Mẫu Thượng Ngàn – La Bình Công Chúa
Đức Thánh Mẫu Thượng Ngàn có nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào thần tích nguồn gốc của Mẫu, địa danh đền của Mẫu, sắc phong của các triều đại phong kiến:
- Sơn Lâm Thánh Mẫu theo tên mẹ hoặc Sơn Tinh Công Chúa theo tên con Đức Thánh Tản. Mỵ Nương Quế Hoa Công chúa, La Bình Công Chúa theo tên gọi của nguồn gốc xuất thân lúc giáng trần.
- Lê Mại Đại Vương theo sắc phong của vua Lê lúc bà hoá phép giúp vua đánh giặc.
- Lẫm Cung Thánh Mẫu chính là tên gọi khi hiển thánh tại đền Đông Cuông, Yên Bái. Mẫu Đông Cuông được gọi theo địa danh Đông Cuông nơi ngôi đền Mẫu ngự.
Chúa Bà Lê Mại Đại Vương
Chúa Bà Lê Mại Đại Vương là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn tại vùng Bắc Lệ, Lạng Sơn. Lê Mại Đại Vương là tên gọi được vua Lê Thái Tổ sắc phong cho ngài nhờ những công ơn âm phù dương trợ của ngài đã giúp đỡ vua Lê đánh thắng quân xâm lược.
“Tiếng anh linh vang lừng thế giới
Sắc tặng phong Lê Mại Đại Vương
Thông minh chính trực cương thường
Lại thêm tinh tú đoan trang hay là
Vốn sinh ra hình dong tươi tốt
Da tựa ngà má phấn môi son”
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông
Trấn sơn lâm Nhạc Tiên Vương Mẫu
Quản thượng ngàn ba mươi sáu động tiên
Hiệu danh Lê Mại Chúa Tiên
Bạch Anh công Chúa cầm quyền sơn lâm
Mẫu Thượng Ngàn Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa
Mẫu Thượng Ngàn Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa hay bà Chúa Thượng Ngàn là một trong ba vị Thánh Mẫu được thờ cúng tại điện Mẫu, cạnh đình, chùa của người Việt, chủ yếu ở miền bắc và miền trung Việt Nam. Việc thờ phụng Mẫu Thượng Ngàn là một đặc điểm của tín ngưỡng gắn liền với núi rừng của người Việt. Bà là một nhân vật mang tính truyền thuyết và đóng vai trò quan trọng trong tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ tứ phủ của người Việt.
Thần tích Mẫu Thượng Ngàn
Thần tích Chúa Bà Lê Mại Đại Vương – La Bình Công chúa
La Bình Công Chúa là con gái của Đức Tản Viên và công chúa Mỵ Nương (con gái vua Hùng). Ngay từ nhỏ La Bình đã luôn theo cha đi đến khắp mọi miền núi non hang động để giúp dân làm ăn, chỉ dân cách chăn nuôi, xây dựng nhà cửa xóm làng,… Dưới sự quan sát và dạy dỗ của phụ mẫu cùng sự nhạy bén trong nhận thức từ những ngày đi theo cha xuôi ngược khắp miền rừng núi, La Bình lớn lên trở thành cô gái đức hạnh, thông minh sáng dạ, tài sắc vẹn toàn. Cô thường đến những nơi dân chúng cần để chỉ bảo nhân dân thay cha mỗi khi cha bận việc mà không thể đi. Những lần như thế, La Bình luôn tỏ rõ khí chất bản lĩnh, biết tự chủ trong giao tiếp và thành thạo trong mọi công việc. Cô được các sơn thần, tù trưởng và dân sinh vô cùng yêu quý, kính trọng và coi là người đại diện xứng đáng của Tản Viên Sơn Thánh. Bản thân cô cũng rất đỗi hòa đồng với mọi người và cả cỏ cây, hoa lá, chim muông xung quanh.
Khi Đức Tản Viên và Mỵ Nương theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng Đế về trời và trở thành vị thánh bất tử, La Bình cũng được phong là Công chúa Thượng Ngàn. Cô tiếp tục thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 36 động sơn trang, 81 cửa rừng cùng nhiều vùng núi non trung du khác ở khắp mọi miền đất nước. Trở thành Chúa Thượng Ngàn, ngài vẫn luôn tận tâm ra sức làm tròn các trọng trách của mình và không ngừng học hỏi tiếp thu. Ngoài việc dạy bảo con người như những gì cha ngài đã chỉ dạy, ngài vẫn luôn học hỏi kinh nghiệm từ các tù trường, sơn thần các vùng. Cũng như bảo ban các loài chim muông, cầm thú cách sống hòa hợp, an toàn và tránh được nguy hiểm thiên tai. Không chỉ vậy, Ngài còn toàn tâm toàn ý nghĩ ra cách cải tiến và hoàn thiện thêm những gì mà trước kia, cha Ngài mới chỉ là bắt đầu. Nhờ vậy, nhân dân không những được sống no đủ mà còn được tận hưởng cái đẹp, cái hay. Những ngôi nhà bấy giờ không chỉ chắc chắn mà còn được trang trí, chạm trổ đẹp đẽ. Ở mũi các thuyền độc mộc cũng có khắc cả hình hai đầu rồng hoa văn tinh xảo, uy nghi. Các món ăn giờ đấy không còn đơn thuần là luộc, kho mà còn được sáng tạo nhiều cách nấu mới. Công việc đồng áng đã có sự giúp sức từ các ống dẫn nước, phân phát hạt giống đi mọi nơi. Ngài còn đem về thêm nhiều giống gia súc mới và hoa thơm cỏ lạ. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy được những điều đó đã ban tặng cho Ngài thêm nhiều phép thuật thần thông và Ngài trở thành vị Thánh bất tử của miền Thượng Ngàn để luôn luôn gần gũi, gắn bó với những nơi có miền núi trung du núi non hùng vĩ cõi trần, âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Nhất là trong các cuộc chiến công quân sự của các triều đại Việt Nam. Tiêu biểu là trong khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi, Ngài đã hóa thành bó đuốc lớn soi đường cho quân sĩ trong đêm tối và dẫn dắt tướng lính Lam Sơn đi tới vùng đất Mường Yên về cơ sở núi Chí Linh, tránh được sự bao vây của quân Minh vào đúng lúc lực lượng quân ta đang suy yếu. Ngài linh thiêng đến mức chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy. Nhớ ơn sự phù hộ che chở của Chùa bà Thượng Ngàn, sau khi hòa bình được lập lai, vua Lê Thái Tổ đã sắc phong ngài là Lê Mại Đại Vương Diệu Tín Thiền sư. Còn nhân dân tôn xưng Ngài là Chúa Thượng Ngàn hay Mẫu Thượng Ngàn.
Từ đó đến nay, đền Mẫu Thượng Ngàn nơi chính thờ tại Bắc Lệ, mà còn được dựng lên ở nhiều nơi. Người ta vẫn truyền tai nhau rằng khi đi rừng muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của ngài. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng cũng phải đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được Chúa chấp thuận.
Thần tích Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông – Đông Quang Công Chúa
Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông hay còn được gọi là Lâm Cung Thánh Mẫu hoặc Bà Chúa Thượng Ngàn. Ngài là vị thần cai quản và là hồn thiêng của vùng núi non và các cửa rừng ở khắp mọi nơi. Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông bao đời dõi theo dẫn dắt con cháu đi lên. Dưới sự cai quản của Ngài, người dân được hưởng mùa màng nào cũng bội thu, đợt đi săn nào cũng bắt được thú lớn. Vì vậy, nhân dân hết mực tôn kính và lập đền thờ phụng ngài ở rất nhiều nơi trên cả nước, và đền Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông là nơi chính thờ Đức Thánh Mẫu.
Theo ghi chép của Lê Quý Đôn trong “Kiến Văn Tiểu Lục” quyển X mục “Linh tích” thời hậu Lê” thì ngôi đền Mẫu Đông Cuông ngày nay, trước đây thờ Đông Quang Công Chúa nổi tiếng anh linh: “Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao – Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 – 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái) bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao).
Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: “Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để đại vương biết”, nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm mà đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi”.
Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu.
Như vậy, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông đã được hình tượng hóa bởi một nhân vật có thật trong lịch sử đó là Đông Quang Công Chúa. Nơi đây, bà Lê Thị Kiểm được hóa thân vào Mẫu Thượng Ngàn. Trong niềm tin tâm linh của những con nhang đệ tử của Tín ngưỡng thờ Mẫu thì đền Đông Cuông có vị trí vô cùng quan trọng, được coi là nơi ngự chính và nơi giáng sinh của Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn.
Đền Đông Cuông còn có tên là Đền Thần Vệ quốc theo sắc phong của triều đình Nguyễn. Cũng tại nơi đây, vua Lê Thái Tổ đã phong Bà là Lê Mại Đại Vương, sau khi Bà đã phù cho vua Lê đánh giặc.
Như vậy, nếu Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn ở đền Bắc Lệ (Lạng Sơn) là công chúa Quế Hoa, ở Suối Mỡ (Bắc Giang) là Công Chúa La Bình thì ở Đông Cuông, Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông là Lâm Cung Thánh Mẫu vừa là bậc tối tú anh linh, quyền cao tối thượng vừa gần gũi, bình dị trong hình hài một người vợ, người mẹ trần thế có lai lịch, gốc tích rõ ràng.
Ngoài ra, trong nhân dân hai xã Đông Cuông và Ngòi A lưu truyền một huyền thoại: Ở xóm Đá Ôm, thôn Đồng Dẹt, xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu. Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến Thuỷ Cung rồi gặp Long Vương lấy làm chồng và sinh hạ được một con trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với Long Vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần. Tháng Giêng ngày mão, xã chọn thanh niên chưa vợ đi tát sạch giếng để lọc lấy nước trong thanh khiết cúng lễ.
Thần tích Mẫu Thượng Ngàn – Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa
Nhạc Tiên Sơn Lâm Công Chúa là người con gái đầu tiên của đức vua cha Ngọc Hoàng, vì tính tình thẳng thắn ương ngạnh nên nàng được vua cha giao cho cai quản vùng núi rừng hoang vu vì vậy mà được gọi là Mẫu Thượng Ngàn. Cũng từ ngày Mẫu Thượng Ngàn về vùng núi cai quản thì người dân nơi đây đều được mùa màng bội thu cuộc sống không còn khó khăn, đợt đi săn nào cũng bắt được thú lớn cả, biết gieo trồng cây lương thực vì vậy mà nhân dân hết mực tôn kính ngài, những lời khuyên bảo của ngài đều được họ nhất mực nghe theo.
Lần giáng sinh thứ nhất của Sơn Lâm Công Chúa
Thu phục Mộc Tinh
Sau khi Mộc Tinh bị Lạc Long Quân đánh đuổi thì chạy về hướng Tây Nam, tại đây nó vẫn giở trò cũ thường xuyên bắt dân trong vùng làm lễ tế người. Sơn Lâm Công Chúa biết chuyện bèn hóa thành một cô gái xinh đẹp để trở thành vật hiến tế hòng bắt được con quỷ này. Quả đúng như dự đoán Mộc Tinh đã xuất hiện dưới hình dạng một con hổ trắng. Nó vừa xông tới định ăn thịt con mồi thì bị ngài chặt mất đầu nên hiện nguyên hình. Khi ngài định vung rìu đốn hạ cây thì Mộc Tinh liền vội vàng xin tha mạng. Nó hứa rằng từ nay sẽ ăn năn hối cải và tặng ngài một hạt giống thần. Nó bảo chỉ cần trồng hạt giống thần kì này xuống đất thì sẽ mọc ra tất cả loại quả ngon hoa lạ trên đời này. Vừa dứt lời Mộc Tinh liền biến mất.
Sơn Lâm Công Chúa bèn đem hạt giống này về trồng, sau một đêm nó lớn thành một cái cây to thật là to, ngọn cây cao tận trời xanh, cành lá xum xuê che phủ một góc trời. Mỗi ngày nó đều mọc ra hàng trăm thứ hoa quả khác nhau ăn mãi không hết. Bà đem những loại quả này giao cho trưởng làng để ông có thể chia cho gia đình những người đã bị Mộc Tinh làm hại. Ngờ đâu con gái trưởng làng lại là người tham lam quyết giữ hết những món ngon vật lạ kia cho riêng mình.Sơn Lâm Công Chúa biết chuyện giận lắm liền làm phép biến cô ta thành con ruồi để suốt phần đời còn lại chỉ có thể ăn đồ thừa của con người.
Con vua Hùng Định Vương và mười hai bà mụ
Thế nhưng, Mộc Tinh không hề hối cải như đã hứa, lần này nó ăn thịt Hùng Vương thứ IX – một vị vua anh minh, thương dân như con. Nó nhân cơ hội này dùng phép hóa thành nhà vua để cai trị nước Văn Lang. Sơn Lâm Công Chúa biết chuyện này có một phần là lỗi của mình nên đã tự nguyện chịu tội. Vua cha bèn đày nàng làm con gái Mộc Tinh để sửa sai được đặt tên là Quế Hoa công chúa. Lớn lên, nàng được ông Bụt ban cho phép thuật nên đã cùng mười hai thị nữ ra sức tu tiên luyện đạo, cứu giúp dân lành.
Lúc bấy giờ đất nước Văn Lang rơi vào cảnh loạn lạc thù trong giặc ngoài do cha bà thường xuyên gây chiến với các nước làng giềng, tìm thú vui từ việc ăn thịt những kẻ chống đối mình. Công chúa Quế Hoa quyết định ra tay diệt trừ kẻ gây ra cảnh đau khổ lầm than này dù rằng người đó có là cha nàng.
Trong một buổi tiệc của nhà vua và các Lạc tướng, Quế Hoa đã xin được cùng mười hai thị nữ đánh đàn nhảy múa góp vui cho mọi người. Điều đặc biệt là chiếc đàn của nàng chỉ có duy nhất một dây khiến mọi người xung quanh đều tò mò thích thú. Khi tiếng đàn của công chúa vừa cất lên thì ai nấy đều cảm thấy thư thái, mọi âu lo đều bị quên lãng, thời gian trôi qua nhanh lúc nào không hay. Tới đêm thứ ba khi tiếng đàn vừa dứt thì Hùng Vương đã hiện nguyên hình thành một con hổ khiến mọi người hoảng loạn bỏ chạy. Mộc Tinh liền xông về phía Quế Hoa định ăn thịt nàng nhưng lần này nó đã dừng lại ngay trước mặt nàng vì dù hổ dữ cũng không thể ăn thịt con mình. Công chúa làm phép hóa dây đàn thành một sợi xích lớn buộc quanh cổ con hổ rồi dẫn nó theo mình.
Từ đó về sau Quế Hoa dạy người dân cách trồng trọt, làm nương rẫy, xây nhà, chăn nuôi và săn bắt thú dữ, còn mười hai thị nữ của bà thì trở thành các bà mụ chăm lo việc sanh đẻ của người dân để không ai phải chịu nỗi đau mất mẹ vì sanh khó giống như bà nữa. Riêng con hổ bà mang theo bên mình thì được bà dùng để trừng phạt lũ tội phạm gian ác đã làm hại dân lành. Khi nhân dân các bản mường đã có cuộc sống no ấm, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 thị nữ bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Từ đó về sau bà được người dân tôn thờ làm Bà Chúa Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi còn mười hai thị nữ trở thành Mười hai Bà Mụ cai quản việc sanh đẻ của trần gian.
Nhận nuôi Sơn Tinh
Một lần khi đang đi dạo trong rừng, Mẫu Thượng Ngàn và mười hai bà mụ phát hiện thấy bên gốc cây có xác một đứa trẻ chỉ còn lại bộ xương khô. Tiếc thương vì cậu bé đã chết khi còn quá nhỏ nên Mẫu Thượng Ngàn đã dùng phép hòa lẫn xương cậu cùng gan hùm, tay gấu, ruột ngựa, mắt phượng, chân voi cùng quả tim của bà để hồi sinh cậu. Mẫu vốn không có con cái gì, lại thấy cậu bé lanh lợi nên đã quyết định nhận cậu làm con nuôi, đặt tên là Sơn Tinh, giao cai quản vùng núi Ba Vì.
Một số dị bản đề cập rằng bà mất trong cuộc chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh. Sau khi mất thì bà trở lại Thiên Phủ sống cùng cha mình nhưng vì quá thương con nên bà đã xin cha được phép trở lại trần gian. Ngọc Hoàng đồng ý bèn cho bà được đầu thai trở lại làm người tích đủ phước đức luân hồi thì mới có thể ở bên con trai mình lần nữa.
Lần giáng sinh thứ hai của Sơn Lâm Công Chúa
Con nhà họ Cao
Lần thứ hai ngài giáng sinh vào cửa nhà họ Cao, một người tù trưởng trên đất Yên Bái. Sau đó nhiều lần ngài hiển linh, dạy dân trồng trọt, làm ăn, lên rẫy làm nương, đi rừng, làm ruộng bậc thang nên được nhân dân suy tôn là: “Bạch Anh Trưởng Quản Đỉnh Thượng Cao Sơn Thần Nữ Cao Mường Sơn Triều“. Sau này ngài lại linh ứng giúp vua Lê Thái Tổ nên được gia phong là “Lê Mại Đại Vương”
Trong văn thỉnh mời Đức Thánh Mẫu có hát rằng
Thỉnh mời Đệ Nhị Chúa Tiên
Vốn xưa giá ngự trên đền Đông Cuông
Hình dung nhan sắc khác thường
Giá danh đổi một hoa vương khôn bì
Biết đâu lá thắm thơ bài
Lòng trinh chẳng động một vài giá xuân.
Hay như:
“Thỉnh mời Lê Mại Chúa Tiên
Núi Dùm Chúa ngự trấn miền Tuyên Quang”
Làm vợ Hà Văn Thiên
Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ của ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cho cai quản Đông Cuông. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc Hà Bổng (trại chủ Quy Hóa) bị hi sinh trong chiến tranh chống quân Nguyên. Ông bà sinh hạ được 1 đứa con trai. Khi ông tạ thế, bà Kiểm cùng con trai ở lại Đông Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bên tả ngạn, đối diện với miếu. Người mẹ Rừng chung chung, đến đây đã được lịch sử hóa, gắn với lai lịch cụ thể của một con người trần thế.
Làm con Sơn Tinh
Sau khi tích đủ phước đức thì Ngọc Hoàng đã cho phép ngài trở thành Sơn Tinh Công Chúa con gái của Sơn Tinh (tức Đức Tản Viên Sơn Thánh) và Mỵ Nương Ngọc Hoa trong truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh. Khi còn trẻ, Sơn Tinh Công chúa là một cô gái đức hạnh, lại tài sắc vẹn toàn, được cha mẹ đặt tên là La Bình.
Khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế trở về trời thành hai vị thánh bất tử thì La Bình cũng được phong là Công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam.
Trở thành chúa tể của miền núi non và trung du, công chúa Thượng Ngàn vẫn luôn luôn chăm chỉ, hàng ngày hết sức làm tròn các trọng trách của mình. Bà bảo ban các loài cầm thú phải biết sống hòa hợp với nhau, dạy chúng đừng ăn những loài quả độc, nấm độc, biết tránh khỏi những cây cối đổ, những cơn lũ quét…
Ngài dạy bảo con người cũng thật chu đáo, tỉ mỉ. Những gì cha bà đã dạy, ngài đều đem ra áp dụng. Khi tiếp xúc với các tù trưởng, ngài cũng học thêm ở họ được nhiều điều. Thế là ngài lại đem những điều hiểu biết mới đi truyền bá ra mãi.
Ngọc Hoàng Thượng đế còn ban tặng cho ngài thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió, và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. Khi dân chúng sinh sôi nảy nở ra thêm, từ miền núi non và trung du tràn xuống các miền đồng bằng và ven biển, đã mang theo những cách thức làm ăn và phong tục tập quán từ hồi còn ở trong rừng, dưới sự bảo ban dìu dắt của công chúa Thượng Ngàn.
Cùng với nhiều vị thần thánh khác, công chúa Thượng Ngàn vẫn ngày đêm lặng lẽ âm phù cho sự bình yên của mọi người dân nước Việt. Người người tôn sùng gọi ngài là Mẫu, một cách vừa trìu mến gần gũi mà cũng vừa tôn kính.
Hiển linh phù trợ
Người ta cho rằng các chiến công quân sự của nhiều triều đại Việt Nam đều có sự phù hộ của Mẫu Thượng Ngàn Sơn Lâm Công Chúa. Vì thế, các triều đại này, sau khi thắng lợi đều có lễ tạ ơn và có sắc thượng phong cho ngài.
Một truyền thuyết cho rằng hồi đầu thời kỳ khởi nghĩa Lam Sơn, lúc ấy lực lượng nghĩa quân còn yếu, đang đồn trú ở Phản Ấm thì quân Minh kéo đến bao vây. Nghĩa quân người ít chống cự không nổi, phải tan tác mỗi người mỗi nơi. Trong đêm tối, ngài đã hóa phép thành bó đuốc lớn, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Ánh đuốc thiêng của bà, chỉ quân sĩ của Lê Lợi biết được, còn quân Minh không thể nào nhìn thấy.
Ở Chí Linh, nghĩa quân vừa sản xuất, vừa tập luyện và tập hợp, phát triển thêm lực lượng. Thật gian khổ, lắm phen không còn lương thực, phải lấy củ nâu củ mài thay cơm, nhưng nhờ sự che chở của Mẫu, quân đội của Lê Lợi vẫn ngày một thêm lớn mạnh. Quân Minh nhiều lần đến bao vây cũng đành phải chịu rút về. Từ Chí Linh, quân Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, Thuận Hóa. Sau đó, với những trận thắng oanh liệt ở Tốt Động, Chúc Động, Chi Lăng và cuối cùng, bao vây quân Minh ở Đông Quan để kết thúc cuộc chiến, lập lại hòa bình cho nước Việt.
Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn
Mẫu Thượng Ngàn, cũng như nhiều vị thần thánh khác, được nhân dân tôn thờ, và chính là hồn thiêng của sông núi, bao nhiêu đời nay dẫn dắt con cháu vững bước đi lên. Ngài có mặt ở khắp nơi, theo bước chân của dân chúng, khi ở miền rừng núi rồi xuống miền đồng bằng. Vì vậy, ở nhiều nơi người dân lập đền thờ phụng ngài. Tuy nhiên, đại bản doanh của ngài vẫn là vùng núi non và các cửa rừng. Những người đi rừng, muốn được bình yên, vạn sự tai qua nạn khỏi, thường đến cầu xin sự che chở, phù trợ của ngài. Ai muốn săn bắt hay khai thác thứ gì trong rừng, cũng đặt lễ, thắp hương, cầu xin để được ngài chấp thuận. Đôi khi Mẫu Thượng Ngàn cũng được hiểu chính là người Mẹ của Đức Thánh Tản Viên, theo cách hiểu này thì Đền thờ Mẫu Thượng Ngàn tại Đền Mẫu Đợi ở làng Dụ Đại xã Đông Hải huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình để tưởng nhớ công ơn của Mẫu Ma Thị Cao Sơn – người mẹ có công ơn nuôi dưỡng Đức Thánh Tản Viên.
Ba nơi được coi là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn gồm: đền Đông Cuông (Yên Bái) là nơi Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn giáng sinh và ngự; đền Công Đồng Bắc Lệ (Lạng Sơn) – nơi Mẫu Thượng Ngàn hiển linh; đền Suối Mỡ (Bắc Giang) – nơi Mẫu Thượng Ngàn tu tiên luyện đạo:
- Đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.
- Đền Bắc Lệ, xã Bắc Lệ, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
- Đền Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.
Đền Đông Cuông
Đền thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn có ở khắp mọi vùng, nơi nào có rừng núi thì đều có đền Mẫu Thượng. Nhưng nổi tiếng bậc nhất vẫn là cụm di tích Đền Đông Cuông, Đền Vọng Đông và Đền Tuần Quán tại Yên Bái (là nơi Mẫu giáng làm con gái nhà tù trưởng họ Cao).
Đền Đông Cuông tọa lạc tại thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng nằm dọc sông Hồng. Đây còn là nơi thờ chính Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông trong tục thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.
Đền thờ Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn Đông Cuông
Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài đền chính còn có miếu Cô, miếu Cậu và miếu Đức Ông tọa lạc bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền chính. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và Đền Hùng (Phú Thọ). Trong đền chính có cung cấm thờ 2 ngôi tượng. Sau cung Mẫu có cung Chúa, bên phải là cung Sơn Trang, bên trái thờ Trần Triều. Cấu trúc nhà đền còn có miếu Thần linh và động Sơn trang. Đây là ngôi đền cổ đến nay vẫn giữ được bản sắc dân tộc và nét văn hóa của người Tày Khao Đông Cuông.
Đền Đông Cuông được nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nhận định là vùng khởi nguồn của Mẫu Thượng ngàn trong hệ thống thờ Mẫu của người Việt và có vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ thống thờ đạo Mẫu, được coi là cội nguồn của Mẫu Thượng ngàn.
Những năm gần đây, đền Đông Cuông là điểm nhấn tâm linh tín ngưỡng của đông đảo nhân dân và du khách thập phương trong hành trình du lịch văn hóa tâm linh, nhớ về nguồn cội. Mỗi năm có tới hàng trăm ngàn lượt du khách từ khắp các tỉnh, thành trong nước hành hương tìm về đền Mẫu Đệ Nhị Thượng ngàn dâng hương kính Mẫu, vãn cảnh đền và nguyện cầu cho quốc thái dân an, cầu lộc, cầu tài, cầu bình an trong cuộc sống.
Đền Công Đồng Bắc Lệ
Đền Bắc Lệ Lạng Sơn (hay còn gọi Đền Công Đồng Bắc Lệ) tọa lạc trên một quả đồi giữa khu Nam của Thôn Bắc Lệ, thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Đây là một trong những nơi thờ chính của Bà Chúa Thượng Ngàn – nơi bà đã hiển linh và phù hộ cho con dân. Ngoài ra, đền còn có thờ Chầu Bé – một vị thánh chầu nổi tiếng trong Tứ Phủ Chầu Bà. Chầu Bé Bắc Lệ là người Nùng luôn hầu cận bên Mẫu Thượng Ngàn dưới thời vua Lê Thái Tổ. Sau khi Mẫu giáng xuống Lạng Sơn giúp đánh đuổi quân giặc, Chầu Bé vẫn đi theo và hầu cận bên Mẫu.
Sự tích Đền Bắc Lệ Lạng Sơn gắn liền với Mẫu Thượng Ngàn. Mẫu Thượng Ngàn ngoài việc giúp đỡ muôn dân mà còn giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh giặc Minh ngoại xâm. Có rất nhiều thần tích được truyền lại như Mẫu dẫn đường cho Nguyễn Trãi dẫn Vua Lê chạy thoát thân nhưng trong rừng núi, với trời đã tối, không tìm thấy đường đi. Trong đêm tối, bà đã hóa phép thành đàn đom đóm màu trắng sáng như ngọn đuốc, soi đường cho quân sĩ, tập hợp và dẫn dắt họ đi vào đất Mường Yên, về cơ sở núi Chí Linh. Trong trận chiến với tướng Liễu Thăng nhà Minh, Mẫu Thượng Ngàn đã hô hoán các quân Mường, quân Mán từ 81 cửa ngàn, 36 cửa rừng và 16 cửa bể đến Bắc Lệ, chiếm lại thành Xương Giang từ tay giặc, phò minh quân dẹp giặc. Mẫu cùng Đệ Nhị Sơn Trang Diệu Tín và Đệ Tam Sơn Trang Diệu Nghĩa đứng trên núi Mỏ Ba quan sát, chỉ đạo trận chiến. Mẫu sai Chầu Mười hóa ra đàn ong đốt vào mắt quân địch. Liễu Thăng bị đốt vào mắt, ôm mặt, liền bị phục binh của Lê Sát, Trần Lựu đổ ra chém chết. Khốn thay, loài ong đốt xong mất ngòi cũng chết, thế nên Chầu Mười hóa vào ngày 20/9 âm lịch.
Đền Bắc Lệ được xây dựng từ đầu thế kỷ XX đến nay nó đã được trải qua 5 lần tu sửa và tôn tạo căn cứ vào 2 văn bia đá để lại. Trải qua những lần tu sửa và tôn tạo, đền Bắc Lệ vẫn giữ nguyên được những nét truyền thống và tâm linh vốn có của nó. Mặc dù bị thất lạc nhiều nhưng đền vẫn giữ được một số di vật cổ và có thêm các di vật mới được cung tiến. Đền có 19 pho tượng lớn nhỏ bằng gỗ mít cùng nhiều y môn sặc sỡ và các bức hoành phi câu đối.
Đền Suối Mỡ
Đền Suối Mỡ nằm trong khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam. Cách thành phố Bắc Giang khoảng 32km về phía Đông Bắc. Khu du lịch suối mỡ chỉ cách Hà Nội khoảng gần 100km nên khá thuận tiện về giao thông đi lại. Khu du lịch hội tụ cả hai yếu tố tâm linh và sinh thái nên trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng ở Tây Yên Tử.
Thánh Mẫu có tên tục là Mỵ Nương Quế Hoa, con Vua Hùng Định Vương và Hoàng hậu An Nương. Tuy nhiên, sau khi sinh nàng bên gốc quế, hoàng hậu đã từ trần. Lớn lên, Nàng Quế Hoa luôn thương nhớ mẹ nên đã đi vào rừng sâu để tìm dấu vết người mẹ hiền, đồng thời cũng để tìm nguồn nước về cho dân làng ngày ấy đang cùng cực vì thiếu nước. Sau nhiều ngày đường vất vả cuối cùng nàng cũng tìm được một hồ nước to với nguồn nước vô tận trong vắt, mát lành. Đang băn khoăn không biết làm cách nào để đem nước về cho dân làng thì một cụ già râu tóc bạc phơ hiện ra. Ông đưa ngay cho nàng một quyển sách luyện phép lạ có thể cứu nhân độ thế. Thấy vậy, nàng Quế Hoa bèn theo sách tu luyện. Sau một thời gian, cuối cùng nàng cũng luyện thành công. Ngay lập tức, nàng xòe năm ngón tay ấn xuống vách đá tạo một khe núi lớn. Nước từ trong hồ theo đó ầm ầm chảy xuống xuôi. Từ đó, cây cối trở nên tốt tươi, chim chóc về làm tổ, đời sống nhân dân trở nên ấm no. Khi ấy, Mỵ Nương Quế Hoa cùng 12 nàng tiên nữ hầu cận cùng bay về trời trên đám mây ngũ sắc. Để đời đời ghi nhớ công ơn của bà, dân bản đã lập bàn thờ ngay nơi bà đưa nguồn nước về. Nơi đó chính là Đền Suối Mỡ ngày nay. Theo đó, đời sau đã tôn bà là Thánh Mẫu Thượng Ngàn..
Cũng chính từ Suối Mỡ, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã cùng các tướng lĩnh thân tín lập đại bản doanh để chặn đứng mũi tiến quân của bọn xâm lược Nguyên Mông từ Ải Chi Lăng, kéo về đánh chiếm Vạn Kiếp nhằm tiến về kinh thành Thăng Long. Để ghi nhớ chiến công hiển hách này, người dân đã lập đền Trần trong Quần thể di tích đền Suối Mỡ Bắc Giang gồm 4 đền là đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và đền Trần Triều được xây dựng dọc con suối nơi mà Thánh Mẫu đã hóa phép mở đá dẫn nước xuống miền xuôi. Đền được xây dựng từ thời Lê – Mạc, trải qua nhiều lần tu sửa tạo nên quần thể di tích với những kiến trúc đặc sắc như ngày nay.
Đền Hạ
Đi dọc theo con đường từ ngã tư thị trấn Đồi Ngô rẽ vào tỉnh lộ 293, du khách sẽ đến với ngôi đền ở vị trí thấp nhất là đền Hạ. Ngôi đền này có diện tích lớn trong 3 ngôi đền chính Hạ Trung Thượng. Trước cửa đền là núi Tai Voi. Theo phong thủy thì ngọn núi này nằm ở nơi thế đất thiêng có thể chắn cho tà khí không bay vào đền và giữ lại tài lộc từ long mạch bên trong.
Cổng đền Hạ nhìn từ ngoài vào
Cửa đền nhìn ra dãy núi Tai Voi
Di tích Đền Hạ
Cung thờ bên trong khuôn viên đền Hạ
Cung thờ bên trong khuôn viên đền Hạ
Từ cửa đền vào trong là các ban thờ Ba Ông Hoàng – Ngũ Vị Tôn Ông – Ông Quan Trần Triều – Bà Chúa Sơn Trang – Tam Tòa Thánh Mẫu – Chúa Đệ Tam và cung cấm thờ Công Chúa Quế Mỵ Nương.
Ban thờ Ba Ông Hoàng
Ban thờ Ngũ Vị Tôn Ông
Ban thờ Ông Quan Trần Triều
Ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu
Ban thờ Chúa Đệ Tam
Ban thờ Bà Chúa Sơn Trang
Đền Trung
Theo biển chỉ dẫn bên ngoài đền Hạ, đi lên một con dốc sẽ tới 3 ngôi đền: đền Trung, đền Thượng và đền Trần Triều. Qua cổng thu phí đi men theo con dốc sẽ tới khu vực đền Trung. Đền Trung tọa lạc trên một mảnh đất tách biệt với toàn bộ khu dân cư. Giống như một ốc đảo thiên nhiên được bao bọc bởi cây cối, đem lại cảm giác thanh mát và yên bình cho mọi du khách. Đền Trung gồm 3 cung thờ nằm tại 3 vị trí khác nhau: cung thờ Thánh Mẫu, cung thờ Thánh Cô và cung thờ Thánh Cậu. Tới đây, bạn nên vào lễ cung Thánh Mẫu rồi mới tới cung Thánh Cô và Thánh Cậu. Để vào cung thờ Thánh Mẫu, bạn chỉ có thể đi bằng lối cây cầu Bán Nguyệt. Người ta ví rằng, việc đi trên cây cầu này giống như là đang dẫn bước về nơi đất thánh linh thiêng, huyền bí.
Cây cầu Bán Nguyệt dẫn vào đền Trung
Khuôn viên khu vực thờ Thánh Mẫu
Ban thờ Chúa Đệ Nhị
Ban thờ Ông Hoàng Quận
Ban Công Đồng
Ban thờ Ông Hoàng Bảy
Ban thờ Quan Trần Triều
Ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu
Bên ngoài Đền là lầu thờ Cô và lầu thờ Cậu. Trong lầu Cô là cung thờ các vị Thánh Cô và Tam Tòa Thánh Mẫu, lầu Cậu thờ Cậu Bé và Cậu Bé Lệch.
Cung thờ Cô Chín tại lầu Cô
Cung thờ Cô Bé tại lầu Cô
Ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu đặt chính giữa lầu Cô
Cung thờ Cậu Bé tại lầu Cậu
Bao quanh 3 cung thờ của đền Trung là 5 con suối. Đây là đoạn suối đẹp nhất mà mọi du khách đều ngưỡng mộ, Nó mang lại cảm giác sơn thủy, hoang sơ, trải nghiệm tuyệt vời cho du khách. Đi lên thêm 1 đoạn ta sẽ tới với di tích đền Thượng nằm ở lưng chừng núi Vực Mỡ, cạnh Suối Mỡ. Đứng tại đây, bạn có thể nhìn bao quát cả đền Hạ và đền Trung.
Đền Thượng
Đền Thượng tận dụng không gian núi đá làm nơi thờ phụng thánh thần. Với mái, tường bao, và thậm chí là ban thờ đều bằng đá tự nhiên. Đền Thượng gồm 2 cung thờ chính và 1 cung thờ ngoài trời. Qua hàng bậc thang bằng đá chạm trổ họa tiết rồng phượng tinh tế, ta tiến vào cung thờ đầu tiên thờ các vị quan Trần Triều và Tam Tòa Thánh Mẫu. Cung thờ còn lại đặt tượng thờ Quan Hoàng Mười – Sơn Trang Đông Ngọc và Quan Hoàng Bảy.
Ban thờ Trần Triều Hiển Thánh
Ban thờ Tam Tòa Thánh Mẫu
Ban thờ Đức Vua Cha
Đi thêm vài bậc thang lên trên ta sẽ tới cung thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên. Cung thờ Mẫu được đặt ngoài trời tại vị trí cao nhất so với 2 cung thờ trong đền.
Ban thờ Mẫu Cửu Trùng Thiên tại đền Thượng
Đền Trần Triều và cung thờ Cậu Bé Lệch nằm tại vị trí cao nhất. Từ đền Thượng đi dọc theo con đường nhỏ lên phía trên, ta sẽ tới cây cầu dẫn vào đền Trần, đi bộ qua cây cầu là tới đền thờ Trần Triều và cung thờ Cậu Bé Lệch được phối thờ trong đền. Bên tay phải đền là khu vực sắp lễ, nghỉ ngơi cho khách còn bên trái là cung thờ Cậu Bé Lệch. Trong đền thờ ban Nam Tào, Bắc Đẩu cùng Đức Đại Vương.
Ban thờ Đức Đại Vương Trần Triều
Ban thờ Bắc Đẩu
Ban thờ Nam Tào
Bước sang phía tay trái khu vực đền Trần, ta sẽ tới khu vực cung thờ Cậu Bé Lệch. Theo lời ban quản lý đền, trước kia, cung thờ Cậu được đặt giữa dòng sông trước đền. Nhưng sau này người ta đã chuyển cung Cậu phối thờ tại đền Trần Triều.
Ban Công Đồng
Ban thờ Chúa Đệ Nhị
Ban thờ Cô Chín Thượng
Ban thờ Cậu Bé Lệch
Du khách sau khi cúng lễ xong có thể du ngoạn thăm quan cảnh đền và suối Mỡ chảy quanh. Hưởng thụ không khí mát rượi, trong lành, thanh khiết hiếm có mà mẹ thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nơi đây. Thăm quan toàn bộ khu du lịch Suối Mỡ không chỉ có 3 đền thiêng Hạ Trung Thượng mà còn có Thác Thùm Thùm hay Thác Chúa – ngọn thác cao nhất trong hệ thống Suối Mỡ, hay Hồ Suối Mỡ rộng lớn hoặc Chùa Hòn Trứng, Bãi Quần Ngựa, đền Trần, … Bên cạnh cảnh đẹp hùng vĩ, tại nơi Suối Mỡ, bạn còn có thể thưởng thức rất nhiều món ăn ngon đặc sản vùng này như Bánh Vắt Vai Lục Ngạn, xôi ngũ sắc, bánh đúc Đồng Quan, khâu nhục Lục Ngạn, cua đa Yên Dũng, chè đỗ dài Mỹ Độ, bánh giò Đa Mai,…
Ngày khánh tiệc Mẫu Thượng Ngàn
Lễ hội Đền Đông Cuông
Hàng năm, ngoài tuần rằm mùng một, tứ thời bát tiết Đền Đông Cuông có 2 Lễ chính, ngày Mão tháng Giêng, ngày Mão tháng Chín mổ trâu đen. Cứ ba năm một lần lễ hội lớn thỉnh mời dương trần và linh hồn âm gian các xã tả, hữu ngạn sông Hồng trong phạm vi đường kính 70 km. Dòng họ Hà và thân chủ các liệt sỹ (khởi nghĩa Giáp Dần, chống Pháp) thờ trong Đền.
“Ban tế” người Kinh đến hướng dẫn nghi thức tế. Tín nữ ở dưới xuôi (đặc biệt là thành phố Yên Bái và Phú Thọ) lên hỗ trợ trang trí kiệu và các lễ quy. Cũng bằng tiếng Tày pha lẫn tiếng Kinh, thầy mo đến khấn thỉnh chư tôn “láng giềng”
“Bắc chí khe cài
Hạ lưu đã ngang
Đông chí pù rằm
Tây giáp nặm cái”
Tại Lễ lớn thỉnh mời chư thần xa từ Bảo Hà tới Phú Thọ, Đông từ sông Chảy Lục Yên, Tây từ Thượng Bằng La Đồng Khê, Phù Nham, Phong Dụ… thỉnh tôn thần 12 ngọn núi, 12 ngọn sông, “18 nước chư hầu” và vua tổ Hùng Vương. Tế Nam theo thể chế cung đình. Nhờ người ngoài xã biết tế làm chủ tế và đông xướng tây xướng, bản thân tham gia theo sự hướng dẫn bạn tế là người Tày Khao song nhiều khi xem lẫn tục người Kinh am hiểu thế tự. Khai mạc lễ tế sớm trước tiết rước kiệu: 6-8 giờ sáng. Lễ phẩm chính: Trâu trắng mổ nguyên con (có bài tế tiếng Tày Khao kèm theo). Không có tế nữ. Diễn biến rước kiệu: Được triển khai ngay sau giờ tế cho đến giờ Ngọ.
Rước kiệu ở miếu hạ khe Tràm, Cầu Có và miếu giáp thượng đồi Pu Loòng xóm bên. Rước kiệu mẫu (mẹ) từ đền qua sông sang Miếu Đức Ông (Ghềnh Ngai – thuộc xã Tân Hợp, Văn Yên) thăm Đức Ông. Kiệu “Báo” (con) đi tiếp sau kiệu mẹ, hai kiệu bao sái thanh khiết, trang trí đẹp, lúc kiệu đi đông đảo tín nữ Kinh – Tày, Dao bao quanh kiệu khấn chúc hai mẹ con Mẫu “thăm Đức Ông” mừng vui trọn vẹn trống dong cờ mở bát âm tấu nhạc. Bốn thiếu nhi Tày thắt lưng đỏ cầm cờ múa đi trước, thiếu nhi ngoài cuộc được già làng động viên reo hò khích lệ. Một thuyền đinh lớn hoặc một bè lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu vua con ở lại bên bờ, chỉ kiệu mẫu xuống thuyền cùng 11 người sang Ghềnh Ngai. Toán người gồm thủ đạo mo Đền, chùm hội tín nữ, người cầm lọng che kiệu… tới mản đá Ghềnh và vách đá để kiệu ở dưới thuyền, thổ đạo o, và các thành viên lên mảnh đá Ghềnh thắp hương khấn tiếng Tày xen lẫn tiếng Kinh. Đại để (nhân ngày… bản dân đệ tử trăm họ chúng con rước mẫu sang với Đức Ông… vậy mong Ngài… sau đó xin âm dương bằng hai đồng tiền kẽm để nài Đức Ông chấp nhận rồi xuống thuyền trở về). Lễ diễn ra hơn nửa giờ, tới bờ kiệu mẫu khiêng khỏi thuyền cùng kiệu con rước vào đền, bốn trẻ trai chay người Tày vẫn đi trước múa cờ mừng, những đám trẻ ngoài không được hò reo nữa.
Đồng bào Tày Đông Cuông và các vùng lân cận quan niệm đây là lễ cưới lại “của Mẫu với Đức Ông” mà hậu duệ họ Hà phải tổ chức (Lễ nghi rước kiệu sang Ghềnh Ngai năm 1941). Tích “Lễ cưới lại” được cụ Sầm Văn Tiện – nguyên chủ tịch UBND xã rồi sau đó là Bí thư xã tường thuật và cho biết đã lưu truyền từ rất lâu đời. Cũng tích này được mo đình làng Bục, nay là xã An Thịnh và nhiều bà con ở xã Ngòi A thừa nhận. Các điệu múa dân tộc được diễn ra lúc kiệu được cử hành rước từ đền ra bờ sông (để sang Ghềnh Ngai) múa đàn tính và nhạc chuông chùm đệm cơ bản là do bà con người Tày đảm nhiệm.
Hát chèo (chèo mới gắn với hội nơi đây) diễn tích Lưu Bình Dương Lễ, chúc mừng, chúc đàn anh chức dịch và toàn dân thu hoạch lúa tốt gia súc đầy chuồng bình an mạnh khỏe, phường chèo dưới xuôi đảm lĩnh nhận tiết mục này. Hội diễn ra sôi động cả vùng văn nghệ dân gian dân tộc thiểu số, đa số hòa quyện vào nhau phong phú đầm ấm, đoàn kết tưởng nhớ người có công “Đền Thần Vệ Quốc” (trong tập thượng hạ, mục cổ tích trấn Hưng Hóa; bản dịch của nhà xuất bản viện Sử học) cũng hòa chung với nội dung của lễ hội này.
Trong ngày hội mở đối với Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai có câu ca:
Thứ nhất là Hội Đền Hùng
Thứ nhì là Hội Đông Cuông
Nhân dân trong vùng gần xa dự hội đủ màu sắc dân tộc Kinh, Tày, Dao, Nùng… muôn màu sắc phục chật cứng như nêm, tiếng chuông, tiếng khánh, tiếng trống lẫn tiếng hát then, hát cọi, khèn bè, tiếng reo hò, kéo co, ném còn thắng cuộc, cờ bay trước gió, khiến cho cả vùng trở lên tưng bừng náo nhiệt, cuối hội nam nữ các bản làng xã tổ chức hát giã hội chia tay hẹn hò hội xuân tới gặp lại.
Lễ hội Đền Công Đồng Bắc Lệ
Thời gian diễn ra lễ hội của đền Công Đồng Bắc Lệ bắt đầu từ ngày 18 đến 20 tháng 9 âm lịch hằng năm. Lễ hội sẽ được tổ chức trong 3 ngày liên tiếp để tiếp đón du khách từ khắp mọi miền tổ quốc đến du ngoạn và vui chơi. Du khách sẽ được khám phá lễ hội rước Mẫu Thượng Ngàn lên đền và tổ chức nhiều lễ cúng, hát chầu văn vô cùng thú vị không thể bỏ lỡ.
Theo quan niệm của những người dân địa phương, Chầu Bé ở đây vốn là người thật và có quê quán ở Bắc Lệ. Tại vùng đất này, Chầu Bé thay mặt Mẫu để thực hiện cac ý đồ sáng tạo của các Mẫu.
“Chợ Bắc Lệ sớm chiều đông đúc
Có cả người Mường, người Mán bán buôn
Chuông đền văng vẳng chiều hôm
Mà sao Chầu Bé lên non có một mình”
Trong thời gian 3 ngày của lễ hội đền Bắc Lệ, du khách sẽ được tận hưởng không gian lễ hội cực kỳ hoành tráng. Các phần tổ chức diễn ra trong buổi lễ bao gồm: lễ chính, lễ rước, lễ chính tiệc… Sau đó, những người trong đội bê lễ sẽ di chuyển khiêng kiệu Mẫu đi xung quanh từ cổng vào đến đền chính, kèm với đó là tiếng chiêng, tiếng trống hòa vào thể hiện nét độc đáo của văn hóa Việt Nam.
Lễ hội Đền Suối Mỡ
Trong chuyến du lịch Tây Yên Tử, đến với suối Mỡ, du khách không chỉ tham quan mà còn quan tâm lớn đến lễ chùa bái phật tại đây. Hàng năm vào ngày 30 tháng 3 và 1 tháng 4 âm lịch, khu du lịch tổ chức hội đền với phần lễ trang trọng và phần hội với nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn. Phần lễ có hoạt động lễ rước từ các làng đến các đền trong quần thể di tích Suối Mỡ. Từ sáng sớm, dân làng tổ chức tế lễ ở đình làng Dùm. Tế xong xin rước sắc và bài vị ra đền suối. Đám rước qua đền cây Xanh rồi tới đền Hạ. Cùng thời điểm, dân làng Quỷnh cũng rước từ đình Quỷnh ở phía Tây Suối Mỡ rước lên, qua nghè Hàn Lâm để vào đền Trung làm lễ. Khi đám rước tới đền Hạ thì tế an vị.
Bản văn Mẫu Thượng Ngàn
Bản văn Nhạc Tiên Sơn Lâm Thánh Mẫu
Trấn sơn lâm Nhạc Tiên Vương Mẫu
Quản thượng ngàn ba mươi sáu động tiên
Hiệu danh Lê Mại Chúa Tiên
Bạch Anh công Chúa cầm quyền sơn lâm
Âm dương khí hợp thần hun đúc
Vòng càn khôn vũ trụ thai sinh
Vốn xưa giá ngự thiên đình
Quyền cai nhạc phủ rừng xanh ra vào
Ra hiệu lệnh võng đào đón rước
Thổ mán mèo sau trước phục tâm
Ơn nhờ Thánh Mẫu sơn lâm
Chở che làng bản thôn dân an lành
Lòng mộ Phật tu hành sớm tối
Cõi thiền na dốc chí bền tâm
Từ bi ứng hóa hiện thân
Có phen hóa hiện thôn dân đi rừng
Có phen biến người nùng người thổ
Có phen thời thuần hổ luyện voi
Hóa sinh sinh hóa kiếp người
Sơn Lâm Công Chúa chính ngôi La Bình
Theo đức Thánh Sơn Tinh tuần thú
Dạy muôn loài báo hổ chim muông
Dạy dân phát rẫy làm nương
Dạy cho chim hót líu lường líu lô
Nước cam lộ từ bi đượm khắp
Ứng hóa thân cứu độ muôn loài
Hóa sinh sinh hóa muôn nơi
Dấu chân ghi để muôn đời khắc ghi
Cảnh núi Giùm vạn niên lịch đại
Đất Tuyên Quang còn mãi truyền ghi
Đền thờ lồng lộng uy nghi
Thượng Ngàn Thánh Mẫu độ trì bốn phương
Khi hiển thánh Đông Cuông Yên Bái
Giữ đạo nhà nữ tắc tài hoa
Ngát hương dòng dõi Lê gia
Mãn trần xa giá gần xa mến lòng
Khắp mọi vùng nhớ công ơn đức
Lập đền thờ chầu chực khói hương
Bảng vàng Lê mại đại vương
Phù Lê gây dựng giang sơn thái hòa
Khắp Nam Bắc gần xa mến phục
Đội ơn người giáng phúc giáng ân
Chữ rằng sở nguyện tòng tâm
Mẫu vương lưu phúc thiên xuân thọ trường!
Bản văn Chúa Sơn Trang – Đông Cuông Công Chúa
Anh linh hiển hách Chúa Sơn Trang
Cai quản ba mươi sáu cửa ngàn
Lúc ngự lầu son cùng phủ tía
Khi chơi núi ngọc với non vàng
Gươm thiêng một buổi ra oai phép
Loài giặc Liễu Thăng phút phá tan
Thái tổ Lê triều ban sắc tặng
Danh thơm lừng lẫy khắp Nam bang
Tam quang chiếu bao la thế giới
Vầng nguyệt soi chói lọi nam thiên
Đền thờ phong nguyệt vô biên
Gió thu dìu dặt chuông rền nhặt khoan
Trịnh niềm đan nhớ xưa tích cũ
Chốn lạc châu thuỷ tú sơn tinh
Đông Cuông công chúa giáng sinh
Giáng vào lệnh tộc phúc lành quyền cao
Miền xà thuỷ màn trao dưới trướng
Chúa giáng trần thoang thoảng mùi hương
Hồng hoà sáng khắp bốn phương
Định sinh công chúa ai đương sánh tày
Hằng chải chuốt đêm ngày dưỡng dục
Giá so bằng vàng ngọc nết na
Nhỡn tinh sao đẩu Ngân Hà
Môi son má phấn tóc đà sở vân
Giá thanh tân dịu dàng cách điệu
Đoá phù dung dương liễu nhởn nhơ
Vẻ nào mà chẳng trai lơ
Hoa xuân mới nhú nguyệt thu đương tròn
Giá so bằng kim côn ngọc lệ
Nét đan thanh ai vẽ cho bì
Gồm lo đức tính dung nghi
Giá so Tống Tử sánh bì Tề Khương
Ánh xuân quang tuổi vừa ngoại kỷ
Mãn cõi trần phút đã lên tiên
Thần thông biến hoá vô biên
Phàm trần ai biết phép tiên ẩn hình
Đông Cuông sơn thuỷ hữu tình
Chúa thường trắc giáng hiện hình bách ban
Danh tiên chúa trên ngàn lừng lẫy
Hoá phép màu đã dậy thần linh
Sắc phong thượng đẳng tối linh
Tà thần cũng phục yêu tinh hàng đầu
Khắp đâu đâu nức danh đều biết
Chúa Thượng Ngàn lẫm liệt thần cơ
Tụ Long Bảo Lạc Tam Cờ
Sông Thao sông Cả sông Bờ sông Dâu
Khắp các châu nức danh thần nữ
Tự Lê triều quốc sử còn ghi
Danh thơm Nam Bắc Trung kì
Bảo dân hộ quốc độ trì tứ phương
Sắc Lê Mại Đại Vương trường trị
Đông Cuông từ đích vị danh lam
Chim kêu vượn hót trên ngàn
Tả thời bạch hổ hữu đoàn thanh long
Dòng bích lãng nước trong leo lẻo
Giải Tô giang uốn éo xinh ghê
Thông reo trúc hoạ tứ bề
Đền thờ cao ngất trông về Bắc Kinh
Cảnh thanh tú bên ghềnh trị thuỷ
Chúa giáng trần trấn trị yêu ma
Chúa về trắc giáng điện toà
Khuông phù đệ tử khang ninh thọ trường!
Bản văn Chúa Sơn Trang – Lê Mại Chúa Tiên
Anh linh hiển hách Chúa Sơn Trang
Cai quản Ba mươi sáu cửa ngàn
Lúc ngự lầu son cùng phủ tía
Khi chơi núi ngọc với non vàng
Gươm thiêng một lưỡi oai ra phép
Loài giặc Liễu Thăng phút phá tan
Thái Tổ Lê triều ban sắc tặng
Danh thơm lừng lẫy khắp Nam Bang
* * *
Hương một chiện lòng thành dâng tiến
Khói ngạt ngào thấu đến Cửu Thiên
Thỉnh mời Lê Mại Chúa Tiên
Núi Dùm – Chúa ngự trấn miền Tuyên Quang
Đức Chúa Ngàn con vua Đế Thích
Giáng sinh vào quý tộc Lê Gia
Năm Thân, mồng Hai, tháng Ba
Định sinh Tiên Chúa khai hoa Dần thì
Vẻ nhan sắc phương phi yểu điệu
Nét dịu dàng dương liễu tốt tươi
Dung nghi vốn sẵn tư trời
Môi son, má phấn, miệng cười nở hoa
Mái tóc phượng, da ngà điểm tuyết
Đôi mày ngài vẻ nguyệt tô son
Càng nhìn càng thắm càng ròn
Cổ cao ba ngấn mặt tròn khuôn trăng
Tay tháp bút, hàm răng ngọc thạch
Tai hoãn vàng hổ phách kim cương
Quần chân áo chít khác thường
Chân đi hải sảo tựa nhưòng khai hoa
Đầu nón chiêng, lẵng hoa hầu quẩy
Lưng đai xanh, bồ đẩy dao quai
Trên đầu lược giắt trâm cài
Xí xô xí xố nói lời Sơn Trang
Ba mươi sáu Tiên nàng bộ chúng
Bảy mươi hai Sơn lũng các lang
Tiếng Kinh, tiếng Mán, tiếng Mường
Tiếng châu Quan Hỏa khác người trần gian
Thoi bán nguyệt hò khoan đủng đỉnh
Đàn ngũ âm tang tính tình tang
Buồm dươngbẻ lái hò khoan
Chèo vào Bát Cảnh, chèo sang Ngũ Hồ
Chèo khắp hết sông Ngô, bể Sở
Lại chèo vào Bát Cảnh Thiên Thai
Chèo vào cho tới Bồng Lai
Chơi hồ Ba Bể – Mười hai cửa ngàn
Rừng hòe quế, rừng lan, rừng cúc
Rừng bạch mai, rừng trúc, rừng thông
Non cao uốn lượn khúc rồng
Bốn bề điệp điệp, trùng trùng nhấp nhô
Cảnh thiên tạo như tô, như vẽ
Đền ỷ La mọi vẻ mọi xinh
Tam Cờ gió mát trăng thanh
Dạo chơi vườn quýt tốt xanh rườm rà
Cảnh Rừng Cấm trăm hoa đua nở
Miếu Đồng Tiền cảnh ngự càng vui
Mỏ Than – Chúa ngự trên đồi
Cây Xanh mắc võng thú vui ra vào
Nước chảy sao minh đường tụ thủy
Đền Móc Dằng tú khí chung linh
Thấp cao vạn tượng thiên hình
Thượng cầm – hạ thú, sơn tinh mọi loài
Bầy điểu thú: hươu, nai, hổ, báo
Đủ muôn loài: sà giảo, sài lang
Chim kêu, phượng hót trên ngàn
Suối reo nước bạc, cá vàng chầu lên
Đứng đôi bên: lân rờn, phượng múa
Sắp hai hàng chầu Chúa Sơn Trang
Khi chơi Cung Cấm – Quảng Hàn
Hà Giang, Bắc Mục tòa vàng thảnh thơi
Có phen chơi Thanh Sơn – Bích Động
Lệnh truyền đòi các chúng Sơn Tinh
Ngắm trăng sơn thủy hữu tình
Khen ai khéo đúc, họa hình thiên nhiên
Đức Thánh Mẫu – Chúa Tiên hiển hiện
Đền ỷ La cung điện nguy nga
Đồng Đăng ao cá quê nhà
Đông Cuông – Tuần Quán, Bảo Hà miếu thiêng
Hiển Thánh tích lưu truyền vạn đại
Sắc phong tặng: “Lê Mại Đại Vương”
Thông minh chính trực lạ thường
Ra tay sát quỷ, bốn phươngthái hòa
Khắp trong nước: trẻ, già, lớn, bé
Đội ơn Người mạnh khỏe, sống lâu
Muôn dân lễ bái đảo cầu
Sở nguyện như ý, sở cầu tòng tâm!
Bản văn chầu Lê Mại Đại Vương
Cảnh thiên thai hoa rơi lai láng
Cửa rèm châu thấp thoáng bóng trăng
Lê Triều Thái Tổ trung hưng
Anh linh ra sức Liễu Thăng hàng đầu
Mở kim lâu nước Nam xây dựng
Hội thái bình nổi tiếng trâm anh
Bút son vâng lệnh thiên đình
Bạch Anh Công Chúa giáng sinh phàm trần
Phụng kim môn theo chân sứ giả
Chọn ngày lành giáng hạ thần tôn
Ra vào ngọc điện kim môn
Danh thơm ngoài cõi tiếng đồn trong cung
Lê Thái Tổ có lòng quảng đại
Sắc tặng phong Lê Mại Đại Vương
Ngạt ngào nổi dấu thiên hương
Bút son chói lọi thẻ vàng tốt tươi
Bậc thần nữ phong tư nhan sắc
Vẻ khuynh thành nhất mực trần gian
Hây hây má phấn tựa hương
Mặt hoa đầy đặn trán vuông chữ điền
Vẻ thiên nhiên hình dung tầm thước
Gót hài huê càng bước càng xinh
Đã nên quốc sắc khuynh thành
Mày ngang bán nguyệt dương đình nở hoa
Áo thắm hoa hương xông toàn sắc
Lược đồi mồi nhẫn ngọc luồn tay
Gương soi phấn điểm nào tày
Cổ đeo tràng mạng đôi tai hoãn vàng
Vẻ phi thường lại càng linh hiển
Giá ngự đồng phán chuyện xa xôi
Thông chi dưới bể trên trời
Quên đi lại nhớ nhớ rồi lại quên
Thú hữu duyên đã lên thanh lịch
Chốn kinh kỳ mặc sức rong chơi
Dạo thảnh thơi tay đàn miệng hát
Tiếng tơ càng cao vút ngàn mây
Rượu quỳnh giả tỉnh giả say
Tuần sơ tuần á vơi đầy đầy vơi
Lúc nhàn hạ lên chơi tỉnh Bắc
Thấy các nường quen biết lân la
Thiên triều bồng báo trải qua
Quỳnh Lôi thẳng tới Thổ Hà Vạn Vân
Trải phủ Thuận qua đền Dâu Khám
Tới đền Ghềnh xuống trạm Hoàng Mai
Có phen đi hán đi hài
Qua đền Cổ Vũ Hàng Gai Hàng Bè
Trở ra về Hàng Buồm Phố Khách
Thấy quan quân khúc khích cười reo
Rong chơi Cầu Gỗ Hàng Đào
Trở về Hàng Bạc lại vào hàng Ngang
Khi lại sang đền Nam đền Lộ
Lúc lại vào động phủ ba vua
Khi chơi chợ huyện chợ chùa
Khi sông Tô lịch khi hồ Hoàn Gươm
Khi thung dung lên hồ Trúc Bạch
Có phen vào Thiên Tích Đèo Ngang
Dạo chơi khắp các bản làng
Ai hay phép thánh ai tường sự tiên
Hiệp bóng khách chẳng duyên thời nợ
Bà bắt đồng ai gỡ cho ra
Tiếng đồn nô nức gần xa
Ai ai cũng đến cửa Bà kêu van
Khắp bốn phương người xin kẻ vái
Bệnh Bà làm ai đấy sợ kinh
Bệnh làm thập tử nhất sinh
Cầu Bà cứu bệnh lại lành như xưa
Trong ba phủ ba Vua ba động
Một tay bà ra rộng vào tâu
Tuỳ cơ ứng biến nhiệm màu
Đức Ông cũng nể đức Chầu cũng kiêng
Bà ghét ai quyết theo trêu ác
Tuy Bà cười họ thác như không
Yêu ai kén bóng bắt đồng
Ban tài ban lộc ban công ban quyền
Kẻ thiếu niên thanh tân lịch sự
Sai các nường làm cớ trêu ngươi
Đem về hầu hạ rong chơi
Vàng xanh trắng đỏ làm tôi Chúa Bà
Trên Tam toà ơn nhờ Quốc Mẫu
Dưỡi tay bà ai dễ dám đương
Có phen giả khách giả nường
Giả cô Thuỷ tế giả nường Bồng Lai
Trăm cửa đài mười hai cửa bể
Từ thiên đình cho chí thuỷ cung
Quyền cai tứ phủ công đồng
Thiên địa thuỷ nhạc mỗi cung mỗi toà
Lại thêm bà Mai Hoa Công Chúa
Trong đôi bà đồng phủ sở sinh
Cùng nhau làm Chúa làm Tinh
Đá vàng một dạ sắt đinh một lòng
Phép thần thông vi nam vi nữ
Tài kiêm tri cải tử hoàn sinh
Bệnh làm khi ốm khi lành
Khi phát bệnh quỷ khi sinh bệnh tà
Lâm bệnh bà khi mê khi tỉnh
Lúc lạnh mình khi nóng chân tay
Bệnh làm đêm nặng hơn ngày
Cơm ăn chẳng được nước rày cầm hơi
Biết uy trời kêu van thời sống
Không biết thời tìm đống ma chơi
Thấy ai hung nghịch khuấy chơi
Một ngày thông tích muôn đời lưu manh
Hội thái bình thiên hương cảnh vận
Trên cửu trùng đờn Thuấn ca Nghiêu
Sum vầy tổ hiệp càng kiêu
Bách quan vô số bách lieu đủ đầy
Đời thịnh trị ấy vầy thụ đức
Dưới muôn dân thuận sức âu ca
Vui vầy sum hiệp một nhà
Ơn trên Thánh Mẫu Chúa Bà anh linh
Dốc một lòng chí thành chí kính
Lập đền thờ Tiên Thánh sớm khuya
Ơn bà cứu khổ phò nguy
Nhất tội nhất xá độ trì chúng con
Đạo thờ Thánh vẹn tròn đôi ngả
Đức Chúa Bà hỉ xá quán thương
Thỉnh Bà trắc giáng phủ đường
Khuông phù đệ tử thọ trường thiên xuân!
Bản văn Chúa Thượng Ngàn
Lòng kính tin hương dâng một triện
Thỉnh Chúa bà ứng hiện chân nhang
Quyền bà cai các cửa ngàn
Quản tri các bộ sơn trang tung hoành
Tiếng anh linh vang lừng thế giới
Sắc tặng phong Lê Mại đại vương
Thông minh chính trực cương thường
Lại thêm tinh tú đoan trang hay là
Vốn sinh ra hình dong tươi tốt
Da tựa ngà má phấn môi son
Hài xanh dạo bước lên non
Dạy chim oanh hót véo von chào mừng
Các cửa rừng ba mươi sáu động
Đức oai danh thú phục cầm kinh
Khi vui chơi chốn hữu tình
Khi buồn Chúa lại tung hoành càn khôn
Khi Lạng Sơn Đồng Đăng Ao Cá
Khi lại về Thanh Hóa Nghệ An
Có khi chơi cảnh Đồi Ngang
Có khi Thuận Hóa Quảng An ra vào
Chí tiêu dao bầu trời cảnh phật
Phép thần thông nhiệm nhặt càng ghê
Có phen Chúa ngự Thất Khê
Công Đồng Bắc Lệ đi về sớm hôm
Có phen ngự Đông Cuông thú cảnh
Mắc võng đào ngự đỉnh non cao
Hà Giang Bắc Mục ra vào
Sơn lâm vắng vẻ tiêu dao tính tình
Non cao đàn hát tập tành
Chúa Mường Chúa Mán cảnh thanh chơi bời
Trên núi đoài ngàn xanh mây thắm
Dưới suối ngàn đá trắng nền xanh
Trên ngàn dưới suối hữu tình
Chim kêu vượn hót trên cành cây cao
Gà rừng khuya sớm ra vào
Chim kêu vượn hót xôn xao đùa cười
Cáo cầy ríu rít tức thời
Bốn phương rừng núi thảnh thơi non bồng
Thỉnh Chúa giáng ngự đàn trung
Khuông phù đệ tử thiên xuân thọ trường!
Bản văn Chúa Sơn Trang – Diệu Tín Thiền Sư
Tiên Thánh Thượng ngàn xanh hùng vĩ
Cảnh Lạng Sơn tú khí chung linh
Nối đời làm Chúa rừng xanh
Ba mươi sáu động quyền hành trong tay
Dòng họ Quách xưa nay hào kiệt
ứng mộng thần mãn nguyệt hoa khai
Sinh ra một đấng kì tài
Nữ nhi hổ tướng khác đời xưa nay
Song thân luống đêm ngày lo sợ
Bỏ vô miền hang hổ rừng sâu
Huyền vi ai biết cơ mầu
Sơn thần, long hổ về chầu hai bên
Ơn hổ mẫu ngày đêm dưỡng dục
Ba thu tròn dư sức lược thao
Tuyết sương đã nhuộm má đào
Tắm mưa, sưởi nắng sớm chiều sông pha
Rừng tùng bách mái nhà rợp bóng
Cửa trúc xanh suối ngọc soi gương
Ai hay sự lạ phi thường
Can qua nổi dậy bốn phương hãi hùng
Nạn giặc dữ đốt rừng, phá núi
Trẻ cùng già sớm tối điêu linh
Một đoàn lẩn trốn rừng xanh
Bỗng đâu giặc dữ tung hoành tới nơi
Vang tiếng thét kêu người giải cứu
Mới hay lòng trung hiếu giải ngay
Hổ uy nổi dậy ghê thay
Dẹp tan giặc dữ một giây hãi hùng
Tạ ơn đức có công giải cứu
Xin Người cho mĩ hiệu tinh danh
Rằng: “tôi ở chốn Sơn Tinh
Sống nơi hang hổ một mình đã lâu
Ơn lão tổ theo thầy học đạo
Mười thu tròn thụ giáo tiên qua
Sót đời binh lửa can qua
Thầy cho xuống núi để mà cứu dân
Tìm cha mẹ báo ân cực dục
Sau vì đời ngang dọc ra tay”
Nghe qua hổ tướng dãi bầy
Ông bà như dại, như ngây bồi hồi
Rơi nhọc lệ nhìn Người sửng sốt
Dấu son in đỏ chót bên tay
Con ơi! Cha mẹ còn đây
Sót thương con trẻ tủi thay lòng già
Bởi oan trái sinh ra quái dị
Bỏ con thơ cha mẹ xót đau
Tưởng rằng xa cách bấy lâu
Mới hay con tạo cơ cầu huyền vi
Nói thôi bỗng hồn lìa cõi tục
Hai thân đều giá hạc xa băng
Ai xui nổi sóng đất bằng
Khách tiên phút bỗng dưng dưng lệ trào
Chợt nhớ lại mấy điều Tiên giáo
Hiếu song thân đều chịu tang thân
Trọn đời trung nước hiếu dân
Cõi tiên trở lại an thân tu trì
Bỗng nổi trận vân phi pháp vũ
Chúng Sơn Thần đưa xác về non
Giúp người hiếu đạo vẹn tròn
Thảnh thơi bích động đầu non tháng ngày
Bầu tiên dược ra tay cứu thế
Võ thần thông khí nhuệ tinh anh
Triệu thần Lục Giáp, Lục Dinh
Tề Thiên, Độc Cước, Công Manh, Huyền Đàn
Triệu các bộ Sơn Trang – Mường Mán
Ngự trên mình bạch tượng, thiên sư
Chúa Mường đắc đạo chân như
Sắc phong: “Diệu Tín Thiền Sư” anh hùng
Chúa Diệu Nghĩa hô phong hoán vũ
Mời Kim Cương – Bát Bộ tùy thân
Sừng Sỏ Sắt, tướng Tam Danh
Thiên triều Bắc Quốc, Đại Minh hội đàn
Mời Thổ Địa, Đại vương Trần Huệ
Lệnh Thành Hoàng Cảnh Vệ – Đương Niên
Nhập đàn hộ hấp thiên cương
Bổ vây lưới sắt bốn phương hộ đàn
Thỉnh Tám tướng Sơn Trang các bộ
Đỗ Trịnh, cùng Đỗ Bích, Đỗ Trung
Đỗ Trương, Đỗ Triệu, Đỗ Công
Đỗ Cường, Đỗ Dũng anh hùng ai đang
Bên thạch động phong lan đua nở
Đỉnh trầm hương Chúa ngự tòa sen
Phượng hoàng bách điểu ca vang
Gió thông réo rắt tiếng đàn tơ-rưng
Loài bách thú: hổ, hùm, tê giác
Voi chín ngà quỳ rạp bên non
Vượn dâng hoa ngát cỏ thơm
Cá vàng, cá bạc chầu lên muôn ngàn
Trong Bích Động quần tiên hội nghị
Đức Chúa Mường phụng chỉ tiên cung
Mừng người đắc thọ thần thông
Ân chiêm pháp vũ, ruộng đồng nở hoa
Trước điện ngọc cầm ca mấy khúc
Dâng lên Người giáng phúc lưu ân
Nước non xuân lại hồi xuân
Trẻ già trăm họ nhân dân nức lòng!