh mà thôi; những kẻ giàu có mà ích kỷ hẹp hòi chỉ là con người ty tiện, mặc dù đối với kẻ dưới sự bợ đỡ xem là giá trị.

Con người giá trị nơi đây là mẫu người tốt, có ích, trở thành một nguồn sinh lực cần thiết cho mọi người sống chung quanh tập trung. Con người giá trị một cách chân chánh là mẫu người vô hại cho cả hai, biết làm lợi mình và lợi người.

Thưa quý vị, muốn trở thành con người chân giá trị, thời chúng ta phải học và hành theo những pháp tác thành con người giá trị. Thật ra đối với chúng ta đây, có khi sự hiểu rất nông cạn, chỉ thấy phiếm diện một vài khía cạnh; duy có Đức Phật là bậc Thiên Nhân Sư, lối nhìn sâu sắc, am tường toàn chân, Ngài đã chỉ bày con đường lợi ích, vạch trần con đường nguy hại.

Ở đây trong kinh Dhammadhana, có ghi nhận là có 5 pháp tác thành con người giá trị.

Thế nào là 5 pháp ấy?

Thưa quý vị, thứ nhất là Thành thạo (Vyatto), thứ hai là Tự tín (Vīsārado), thứ ba là Đa văn (Uhussuto), thứ tư là Trì pháp (Dhammadharo) và thứ năm là Hành pháp tùy pháp (Dhammassa hoti anudhammacārī); ấy là 5 pháp tác thành con người giá trị. Vậy ta hãy tìm hiểu sâu hơn.

Thế nào là Thành thạo là pháp tác thành con người giá trị?

Thưa quý vị, thành thạo nghĩa là rành rẽ, lão thông, thuần thục trong bất cứ sự việc gì.

Dù là thế tục xã hội, các nghề nghiệp cũng phải thiện xảo, thành thạo: biết như thế nào là thành tựu, như thế nào là không thành tựu, thế nào là hữu ích, thế nào vô ích. Có thế, việc làm mới được thành công tốt đẹp và bổ ích.

Còn nói về như Hành giả là người Phật tử cũng phải thành thạo trong việc tu tập của mình, biết rõ Pháp hành hữu ích, pháp hành vô ích, biết rõ pháp hành chân chánh, pháp hành không chân chánh, … Chẳng hạn người Phật tử trong việc làm bố thí, trì giới lão thông rằng: “Bố thí với tư cách này là có quả báu lớn, như thế này không có quả báu lớn, trì giới khéo tác ý như vầy mới thành tựu giới bằng như với cách kia không thành tựu giới, …”. Người Phật tử là Hành giả am tường như vậy gọi là thành thạo trong việc tu tập của mình.

Người thành thạo, tinh luyện trong việc làm sẽ trở nên con người giá trị, xứng đáng, bổ ích, miễn là việc làm chánh đáng, hợp pháp và người ấy sẽ được trọng vọng nể; cá nhân được an vui hạnh phúc.

Tôi sẽ nhắc lại câu chuyện anh què chỉ nhờ thành thạo và lão luyện trong một nghề búng sạn tầm thường của anh mà được vua chú ý, cấp ân bổng.

Có một anh què nọ tại kinh đô Bārānasī có tài búng sạn rất thuần thục khéo léo, người ta thường đẩy xe cho anh ra ngoài cửa thành dưới cội cây to, đem sạn đến bảo anh bắn vào lá cây thành hình thú này, thú nọ để xem chơi rồi cho anh tiền.

Ngày nọ có vua ngự chơi vườn thượng uyển đi ngang qua chỗ ấy, thấy những lá cây lủng lỗ có hình thú rất ngộ mới phán hỏi; quan cận thần liền tâu tự sự.

Nhà vua cho vời anh què đến hỏi: “Trong triều có vị quân sư mang tật hay cướp lời trẫm, vậy khanh có cách nào trừ cái tật ấy của ông ta chăng?”

Anh què đáp: “Tâu nếu có vài cân phân dê thì hạ thần đây có phương thế làm được.”

Nhà vua bèn đem anh về, để ngồi gần bên Ngài, sau một tấm màn có khoét lỗ, bên anh có cân phân dê khô. Đoạn hồi triều thần bàn việc quốc gia.

Vị quân sư quen tật vừa hả miệng toan cướp lời vua, thì liền bị anh què, qua lổ màn búng một viên phân dê khô vào miệng, ham nói quá, ông nuốt viên phân để nói, cứ thế cho hết cân phân dê.

Đức vua bấy giờ trông thấy vậy mới bảo quân sư rằng: “Về tật ham nói, nên khanh đã nuốt hết cân phân dê khô mà vẫn chưa biết dạ dày của khanh không thể tiêu hóa được cân phân ấy. Vậy khanh hãy dùng thuốc xổ ra đi.” Vị quân sư cả thẹn ra về, từ ấy bỏ tật hay nói cướp lời.

Nhờ anh què mà nhà vua đỡ bực, nên ngài ban cho anh què ấy thâu thuế bốn thôn ước độ được 10 muôn dân, để cho anh sinh sống.

Thưa quý vị, thế là nhờ lão luyện thành thạo trong việc làm của mình, mà anh què được yên tấm thân, và có phải vì đó mà anh trở thành có giá trị chăng? Khi đối với anh là một người tàn tật, vậy thì muốn thành người có chân giá trị chúng ta phải luyện thành thạo trong việc làm, từ nghề nghiệp sống cho đến việc tu tập phải bảo đảm.

Lại nữa, thế nào là Tự Tín, pháp tác thành con người giá trị?

Tự tín là gì? Thưa quý vị, Phạn ngữ Visārado nghĩa là vững tin, không khiếp sợ, dạn dĩ khi đối diện trước sự việc gì.

Người thiếu lòng tự tín, tâm nhát sợ, có sự run sợ, khớp sượng trước việc làm thời không thể nào thành công một cách mỹ mãn, trước hội chúng kẻ thiếu lòng tự tín tất chỉ làm trò hề cho người thôi. Trái lại còn đầy lòng tự tín ắt sẽ thành công trong mọi việc.

Hơn nữa, ngay trong việc tu tập cũng vậy, Hành giả là người tu có khi gặp nhiều trở ngại cản bước tiến, lắm lúc trở ngại ấy đến quá lắm khiến cho Hành giả phải chìm sâu, thối bước, nếu không khéo và thiếu lòng Tự tín?

Thưa quý vị, Bồ tát Sĩ-đạt-ta, lúc tu khổ hạnh nơi rừng vắng, sau này đắc quả Chánh đẳng Chánh giác rồi, Ngài thuật lại cho Bà la môn Jaṇussoni nghe về nỗi lo sợ và lòng tự tín của Ngài:

Này Bà la môn, khi ta chưa giác ngộ hãy còn là Bồ tát, ta suy nghĩ: “Thật khó cho đời sống chốn rừng sâu u tịch, không dễ tìm được sự an vui, nỗi lo sợ khiếp đảm luôn luôn khuấy nhiễu tâm trí của Bậc hành giả nào chưa thuần thục thiền định gom tâm.”

Này Bà la môn, rồi ta nghĩ: “Sở dĩ sự kinh sợ phát sanh vì là do những vị Sa môn hay Bà la môn nào sống trú ẩn tại giữa rừng sâu thanh vắng mà thân nghiệp không thanh tịnh, khẩu nghiệp không thanh tịnh, ý nghiệp không thanh tịnh, sự nuôi mạng không thanh tịnh, các vị ấy còn vọng tưởng về tài, sắc, lợi, danh, hằng có tham dục, sân hận, hôn trầm, phóng dật, hoài nghi chi phối thân tâm hoặc giả những vị Sa môn hay Bà la môn ấy ngự nơi rừng vắng nhưng vẫn còn tính cống cao, ngã mạn, lười biếng, hửng hờ, ươn hèn, xảo trá, bất nhã. Vì họ không thanh tịnh nên phải bị những đều kinh sợ làm lung lạc thân tâm.”

Này Bà la môn còn về phần Như Lai khi sống trong rừng vắng, ta đã có thân khẩu ý thanh tịnh, chẳng có tham dục, giữ tâm Từ bi đối với chúng sanh, không sân hận, không lười biếng, chẳng phóng dật, chẳng hoài nghi, với tâm tư định tĩnh sáng suốt, cố diệt tính xấu cống cao, ngã mạn, si mê, hờ hững, luôn luôn có sự Tri túc và ghi nhớ biết mình; vì lẽ đó những điều kinh sợ khiếp đảm không sao lay chuyển thân tâm ta. Này Bà la môn, khi ta quan sát như vậy, ta cảm thấy lòng Tự tín xác chứng hơn khi sống trong rừng núi.

Thưa quý vị, người đời bây giờ không thể nghĩ rằng: “Vị sa môn trẻ tuổi có đầy lòng tự tín kia, sau này sẽ là đấng vĩ nhân của thế gian, là thầy của cả Chư thiên và nhân loại.”

Noi theo dấu chân Ngài, người Phật tử luôn luôn cố tạo cho mình đầy lòng tự tín, bằng cách dọn thân, khẩu, ý thanh tịnh. Diệt trừ dần dần các bất thiện pháp, khi đã làm như thế, là người thắng hóa trong mọi nơi và trở thành con người chân giá trị.

Tiếp đến, Đa văn là pháp tác thành con người giá trị.

Thế nào là đa văn?

Thưa quý vị, Đa văn (Bahussuto) nghĩa là nghe nhiều, học rộng về nghĩa lý, triết lý, pháp lý dù là người Đời hay Đạo.

Người học nhiều hiểu rộng theo kiến thức thế tục thì cũng thành giá trị đối với thế gian. Còn như đối với người tu, đa văn về kiến thức Phật pháp sẽ trở thành bậc giá trị trong Đạo Pháp. Là người xứng đáng và cần thiết cho tiền đồ.

Có lần nọ, một người đến bạch Phật: “Bạch Thế Tôn cúng dường Tam bảo là Phật bảo con đã cúng dường rồi; Tăng bảo con cũng đã cúng dường rồi, còn cúng dường Pháp bảo thì phải làm sao?”

Phật dạy: “Hãy tìm đến cúng dường những vị Đa văn, vậy là cúng dường Pháp bảo”.

Lúc ấy người ấy bèn tìm đến vị Tỳ khưu để hỏi thăm, Chư Tăng mới chỉ ông ta cúng dường đến Đại đức Ānanda, chỉ có Ngài là bậc Đa văn, thông thuộc giáo pháp nhiều.

Lại nữa thưa quý vị, lúc Đức Thế Tôn đã viên tịch được bốn tháng, Đại đức Kassapa câu hội Chư Thánh Tăng tại thành Rājagaha là kinh đô xứ Magadha, tại hang núi Vebara để kết tập Tam Tạng lần thứ nhất. Trong đại hội này Đại đức Kassapa được cử làm chủ tọa, trong đó Chư Tăng cả thảy 499 vị A-la-hán duy chỉ có Ngài Ānanda còn là Thánh hữu học Tu-đà-hoàn, nên không thể hội chúng được. Nhưng không có Đại đức Ānanda thì làm sao kết tập, vì có ai đủ sự ghi nhớ tất cả lời dạy của Đức Thế tôn ? Một vị Tỳ khưu đã hỏi như vậy.

Đại đức Kassapa gọi đức Ānanda đến quở và khuyến khích. Chư Tăng đại hội vẫn chờ đợi Ngài Ānanda, cho đến sáng hôm sau Đại đức đã thành tựu Thánh vô học, liền đi đến hội trường và khai hội. Đại đức tọa chủ liền mời Ngài Ānanda trùng tuyên lại giáo pháp đã kết tập Tam Tạng về Kinh và Vi diệu pháp.

Và quả đúng như lời Đức Phật vẫn thường ca ngợi Đại đức Ānanda là Đa văn tạng, Ngài lập lại các lời pháp, sự kiện, tích quá khứ và hiện tại, các lời Phật ví dụ, các di ngôn sắp tịch diệt không sót một đoạn, một lời nào luôn cả các địa điểm cùng tất cả các trường hợp Đức Phật vấn đáp với Chư thiên, Ngoại đạo và Vua chúa. Dứt từng thời, từng đoạn rồi qua hôm sau lại tiếp tục cho đến hoàn tất ròng rã 7 tháng trời.

Thưa quý vị, là Phật tử hết lòng tôn kính Tam Bảo, quy ngưỡng Tam bảo, hằng niệm Ân đức Phật, Pháp, Tăng thì chúng ta càng biết ơn, mến đức các bậc Thánh Tăng đã dầy công bảo tồn Chánh pháp, lưu lại nguyên vẹn giáo lý pháp bảo cho đến sau này. Công đức vô lượng vô biên đó, Đức Ānanda là một bậc Đại ân nhân của hàng Phật tử vậy.

Đức Ānanda nhờ Đa văn mà trở thành mẫu người giá trị, cái chân giá trị mà nay hàng tín đồ Phật giáo không ai dám phủ nhận, ta hãy noi gương các bậc tiền nhân, nay cố gắng học hỏi cho thật nhiều Kinh – Luật – Vi diệu pháp ngõ hầu duy trì Chánh pháp cho được lưu tồn bền lâu.

Kế đến, thế nào là Trì pháp, pháp tác thành con người giá trị?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Dhammadharo nghĩa là mang giữ pháp lý, mang giữ trong nội tâm, tức là nơi đây ý nói thông thuộc, nằm lòng giáo lý.

Các vị Pháp sự hộ pháp phải là người thông thuộc nhiều về Tông chỉ Giáo lý của mình như vậy, mới thành người giá trị; quảng bá và bảo tồn giáo (lý) pháp đặng.

Ngay đến thế tục những ai lão thông làu làu về văn hóa kiến thức xã hội, thời cũng thành người có giá trị đối với người đời.

Riêng về bậc xuất gia và hàng tại gia cư sĩ trong Phật Pháp, những giáo lý do Bậc đạo sư thuyết giảng, chúng ta thông thuộc nhiều, chẳng những có lợi cho chính mình mà có lợi ích cho người khác nữa và càng lợi cho tiền đồ chánh Pháp, vì sao vậy?

Thưa quý vị, một khi mình thông thuộc Giáo lý thời những việc đáng hành ta biết để hành, những điều không đáng hành ta biết để tránh. Như thế có lợi cho mình, có lợi cho người là do nhờ thông thuộc nhiều về giáo lý, chúng ta có thể hướng dẫn tiếp độ chúng sanh khác quay về con đường chân chánh.

Và có lợi ích cho Giáo pháp bởi thông thuộc giáo lý một cách rành rẽ, chúng ta có thể ở bất cứ nơi đâu và lúc nào cũng thuyết minh được Chánh giáo, nhờ đó Phật pháp càng tỏ sáng mở rộng.

Như trong Phật giáo thuở xưa, khoảng 500 năm sau khi Phật tịch diệt có Ngài Thánh Tăng Nāgasena, nhờ thông thuộc Tam Tạng lão thông nghĩa lý Phật ngôn nên đã thắng phục đức vua Milinda qua những cuộc vấn đáp; nhờ vậy Phật giáo đựợc thịnh hưng.

Lúc mới vào tu Sadi, Ngài Nāgasena đã nằm lòng trọn 7 bộ Diệu Pháp Tạng, do nghe qua một lần với Đại đức Bohana, rồi ngài Nāgasena lúc ấy, liền đến chỗ một ngàn triệu (100 koti) vị A-la-hán trú ngụ và thuyết lên 7 bộ diệu pháp ấy bằng ý nghĩa sâu rộng cho các Ngài nghe. Chư vị Thánh Tăng vô cùng hoan hỷ tán dương Ngài.

Có lần nọ, Ngài Nāgasena vẫn còn là phàm nhân, thế mà khi Trai tăng tại một nhà nàng cận sự nữ xong, Ngài bèn thuyết pháp hoan hỷ công đức bằng kệ ngôn thâm diệu cho cô tín nữ ấy nghe, lúc chấm dứt thời pháp giờ phút nào thì bà tín nữ ấy liền đắc quả Tu-đà-hoàn trong giờ phút ấy.

Lúc đó, có vị Đại đức khác buông lời tán dương Ngài bằng tiếng: “Sādhu, Sādhu (lành thay), ông Nāgasena này quả là có Trí tuệ và trí nhớ, là người có thể làm cho thành tựu lợi ích đến người và trời”.

Thưa quý vị, Ngài Nāgasena quả là một con người chân giá trị do nơi sự thông thuộc giáo lý của Ngài, là Phật tử như chúng ta, ít nhiều cũng phải cố gắng thông thuộc giáo pháp của Bậc đạo sư hầu đem lại giá trị an vui cho chính mình và người khác.

Và sau hết là Hành pháp Tùy pháp, tác thành con người giá trị.

Thế nào là hành pháp tùy pháp ?

Thưa quý vị, tiếng Phạn Anudhammacan nghĩa là hành theo giáo lý, còn Dhammassa nghĩa là đúng chân lý hay theo đúng chánh pháp. Như vậy sự thực hành pháp đúng với chân lý gọi là hành pháp tùy pháp.

Sự thực hành pháp đó là như thế nào?

Thưa quý vị, ở đây có 4 chân lý được xem là nòng cốt căn bản, cao siêu thâm diệu đó là Sự Khổ điều chắc chắn phải có, gọi là khổ Đế, nguyên nhân sanh khổ là điều chắc thật, gọi là Tập đế. Sự diệt khổ điều hẳn như vậy, gọi là Diệt đế và chân lý cuối cùng là con đường đưa đến sự diệt khổ, đó là điều không thể cưỡng, gọi là Đạo đế.

“Khổ Đế học để biết

Tập Đế học để diệt

Diệt Đế học để thành

Đạo Đế học để hành.”

Như vậy sự Hành pháp tùy pháp hay hành pháp đúng chân lý đây có nghĩa là thực hành con đường Diệt khổ tức Bát Chánh đạo là Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Khi người đã thực hành con đường Bát Chánh đạo này là người có Giới, có Định và có Tuệ, được đến đích vô thượng là Niết-bàn, là người đến Thánh vực chẳng còn phiền não, Bậc đã sáng chói cả đời này vì như trăng thoát khỏi mây che vậy.

Khi xưa có người thuơng buôn Bāhiya trước lầm tưởng rằng mình đã đắc quả A-la-hán về sau hiểu ra liền đi tìm Đức Phật để thọ giáo với Ngài.

Lúc ấy Đức Phật đang trên con đường khất thực, ông Bāhiya tiến đến đảnh lễ Phật, và bạch xin Ngài dạy pháp hành cho thành tựu A-la-hán. Đức Phật xét thấy duyên lành của ông đã đến, hơn nữa ông sẽ chết lúc trưa nay. Nên Ngài tạm dừng, thuyết cho ông nghe đại lược về pháp hành Tứ niệm xứ, nghĩa là phải giữ kềm cái tâm, có sự biết mình, ghi nhớ vững vàng trong mọi hành động oai nghi của thân tâm. Ông Bāhiya hoan hỷ tín thọ pháp, rồi bèn đến gốc cây bên vệ đường ngồi xuống Thiền định an trú chánh niệm vững vàng, thân tâm yên tĩnh, phát triển Tuệ minh sát chứng lậu tận thông, gánh nặng đã đặt xuống, không còn gì phải làm nữa, chẳng còn tái sanh trong tương lai, tức là Ông Bāhiya đã trở thành vị A-la-hán thật sự, bấy giờ Ngài Niết-bàn tại chỗ, do con bò húc chết. Khi ấy các vị Tỳ khưu thương tiếc bạch hỏi Phật sanh thú của vị ấy ra sao? Đức Phật dạy: con của Như Lai đã giải thoát rồi, việc phải làm đã làm rồi không còn tái sanh nữa.

Thưa quý vị, nhờ hành theo pháp đúng chân lý mà ông Bāhiya trở thành bậc Thánh nhân vô lậu, nghĩa là thoát khỏi mọi trói buộc phiền nhiễu, rất xứng đáng là ruộng phước ở đời, bởi thế trong hàng Phật tử chúng ta muốn tiến đạt thành con người chân giá trị cần phải hành theo Giáo lý đúng chánh pháp, không tà vọng suy suyển, nghĩa là trước hết phải nhận định tỏ tường chắc chắn bảo đảm, có như thế mới tiến hóa ích lợi, bằng không sẽ thành người bất hạnh không may.

Trong thời pháp hôm nay, tôi vừa nói về pháp tác thành con người giá trị. Là người có đầy đủ tư cách, đức tính, giá trị đó là tư cách Thành thạo trong việc làm; thứ hai là tư cách Tự tín dạn dĩ trước mọi việc; thứ ba là Đa văn nghe nhiều học rộng; thứ tư là tư cách Thông thuộc Giáo lý và thứ năm là tư cách Hành theo pháp đúng Chân lý. Đối với người nào có đủ tư cách này rồi là người có giá trị trong mọi nơi và đạt đến đích an lạc, hiện tại được yên vui.

Do đó người Phật tử chúng ta muốn lợi ích an vui nên tu tập cho mình những pháp tác thành con có người giá trị.

Thời pháp hôm nay cũng vừa thích hợp.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *