HAI PHÁP CHƯỚNG NGẠI SỰ AN LẠC

Pháp chướng ngại sự an lạc là thế nào?

Thưa quý vị, Pháp chướng ngại sự an lạc nghĩa là Pháp che lấp mất sự an lạc hạnh phúc của chúng sanh. Mặc dù trong thâm tâm chúng sanh vẫn hằng mong muốn được an vui, không oan trái, không chinh phạt, không kình chống cũng không hãm hại; dù như thế, mà bên trong chúng sanh đã có những pháp đê tiện này rồi thì vẫn không thoát khỏi bốn điều tác hại: oan trái, chinh phạt, kình chống và hãm hại lẫn nhau. Do đó gọi là Pháp chướng ngại sự an lạc.

Nguyên khi Đức Thế Tôn trú tại hang động Indasāla trên núi Vediya gần thành Rājagaha, xứ Magadha. Bấy giờ Đức Trời Đế Thích cùng một số đông thiên chúng có cả nhạc công Càn thát bà Pancankha, hội nhau đến yết kiến Đức Phật tại hang động Indasāla.

Khi ấy, Đức Trời Đế Thích có lời bạch hỏi rằng: “Bạch Thế Tôn, do triền phược chi mà Chư thiên, nhân loại, Atula, Long vương, Càn thát bà cùng những loài khác đều muốn rằng không bị oan trái, không bị chinh phạt, không bị kình chống, không bị hãm hại, thế mà mỗi mỗi chúng vẫn sống thù hận, có oan trái, có chinh phạt, có kình chống, có bị hãm hại?”

Đức Thế Tôn trả lời rằng: “Này Thiên chủ, do triền phược Tật đố và Lận sắc mà hàng Chư thiên, nhân loại, Atula, Long vương, Càn thát bà cùng những loài khác đều muốn rằng không bị oan trái, không bị chinh phạt, không bị kình chống, không bị hãm hại thế nhưng chúng vẫn sống thù hận, có oan trái, có chinh phạt, có kình chống, có hãm hại!”

Thưa quý vị, đó là hai Pháp chướng ngại sự an lạc, làm cho chúng sanh sống mất sự an vui, có sự thù hằn lẫn nhau tức là Tật đố (Ghen tỵ, được xếp đồng loại với tâm sân)Lận sắc (bỏn xẻn, keo kiệt). Đức Phật đã dạy như vậy.

Tật đố là như thế nào? Tại sao Tật đố là Pháp chướng ngại sự an lạc? Tật đố mang lại quả báo chi, hành pháp gì để diệt trừ Tật đố?

Đó là các vấn đề phải bàn. Về Pháp chướng ngại sự an lạc thứ nhất.

Thưa quý vị, Tật đố dịch từ Phạn ngữ “Issa” hay cũng gọi là ganh tỵ, nghĩa là sự ghen ghét, đố kỵ với sự thành tựu hạnh phúc của người khác. Khi thấy người ta được ưa chuộng, lợi lộc, được tôn trọng, được kính mến thì là không vừa lòng, cố tránh mặt với sự thịnh vượng của kẻ khác. Đó là đặc tính của Pháp tật đố.

Với người đã sanh tâm tật đố (ganh tỵ) thì chẳng bao giờ được hân hoan vui vẻ; tâm của người ấy luôn luôn xốn xang khó chịu dù kẻ ấy đang hưởng sự sung túc cũng không được yên vui, chính vì vậy Pháp này được xếp đồng loại với tâm sân, bởi có trạng thái uất ức khó chịu. Như tích truyện về vị giáo chủ Nigaṇtha Nàtaputta sau đây. 

Ngày xưa có gia chủ Upālī là tín đồ của vị giáo chủ Nigaṇtha Nàtaputta, một ngày kia gia chủ Upālī đến luận đàm cùng Đức Phật, được Thế Tôn hướng dẫn quay về Chánh Pháp và trở thành Bậc thánh cư sĩ, từ đó hết lòng phụng sự Tam Bảo. Đến một lúc nọ, giáo chủ Nigaṇtha Nātaputta nghe được những lời ca tụng của gia chủ Upālī tán dương Đức Phật thì uất ức hộc máu nóng ra ngay tại chỗ ngồi.

Bởi thế nên gọi tật đố là một Pháp chướng ngại sự an lạc.

Thưa quý vị, trong Kinh Cūlakammavi bhanga có đề cập khi thanh niên Subhatodeyya bạch hỏi về sự chênh lệch giữa tầng lớp người trong xã hội, được Đức Phật ghi nhận rằng:

“Này thanh niên, ở đời này có những người có tánh ganh tỵ đối với người khác được lợi lộc, được danh dự, được kính trọng, yêu mến thì sanh lòng ghen ghét, đố kỵ người đó. Bởi cách hành động không lành ấy, sau khi thác phải đọa sanh vào cõi khổ; nếu tái sanh lại làm người thì phải chịu thế cô quyền chức nhỏ”.

Trong thế gian này, có những kẻ bất lực thế cô, đó cũng do nghiệp đê tiện tật đố của họ đã gây ra. Đối với người sanh tâm tật đố với kẻ khác chẳng những phải chịu cái hậu quả cay đắng như vậy không đâu, mà chính cái tư cách hèn hạ này còn khiến chúng sanh gieo nhiều mầm ác pháp để rồi phải thụ hưởng thêm những quả chua cay tương ứng với hành động đã làm. Kẻ ganh tỵ luôn tìm cách làm cho giảm giá trị của người cao quí. Và như vậy, nếu lúc ấy gặp người phản ứng lại, thì cả hai người ganh và kẻ bị ganh mới sinh ra oan trái oán thù và làm hại lẫn nhau. Nhược bằng người bị ganh không có thái độ phản kháng mà lại còn khoan miễn, tha thứ; như thế kẻ ganh phải lãnh chịu hậu quả thảm khốc một mình.

Nói đến đây tôi còn nhớ có chuyện vị Tỳ khưu trụ trì, tiền kiếp của ngoại đạo Jambuka.

Vào thời Đức Thế tôn Kassapa; một lần nọ có vị Thánh tăng A-la-hán vào ngụ nhờ trong Chùa của thầy Tỳ khưu trụ trì nọ. Thiện tín thấy vị khách Tăng khả kính, cốt cách siêu phàm, thanh tịnh thì phát tâm trong sạch cúng dường vật thực, y mặc và mời thợ cạo đến cạo tóc cho vị ấy. Vị tỳ khưu trụ trì thấy vậy bực dọc khó chịu vì ganh tỵ, bèn tìm lời thóa mạ cho tổn danh dự đi:

“Ống thật không xứng đáng với sự hộ độ cúng dường, hãy ăn phẫn  còn hơn dùng vật thực, hãy lõa thể còn hơn mặc y phục, hãy cạo đầu bằng bẹ thốt nốt chớ có cạo bằng dao bén”.

Sỉ vả như vậy rồi, vị Sư trụ trì ấy, sáng hôm sau còn dùng lời bêu xấu Ngài nơi nhà thiện tín nữa. Nói về vị Thánh tăng khách nghĩ thương hại cho kẻ phàm phạm thượng phải bị hậu quả khổ đau, không muốn để cho họ gây thêm ác nghiệp nữa, nên Ngài đã bỏ đi lúc rạng sáng.

Vị tỳ khưu do nghiệp xấu xa đê tiện đã gây, nên dù tu trì Giới luật chân chánh trong kiếp đó cũng không chuyển nghiệp được, sau khi thác phải đọa sanh vào địa ngục rất lâu đời. Đến kiếp có Đức Phật Thích Ca ra đời, thầy được sanh trở lại làm người có tên là Jambuka, con của một gia đình bá hộ trong thành. Thế mà từ nhỏ đến lớn không bao giờ chịu ăn cơm bánh, mà chỉ làm người ăn phẫn để sống, không bao giờ mặc y phục, chỉ lõa thể mà thôi. Đến khi xuất gia theo ngoại đạo cũng không cạo đầu bằng dao cạo, mà chỉ toàn chuốt bẹ thốt nốt để cạo tóc, đầu bị trầy trụa sần sùi, máu chảy dầm rất đau đớn. Mãi sau, Đức Phật đến hóa độ đắc quả A-la-hán rồi mới khỏi nghiệp khổ ấy.

Thưa quý vị, xuyên qua mẩu chuyện này cho chúng ta thấy đó là hậu quả không tốt đẹp của sự Tật đố, người Phật tử cần phải từ bỏ, lánh xa tư cách xấu hèn ấy. Có như vậy, đời sống chúng ta mới được hòa đồng an vui.

Phải diệt trừ Tật đố bằng Pháp hành chi đây?

Thưa quý vị, là phải biết tri nhân, tri quả. Nghĩa là phải suy nghĩ về tội khổ sanh ra cái hậu quả thảm khốc như thế nào? Rồi phải chán nản ghê sợ tư cách ganh tỵ. Lại nữa, phải suy xét rằng: “Chúng sanh ấy cũng như mình, sở dĩ họ được thành tựu hạnh phúc như vậy, chẳng phải nhờ một sự ngẫu nhiên, mà chính là do nơi sự trao dồi đức hạnh trong nhiều đời nhiều kiếp. Ta muốn được hưởng quả thành tựu hạnh phúc như vậy, tất nhiên phải cố gắng đào tạo nhân lành, phải sửa đổi tánh nết cho ra người mẫu mực, phải an cư tự túc, phải xử sự vuông tròn theo Nhân đạo.” Thử hỏi, ta không tạo nhân lành, chỉ lo ganh ghét đố kỵ với kẻ khác như vậy, có đem đổi lại hạnh phúc ấy cho ta chăng? Mà trái lại còn gây thêm phần khốc hại nữa là khác.

Đó là chúng tôi đã trình bày chi Pháp chướng ngại sự an lạc thứ nhất. Tiếp đến là chúng tôi bàn đến chi Pháp chướng ngại sự an lạc thứ hai, tức Lận sắc.

Thế nào là Lận sắc?

Thưa quý vị, lận sắc dịch từ Phạn ngữ “Macchariya” nghĩa là bỏn xẻn, keo kiệt, bòn rít; tức là tư cách không xả bỏ, chia sớt đến người khác. Đặc tính của Pháp lận sắc là ôm giấu lợi tức của mình, không muốn người khác dính dấp với sự thành lợi của ta.

Sự bỏn xẻn hay lận sắc có 5 cách:

1.     Bỏn xẻn chỗ ở nghĩa là không muốn cho ai tá túc, lưu trú trong chỗ ngụ của mình; nếu có ai đến xin ở thì viện đủ lẽ chối từ.

2.     Bỏn xẻn dòng giống nghĩa là phân chia giai cấp, không muốn người giai cấp thấp trà trộn pha lẫn với giai cấp sang trọng của mình.

3.     Bỏn xẻn sắc tốt, ở đây chú giải ghi nhận rằng tiếng gọi sắc tốt hay Vaṇṇa là ám chỉ danh dự, ngợi khen, đồng ý; nghĩa là không muốn cho ai ca tụng, tán dương tài đức của kẻ khác.

4.     Bỏn xẻn lợi lộc nghĩa là không muốn dứt bỏ chia sớt tài sản vật chất của mình cho ai hết.

5.     Bỏn xẻn Pháp nghĩa là dấu đút sự hiểu biết của mình, không muốn dạy cho ai biết, sợ e người bằng mình hoặc giỏi hơn mình.

Đó là những tư cách bỏn xẻn (lận sắc).

Thưa quý vị, ở đời, chúng sanh còn nguyên nhân bỏn xẻn, nguời có không chịu chia sớt cho nguời không có, thành thử sanh ra sự tranh giành, cướp giựt lẫn nhau, mà chúng sanh sống trong sự tranh giành, cướp bóc thì đời sống đâu còn sự an vui hạnh phúc.

Trong kinh Dīghanikāya có dạy rằng: “Vì không bố thí nên nghèo đói hưng thịnh; vì nghèo đói hưng thịnh nên trộm cuớp hưng thịnh; vì trộm cướp hưng thịnh nên đao kiếm, hình phạt hưng thịnh, rồi thì ác nghiệp sanh lên. Do vậy tuổi thọ dung sắc bị giảm thiểu.”

Thế nên Pháp lận sắc được xem là Pháp chướng ngại sự an lạc vì làm cho đời sống chúng sanh không đặng an vui, gây nhiều oan trái, thù hận, tranh chấp.

Thưa quý vị, Pháp lận sắc hay sự bỏn xẻn gây nên nhiều kết quả không tốt đẹp về sau; thường thì bỏn xẻn dẫn chúng sanh vào 4 đường ác, nhất là Ngạ quỷ (quỷ đói) hay súc sanh. Lại nữa nếu sanh làm người thì không có nhiều tài sản, bởi nhân bỏn xẻn không bố thí giúp đỡ ai hết. Đó là nói đến hậu quả tư cách bỏn xẻn lợi lộc của mình.

Còn như sự bỏn xẻn chỗ ở sẽ là nhân tạo về sau đơn côi, không ai hoan hỷ cho chứa ngụ. Người bỏn xẻn dòng giống về sau ắt bị mất mát tổn thương, tạo ra bất hòa khí. Còn về bỏn xẻn sắc tốt, tức bỏn xẻn sự ngợi khen ca tụng, chính mình sẽ không được người xưng tụng hoặc đã có thì bị xem rẻ về sau, như tích truyện sau:

Có một vị Tỳ khưu nghe thiện tín ca tụng Ngài Sārīputta thuyết pháp hay, thì thâm tâm không muốn, nên bảo rằng Đại Đức Sārīputta thuyết như vậy cũng chưa hay lắm, đâu bằng ta thuyết, về sau thiện tín hợp lại thỉnh cầu thầy Tỳ khưu ấy thuyết pháp, thầy thuyết không được bèn tìm cách lẩn tránh, thiện tín chạy theo, vì quá hổ thẹn nên hấp tấp bị rơi vào hầm phẫn, dính đầy mình.

Lại nữa, như bỏn xẻn pháp, không muốn nói cho ai cùng biết pháp này, sợ họ bằng hoặc hơn mình, đó là nhân tạo hậu quả về sau không đặng nhiều trí nhớ, trí tuệ; hơn nữa sự hiểu biết học hỏi của mình sẽ trở thành vô dụng, như tích truyện sau:

Vị Tỳ khưu tên Cūllapaṇṭhaka, người không có mảy may trí nhớ, trí tuệ chi cả, ngài thuộc mỗi một câu. Chuyện ấy Đức Phật ghi nhận rằng, trong một đời sống trước, vị ấy là người thông suốt giáo pháp, hiểu hết nghĩa lý. Nhưng khi các vị khác hỏi về điều này điều kia, vị ấy không muốn giảng giải cho biết, bèn kiếm kế chỉ qua hỏi vị Đại đức khác; do nghiệp xấu như vậy nên đời này phải bị tối mê dốt nát.

Thưa quý vị, thuở xưa có ông bá hộ, người ta gọi là Machaṇyaseṭṭhī rất bỏn xẻn, keo kiệt dù có tài sản đầy nhà nhưng không hề bố thí chia sớt cho ai cả, đến khi thác rồi bị sanh làm chó trong nhà để giữ của chôn cất.

Lại có ông bá hộ khác do nhân bỏn xẻn, chết sanh làm người ăn mày khổ sở bần túng, khi xin đến trước nhà cũ của mình, người nhà bèn bắt trói lại bỏ ngoài đống rác. Đó là những hậu quả do bỏn xẻn.

Trở lại vấn đề, chính pháp bỏn xẻn cho chúng sanh có một cuộc sống bị dính mắc, do đó lệ thuộc mà không thể giải thoát được. Trong cuộc sống hằng ngày cũng vậy, bỏn xẻn tạo ra không khí bóp nghẹt khó thở, ai cũng ôm ấp bảo thủ của mình, nên sinh ra phiền phức, khó chịu. Chính vì vậy Đức Phật dạy phải xả tài bố thí.

Vậy muốn diệt trừ pháp Lận sắc (bỏn xẻn) phải hành như thế nào?

Thưa quý vị, phải suy xét cho thấy rõ tội lỗi và tai hại phát sanh do sự bỏn xẻn, với các quả lành thành tựu do sự xả hỷ và cũng phải quán xét rằng: Thế gian là vô sở hữu, ra đi phải bỏ tất cả, chấp giữ cho lắm rồi ra đi (chết) cũng bỏ lại tất cả, chỉ mang theo cái hành trang là nghiệp thiện hay ác của mình tạo mà thôi. Có thiện ngôn rằng: “Những gì tôi tiêu dùng thì nó đã mất, cái chi tôi tồn trữ thì phải để lại cho kẻ khác dùng, duy chỉ có những cái gì tôi đã cho là còn thuộc về tôi thôi”. Vậy cần nên quán xét như thế.

Và cũng nên nhớ rằng cả hai pháp Tật đố và Lận sắc do hai nhân Thương và Ghét khiến cho phát sanh. Như vậy nghĩa là sao?

Tức là khi một kẻ nào thân thích, trìu mến một người bạn mình thương; lúc ấy thấy ai giao hữu với bạn mình thì sanh lòng đố kỵ, ganh ghét. Hoặc như người bạn mình thương ấy, lại giao thiệp với kẻ khác thì sanh lòng đố kỵ, khó chịu. Ấy vì nhân Thương mới sanh ra tật đố.

Lại nữa, thưa quý vị, có kẻ vì ưa chuộng của cải nên không muốn dứt của cho ai, hoặc vì quá yêu chuộng tư hữu của mình nên không muốn cho ai cùng được hưởng thụ chung, ấy vì nhân Thương mà sanh ra bỏn xẻn.

Lại nữa, như có người vì lẽ riêng gì, ghét một kẻ nào đó, nay kẻ ấy được tôn trọng, được lợi lộc, được ưa chuộng, thì sanh lòng ganh ghét đố kỵ. Đó là vì Ghét mà sanh ra tật đố.

Vì như người có kẻ thù ghét ai rồi, thì cho dù những vật tầm thường không đáng kể họ cũng không hứng giúp đỡ cho, ấy là nhân Ghét mà sanh ra bỏn xẻn.

Thưa quý vị, nên nói rằng Thương và Ghét phát sanh do vọng tưởng, ước muốn. Vì muốn như vầy mà được như vầy thì sanh ra ưa chuộng; nhược bằng muốn như vậy mà chẳng được như vậy thì sanh ra ghét bỏ.

Đức Phật quả là nhà tâm lý học, Ngài đã thấu rõ nhân và quả, nguồn cội của các Pháp, Ngài dạy rằng, từ sự mong muốn sanh ra thương ghét, từ sự thương ghét sanh ra Tật đố và Lận sắc, do chúng sanh có Tật đố và Lận sắc (bỏn xẻn) nên cho dù có mong mỏi sống không bị oan trái, không bị chinh phạt, không bị kình chống, không bị hãm hại, thế nhưng vẫn phải sống thù hận, có oan trái, có chinh phạt, có kình chống và có bị hãm hại. Ước mong rằng người Phật tử khi đã thâm hiểu điều tác hại như vậy, chúng ta nên cố tu tập dứt bỏ dần, để một ngày kia chúng ta sống an vui trong sự hòa hợp và hòa hợp để an vui.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *