Đức Vua Cha Thiên Phủ (vùng trời) – Danh hiệu: Ngọc Hoàng Thượng Đế – Màu sắc đại điện: màu vàng
Việc thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế rất phổ biến trong tín ngưỡng tôn giáo của người Việt. Trong các chùa miền Bắc Việt Nam từ lâu đã phối thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần khác như Nam Tào, Bắc Đẩu, Phạm Thiên, Đế Thích,…
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ của Việt Nam, Đức Vua Cha Ngọc Hoàng được coi là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh – đấng thần chủ tối cao của Đạo Mẫu Việt Nam. Ngài được cho là đang ở và làm việc tại một cung điện trên trời gọi là Thiên Phủ, nơi có rất nhiều tiên nữ hầu hạ, và các thiên binh thiên tướng canh gác. Trong Đạo Mẫu, Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị Thánh cao nhất. Nhưng trên cõi thiên phủ thì Ngọc Hoàng Thượng Đế lại là đấng tối cao, vì vậy trong các đền phủ, Ngài cũng được phối thờ và thường có ban thờ riêng với hai vị Nam Tào và Bắc Đẩu hầu cận hai bên.
Long ngai chín bệ kim môn
Hoàng Thiên Thượng Đế Chí Tôn cầm quyền
Khắp tam thiên đại thiên thế giới
Vua Ngọc Hoàng quyền đại tối linh
Thần tích Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế
Truyền thuyết Thần Trụ Trời (Ông Trời) của người Việt Cổ
Để giải thích về nguồn gốc của thế giới, người Việt Cổ đã sử dụng thần thoại Thần Trụ Trời:
Thuở ấy, chưa có thế gian, chưa có muôn vật. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng một vị thần khổng lồ xuất hiện. Thần dùng đầu đội trời lên cao. Rồi thần đắp đất đá thành một cái cột để chống trời. Cột càng được đắp lên cao bao nhiêu thì bầu trời càng cao rộng ra bấy nhiêu. Thần hì hục đào đắp để nâng vòm trời lên mãi lên mãi… Từ đó, trời đất mới phân đôi. Đất phẳng như cái mâm vuông, trời tròn như chiếc bát úp. Nơi trời đất giáp nhau gọi là chân trời. Khi trời đất đã ổn định, rạch ròi, thần phá đi cái cột, hất tung đất đá khắp nơi. Vì thế, cột trụ trời bây giờ không còn nữa, nhưng vết tích của cột vẫn còn ở núi Yên Phụ (Kim Môn, Hải Dương). Còn những nơi đất đá văng đến, thì thành núi đồi, gò đống; những chỗ bị đào thì thành biển sâu hồ rộng. Rồi những thần khác xuất hiện nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển…
Ngọc Hoàng Thượng Đế của Đạo Giáo
Sau này khi đạo Lão từ Trung Quốc du nhập vào Việt Nam thì Ông Trời mới được gọi là Ngọc Hoàng. Từ thượng cổ, người Trung Quốc đã tôn thờ một vị vua trên trời, gọi là Ngọc Hoàng. Tuy nhiên từ đời nhà Thương thì Ngọc Hoàng đã hoàn toàn chỉ là một vị vua cai quản cõi tiên giới, không có quyền năng sáng thế. Vị Vua trời này được cho là sống tại một cung điện tại chính giữa bầu trời, tại Thiên Cực Bắc. Đến các triều đại về sau, vị thần này được gọi dưới nhiều danh hiệu khác nhau: Thiên Đế, Ngọc Đế, Đế Tể
Trong đạo Mẫu của Việt Nam, Ngọc Hoàng được gọi là Vua Cha Ngọc Hoàng, là cha của Thánh Mẫu Liễu Hạnh – đấng thần chủ tối cao của đạo Mẫu.
Truyền thuyết Ngọc Hoàng Thượng Đế giáng trần của Trung Quốc
Theo truyền thuyết dân gian phổ biến ở Trung Quốc thì Ngọc Hoàng Thượng đế vốn người trần, tên là Trương Hữu Nhân, là trang chủ ở Trương Gia Loan, quận Thông Châu, thủ đô Bắc Kinh. Vì có tính khiêm nhường và kiên nhẫn, ông được gọi là Trương Bách Nhẫn; do hay giúp đỡ người khác, tu luyện thành tiên nên ông được gọi là Đại Quý Nhân. Trương Hữu Nhân có một vợ họ Vương, tức Tây Vương Mẫu và bảy cô con gái: Đại Thư, Nhị Thư, Tam Thư, Tứ Thư, Ngũ Thư, Lục Thư và Trương Thất Nữ.
Thuyết khác nói vợ của Ngọc Hoàng có hiệu là Thiên Hậu, có chín con trai. Em gái Ngọc Hoàng là Dao Cơ lấy người phàm trần là Dương Thiên Hựu sinh ra Nhị Lang Thần. Cũng theo truyền thuyết Táo Quân ở Trung Hoa, vì Trương Lang cùng họ với Ngọc Hoàng Thượng đế, nên được Ngọc Hoàng đã phong cho Trương Lang làm Táo vương. Ngọc Hoàng ở tại một cung điện trên trời gọi tắt là điện Linh Tiêu, cùng với vợ mình là Tây Vương Mẫu.
Trời có 13 tầng, mỗi tầng có 30 000 dặm. Khu vực ngoài trời gọi là Vô Cực. Còn khu vực trời trong gọi là Thái Cực. Thái Cực Thiên, lại phân ra năm thiên là: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung thiên. Các thái cực thiên do Ngọc Hoàng sắp xếp, gồm có:
- Trung Thiên: là nơi cư ngụ của Ngọc Hoàng điều khiển 36 thiên, 3000 thế giới và dưới là 72 địa sát, tứ đại Bộ Châu có các sinh linh đang sống.
- Bắc Thiên: Ngọc Hoàng giao cho Tử Vi Đại Đế cai quản. Phương này chủ về việc ban tiền bạc tài sản. Toàn bộ các vì chúng sao trên trời và giáng họa phúc của con người.
- Nam Thiên: tại đây do Văn Xương Đế Quân, Văn Hành Thánh Đế cai quản. Thiên này quản lí việc theo dõi ghi chép công tội, hoặc bổ nhiệm các Thiên Tử ở nhân gian, thăng giáng các cấp của tất cả các chư thần.
- Đông Thiên: Ngọc Hoàng để Tam Quan Đại Đế cai quản. Tại đây chủ về ban phúc tăng tuổi thọ, giải tai xá tội trừ nạn cho sinh linh
- Tây Thiên: phương này do Như Lai Phật. Sau này truyền cho Phật Tổ Quan Âm và Thích Ca Mâu Ni. Tại đây chủ về giáo dục tâm linh cho con người. Dạy họ làm lành tránh dữ và quy y theo phật để tu đạo giải thoát.
Trong văn hóa Việt Nam, hình tượng Ngọc Hoàng Thượng Đế do Phật giáo của Ấn Độ gặp Đạo giáo của Trung Quốc rồi truyền qua Việt Nam. Đến đây gặp tín ngưỡng bản địa thì tạo thêm những hình tượng mới. Sau này ở Việt Nam hình thành và phát triển tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (ba tôn giáo Phật, Lão, Nho cùng một gốc), nên trong chùa có thờ cả Phật, Ngọc Hoàng Thượng Đế, Tiên Thần, Mẫu, và cả những người có công với triều đình, quốc gia, tạo nên một thế giới tâm linh chung, không còn tách biệt, mà trong đó Phật là trung tâm và cao nhất.
Đền thờ Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế
Việc thờ Ngọc Hoàng Thượng đế rất phổ biến trong tín ngưỡng tôn giáo của người Việt. Các chùa miền Bắc Việt Nam từ lâu đã phối thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần khác như Nam Tào, Bắc Đẩu, Phạm Thiên, Đế Thích… Đây là dấu ấn của tư tưởng Tam giáo đồng nguyên (Nho – Phật – Đạo cùng một nguồn mà ra). Ở Việt Nam có các di tích sau đây thờ Ngọc Hoàng Thượng đế (chỉ thống kê nơi thờ chính, không tính việc phối thờ Ngọc Hoàng trong rất nhiều đền, chùa và điện thờ Mẫu Tam Phủ):
- Đàn Kính Thiên Tràng An ở xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các vị Phạm Thiên, Đế Thích, Nam Tào, Bắc Đẩu với Lễ tế Thiên được diễn ra hàng năm.
- Đàn Nam Giao thuộc di tích cố đô Huế là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm. Lễ tế Nam Giao là nghi lễ quan trọng bậc nhất dưới chế độ quân chủ vì chỉ nhà vua mới có quyền làm lễ tế Giao, tức là tế Trời Đất, nhằm khẳng định tính chính thống của triều đại, uy quyền của Hoàng đế tuân theo mệnh trời mà cai trị dân chúng.
- Đền Đậu An tại thôn An Xá, xã An Viên, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên là nơi thờ Ngọc Hoàng Thượng đế cùng các thiên thần.
- Chùa Ngọc Hoàng ở thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
- Chùa Ngọc Hoàng toạ lạc tại số 73 đường Mai Thị Lựu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM, vốn là một ngôi điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế.
- Nhà thờ họ Trương Việt Nam tại thị trấn Thiên Tôn, Hoa Lư, Ninh Bình thờ Ngọc Hoàng Thượng đế với tên húy Trương Hữu Nhân hay Trương Ngọc Hoàng.
- Điện Bồ Hong trên đỉnh núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
- Chùa Vân An ở thị trấn huyện Bảo Lạc, Cao Bằng thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và Quan thế âm Bồ Tát với lễ hội Lồng Tồng hằng năm được tổ chức vào ngày mùng 9 tháng Giêng, ngày sinh của Ngọc Hoàng Thượng đế.
- Đền Ô Xuyên, xã Cổ Bì, Bình Giang, Hải Dương thờ Ngọc Hoàng Thượng đế và năm vị Thành hoàng làng. Tương truyền, đây là nơi Ngọc Hoàng thường xuống chơi du ngoạn.
Khánh tiệc Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế
Vào ngày 09 tháng 01 Âm lịch hàng năm được coi là ngày thánh đản Đức vua cha Ngọc Hoàng Thượng đế tự thân giáng hạ nhân gian.
Bản văn Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế
(Bản văn được hát nhân ngày khánh tiệc Đức Vua Cha Ngọc Hoàng mùng 09 tháng Giêng hàng năm)
Thần kim ngưỡng khải tấu thiên tôn
Tọa thượng dương dương nghiễm nhược tồn
Nguyện thỉnh pháp âm thi huệ lực
Tùy cơ phó cảm nạp trần ngôn
Tiết xuân thiên tam dương khai thái
Mở vận lành vạn đại hưng long
Linh Tiêu Kim Khuyết Vân Cung
Tâm hương thấu đến cửu trùng thiên thai
Thuở đất trời âm dương hòa hợp
Kiến tạo nên vũ trụ càn khôn
Long ngai chín bệ kim môn
Hoàng Thiên Thượng Đế Chí Tôn cầm quyền
Khắp tam thiên đại thiên thế giới
Vua Ngọc Hoàng quyền đại tối linh
Ngôi cao chính ngự thiên đình
Ngai vàng thống chế quần sinh muôn loài
Hằng giá ngự đan đài tử phủ
Khúc nghê thường y vũ xướng ca
Đàn cầm thánh thót thánh tha
Tiếng dâng ngọc tửu hoàng hoa đượm mùi
Vườn thượng uyển thảnh thơi thánh giá
Điện Linh Tiêu thong thả giáng lâm
Đào viên mở hội long vân
Bách tiên văn vũ quần thần âu ca
Cửa thiềm cung bách hoa tiên tử
Đứng đôi bên ngọc nữ cung phi
Rồng bay phượng múa nghê quỳ
Trăm hoa đua sắc tức thì tỏa hương
Nhân khánh hạ tam dương cửu nhật
Thiết đàn tràng kính ngưỡng thiên công
Thần đăng ngũ quả tiến dâng
Kính xin soi xét lỗi lầm trần gian
Ban phúc lộc nhân khang vật thịnh
Khắp bốn mùa cát khánh tường quang
Phong điều vũ thuận an khang
Mãn thiên hỷ khí xuân quang lại về
Thiên tăng tuế đề huề trường thọ
Chiếu nhân gian trăm họ giai xuân
Ơn trên bảo quốc hộ dân
Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường
Theo vai vế Đức Vua Cha Ngọc Hoàng Thượng Đế là đấng tối cao, là cha của Thánh Mẫu Thần chủ vì vậy chắc chắn không thể có giá hầu Đức Vua Cha. Ngày nay có thể đâu đó bắt gặp một số thanh đồng hầu giá Đức Vua Cha Ngọc Hoàng là không đúng, điều này là biến tướng không đúng lề lối phép tắc của đạo Mẫu, các thanh đồng cần nhận thức rõ điều này.