PHÁP TAM CƠ

Pháp Tam cơ là thế nào?

Thưa quý vị, “cơ” tiếng Hán nghĩa là thành, gốc, nền. Nguyên nhân gọi là Pháp Tam cơ nghĩa là ba pháp nền móng căn bản giúp cho tiến hóa lợi ích đạt quả đích cao thượng, tức là sự giải thoát không thể có sự lui sụt được, đó là: Đức tin – Trí tuệ  – Tinh cần.

Một người Phật tử muốn cho mình trong sạch thanh lọc ô nhiễm, trước hãy tạo một niềm tin, nhưng phải là niềm tin chân chánh, tất nhiên lòng tin đó phải dựa trên trí tuệ, hiểu biết mới có thể là chân chánh được; khi đã được như vậy rồi người Phật tử cần phải nỗ lực sách tấn, dồn hầu hết vào việc hành trì pháp, như thế mới có kết quả khả quan.

Sau đây sẽ lần lượt trình bày từng chi pháp một cho chúng ta dễ nhận định hơn.

Thế nào là cơ Tin?

Thưa quý vị, “đức tin” (Saddhā) nghĩa là tính cách tin tưởng và ngưỡng mộ, hay là một sự trong sạch với một nhân vật khả tín. Đức tin nơi đây phải là chánh tín, một niềm tin được đặt trên lý trí dựa vào Đức Phật, Giáo Pháp, Chư Tăng; có vậy mới là cơ sở giúp cho tiến hóa được, đặc tánh chính của đức tin là thanh lọc khiến cho chúng sanh tinh khiết. Điểm thứ hai nữa là niềm tin thôi thúc cố đạt đến các quả đích cao hơn. Tựu trung lại, đức tin chân chánh nơi đây có 4 là:

  1. Tin nghiệp (Kammassaddhā).
  2. Tin quả (Vipākamaddhā).
  3. Tin có nghiệp riêng của mình (Kammassakātāsaddhā).
  4. Tin nơi sự giác ngộ của Đức Phật.

Thưa quý vị, tin nghiệp là tin vào mỗi mỗi hành động cố ý làm bất thiện do thân, do khẩu hay do ý đều là có mãnh lực trổ quả, cho vui hay cho khổ, đó là niềm tin cái nghiệp.

Còn tin quả là tin rằng mỗi cách hưởng cảnh vui khổ trong đời sống đó là kết quả tương ứng của những hành động thiện hoặc ác đã gây, có thể là hiện tại hay quá khứ. Đó là tin quả.

Còn về sự tin có nghiệp riêng của mình nghĩa là tin chắc rằng mỗi mỗi chúng sanh đều có biệt nghiệp của chính họ đã tạo nên, cho dù sanh làm quyến thuộc với nhau, mỗi chúng sanh ấy thọ cảm hạnh phúc, khổ đau khác biệt, ấy chỉ là do nghiệp riêng của mình, chính họ đã tạo trữ rồi thành tựu như vậy; chớ không có nhân vật tối cao nào ban bố sắp đặt cho cả.

Đúng như Phật ngôn dạy trong kinh Cūlakammavibhanga như vầy: “Này thanh niên, chúng sanh có nghiệp riêng của mình, hưởng cảm cái nghiệp, nghiệp là thai bào, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là cứ điểm, nghiệp phân chia các loài hữu tình thành ra ưu thắng, hạ liệt.”

Và cuối cùng là tin sự giác ngộ của Đức Phật, tức là tin chắc cái Tuệ giác sáng suốt của Đức Thế Tôn, Ngài đã tỏ ngộ Sự khổ, tỏ ngộ Nhân sanh khổ, liễu tri pháp Diệt khổ, thấu triệt Con đường đưa đến pháp diệt khổ. Lại nữa, trong sạch nơi Đức Phật là nhân vật cao quý thanh tịnh cả thân, khẩu, ý, không nơi khuất lấp; Ngài là bậc đã tự mình giác ngộ chân chánh; là Thầy của cả Chư thiên và nhân loại; là Bậc có giới đức vô thượng, là Bậc không còn luân hồi nữa; những lời dạy do Đức Như Lai thuyết là hướng thượng; chúng đệ tử do Ngài huấn luyện là chân chánh cao đẹp. Như vậy là tin nơi sự Giác ngộ của Đức Phật.

Thưa quý vị, khi chúng ta đã thiết lập niềm tin như vậy thì khiến cho chúng ta mong đạt đến những quả đích cao hơn, nhờ đó ta có thể thực hiện các việc lành như Phật đã dạy: “Saddhā bamdhati pāthayyam” nghĩa là “Đức tin là gói cột sự dự phòng”. Do vậy ta được an vui và trở nên thánh thiện. Chính vì vậy mà Phật ngôn: “Saddhā sādhu patiṭṭhitā” nghĩa là “Đức tin thành tựu sự tốt đẹp”.

Như tích xưa, thuở ông Cấp Cô Độc chưa là Thánh cư sĩ, có lần đi đến thăm anh chị trong nội thành, được nghe người anh rể tán tụng Ân đức Tam bảo, nhất là Đức Phật, thì niềm tin dạt dào với Đức Phật đã khởi lên mãnh liệt nơi ông Cấp Cô Độc. Chính nhờ đó mà trong đêm, lòng tin vô hạn đã thúc đẩy ông tìm đến Thiên Nhân Sư, trong lúc đi nhờ phỉ lạc của niềm tin suy niệm Ân đức Phật đã tạo thành một vầng sáng soi đường cho ông; ông cứ đi, đi mãi thì bỗng vấp phải những tử thi, vì đi ngang qua một bãi tha ma, ông khiếp đảm, nhưng nhờ có Chư thiên khuyến khích và lòng tin được khởi lên, ông tiếp tục đi, thế là chướng ngại đến với ông hai lần nữa. Nhưng cuối cùng ông đã thắng hóa tất cả, và đến gần đảnh lễ dưới chân Đức Phật, lãnh hội Giáo lý, ngay tại đó đã đạt Thánh quả Tu-đà-hoàn, diệt trừ ba sự trói buộc là thân kiến, hoài nghi và giới cấm thủ. Thế là không bao lâu chẳng quá bảy kiếp nữa vị ấy sẽ thoát khỏi mọi sự khổ đau ở đời.

Thưa quý vị, qua tích này chúng ta đã nhận thấy nhờ có đức tin mà ông Cấp Cô Độc được thanh lọc tinh khiết, nhờ có đức tin ông tiến đạt đến quả đích cao hơn, tạo nên sự hạnh phúc vô thượng. Chính vì đó người Phật tử chúng ta hãy tự tạo cho mình một niềm tin chân chánh để làm cơ bản, nền móng cho sự giải thoát tiến hóa. Hơn nữa chính đức tin là tài sản cao quí của con người trong đời này. Những ai chưa có niềm tin thì ta nên phát triển niềm tin, còn chúng ta những ai đã có niềm tin chân chánh rồi thì nên cố duy trì và phát huy mạnh mẽ niềm tin đó.

Như vậy tôi đã trình bày xong pháp căn bản thứ nhất là cơ Tín, kế đến tôi nói qua pháp cơ bản thứ hai là cơ Trí, tức Trí tuệ.

Thế nào là cơ Trí?

Thưa quý vị, Trí tuệ (Paññā) là sự sáng suốt hiểu biết thực tại, thông thấu pháp đúng như thật. Chính trí tuệ là nguồn cội của mọi sự hiểu biết, trí tuệ trở thành một trong tám nẻo đường đưa đến sự giác ngộ là Chánh kiến (Sammādiṭṭhi) vì đường lối hiểu biết đúng đắn theo Tứ Diệu Đế. Lại nữa, Trí tuệ trở thành một pháp trợ cho sự Giác ngộ là Trạch pháp giác chi, vì quán triệt các pháp danh và sắc; lại là Tuệ quyền, Tuệ lực,…

Chung qui lại Trí tuệ là pháp gốc, căn bản của sự Giác tri chân lý.

Trí tuệ đây có ba là:

  1. Trí Văn.
  2. Trí Tư.
  3. Trí Tu.

Thưa quý vị, nói đến Trí văn tức là sự sáng suốt thấu triệt các pháp do nhờ nghe pháp hoặc học hỏi, tìm hiểu nơi người trí, nơi kinh sách mà phát sanh Trí tuệ.

Còn về Trí tư tức là sự thông suốt minh mẫn do sự suy xét chân lý, pháp lý cao siêu chân chánh mà phát sanh Trí hóa.

Và Trí tu tức là Tuệ sáng suốt quán triệt các pháp, do nơi tu tập Thiền Tứ Niệm Xứ là quán thân trên thân, quán thọ trên thọ, quán tâm trên tâm, quán pháp trên các pháp. Người tu Thiền tứ niệm xứ cho thấy rõ sự sanh diệt vô thường của danh và sắc, phát sanh Tuệ giác, cái trí tuệ ấy gọi là Trí tu vậy.

Trở lại vấn đề Trí tuệ là pháp cơ bản giúp cho người tu tiến hóa lợi ích. Thưa quý vị, kiến thức chân chánh là một điều hệ trọng đối với người tu, bởi nó giúp cho ta không hành pháp sai lạc, người ta còn có những tư tưởng sai lầm, niềm tin mù quáng, cuồng tín đó là do thiếu Trí tuệ làm căn bản, không suy xét trên lý trí.

Đức Phật lần nọ đã giáo giới cho dân chúng xứ Kālāma rằng: “Đừng vội tin, này các dân Kālāma, những gì chỉ nghe tố tụng, đừng vội tin chỉ vì lời đồn đãi, đừng vội tin theo truyền thống tập quán, đừng vội tin chỉ vì trong Kinh điển, cũng đừng vội tin chỉ vì là vị Thầy ta thuyết, mà chỉ khi nào với Trí tuệ hiểu rõ đây là Thiện, đây là ác, đây là nhân kết quả vui, đây là kết quả khổ,…, khi ấy mới nên tín thọ”. Đại để Đức Phật dạy là vậy. Như thế trong mọi vấn đề, người Phật tử cũng cần phải áp đặt Trí tuệ trên trước, thẩm xét cho tường tận. Có vậy ta không bị lầm lạc mê cuồng. Ở đây khi quan sát các sự vật phải nhận diện cho thấy rõ các pháp trên Đời là khổ; hãy tìm rõ Nhân sanh khổ, cùng quán triệt sự Diệt khổ và thông suốt Con đường đưa đến sự diệt khổ. Đó là trí tuệ chân chánh, nói rõ hơn Trí tuệ căn bản giúp cho tiến hóa lợi ích, tức là Tuệ thấy rõ lý nhân quả của pháp chân đế: hiểu rõ Tập khởi sự khổ là nhân; hiểu rõ sự Khổ là quả; thấu đáo con Đường diệt khổ là nhân; liễu tri sự Diệt khổ là quả.

Khi người có Trí tuệ như vậy rồi là người được thấu đạt những tinh hoa trong giáo pháp, bởi giáo lý Đức Phật chỉ có người Trí mới lãnh hội được; cũng nhờ Trí tuệ thấu triệt những tinh hoa ấy khiến cho kiến thức con người trở nên chân chánh, không bị đầu độc mê cuồng, nhờ vậy con đường Giải thoát sẽ không xa, vòng luân hồi sẽ ngắn lại.

Có lẽ quý vị cần liên tưởng đến cuộc đời của Ngài Sārīputta là một vị Thượng thủ thinh văn tả hữu của Đức Phật, có đặc biệt đa Trí tuệ.

Thuở ngài còn là thanh niên Upatissa cũng có nhiều Trí tuệ, một hôm cùng người bạn thân đi xem hát, sau khi đó, cả hai tự ngộ được cuộc đời là hư ảo cũng giống như vở kịch trên sân khấu. Thế là cả hai chán nản, từ bỏ gia đình, mong tìm con đường giải thoát. Cả hai lúc đầu đến hầu các vị giáo chủ trứ danh để thọ giáo, với Trí tuệ sẵn có, không mấy chốc đã thấu đạt hết phần giáo lý của thầy mình, nhưng cả hai xét thấy đây cũng chưa phải là cứu cánh rốt ráo, thế rồi từ giã ra đi.

Đến các vị giáo chủ khác cũng xét thấy như vậy, lúc đó hai người bạn chia tay, mỗi người đi một ngã hứa hẹn nếu ai tìm ra con đường giải thoát trước, thì trở về dắt dẫn người sau.

Nói về thanh niên Upatissa sau khi từ giã rồi, đang đi vào thành Rājagaha bỗng thấy đại đức Assaji y bát trang nghiêm, tướng đi từ tốn, gương mặt trầm tĩnh thong dong, biểu lộ sự vắng lặng sâu xa bên trong, cốt cách siêu phàm của vị chân tu ấy khiến thanh niên Upatissa tò mò để ý và lặng lẽ theo Ngài, đến lúc Đại đức dừng chân lại một chỗ thích hợp để thọ thực xong; người thanh niên chụp lấy ngay cơ hội cung kính bạch hỏi Ngài về mục đích, giáo lý và ai là vị Tôn sư của Ngài? Khi ấy Đại đức Assaji trình bày đại lược giáo lý như sau:

“Các pháp nào sanh lên cũng như nhân của những pháp ấy, Như Lai đã chỉ và Ngài đã dạy cách đoạn triệt những pháp ấy”

Vị đại đức Sa môn đã thuyết giảng như vậy. Trí tuệ của Upatissa lúc bấy giờ đã đủ thuần thục để thấu triệt những chân lý sâu xa, dầu chân lý ấy chỉ được gợi ra một cách vắn tắt. Vị ấy chỉ cần một tia ánh sáng và đại đức Assaji đã đọc lên bốn câu kệ thật là khéo léo đưa người ngay vào con đường. Khi nghe xong hai câu đầu, thanh niên Upatissa đã đắc quả Tu-đà-hoàn (Sotāpatti).

Bấy giờ đúng theo lời cam kết Upatissa trở về báo tin lành cho bạn là Kolita vốn cũng là bậc Trí tuệ, khi nghe xong bốn câu kệ ông cũng đắc quả Tu-đà-hoàn luôn, về sau cả hai xuất gia và trở thành nhị vị Thượng thủ thinh văn của Đức Phật, tức là Đại đức Sārīputta và Đại đức Moggallāna.

Thưa quý vị, trở lại vấn đề chúng ta thấy Trí tuệ hết sức là quan trọng, hết sức là căn bản, nhờ có Trí tuệ chúng sanh mới thấu đạt chân lý Chân – Thiện – Mỹ, nhờ có Trí tuệ con đường tu tập mới được sáng tỏ minh chánh, có vậy người Phật tử mới dễ dàng tiến hóa đạt đến quả đích vô thượng.

Ấy là Cơ Trí Tuệ pháp như vậy. Sau cùng chúng tôi sẽ trình bày pháp cơ bản thứ ba là Cơ Cần.

Thế nào là cơ Cần?

Thưa quý vị, cơ Cần là một pháp căn bản về sự tinh luyện chuyên sách tấn.

“Cần” hay tinh tấn, Phạn ngữ Viriya nghĩa là sự siêng năng, quyết tiến, nỗ lực không ngừng, đặc tánh của pháp này là nâng đỡ không cho bị lui sụt. Mọi sự cố gắng trong việc làm siêng suốt đều được xem là cần chuyên, sách tấn. Tuy vậy nơi đây, trên phương diện Cần là pháp nền móng cơ bản, Cần phải hiểu là lối siêng năng cố gắng một cách chân chánh, đúng là pháp có mục đích cao thượng, mặc dù trong mọi việc làm nếu có sự cố gắng tinh chuyên cũng đạt kết quả thỏa mãn, nhưng sự cố sức ấy chẳng khả dĩ mang lại chút gì trong việc tổng trừ mọi khổ đau, do đó khi nói đến pháp nền tảng giúp cho Hành giả tu tập thêm tiến hóa thì phải đề cập đến sự cố gắng nỗ lực như thế nào để nếm được hương vị Giải thoát bằng không cũng là đang đi trên con đường đến Giác ngộ. Sự tinh tấn ấy thưa quý vị, được xem là Chánh tinh tấn (Sammāvāyāmo) gồm có bốn trọng yếu là:

(1)     Thận cần tức là cách cố gắng làm cho không phát sanh những ác chưa sanh, như ta chưa sát sanh, trộm cắp thì cố giữ đừng cho sát sanh, trộm cắp,…

(2)     Trừ cần tức là cách cố gắng dứt trừ những ác pháp đã sanh rồi không cho tái phạm, như người đã gây ác nghiệp rồi bây giờ cố chừa bỏ không làm nữa.

(3)     Tu cần tức là cách cố gắng làm cho phát sanh những Thiện pháp chưa sanh, như người chưa biết bố thí, trì giới,… thì giờ cố tìm cách bố thí, trì giới,…

(4)     Bảo cần tức là sự cố gắng làm cho tăng trưởng thêm các Thiện pháp đã sanh rồi không cho bị hư hoại.

Đó là pháp Chánh Cần, là nền tảng giúp cho tiến hóa lợi ích.

Thưa quý vị, khi người có đường lối siêng năng chân chánh như vậy rồi là người sẽ thắng hóa trong mọi nơi. Tinh tấn cũng ví như con bò, Đức Phật dẫn dụ như vậy, con bò có bốn chân hằng kéo vật nặng đi đến đích. Mong muốn được cũng vậy, chánh tinh tấn có bốn trọng yếu như thế rồi, hằng làm cho người sấn tới, lướt qua được các trở ngại tinh thần là tham, sân, si, đoạn trừ mọi ác nghiệp và phát huy cao độ những Thiện pháp, nhờ đó tiến đạt đến chỗ an vui tuyệt đối, không còn cái khổ ngũ uẩn luân hồi nữa.

Nói đến đây tôi còn nhớ gương cao cả đáng noi theo của các vị Tỳ khưu xưa kia:

Có vị Đại đức tên là Lomasanaga ở hành đạo tại hang Piyamgu, khi ấy nhằm mùa nắng, trời thật nóng, nhưng Ngài vẫn tự nhiên ngồi tham thiền giữa nơi trống trải, mồ hôi đổ ra, chư đệ tử thấy Ngài như vậy nóng lòng nên đến bạch xin Ngài vào ngồi trong mát.

Ngài đáp: “Vì tôi sợ nóng nên mới ngồi đây”, rồi Ngài mới quan sát đến cái nóng ở địa ngục còn cao gấp không biết bao nhiêu tỷ tỷ lần của sức nóng này. Lúc đó Ngài cố dồn hết nỗ lực vào đề mục Thiền định phát triển Minh sát, nhờ vậy nên đắc A-la-hán quả tại chỗ ấy. Đây là gương lành mà chúng ta noi theo.

Còn nhiều mẫu chuyện tinh tấn khác khiến ta có thể thầm kính các vị ấy.

Như đại đức Millaka trước kia là người thợ săn, vì nghĩ sợ tội ác của mình nên vào xuất gia, cố hết sức mình hành đạo nhưng tâm không bao giờ yên trú. Về sau, nhờ Thầy tế độ nhắc nhở, nên từ ngày ấy, Ngài càng cố gắng, không dám xao lãng, khi nào tham Thiền mà bị buồn ngủ, thì Ngài lấy khăn nhúng nước bịt đầu, còn chân thì ngâm trong nước.

Ngày nọ, Thầy tế độ dạy rằng: “Người tinh tấn có trí nhớ việc làm trong sạch, suy nghĩ trước mới hành động sau, người hành theo Thánh pháp và không dễ duôi thì quyền chức thường đến cho người ấy”.

Ngài Millaka nghe câu ấy liền nghĩ rằng: “Đã gọi là người siêng năng như ta đây là người có trí nhờ việc làm chân chánh, đã thu thúc trong Chánh pháp, không dễ duôi. Ngài nghĩ thấy sự tu hành của mình trong sạch, giới hạnh thanh cao, Ngài dùng Trí tuệ quan sát thân này là vô thường, khổ não và vô ngã, đắc được quả A-na-hàm.”

Thưa quý vị, như thế thì người Phật tử chúng ta cần phải trau dồi đức tinh tấn cho đầy đủ để có nghị lực lướt qua mọi trở ngại tinh thần, hầu tiến đạt đến nơi tuyệt đối, thoát khổ, vì pháp tinh cần là nền móng căn bản tạo sự thành công, và muốn vậy ta phải quán sát ở điều kinh cảm là: sanh, già, đau, chết, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và atula là những nỗi thống khổ không sao kể hết. Đó là pháp cơ bản thứ ba.

Thưa quý vị, vừa qua tôi đã trình bày về ba pháp cơ bản nền móng giúp cho người tu được tiến hóa lợi ích đó là: Cơ Tín, Cơ Trí và Cơ Cần. Pháp Tín – Trí – Cần này là ba pháp nền tảng, có sự hỗ tương với nhau, khi ta có Niềm tin thì lòng tin đó phải có Trí tuệ song song thì mới được chân chánh, mà khi đã có lòng tin chân chánh rồi cần phải nỗ lực Tinh chuyên thì lòng tin đó mới đạt đến quả đích cao. Ba pháp này được tỷ dụ dễ hiểu như sau:

“Có ba anh em, anh Trí, anh Cần và anh Tín đi buôn xứ ngoại xuyên đường rừng, đem theo vật thực độ 7 ngày, rủi bị lạc đường nên đói khát. Anh Cần quá xôn xao, anh Trí cũng bấn loạn, chỉ có anh Tín nương phần lý nghiệp khuyên giảng anh em, nếu chúng ta nghiệp số định nơi rừng dù có sôi nổi (phiền não) đến đâu cũng chẳng khỏi, trái lại sẽ có dịp may. Nhờ lời thức tỉnh của anh Tín, anh Cần giảm xôn xao, anh Trí mới đặng sanh sáng kiến; xét theo hướng chim dơi đi ăn đoàn có trái cây, anh Cần ráng hết sức tìm ngay, may gặp ăn no và đem lại cùng nhau đỡ đói, mới lần ra khỏi chốn lạc đường.”

Đây là ba pháp căn bản chúng ta cần phải có.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *