TỨ THÂN PHƯỢC PHÁP

Thời pháp hôm nay tôi xin thuyết trình về “Tứ thân phược pháp”.

Đời sống của chúng sanh hạng phàm như ta đây là nơi chất chứa phiền não, là môi trường cho phiền não phát sanh. Trong khi đó nếu chúng ta có nhận biết được một phần nào phiền não trong nội tâm tất sẽ giảm trừ bớt đi, cũng như người để ý biết mình có bệnh thì sẽ ngừa trị căn bệnh ấy, do vậy bệnh không tái phát nhiều, trái lại nếu không biết ắt sẽ có hại.

Thế nào là Thân Phược Pháp?

Thưa quý vị, thân phược pháp là pháp trói chặt thân tâm, khiến cho chúng sanh mắc dính sầu muộn, khó tháo mở để giải thoát tự do. Tiếng Phạn gọi Kāyagamtha, dịch là thân phược, ám chỉ sự trói cột Thân Danh và Thân Sắc.

Thân sắc tức là phần vật chất, xác thân gọi là Sắc uẩn; còn Thân danh là phần tâm thức gồm có 4 là: Thọ uẩn, Hành uẩn, Tưởng uẩn và Thức uẩn. Vì thế nên gọi là bốn pháp trói chặt thân tâm.

Bốn pháp trói chặt Thân tâm đó là gì?

Thưa quý vị, trong kinh Đức Phật có dạy bốn pháp gọi là: Tham ái thân phược, Sân độc thân phược, Giới thủ thân phược và Ngã kiến thân phược.

Đó là 4 pháp trói chặt thân tâm còn gọi là thân phược.

Bây giờ để am tường tánh chất những pháp này, chúng ta hãy tìm hiểu sâu vào chi pháp. Trước hết chúng tôi xin trình bày pháp thứ nhất.

Thế nào là Tham ái thân phược?

Thưa quý vị, Phạn ngữ gọi Abhijjhā có nghĩa là khát vọng, luyến mê đối tượng, nơi đây lòng khao khát mê say theo lục dục là sắc đẹp khả ái, âm thanh khả hỷ, hương thơm, vị ngon, xúc lạc và pháp ái, chính đó làm trói chặt thân tâm của chúng sanh, có thể nói chúng sanh khó giải thoát khỏi sự trói cột ấy được.

Trong kinh có dạy rằng: “Người tham ái dục trần bị dính mắc bởi lạc thú ấy khắm keo cũng tựa như con khỉ rừng tham nhựa cây đẹp, giơ tay sờ bị dính cứng vội lấy tay khác để gỡ, ngờ đâu lại dính luôn; nó liền dùng 2 chân đạp gỡ, nào dè cũng dính nốt; nó vội lấy miệng cào gỡ thì cũng bị dính luôn; khi ấy con khỉ hoàn toàn mất hết tự do và đương nhiên làm con mồi cho tên thợ săn.”

Cùng thế ấy, thưa quý vị, khi chúng sanh mê luyến theo cảnh trần, chính lòng tham ái đó trói chặt họ vào cạm bẫy dục vọng làm mồi của ma vương. Rốt cùng, chúng sanh phải rơi vào vòng đau khổ thống thiết.

Như thuở xưa, tại thành Vesālī có chàng thanh niên tên Nahāpitaputta là con của một người thợ cạo, một hôm chàng xin theo cha vào hoàng cung chầu vua, bỗng gặp nàng công nương vốn là công chúa con đức vua, công chúa có sắc đẹp khuynh thành, hoa nhường nguyệt thẹn, khả ái vô cùng. Bấy giờ chàng Nahāpitaputta tâm chao động, đê mê nhìn nàng đắm đuối như ngắm nhìn một bức tranh tuyệt mỹ, không sao xa rời được. Quá quyến luyến sắc đẹp mỹ miều, chàng quên đi hiện tại.

Người thợ cạo chứng kiến cảnh tượng lấy làm e ngại vội lên tiếng kéo con về hiện tại, bảo ra về. Chàng thanh niên không đành lui bước nhưng vẫn nặng nhọc theo cha.

Về đến nhà, chàng không còn tâm trí để vào việc khác nữa, ngoài ra mơ tưởng bóng sắc yêu kiều của công nương; chàng đã xin cha cưới công chúa nhưng hy vọng quá mỏng manh đối với chàng là con dòng giai cấp thấp thỏi, cha chàng không cho phép.

Chàng Nahāpitaputta mang bệnh tương tư thật sự, chẳng còn thiết gì về việc ăn uống nữa, chàng mòn mỏi yếu ớt chết dần và sau đó trút hơi thở cuối cùng, mang theo tâm trạng bi đát vô cùng đau thương.

Thưa quý vị, qua câu chuyện được ghi nhận như vậy, cho chúng ta thấy mối tai hại lớn của chúng sanh, thật sự tham ái chính là sợi dây quá rắn, trói chặt thân tâm, không sao vùng gỡ được, và cũng chính nó dẫn chúng sanh đến đau khổ triền miên.

Biết thế, người Phật tử khi đã quán triệt cần phải xả ly; khi xả ly cần phải tu tập Tri kiến giải thoát. Bởi do đó mới thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau, nên trong kinh Pháp cú, Đức Phật có dạy:

“Từ khát ái sầu muộn sanh,

Từ khát ái lo sợ sanh,

Đối với ai thoát khỏi sự khát ái,

Thời chẳng còn sầu muộn, tất đâu lo sợ.”

Kế đến, chi pháp thứ hai, thế nào là Sân độc thân phược?

Thưa quý vị, Phạn ngữ gọi Byāpada nghĩa là lòng cố oán, ác cảm, tức là sự oán thù làm hại kẻ khác. Nói về sự sân mà trói mặt thân tâm, chẳng phải là trạng thái khó chịu thường đâu.

Chính lòng oán hận mới làm cho thân tâm của chúng sanh bị trói chặt nghĩa là tâm ác cảm cột xiết thân tâm khi nào rồi, thì kẻ ấy khó nguôi ngoai xóa bỏ được, hằng chấp cứng, chính vì thế mà chúng sanh bị đau khổ sầu muộn. Người bị ác cảm thì hồi hộp lo sợ mình bị hại, đối với kẻ oán thù người thì tâm thân nóng nảy bực dọc bị thiêu đốt bởi lửa sân.

Đức Phật có dạy trong kinh Anguttara; người bị phẫn nộ chi phối, bị phẫn nộ cột trói rồi, có thể họ làm ác hạnh bằng thân, làm ác hạnh bằng khẩu, làm ác hạnh bằng ý, do vậy sau khi thân hoại mạng chung, họ bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục.

Đến đây, tôi xin nhắc lại một chuyện tích điển hình.

Thuở xưa, tại thành Ba la nại dưới quyền thống trị của Đức vua Kitavāsa. Nhà vua có một hoàng tử tên là Dutthakumāra, tỏ ra rất thông minh, đỉnh ngộ đức vua và hoàng hậu hết mực nuông chìu cả triều thần ai cũng hết lòng kính trọng, nhưng khổ nổi, hoàng tử càng lớn lên thì lòng kiêu mạn và tâm địa hung dữ cũng tăng dần. Bao giờ Dutthakumāra cũng nghĩ ngoại trừ phụ vương và mẫu hậu, ai ai cũng phải cúi đầu trước mặt chàng.

Một hôm, hoàng tử cùng đoàn tùy tùng kéo đến khu lâm viên gần thành Ba la nại để săn bắn, trên đường đi ngược chiều với đoàn xa giá, một vị Phật độc giác lặng lẽ ôm bát vào thành khất thực, trước vẻ trang nghiêm và oai nghi tế hạnh của vị Bích chi phật, những tư tưởng an lành của Ngài luôn luôn phát tiết khiến mọi người khi nhìn Ngài cảm thấy hoan hỷ lạ thường.

Không ai bảo ai, đoàn tùy tùng đồng loạt chấp tay cung kính hướng về Đức Phật độc giác đảnh lễ.

Hoàng tử Dutthakumāra thấy thế lòng sân hận nổi lên như thác lũ, nghĩ rằng bọn tùy tùng ấy chỉ được phép cúi đầu trước mặt mình mà thôi, bây giờ trong khi đi với mình mà ngang nhiên cúi đầu trước lão tu sĩ này.

Tức tốc hoàng tử rời lưng voi, tiến nhanh đến trước mặt Đức Phật Độc Giác giựt lấy bình bát trên tay Ngài quăng xuống đất rồi dẫm lên cho bể, đoàn tùy tùng kinh hãi trước hành động quá ngông cuồng của hoàng tử, chưa ai kịp can gián điều gì.

Thái tử bất nhã hỏi: “Thế lão sa môn có giận ta không, ta là hoàng tử Duttha con của vua Kitavāsa đây”.

Phật Độc Giác vẫn lặng yên với tâm thương xót, Ngài nhìn hoàng tử bằng ánh mắt từ Bi vô lượng.

Hoàng tử tiếp tục: “Lão hãy mở to mắt mà nhìn ta cho kỹ, xem bộ dạng ông như thế mà dám làm gì ai!”

Thế là ngày hôm ấy Đức Phật đành nhịn đói và vận thần thông bay về núi Namdamuhāka.

Khi ấy, không còn hứng thú trong việc săn bắn nữa, hoàng tử truyền lệnh quay về, trên đường về hoàng tử cảm thấy nóng lạ thường, sức nóng càng gia tăng quá độ, cảm thấy khát nước. Hoàng tử truyền lệnh cho đoàn tùy tùng tìm nước uống. nhưng do nghiệp lực quá nặng nề, khiến hồ ao giếng rạch đều khô cạn, đoàn tùy tùng tìm mãi không được một giọt nước nào, trong khi ấy hoàng tử lăn lộn la hét: “Nước, nước, hãy cho ta uống nước. Ôi! Khát quá có lẽ ta chết mất”.

Dù tận lực, vẫn không tìm ra nước, hết chịu đựng nổi hoàng từ Dutthakumāra oằn oại, khổ sở rồi lìa trần liền sanh vào địa ngục A-tỳ chịu khổ không sao tả xiết.

Thưa quý vị, xuyên qua tích này chúng ta ghi nhận rằng: Chính lòng sân hận nó hằng cột chặt thân tâm, trì kéo chúng sanh rơi vào khổ cảnh do ác nghiệp mình tạo bởi sân tâm. Vì thế trong kinh Tạp A-hàm, Đức Thiên Nhân Sư có dạy:

“Này Bà la môn, người bị sân hận trói buộc, bị sân hận chinh phạt làm cho phẫn nộ, thời người ấy làm thân ác hạnh, hành khẩu ác hạnh, và suy nghĩ ý ác hạnh, do làm thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh. Sau khi thân hoại mạng chung, nó sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ địa ngục, không nên thân cận”.

Đó là lời dạy của Bậc đạo sư chúng ta nên hành trì.

Tiếp đến chi pháp thứ ba, thế nào là Giới thủ thân phược?

Thưa quý vị, giới thủ thân phược nghĩa là sự chấp trì giới cấm không thích đáng, khiến cho trói chặt buộc ràng thân tâm theo ác kiến, làm cho chúng sanh không thể giải thoát được, chẳng giảm trừ phiền não mà trái lại càng chất chứa thêm nhiều phiền toái.

Giới cấm ấy là như thế nào?

Đối với người Phật tử chỉ vâng giữ chấp hành các điều giới luật do Đức Phật là Bậc đạo sư sáng suốt ban hành và chấp nhận những học giới ấy có công năng tiêu trừ ác nghiệp, tạo nên một đời sống Thánh thiện gương mẫu và hiện tại lạc trú.

Trái lại, thưa quý vị, có những giới cấm cực đoan, vô bổ, do chủ thuyết tà giáo ngoại đạo dựng lên, Đức Phật không chế định cũng như không nhìn nhận, giáo điều ấy không đem đến giải thoát phiền não mà chỉ tạo kết quả nông nổi bi đát thôi, như là ăn chay, nằm đất, nằm gai, bện tóc, uống nước lã, hơ mình trên lửa, hoặc cúng tế thờ lửa, cầu kinh, … hay giữ một mật hạnh nào đó với ý mong tha lực hộ trì.

Chúng sanh khi đã chấp giữ những giới cấm như vậy rồi, thời thân tâm bị trói chặt không sao giải thoát Tà tri kiến được, chính họ bị rơi vào đọa xứ bất hạnh.

Một lần nọ, thưa quý vị, khi Đức Phật ở giữa dân chúng Koliyā, bấy giờ có ngưu hành giả Puṇṇa, chuyên trì hạnh con bò, cùng với cẩu hành giả Seniya, chuyên trì hạnh con chó. Cả hai đều đến hầu Đức Phật.

Rồi ngưu hành giả Puṇṇa bạch hỏi Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, lõa thể Seniya là cẩu hành giả chấp hành loài chó trong một thời gian dài, y thực hành hạnh con chó, ăn đồ ăn quăng dưới đất, vậy sanh thú hắn thế nào? Vận mệnh hắn thế nào?”

Đức Phật ngăn lại câu hỏi, ngưu hành giả khẩn khoản yêu cầu đến lần thứ ba, Đức Phật dạy rằng: “Ta đã ngăn cản tuy nhiên ta sẽ trả lời cho ngươi, ở đây này Puṇṇa, người nào chấp trì hạnh chó, tư tưởng như chó, uy nghi loài chó một cách hoàn toàn viên mãn. Sau khi chết sẽ sanh làm loài chó, nếu người ấy có ác tà kiến rằng: “Do chấp trì khổ hạnh này, giới điều này, ta sẽ sanh làm Chư thiên”, thời như vậy do Ác tà kiến người ấy sẽ có một trong hai sanh thú: Địa ngục hay Bàng sanh; thế thì chấp trì hạnh chó nếu được thành tựu sẽ sanh làm chó bằng không sẽ sanh trong địa ngục!”.

Khi nghe nói vậy, cẩu hành giả khóc lóc, hối tiếc mình đã thực hành hạnh vô ích, rồi cẩu hành giả Seniya bạch hỏi Thế Tôn về sanh thú và vận mạng của ngưu hành giả Puṇṇa như thế nào? Là một người đã chấp trì hạnh loài bò trong một thời gian dài?

Đức Phật lại ngăn cản 3 lần, sau cùng ngài dạy rằng: “Ta đã ngăn cản 3 lần, tuy vậy, ta sẽ trả lời cho ngươi, ở đây này Seniya, người nào chấp hành bò, tư tưởng như con bò, uy nghi như loài bò, một cách hoàn toàn viên mãn, sau khi chết sẽ sanh làm loài bò, nếu người ấy có ác tà kiến như sau: “Do chấp trì khổ hạnh này, do giới điều này ta sẽ sanh làm chư Thiên”, thời do Ác tà kiến người ấy sẽ có một trong hai sanh thú: Địa ngục hay Bàng sanh, như vậy chấp trì hạnh bò nếu thành tựu sẽ sanh làm bò bằng không sẽ sanh trong địa ngục.”

Thế Tôn giảng xong, ngưu hành giả Puṇṇa khóc mướt và tỏ bày nỗi uổng tiếc của mình hành vô ích bấy lâu nay, và cả hai cầu thỉnh pháp nơi Đức Phật để từ bỏ hạnh cực đoan của mình.

Thưa quý vị, như vậy có lợi ích gì, khi chúng ta hành trì ác giới chấp trì tà giới? Sự chấp trì giới đều không do Chánh tri kiến đưa đến, là tổ chỉ ràng buộc, trói chặt thân tâm mà thôi, muốn giải thoát người Phật tử cần nên sáng suốt nhận định trước khi chấp trì một giới điều nào, chớ mù quáng để bị trói chặt trong khổ đau, hãy trừ bỏ Tà giới vô ích.

Và sau cùng, chi pháp thứ tư, thế nào là Ngã kiến thân phược?

Thưa quý vị, ngã kiến thân phược là chấp trước bản ngã quá sâu đậm, tức là cho rằng cái này thật là ta, là của ta, chính do sự chấp trước ấy nên hằng trói chặt thân tâm chúng sanh.

Sự kiện này cũng là tri kiến sai lầm thuộc về Tà kiến, một khi chúng sanh có tư tưởng ngã chấp, chắc hẳn sẽ bị ràng buộc khổ đau. Khi mà thực tế phũ phàng không chịu dưới chủ quyền của ai; chính ta còn không, có cái gì là thật ngã?

Và lại nữa ngay trong đời sống hiện tại, con người bị tư tưởng Ngã kiến cột ràng, thời họ bị thoái đọa không mong cầu tiến được thì làm sao giải thoát? Có chăng là khi con người đã ý thức và từ bỏ những tư tưởng ngã sở, ngã chấp qua một bên như thế mới hy vọng.

Như thuở Phật giáo lúc sơ thời, Đức Phật ngự đến xứ Uruvela để độ ba anh em thầy Kassapa.

Nói về thầy đạo sĩ anh cả ở tại rừng Uruvela, nên có tên là Uruvela Kassapa, còn lại hai người kia cũng là đạo sĩ trú một nơi khác chung quanh đó, Cả 3 thầy đều xuất gia theo lối đạo sĩ phạm ngã.

Bấy giờ khi Thế Tôn ngự đến rừng Uruvela, Ngài lại ngay đạo sĩ Kassapa xin trú ngụ, bắt đầu từ giờ phút ấy Thế Tôn thực hiện thần thông lực cảm hóa thầy đạo sĩ.

Trước hết Ngài dùng thần lực để thâu phục rồng chúa hung ác ở tại đền thờ lửa của đạo sĩ, đạo sĩ Kassapa nghĩ thầm phục nhưng vẫn cho rằng: “Dù vậy vẫn chưa bằng ta”.

Kế đến trong đêm Tứ Thiên Vương rồi Đức Đế Thích đến hầu Phật, hào quang chói sáng toàn vùng, sáng sớm đạo sĩ hỏi thăm biết việc, mới nghĩ ông Sa môn có nhiều oai đức thật đến đỗi vua trời còn phải đến hầu; dầu thế nhưng vẫn chưa cao thượng bằng ta.

Liên tiếp trong nhiều ngày sau, Đức Phật đã thực hiện thần thông lực kể có đến ba ngàn năm trăm lần khác nhau, thế mà đạo sĩ Kassapa vẫn chấp cứng quan niệm cho rằng ta cao thượng hơn.

Thế mới biết con người chấp trước bản ngã quá sâu đậm, rồi hằng bị trói chặt nếu không phải là Phật thì có ai gỡ ra cho được.

Và rồi sau cùng, vào một ngày nọ, mưa bão thật to cả ngày đêm làm cho khu rừng Uruvela bị ngập hết, phàm một vị Chánh đẳng Chánh giác ngự nơi nào dù cho nước lụt hay lửa cháy, thì chỗ trú của Ngài vẫn an nhiên vô sự, lúc ấy Phật liền dùng thần thông tạo thành tường nước vây quanh đường kinh hành của Ngài, khi đó đạo sĩ Kassapa đến vấn an, thấy vậy cả kinh, nhưng vẫn cố chấp. Đức Phật liền khơi dậy tâm ông và giải thích trạng thái tâm sai lạc của ông ví như tên trộm bị bắt quả tang. Ông đạo sĩ sợ hãi nghĩ rằng vị Sa môn này biết được tư tưởng của mình, ông vội vàng đảnh lễ Phật và xin xuất gia cùng với nhóm đạo sĩ tùy tùng 500 vị, sau đó cả hai đạo sĩ em cũng đến gia nhập giáo hội.

Câu chuyện này quá dài, nhưng thưa quý vị, để cho thấy rằng cái hậu quả nguy hại của sự chấp cứng bản ngã quá sâu đậm, trở thành cái thành kiến cố hữu làm trói chặt thân tâm của chúng sanh không sao cầu tiến được. Là người Phật tử muốn tiến tu, chúng ta phải từ bỏ cái thành kiến ngã chấp này đi vì cứ cho rằng: “Tôi như thế này, tôi như thế nọ, cái này của tôi, cái kia của tôi, …” bởi vậy mới sanh ra nhiều bi đát.

Tóm lại, thưa quý vị, thời pháp hôm nay tôi vừa trình bày về Tứ thân phược pháp, nghĩa là bốn pháp trói chặt thân tâm. Đó là sự tham đắm lục dục (sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc lạc và pháp ái) là pháp trói chặt thân tâm. Kế đến sự cố oán sân hận với người là pháp trói chặt thân tâm. Tiếp nữa sự chấp trì giới cấm tà giáo, là pháp trói chặt thân tâm. Và sau cùng, sự chấp trước bản ngã sâu đậm, là pháp trói chặt thân tâm.

Thưa quý vị, muốn đoạn trừ thân phược tham ái, Người Phật tử luôn luôn phòng hộ sáu căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) cùng thường xuyên quán niệm về tánh cách vô thường giả tạm của vạn pháp, để đoạn trừ Thân phược sân độc, người Phật tử năng tu chánh định và sống an trú với tâm Từ bi đối với chúng sanh, mọi loài. Mong rằng chúng sanh lúc nào cũng an vui, để đoạn trừ Thân phược giới thủ, chúng ta phải đào tạo Trí tuệ chánh tri kiến phản ảnh, việc làm trước khi chấp trì và để đoạn tận Thân phược ngã kiến, ta phải quán triệt lý vô ngã là tánh chất rỗng không của vạn pháp, chẳng có chi là thật ngã trường tồn.

Thời pháp đến đây là kết thúc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *