TỨ CHÁNH CẦN

Thời pháp hôm nay, tôi xin đề cập đến pháp “Tứ chánh cần” là một pháp trong 37 pháp trợ giúp giác ngộ. Đích thực hơn pháp này là chi nghành của con đường Thánh đạo tám ngành trực tiếp dẫn đến Đạo quả; hơn nữa pháp này cũng chính là pháp Ba la mật về tinh tấn độ (Viriyapāramī) mà chư vị Bồ tát muốn tròn đủ duyên lành tỏ ngộ đạo quả; không thể bỏ qua không thực hành được, và đây cũng là pháp cần yếu căn bản cho người tu tập, tức là một trong ba pháp cơ bản.

Thưa quý vị, Pháp Chánh Cần là như thế nào?

Chánh cần, Phạn ngữ Padhāna, cũng giống như Sammāvā yamo, đồng nghĩa với viriya là tinh tấn, chánh cần là sự cố gắng, ráng sức tiến, siêng năng một cách chân chánh đúng pháp. Tức là đè nén bất thiện pháp, phát huy thiện pháp.

Pháp chánh cần có đặc tánh là ủng hộ các Thiện pháp cho đầy đủ, không để bị tiêu hoại.

Cũng ví như ngôi nhà không bị sụp đổ trước cơn giông bởi nhờ sự rắn chắc của cột kèo, cùng thế ấy, năng lực của pháp Chánh cần nâng đỡ các Thiện pháp trong tâm của hành giả, không bị tiêu hoại đi.

Pháp chánh cần phát xuất từ gốc Tấn quyền (Viriyindriya).

Pháp chánh cần ví như con bò được sức mạnh ở bốn chân, có thể chở đồ nặng, kéo xe đi đến đích. Cũng vậy, chánh cần có 4 tư cách khiến cho ác pháp bị đào thải, thiện pháp được chất chứa, đưa Hành giả đạt đến đích vô sanh, là Đạo quả Niết-bàn đây gọi là Tứ chánh cần.

Thưa quý vị, bốn Chánh Cần đó ra sao?

Thưa quý vị, đó là:

  1. Thận cần (Saṃvarapadhāna).
  2. Trừ cần (Pahānapadhāna).
  3. Tu cần (bhāvanāpadhāna).
  4. Bảo cần ( Unurakkhāpadhāna).

Như vậy gọi là bốn pháp chánh cần hay Tứ Chánh Cần. Bây giờ chúng ta tìm hiểu sâu vào từng chi pháp của tứ chánh cần.

Trước hết, thế nào là Thận cần?

Thưa quý vị, tiếng gọi Saṃvara có nghĩa là sự thu thúc, sự đóng ngăn, ở đây thận cần tức là tư cách siêng năng, cố gắng ngừa đón các ác bất thiện chưa sanh không cho phát sanh. Ý nói rằng, tỷ như lòng tham dục, hay sự phẫn nộ, hoặc tâm ganh tỵ bỏn xẻn, … chưa có phát khởi, thì cố ngăn đón thu thúc để đừng cho các bất thiện pháp ấy sanh ra.

Vì cớ sao phải ngăn ngừa ác pháp chưa sanh?

Thưa quý vị, ví như trong một vương quốc, trong lúc yên bình cũng phải xây thành đắp lũy, khai thông hào, tổ chức quân gia, luyện đúc khí giới để phòng bị, chớ không lo, chừng giặc đến làm sao trở tay kịp. Cùng thế ấy, người tu có sự thu thúc dè dặt đối với các ác pháp chưa sanh, nhờ vậy bất thiện pháp không phát khởi được. Nếu để khi ác pháp đã sanh rồi, cũng khó diệt trừ, và nội tâm cũng đã bị tỳ vết, ô uế. Cũng như người không đề phòng lửa, đến lúc lửa gây hỏa hoạn, thì rất khó chữa, dù chữa được vẫn thiệt hại nhiều.

Người tu hành pháp Thận cần là khôn khéo dàn cảnh tốt đẹp cho tâm, khiến mang lại sự an vui giải thoát.

Thưa quý vị, tích xưa khi Đức Phật còn tại thế, ở một làng nọ tên gọi Mātikagāma, tại đó có một bà Đại tín nữ đắc tha tâm thông, biết được tâm của người khác. Trong làng ấy, có 60 vị Tỳ khưu trú hành đạo, được bà đại tín nữ cung phụng từ vật dụng thích hợp theo ý riêng của mỗi vị, do nhờ tha tâm thông của bà, nhờ vậy 60 vị Tỳ khưu hành đạo dễ dàng không bị trở ngại nên đắc A-la-hán quả cả thảy. Sau đó bèn về hầu Phật và các vị thuật lại sự kiện hành đạo của mình được dễ dàng do nhờ bà tín nữ có tha tâm thông. Lúc ấy có thầy Tỳ khưu tên Cittagutta vào ngồi tại đấy, nghe thấy câu chuyện của người Thí chủ như vậy, bèn nghĩ : “Nếu quả như vậy, thật là rất tốt cho ta đến hành Đạo tại chỗ ấy”. Nghĩ như vậy rồi, đảnh lể Đức Phật và bạch xin đi đến làng Mātikagāma để hành Đạo. Đức Thế Tôn nhận lời.

Tỳ khưu Cittagutta ra đi đến làng Mātika. Từ khi ấy, ngài Cittagutta nhận được sự hộ độ đặc biệt của người đại tín nữ, vì mỗi khi đại đức khởi ý muốn dùng xài chi, bà tín nữ đều biết mà dâng cúng. Đại đức Cittagutta nghĩ xa phát tâm kinh cảm rằng: “Thật là hại cho ta, nếu còn là phàm nhân hay nghĩ chuyện quấy ắt bà tín nữ này biết được tâm xấu của ta, như người bắt kẻ trộm giữa tòa án vậy”.

Suy xét như vậy, ngài Cittagutta bèn trở về hầu Phật bày tỏ tự sự đã khiến cho mình quay về, Đức Phật dạy bảo trở lại chỗ đó, ở và cố kiềm giữ cái tâm, đừng để cho nó buông thả theo dục vọng, như vậy sẽ đem lại nhiều kết quả an vui.

Được khuyến khích, Tỳ khưu Cittagutta liền trở lại ở làng của bà tín nữ khi trước, ngày đêm chuyên cần cố ngăn đón tư tưởng và kiềm trong đề mục Thiền định Minh sát chẳng bao lâu thành đạt được Thánh quả A-la-hán tại làng ấy.

Thưa quý vị, xuyên qua tích này chúng ta thấy tư cách của người tu cố gắng ngăn đón trước bất thiện pháp chưa sanh đừng để phát sanh, là một việc có ích vô cùng trong đường hướng tu tập của mình, ví như vương quốc có xây thành, luyện binh sẵn sàng không còn sợ kẻ ngoại xâm phá rối. Đó là pháp Thận cần trong tứ chánh cần.

Tiếp đến là pháp Trừ cần, thế nào là trừ cần?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Pahāna nghĩa là dẹp bỏ, hủy bỏ, dời đi, trừ cần có nghĩa là cố gắng siêng năng diệt từ các ác bất thiện pháp đã sanh rồi cho tiêu mất đi.

Ác pháp đã sanh rồi, cố tiêu trừ cho diệt mất, đó gọi là Trừ cần.

Thưa quý vị, người tu cần phải cố diệt trừ các ác pháp hèn hạ đã sanh khởi nơi mình, làm cũng như người biết bệnh đã có trong mình liền cố uống thuốc chạy thầy để tiêu trừ căn bệnh ấy.

Khi người đã hành động như thế gọi là người làm sáng chói đời này đúng như Phật ngôn:

“Ai trước sống phóng dật

Sau lại không dễ duôi

Làm sáng chói đời này

Như trăng thoát mây che.”

Và người tu tập trừ cần, diệt trừ ác pháp đã sanh làm cho mất đi, là người đã dọn thân tâm trong sạch, có phẩm hạnh tốt chánh đáng, sẽ đạt đến quả vị giải thoát chẳng sai, như Đức Phật đã khuyên dạy:

“Siñca bhikkhu imaṃ essati

Sittā te lahum essati

Chetvā rāgañ ca dosañ ca

Tato mibbānaṃ ehisi.”

“Hỡi Tỳ khưu, hãy tát cạn chiếc thuyền này, thuyền tát cạn sẽ đi mau; khi người đã đoạn trừ tham ái, sân hận, nhờ đó ngươi sẽ đạt đến Niết-bàn.”

Đây tôi xin nhắc lại tích Đại đức Millaka khi chưa xuất gia, ngài là một người thợ săn rất giỏi, giết rất nhiều thú rừng. Có lần ngài đến tư thất của một vị Đại đức hành đạo ở trong rừng để xin nước uống, lúc mở nắp lu ra, không thấy có nước, ông giận mới nói: “Thật là tệ, tu chỉ ăn rồi ngủ có lu nước uống cũng không xách được.”

Vị đại đức lấy làm lạ, vì nước mới xách đầy, bèn đi ra xem lu nước, thấy nước vẫn còn đầy, mới múc cho người thợ săn uống. Người thợ săn sợ hãi nghĩ: “Mình đã làm nhiều tội lỗi đến nỗi hũ nước đầy mà lại cạn khô”. Chán sợ tội lỗi của mình đã làm, người thợ săn bèn xin xuất gia tu hành, nhưng hành đạo không yên vì cảnh tượng giết chóc ám ảnh mãi.

Về sau, khi nhìn thấy thầy tế độ lấy chỉ một đóm lửa nhỏ để vào đống cây tươi xanh to lớn chất gần đó, chỉ trong nháy mắt cháy thành tro bụi, ấy là lửa địa ngục, do Đại đức tế độ dùng thần thông lấy được. Ngài Millaka nghĩ sợ hãi nỗi khổ trong địa ngục!

Từ đó ông ráng hết sức tu hành không hề xao lãng, khi nào tham thiền mà buồn ngủ, hôn trầm chi phối thì ông lấy khăn nhúm nước bịt đầu, còn chân thì ngâm trong nước.

Một lúc nọ vị Đại đức thầy tế độ thấy vậy mới dạy rằng: “Uy đức thường đến cho người siêng năng; có trí nhớ; việc làm trong sạch, suy nghĩ trước mới hành động sau, hành theo Thánh pháp và không dễ duôi.”

Ông Millaka nghe câu ấy, bèn nghĩ rằng: “Đã gọi là người siêng năng thì người như ta đây có trí nhớ, việc làm chân chánh suy nghĩ trước hành động sau, đã thu thúc trong Chánh pháp, không dễ duôi”. Ông nghĩ thấy sự tu hành của mình trong sạch, ông dùng Trí tuệ quan sát thân này ngộ theo Tam tướng, đắc được Thánh quả khi ấy.

Thưa quý vị, nhắc tích này cho chúng ta thấy rằng Đại đức Millaka là người có đầy đủ pháp chánh cần, nhất là tu tập pháp tinh cần, từ khi còn là thợ săn. Ngài cố diệt bỏ nghiệp ác ấy, đến khi xuất gia hành đạo cố đè nén ác nghiệp đã phát sanh cho đến khi thành tựu Đắc quả, thật là Bậc người đáng cho hậu thế noi guơng.

Kế đến là pháp Tu cần, thế nào là tu cần?

Thưa quý vị, tiếng Phạn Bhāvanā là gieo trồng, phát triển, khai hóa, gọi là tu hay tu tiến, tu cần nghĩa là sự cố gắng siêng năng phát triển Thiện pháp, làm cho phát sanh những thiện pháp chưa sanh.

Thiện pháp dù là việc nhỏ chút ít, người tu cũng không nên xem thường mà bỏ qua, lại phải cố tâm chuyên cần thực hiện.

Như trong kinh Pháp cú Đức Phật có dạy:

“Chớ xem thường phước báo

Cho nó không đến mình

Bình nước được đầy tràn

Cũng do từng giọt nhểu

Người trí thấm nhuần phước

Cũng nhờ chứa lần ít.”

Thưa quý vị, bậc Trí Tuệ luôn luôn tìm xét các việc lành, thực hiện các Thiện pháp khiến cho phát sanh điều lợi ích, các Bậc ấy chẳng dám trì hoãn dễ duôi.

Nơi đây tôi xin nhắc lại một tích chuyện để chúng ta noi gương.

Thửa xưa, vào thời Đức Phật Kassapa có một vị đạo sĩ hướng dẫn một nhóm cư sĩ theo rất đông, nhưng ngặt nổi, vị đạo sĩ lẫn các người cư sĩ kia không ai trì giới hết dù là ngũ giới.

Một lúc nọ vị đạo sĩ suy nghĩ: “Ta hướng dẫn một nhóm cư sĩ như vầy, mà ta không giữ giới chi cả thì có chi là hơn họ đâu?”. Nghĩ rồi vị đạo sĩ thấy vậy liền nghĩ tiếp: “Thế ta cũng chưa hơn gì họ, vậy từ nay ta tiết chế không ăn phi thời.”

Nhóm cư sĩ đệ tử biết thế bèn tính nhau giữ giới không ăn phi thời.

Vị đạo sĩ ấy biết mình cũng vẫn còn ngang hàng với nhóm cư sĩ ấy không hơn gì, thì liền đến xin xuất gia với Đức Thế Tôn Kassapa. Nhóm cư sĩ đệ tử thấy thầy mình xuất gia cao thượng rồi cũng rủ nhau vào xuất gia trong Phật giáo.

Khi đã xuất gia bằng nhau, hết thảy các vị Tỳ khưu đạo sĩ cố tâm hành đạo đắc được Tu-đà-hoàn; các vị kia thấy thế cũng cố gắng lần lượt đắc Tư-đà-hườn cả thảy.

Vị tỳ khưu Đạo sĩ cố phát triển thiền định thêm, đạt đến Tư-đà-hàm, rồi A-na-hàm những vị kia cũng gia công Thiền định cho đến đắc quả vị đồng nhau với Tỳ khưu đạo sĩ.

Thấy thế vị này càng tinh tấn và thành đạt Thánh quả vô học A-la-hán, là mức độ cùng tột không còn gì hơn nữa, các triền phược đã đoạn trừ, mọi lậu hoặc đã tiêu hủy, không còn sanh tử trong tương lai. Rồi sau đó, các vị đệ tử cũng nỗ lực không ngừng và tất cả đều thành đạt A-La-Hán quả đồng nhau.

Thưa quý vị, nhắc tích này để người tu chúng ta noi gương theo đó mà hành trì, cố gắng phát triển để thành đạt những Thiện pháp gì mình chưa có, như thế đời sống ta mới trở nên thánh thiện tốt đẹp được, và sau cùng mới có đủ thiện duyên để Giác ngộ Niết-bàn, thoát khỏi cái khổ sanh tử luân hồi; như vị đạo sĩ và nhóm cư sĩ kia vậy.

Sau hết là chi pháp Bảo Cần, thế nào là Bảo Cần?

Thưa quý vị, Phạn ngữ Anurakkhā nghĩa là hộ trì, gìn giữ, hay bảo hộ, duy trì. Bảo cần là sự tinh tấn cố gắng bảo trì phát triển thêm những Thiện pháp, đã sanh rồi càng được tốt đẹp nhiều hơn, không để cho thiện pháp đã sanh bị tiêu mất.

Bậc thiện trí luôn luôn gìn giữ những gì tốt đẹp mà mình đã có, như gìn giữ báu vật đã phát sanh vậy, trước sống trong Thiện pháp sau quên lãng buông lung gọi là kẻ dễ duôi, Bậc thiện trí không thích dễ duôi, y như Phật Ngôn đã giáo truyền rằng:

“Chúng ngu si kém trí

Nối sống đời dễ duôi

Kẻ trí giữ chuyên cần

Như hộ tài sản quí.”

Trong bảy hạng người tợ như lặn nước. Người tu cần phải trở thành như bốn hạng người sau:

–      Như người lặn chìm xuống, rồi nổi lên tìm được hướng đi, tức là thánh quả Tu-đà-hoàn.

–      Như người chìm xuống nước, rồi nổi lên, đi theo hướng đã tìm được, dụ như vị Tư-Đà-Hàm.

–      Như người đang chìm, nổi lên mặt nước, đi theo hướng đã tìm, lội qua bờ kia đứng đó, dụ như vị A-Na-Hàm.

–      Như người đang chìm, nổi lên mặt nước, lội theo hướng đã tìm, qua bờ kia và lên thẳng trên bờ, dụ như thành đạt quả A-La-Hán.

Nếu không tiến đến như vậy, chúng ta hãy ở vào mức độ của hạng người thứ ba là: Người chìm xuống nước rồi nổi lên mặt nước đứng đó không hơn không kém, nghĩa là chỉ cho người hành Thiện mà chỉ giữ trong mức độ như vậy chớ không tiến hóa hơn, cũng không lui sụt.

Thưa quý vị, được như vậy cũng là tốt rồi, đến đây tôi xin thuật một câu chuyện gương mẫu trong pháp Bảo cần để chúng ta tu tập theo.

Xưa có một thiện nam ở tại làng núi Damtavaddhammānātho, vào ngày trai giới đến thọ bát quan trai cùng ngài Đại đức Pingala Buddharakkhita tại chùa Ambariya. Sau khi thọ xong, ông đi cày ruộng. Lúc ấy con bò của ông đi mất, ông lên núi tìm, vì vô ý ông bị một con trăn to quấn ông, lúc bấy giờ trên tay ông có cầm một con dao thật bén, ông mới nghĩ rằng: “Một khi ta đã thọ giới cùng Bậc có đức hạnh cao, ta không nên để giới hạnh ta bị hư hoại, ta nhất định thà chết còn hơn là phạm giới”, rồi ông liệng con dao ấy ra xa, vì ông sợ rằng con dao còn trên tay ông sẽ giết con trăn, vì tâm ác và lòng tham sống. Nhờ oai lực của sự hy sinh mạng sống để giữ Giới hạnh cho trong sạch, làm cho trăn có cảm tưởng là đang quấn nhằm một lò lửa, nên kinh sợ tháo ra và bỏ chạy.

Thưa quý vị, nhắc tích này cho ta thấy các vị tu hành xưa kia, thật là tinh tấn chân chánh, một khi đã thọ trì Thiện pháp rồi, thì cố bảo trì Thiện pháp ấy cho đến cùng, chẳng dễ duôi để hư hoại, thật đúng là người tu chính chắn. Chúng ta là những người Phật tử nên hành theo gương đó, cố mà gìn giữ những Thiện pháp nào đã phát sanh nơi mình cho được tốt đẹp mãi, nhờ thế mới được an vui luôn luôn.

Thời pháp hôm nay thưa quý vị, tôi vừa đề cập đến bốn pháp Chánh Cần là tư cách cố gắng siêng năng chân chánh, không sai quấy là cố ngăn trừ ác pháp và cố trau giồi thiện pháp. Nói cho rõ là 4 tư cách:

–      Một là cách siêng năng ngừa đón các Ác pháp chưa sanh không cho sanh gọi là Thận cần.

–      Hai là cách tinh tấn diệt trừ những Ác pháp đã sanh cho diệt mất gọi là Trừ cần.

–      Ba là cách tinh tấn khai thác các Thiện pháp chưa sanh cho đặng sanh gọi là Tu cần.

–      Bốn là cách tinh tấn bảo trì những Thiện pháp đã sanh cho được còn tốt đẹp mãi gọi là Bảo cần.

Bốn pháp chánh cần này là nền tảng cho sự tu tập của người Phật tử tu hành, nhờ bốn pháp chánh cần này nâng đỡ trong Thiện pháp không bị lui sụt thối hóa, do đó không bị rơi vào con đường bất hạnh, cảnh giới khổ đau, nhất là được mau giải thoát các nỗi thống khổ trong đời này. Vì thế mong rằng mỗi mỗi người Phật tử chúng ta ai ai cũng tu tập bốn pháp chánh cần này, cho đặng tốt đẹp.

Thời thuyết trình hôm nay xin kết thúc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *